THỜI ĐẠI ÂN SỦNG

Thứ năm - 07/04/2016 01:09

THỜI ĐẠI ÂN SỦNG

Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau 30 năm sống âm thầm với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa: Giáng sinh và Thường niên.  Giáo Hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng Sinh và Hiển Linh.  Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Người qua các biến cố của đời rao giảng.

 

Chúa chịu Phép Rửa tại sông Giođan mở ra một thời đại ân sủng cho nhân loại.

 

1. Sông Giođan

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì Giođan bé nhỏ là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu.  Dòng sông ấy gắn liền với những sự kiện quan trọng của Thánh Kinh.

 

Như một thân thể của xứ Palestine, sông Giođan góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Thiên Chúa chọn dân Do thái.  Từ Giođan chuyển từ tiếng Do thái là “hayyarden” có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian.”  Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này.  Khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Giođan (St 13, 10).  Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Giođan.  Các chi tộc vượt sông Giođan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3, 14-17).  Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc.  Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Giođan (Tl 6, 33; 2Sm 17, 22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Giođan...” (Gr 12, 5; 49, 19; 50, 44). Tướng quân Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êlisa xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5, 1-19).  Ngôn sứ Êdêkiel diễn tả sức sống sung túc của sông Giođan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó (Ed 47).

 

2. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Chính tại dòng sông Giođan bé nhỏ, Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.  Ngôi Lời Thiên Chúa từng bước xuống dòng nước ấy, chỗ thấp nhất không chỉ về địa lý không gian nhưng còn thấp cả chiều sâu tâm lý và chiều kích tương quan xã hội.

 

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Giođan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ.  Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Giođan chỉ là con lạch.  Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Giođan chỉ là con suối nhỏ.  Đứng bên bờ này sông Giođan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

 

Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn người chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

 

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạn gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Giođan bé nhỏ.

 

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1, 5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4) lại có Chúa Giêsu.  Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối?  Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy?

 

Trong đêm Giáng sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa.  Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi.  Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

 

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu đó của Ngôi Hai làm người!

 

3. Thời đại ân sủng

Trước sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng lời tuyên bố: “Đây là con Ta yêu dấu” và sai phái Thánh Thần hiện xuống dười hình chim bồ câu.  Ba dấu hiệu mà Phúc Âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.

 

a. Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

Sách Sáng Thế viết: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24).  Qua biết bao thế kỷ, Dân Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” ( Is 64, 1).  Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh Kinh ngụ ý là, con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

 

b. Dấu hiệu 2: Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu.

Sách Sáng Thế viết: Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2) như để thông truyền sức sống.  Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu với ngụ ý: Chúa Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới.  Chính Thánh Phaolô xác định: “Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tạo vật mới” (Gal 6, 15).

 

c. Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Ta…”

Qua lời tuyên bố này, chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Trong lời giảng dạy, Chúa Giêsu cho biết: những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

 

Khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa, trong giờ phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện.  Phép rửa của Chúa Giêsu là mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa.  Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện.  Các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Chúa Giêsu như một ngày Lễ Ba Ngôi; và chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Kitô giáo được ban “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

 

Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống.  Chúa Thánh Thần là tình yêu.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy.  Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái với Chúa Con: “Đây là Con Ta yêu dấu.”  Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông.  Chúa Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha.  Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Chúa Giêsu Kitô.  Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu độ con người.

 

Từ xưa trong Cựu ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh.  Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu độ nhân loại, là “mở mắt cho người mù,” là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,” là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm.”

 

Chúa Giêsu không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường.  Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ.  Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gãy.  Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi.”

 

Phép rửa trong nước mà Chúa Giêsu đón nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trở nên phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu và nguyên mẫu phép rửa Kitô giáo.

 

Ngày chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đến với mỗi người, ban cho chúng ta cuộc sống thần linh, cho chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.  Ngày chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho chúng ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Thiên Chúa, là tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trong công trình cứu độ.

 

Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo.  Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha.  Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.

 

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí tích Rửa Tội để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Amen!

 

Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập62
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại102,561
  • Tổng lượt truy cập34,735,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây