ĐỨc giêsu hiỆn ra Ở bỜ hỒ tibêria

Thứ năm - 07/04/2016 00:00

ĐỨc giêsu hiỆn ra Ở bỜ hỒ tibêria

1.- Ngữ cảnh Tuy ngay từ đầu, TM IV được lưu truyền luôn luôn có ch. 21, các nhà chú giải cho rằng chương này chỉ là một phụ trương được thêm vào sau. Nhưng vì không có được những bằng cớ thật xác đáng về ngôn ngữ và văn phong để có thể khẳng định mạnh hơn, các tác giả hiện nay chấp nhận rằng chương 21 đã được một môn đệ thuộc trường phái Gioan (hoặc một môn đệ của người môn đệ Đức Giêsu yêu thương) thêm vào khi xuất bản quyển TM IV. Với lại có một loạt những chi tiết rõ ràng là các biểu tượng, khiến không dễ gì mà nói được rằng điều gì đã xảy ra thực sự.
 (Gioan 21,1-19 – CN III PS -  C)
 
 

Riêng ở đây, chúng ta chọn đọc theo phương pháp đồng đại. Như thế, theo đường tường thuật của tác giả thánh, Đấng Phục Sinh đã hiện ra hai lần giữa các môn đệ, chứng minh rằng Người là Đức Chúa hằng sống và đã được tôn vinh (20,19-21), bằng cách cho các ông thấy các vết thương. Lần hiện ra được kể trong bản văn chúng ta đọc hôm nay là lần thứ ba. Vào lúc tảng sáng, Đức Giêsu ở trên bờ Hồ Tibêria; các môn đệ đang ở trên thuyền để đánh cá. Các ông thấy Người, nhưng không nhận ra Người (21,4). Các ông im lặng. Đức Giêsu nói và hành động, còn các ông thì hành động theo như Người truyền. Ở đây không còn phải là ghi nhận sự thật là Người đã sống lại, nhưng là trải nghiệm một điều khác: khi các ông hành động theo lời Người, các ông đạt được những kết quả khả quan, và các ông thấy là Người vẫn tiếp tục ăn uống với các ông (21,1-14). Sau đó, Đức Giêsu đã “bổ nhiệm” Simôn Phêrô làm mục tử chăn dắt chiên của Người và loan báo con đường tương lai của ông (21,15-19).
    
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ (21,1-14):
a) Cảnh đánh cá (cc. 1-8),
b) Bữa ăn trên bờ biển (cc. 9-13),
c) Một nhận xét (14);
2) Đức Giêsu Phục Sinh nói với Phêrô  (21,15-19):
a) Đức Giêsu phục quyền và giao nhiệm vụ cho Phêrô (cc. 15-17),
b) Đức Giêsu nói về số phận của Phêrô (cc. 18-19).
 
3.- Vài điểm chú giải
- Sau đó (1): Đến sau đoạn kết 20,30-31, công thức chuyển tiếp này không có giá trị về thời gian rõ ràng gì.
- tỏ mình (1): Đọng từ phanêroun được dùng 9 lần trong TM IV (còn trong chương 21: 2 lần trong c. 1 và 1 lần trong c. 14). Động từ này diễn tả một ý tưởng là có điều gì vượt lên khỏi bóng tối; đối với Ga, động từ này muốn nói đến một mạc khải từ trời cao ban cho trái đất.
- cho các môn đệ (1): Từ này nhắm đến những người đã chứng kiến Đức Giêsu hiện ra ở 20,19.26. Như thế, ta có thể cho rằng đây là Nhóm Mười Một (theo các TMNL). Bảy (hay năm) môn đệ sẽ được nêu tên ở c. 2.
- Ông Simôn Phêrô... (2): Con số các môn đệ có mặt là bảy ông. Tại ch. 21 này, chúng ta đang ở tại miền Galilê; miền này nhắc nhớ đến “Galilê của Dân ngoại”. Và bảy môn đệ là các thủ lãnh của cộng đoàn phát sinh từ Dân ngoại (x. Cv 6,1-6). Điểm mới ở đây là có những thủ lãnh đến từ Dân ngoại và những thủ lãnh thuộc Nhóm Mười Hai. Điểm này nhằm nêu bật sự hợp nhất của cộng đoàn.
- đêm ấy họ không bắt được gì cả (3): Động từ piazein (ở đây và c. 10) xuất hiện trong TM Ga 6 lần khi nói về việc bắt Đức Giêsu; trong thực tế, động từ này không mấy khi được dùng để nói về việc bắt thú vật hay bắt cá. Những người quen biết tập quán Paléttina cho biết là, thường thường, trên Hồ Galilê, người ta đánh cá ban đêm thì có kết quả tốt hơn là ban ngày; với lại cá bắt được ban đêm có thể bán được khi còn tươi vào lúc sáng sớm.
- thả lưới xuống bên phải mạn thuyền (6): Chi tiết lạ lùng này không có trong câu truyện song song của TM Lc (Lc 5). Bên phải là bên may mắn, bên tốt (x. Mt 25,33), nhưng ở đây hẳn là không có nghĩa này. Tác giả Ga muốn gợi ý là Đức Giêsu có một sự hiểu biết vượt quá tự nhiên và người môn đệ có một bổn phận luân lý tương ứng là vâng lời Người chính xác.
- Chúa đó (7): Danh hiệu này được dùng như một lời tuyên xưng Đức Giêsu Phục Sinh ở 20,18.25 và 28. Xem c. 12. 
- Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần (7): Khó mà cho rằng Phêrô hoàn toàn trần truồng, vì như thế sẽ xúc phạm đến tính nhạy cảm của người Do-thái. “Ở trần” (gymnos) có thể có nghĩa là ăn mặc phong phanh. Chúng ta có thể hình dung ra hoàn cảnh sau: Lúc đó vì là buổi sáng, trời hơi lạnh, Phêrô khoác một tấm áo ngoài (ependytês) để làm việc. Vừa nghe biết là Đức Giêsu, ông liền thắt áo lại để nhảy xuống nước mà bơi vào, bởi vì động từ dyazônnymi (ở thì aorist là diezôsato) có nghĩa là “thắt [áo] quanh mình [bằng một dây lưng]”. Như thế ông thắt chặt áo lại để bơi dễ dàng.        
- một trăm năm mươi ba con (11): Tác giả Ga thường dùng “khoảng/phỏng chừng” (hôs), thế mà ở đây ông lại cho một con số tròn. Rất có thể người ta đã đếm cá vì tò mò; nhưng con số này được ghi lại hẳn không chỉ vì muốn cho chính xác. Do đó, các nhà chú giải đã đoán là đây là một con số biểu tượng: (a) Thánh Giêrônimô cho rằng con số này lấy từ kiến thức về động vật học lúc đó (trên thế giới có 153 loại cá), để nói rằng công việc truyền giáo của các Kitô hữu sẽ đưa vào Hội Thánh mọi người hoặc ít ra mọi hạng người; (b) Thánh Âutinh cho rằng con số này tượng trưng cho sự hoàn hảo…; (c) Thánh Cyrillô Alexandria thì tách con số làm ba: số 150 chỉ toàn thể Dân ngoại, số 50 chỉ số sót của Israel, số 3 chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi… Vấn nạn cho các giả thuyết này là: các độc giả của TM IV có hiểu được theo cách tinh tế như thế chăng. Nhưng dù theo giả thuyết nào, ý nghĩa phổ quát vẫn nổi bật. Ta có thể cho rằng ý nghĩa của con số 153 bắt gặp công thức “gom được đủ thứ cá” trong dụ ngôn về Nước Trời (x. Mt 13,47). Hội Thánh phải quy tụ vào trong lưới của mình tất cả các dân nước, như Người mục tử chân chính quy tụ vào đàn mình những con chiên phát xuất từ những ràn chiên khác với ràn chiên Israel (Ga 10,16). Cũng vậy, Con Người sẽ lôi kéo tất cả mọi người vào trong một tấm lưới cánh chung (x. 12,32; 6,44). Như thế, cần liên kết vào đề tài này các chi tiết về chiếc thuyền duy nhất và tấm lưới nguyên vẹn.  
- Đó là lần thứ ba (14): Từ công thức này, ta suy ra là người viết biết chương trước. Nhưng trong ch. 20, ta thấy có ba cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Vậy hẳn là tác giả chỉ quan tâm đến các cuộc hiện ra với Nhóm Mười Một (không kể đến cuộc hiện ra với Maria Mácđala).
- anh có mến/thương Thầy không? (15.16.17)[1]: Hầu như tất cả các nhà chú giải đã cho rằng Đức Giêsu hỏi ba lần là để tha việc ba lần Phêrô chối Người. Nhưng nếu vậy, hẳn là đến lần thứ ba, mới có việc trao quyền chăn chiên, như để cho Phêrô hiểu là ông đã thực sự được tha thứ. Thế thì tại sao ở đây lại có ba lần trao “bài sai”? Vào thời xa xưa, những công thức pháp lý thường không được viết ra, nhưng được lặp lại ba lần trước người chứng (chẳng hạn trong luật hôn nhân Paléttina); khi đó thủ tục kết giao đã được hoàn tất đúng quy cách và có hiệu lực. Như vậy, ở đây Đức Giêsu lặp lại ba lần là để cho hiểu rằng Phêrô đã được chính thức và đúng thể thức trao nhiệm vụ chăn dắt tất cả đàn chiên của Người. Qua ba lần trực tiếp trao nhiệm vụ, Đức Giêsu cũng gián tiếp tha thứ cho Phêrô.  
          Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến là agapê, một tình yêu quảng đại, tự hiến mình hy sinh (agapas me). Sau khi đã chối Đức Giêsu, Phêrô không dám so sánh agapêcủa ông đối với Đức Giêsu với agapê của các môn đệ khác, nhưng ông khẳng định tình thương của ông (philô se) là tình thương trìu mến (philia) như một người bạn (philos). Ông đã chứng tỏ tình thương trìu mến của ông đối với Đức Giêsu lớn hơn tình thương của các môn đệ khác, khi nhảy xuống nước và bơi vào bờ để đến với Đức Giêsu trước (c. 7), còn các môn đệ khác từ từ vào bờ bằng thuyền (c. 8).
- hãy chăm sóc ... chăn dắt (15.16.17): “Chăm sóc” (boskein, cc. 15 và 17), “chăn dắt” (poimanein, c. 16). Bản LXX dùng cả hai động từ Hy-lạp này để dịch động từ Híp-ri râ‘âh (to feed; to pasture; to rule), nên ta có thể coi hai động từ này có cùng một ý nghĩa (Bản Neo Vulgata dịch cả hai trường bằng động từ La-tinh pascere). Tuy nhiên, cách tinh tế hơn, ta thấy boskein được sử dụng theo cả nghĩa chữ lẫn nghĩa bóng (Ed 34,2) để diễn tả việc “nuôi dưỡng thú vật”; còn poimanein có cả một vùng ý nghĩa bao quát hơn, gồm các công việc làm cho đàn vật như “hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng”, cả nghĩa chữ (Lc 17,7) lẫn nghĩa bóng (Ed 34,10; Cv 20,28; Kh 7,17...), và cũng có thể có nghĩa là “điều khiển, cai quản”. Tổng hợp lại với nhau, hai động từ này diễn tả toàn thể công việc mục vụ[2].
- chiên (15.16.17): Ở c. 15, “các chiên” là arnia (“lambs”); ở cc. 16 và 17, “các chiên” là probata (“sheep”). Arnia là từ hiếm, trong TM IV chỉ được dùng ở chỗ này[3], nên từ tương ứng với arnia ở c. 17, chúng tôi đồng ý với R.E. Brown mà cho rằng, thay vì đọc là probata thì phải đọc là probatia, cũng là một từ hiếm (theo Codex AlexandrinusCodex Vaticanus); còn probata (theo Codex Sinaiticus) có thể là một sửa chữa của người chép cho hài hòa với c. 16 và Ga 10. Lý do: nếu bản gốc là probata, không lẽ người chép nào đó lại sửa thành từ ngữ hiếm là probatia [4].
Tuy có những tác giả, như Brown, cho rằng các từ ngữ này có cùng một ý nghĩa như nhau để chỉ chung là “các con chiên”, chúng ta có thể cho rằng cần phân biệt ý nghĩa các từ vì có một (hoặc hai từ) lạ (là arniaprobatia). Kh 7,17 mô tả Con Chiên (arnion) như là Đấng chăn dắt (poimanei) và dẫn đưa (odêgêsei) đàn chiên như một mục tử. Arnia Ga 21,15 hẳn cũng có ý nghĩa biểu tượng này. Vậy từ ngữ này rất có thể nhắm đến các thủ lãnh của cọng đoàn Kitô hữu. Nói cách khác, ở c. 15, Đức Giêsu ủy thác cho Phêrô nhiệm vụ nuôi dưỡng các thủ lãnh (mục tử) của các chiên Người. Ở cc. 16 và 17 “các chiên” là probata (“sheep”) và probatia (“little sheep”). Khi đó, chúng ta sẽ có một danh sách đi xuống là “mục tử”, “các tín hữu”, và “các tân tòng”. Dù sao, nếu không chấp nhận probatia, chúng ta vẫn có thể hiểu probata theo nghĩa bao quát là “các tín hữu” (nói chung) và “các tân tòng”.           
 
4.- Ý nghĩa của bản văn
          Trong Ga 21,19-31, tác giả muốn các Kitô hữu biết rằng bất cứ khi nào họ gặp nhau trong ngày của Chúa để cử hành Thánh Thể, Chúa Phục Sinh sẽ ở giữa họ. Trong bản văn hôm nay, Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ vào một ngày trong tuần. Bản văn thật sự có những ý nghĩa biểu tượng.
 
* Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ (1-14)
          Theo đề nghị của Phêrô, bảy môn đệ đi đánh cá. “Bảy” là biểu tượng của sự hoàn thiện, sự đầy đủ, nên Phêrô và các tông đồ kia tượng trưng tất cả các môn đệ của Đức Kitô. Còn “biển”, đối với Israel, là biểu tượng của tất cả những sức mạnh thù nghịch với con người. Nhiệm vụ các ông là đi ra “biển” mà “đánh/bắt cá” người, tức kéo họ khỏi những hoàn cảnh giới hạn tự do yêu thương và sống hạnh phúc. Suốt đêm, các ông không bắt được gì cả, vì không được Chúa Phục Sinh hướng dẫn. Khi đêm tối tan biến thì cũng tan biến ước mong đánh được một mẻ cá lớn.
Ngay lúc các ông còn đang chìm trong thất bại, Đức Giêsu ở trên bờ gọi các ông: “Này các chú (paidia)”. Trong tư cách Đấng Phục Sinh, Người không bị chia cách khỏi các ông, nhưng vẫn liên kết với các ông với lòng thương mến, để ân cần săn sóc các ông. Khi nghe Người gọi, các môn đệ thú nhận là đã thất bại. Đức Giêsu cho các ông những chỉ dẫn chính xác và tiên báo một mẻ cá phong phú. Các ông đã vâng nghe Người, nên đã đạt được một kết quả hết sức dồi dào. Kinh nghiệm cho các môn đệ thấy rằng họ đạt được kết quả không nhờ những vất vả mệt nhọc của họ, nhưng nhờ nghe lời Đức Giêsu. Người môn đệ Đức Giêsu thương mến bây giờ nhận ra Chúa[5]. Cũng như vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, tại mộ trống (20,2.8), bây giờ người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã là người thứ nhất nhận biết Đức Giêsu với niềm tin tròn đầy. Người môn đệ này có trực giác bén nhạy và đã báo cho Phêrô biết khám phá của mình. Ông này không chờ đợi thêm, ông quên cả mẻ cá lớn, con thuyền và các môn đệ khác, ông nhảy xuống biển, để là người đầu tiên đến bên Đức Giêsu.
          Đức Giêsu Phục Sinh không ở trên thuyền, mà lại ở trên bờ, còn các con thuyền nhắm Người mà đi vào. Ở đây, có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng nữa: Dù đang đứng trên bờ, Đức Giêsu đang ở trong vinh quang của Cha Người và cũng luôn luôn ở cùng chúng ta, mỗi ngày, cho đến tận thế. Đức tin cho các môn đệ được nên vững chắc là do Người tiếp tục trò chuyện với họ.
Đấng Phục Sinh chờ các môn đệ vào tới bờ, cũng có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng là đạt tới trời. Người đã có cá rồi (c. 9), đây là hoa trái của các hành vi của Người trong thế giới, cho dù công việc của Người phải được hoàn tất bởi những kẻ tin Người. Giống như bảy môn đệ, toàn thể cộng đoàn Kitô hữu được chờ đợi là mang theo cá với mình, tức hoa trái của việc tông đồ. Còn bánh thì Đức Giêsu luôn mang theo, đó là Thánh Thể, bánh mà Chúa Kitô Phục Sinh bẻ ra muốn tất cả chúng ta chia sẻ. Người mời tất cả các môn đệ ăn điểm tâm với Người và xin họ góp phần bằng số cá vừa đánh được (21,10.12). Cũng như trong bữa ăn với số bánh được Đức Giêsu nhân lên cho đám đông, trong đó Hồ Tibêria được nhắc tới (6,1), ở đây Đức Giêsu cũng “cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” (21,13). Chắc chắn, hơn bao giờ hết, bây giờ Đức Giêsu quả là “bánh ban sự sống” (6,35) cho các ông. Không một môn đệ nào hé một lời, bởi vì các ông đều biết rằng đó là Chúa. Các ông hoàn toàn sống dưới sự hiện diện và cho sự hiện diện của vị Chúa này, là Đấng đã sống lại, đã ngỏ lời với họ cách khả ái, Đấng vừa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ lùng và cho các ông được hiệp thông với Người và ban cho các ông sự sống viên mãn.  
 
* Đức Giêsu Phục Sinh nói với Phêrô  (15-19)
          Sau khi ăn xong, Đức Giêsu ngỏ lời với Simôn Phêrô. Lần cuối cùng hai vị nói chuyện với nhau là vào giờ từ biệt (13,36-38). Lúc ấy, Phêrô đã quay lại hỏi là Người đi đâu và đã đoan chắc với Người là sẵn sang hy sinh mạng sống vì Người. Đức Giêsu đã ba lần tiên báo rằng Phêrô sẽ chối Người ba lần, và chuyện đã xảy ra như thế (18,15-18.25-27). Bây giờ Người hỏi ông ba lần là có mến thương Người không, rồi trao phó ba lần nhiệm vụ làm mục tử chăn dắt đàn chiên của Người, là để chứng tỏ Người đã tha thứ cho Phêrô, và nhất là cho hiểu ông đã được chính thức trao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người.
          Những câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho Phêrô và những câu trả lời ông thưa lại là một lối “chơi chữ” rất ý nghĩa trên các động từ. Trong tiếng Hy-lạp, động từ phileô diễn tả tình yêu thương giữa bạn bè, dịu dàng nhưng không bao trùm cả cuộc sống, còn động từ agapaô diễn tả tình yêu không giới hạn, không dè giữ, trọn vẹn và vô điều kiện. Lần đầu, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Simôn …, anh có mến Thầy (agapas me)”, nghĩa là yêu thương với tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện không (Ga 21,15)? Nếu chưa trải nghiệm sự phản bội, hẳn là ông đáp ngay: “Con mến Thầy (agapô se)” vô điều kiện! Bây giờ, khi đã nếm cảm nỗi đau buồn vì thất trung, đã sống tấn bi kịch về sự yếu đuối của mình, ôngchỉ dám khiêm tốn trả lời: “Thưa Thầy, con thương Thầy (philô se)”, nghĩa là “con thương Thầy bằng tình yêu con người nghèo hèn của con”. Đức Kitô lại hỏi: “Simôn, con có mến Thầy”, tức là yêu thương bằng tình yêu trọn vẹn mà Thầy mong muốn không? Phêrô lặp lại câu trả lời nói về tình yêu con người nghèo hèn của mình: “Kyrie, philô se”. Đến lần thứ ba, Đức Kitô chỉ hỏi: “Phileis me?”, “Anh có thương Thầy không?”. Simôn hiểu rằng Đức Giêsu bằng lòng với tình yêu nghèo hèn của ông, vì đó là thứ tình yêu duy nhất ông có thể bày tỏ, nhưng ông cũng buồn vì thấy Thầy đã phải nói với ông như thế. Thế là ông trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con thương Thầy (philô se)”. Có thể nói là Đức Giêsu đã thích ứng với Phêrô, hơn là Phêrô thích ứng với Người! Chính sự thích ứng này đã làm phát sinh niềm hy vọng và tin tưởng nơi Phêrô, sau khi ông đã phải đau khổ vì phản bội, để ông còn có thể bước theo Thầy (21,9)[6].
          Tại Caphácnaum, Simôn Phêrô đãtuyên xưng niềm tin và tình yêu đối với Đức Giêsu, nhưng rồi ông đã chối Thầy ba lần. Hôm nay, ông tái lập tương quan cơ bản với Đức Giêsu, và đồng thời với Thiên Chúa (x. Ga 14,15-24): chính vì thế, ông lại có thể được nhận làm môn đệ Đức Giêsu và đi theo Người cho đến chết để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 21,18-19).
          Trong tư cách là Người mục tử nhân lành, Đức Giêsu lo lắng cho đàn chiên của Người, vì bây giờ Người không hiện diện hữu hình ở giữa họ nữa. Bởi vì Người chăm sóc họ và muốn gìn giữ họ, Người ban Phêrô cho họ để ông làm mục tử dẫn dắt họ. Phêrô phải săn sóc họ, phải giữ cho họ đi trên đường ngay nẻo chính, phải điều khiển và hướng dẫn họ. Con đường đã là và vẫn là Đức Giêsu (14,6); sự sống chỉ đến nhờ kết hợp với Người. Nhiệm vụ của Phêrô là dẫn đưa họ đến với Người và giữ cho họ được hiệp thông với Người.
          Bước đầu tiên để đi tới nhiệm vụ đó, là tình yêu của Phêrô đối với Người mục tử nhân lành. Điều cần ghi nhận là vị trí tối thượng của Phêrô được đặt trên tình yêu tối thượng của ông đối với Đức Giêsu, bởi vì Người chỉ giao nhiệm vụ chăn chiên sau khi đã hỏi Phêrô là có yêu thương Người hơn những môn đệ khác không. Nơi ông, tình yêu đối với Đức Giêsu càng sống động, thì bản thân ông càng mất tầm quan trọng, ông càng phải săn sóc những ai được giao phó cho ông, ông phải dẫn họ đến với Đức Giêsu và giữ cho họ kết hợp với Người. Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần là ông có yêu mến Người không. Phêrô không khẳng định mạnh để trả lời; ông nhắc lại rằng Đức Giêsu biết, và ông tuyên xưng chính tình yêu của ông. Lần thứ ba, ông buồn, vì ông nhớ lại chuyện chối Đức Giêsu ba lần. Nhưng Đức Giêsu đã tha thứ cho ông rồi. Bây giờ, khi ông đã trải nghiệm tối đa sự yếu đuối của bản thân, thì Đấng Phục Sinh giao phó nhiệm vụ mục tử cho ông. Lần thứ ba, ông trả lời thẳng thắn, ông không thể che đậy gì với Chúa, vì ở với Người, mọi chuyện được bảo đảm.     
Vào giờ ly biệt, Phêrô đã khẳng định là sẽ theo Chúa. Đức Giêsu đã loại bỏ sự tự phụ này và báo trước: “Sau này, anh sẽ đi theo Thầy” (13,36). Phêrô sẽ chia sẻ số phận của Đức Giêsu, sẽ chết như Người một cái chết tàn bạo. Ông sẽ bị dẫn đến nơi ông không muốn. Ông phải chấp nhận điều mà kẻ khác áp đặt cho ông. Ta không chắc là phải chăng là khi nói như thế, Đức Giêsu nhắm đến cái chết thập giá. Nhưng vào lúc mà Phêrô không còn chọn con đường của mình nữa, thì ông đã ở trên đường của Đức Giêsu, Đấng đã nhận lấy cái chết thập giá. Do đó, Đức Giêsu bảo ông: “Hãy theo Thầy” (cc. 19.22). Dù thế nào, Đức Giêsu luôn luôn ở với Phêrô không những khi thành công, mà cả khi thất bại, cả khi ông bị người đời khước từ và giết chết (cc. 18.19).
 
+ Kết luận
          Trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ sống thời gian sau này, khi Người không còn hiện diện hữu hình giữa các ông nữa. Các lần Người hiện ra sau Phục Sinh cũng nhắm mục tiêu này. Các ông phải biết chắc chắn rằng Người đã chiến thắng trên sự chết và Người sẽ trở về với Thiên Chúa. Các ông phải tin vào Người là Đức Chúa và Thiên Chúa. Điều tác giả thực sự muốn chúng ta biết chắc, đó là các tông đồ đã trải nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, nhưng đồng thời, ngài cũng cung cấp một bài giáo lý cho các Kitô hữu thời ngài. Hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang ở với chúng ta qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu chỉ để nói về niềm tin vào Đức Giêsu, thì các chương 1-20 cũng đã đủ, hoặc chỉ cần nói thêm đến 21,14. Do đó, có thể nói bài tường thuật cuộc hiện ra này chỉ là dịp để đưa vào cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Phêrô. Như thế, ở đây không còn là một vấn đề Kitô học nữa, mà là một vấn đề Giáo Hội học.
 
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu Phục Sinh vẫn luôn ở gần bên các môn đệ, âu yếm dõi theo các hoạt động của họ, nhưng họ không cảm thấy được sự hiện diện này. Và Người giúp họ thắng vượt những thất bại, nếu họ vâng nghe lời Người chỉ dẫn. Đối với chúng ta cũng thế, Đức Giêsu Phục Sinh luôn chúc phúc cho công việc chúng ta làm và vẫn là nguồn ban sự sống cho chúng ta. Chúng ta phải trung thành với những nhiệm vụ được giao phó và bước theo Người trên đường Người đi.
2. Hình ảnh Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các môn đệ nhắc lại cho các ông nhớ rằng Người chính là lương thực nuôi dưỡng các môn đệ. Hôm nay vì Người đã sống lại, Người đúng là lương thực thần linh, ban sự sống đời đời, giúp cho các môn đệ đủ sức tiến về quê hương vĩnh cửu.
3. Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục hiện diện và hướng dẫn các môn đệ sống và làm việc bằng Lời của Người. Khi các cộng đoàn Kitô hữu đi theo các lời chỉ bảo của Người, họ sẽ thấy những kết quả thường phi thường, được bài Tin Mừng hôm nay tượng trưng bằng lượng cá lớn mà các môn đệ bắt được.
4. Qua hoạt cảnh Đức Giêsu Phục Sinh trao nhiệm vụ mục tử cho Phêrô, chúng ta hiểu: vị mục tử nhân loại cần nhớ rằng mình chỉ là người được giao phó nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của chính Đức Giêsu. Như thế, mục tử nhân loại cũng phải liên tục bước theo Đức Giêsu để có thể chu toàn sứ mạng được ký thác. Để luôn ở ngang tầm với sứ mạng, người mục tử cứ phải yêu mến Đức Giêsu hơn mọi người khác. 
                                                                             

Tác giả bài viết: Lm FX Vũ Phan Long, ofm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập72
  • Hôm nay6,843
  • Tháng hiện tại347,830
  • Tổng lượt truy cập36,402,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây