Những giọt nước mắt hổ thẹn và hối hận lăn dài trên khuôn mặt của Phê-rô, khi ông vội vã thoát khỏi sân dinh vị thượng tế, là nơi Chúa Giê-su đang bị giam giữ. Một tiếng nói bên trong nội tâm tra khảo ông: “Làm sao ông lại chối bỏ thầy Giê-su cách công khai như vậy?” Cách đây ít lâu, ông không bao giờ có thể tưởng tượng là mình có thể quay lưng với Chúa Giê-su một cách nhẫn tâm như vậy. Những lời khẳng định đầy hiên ngang mà ông vừa nói với Chúa Giê-su, nay lại quay về ám ảnh ông: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su tiên báo, thì đêm hôm ấy, ông đã chối Chúa đến ba lần. Phê-rô thầm nghĩ, mọi sự xảy ra quá nhanh. Trước hết, ông cẩn thận tìm mọi cách để đi theo Chúa vào trong sân. Rồi khi ông thấy mình đã bị nhận diện là môn đệ của Chúa Giê-su, ông chợt nhận ra là mình đang gặp nguy hiểm. Đó là khi người ta bắt đầu lớn tiếng cáo buộc ông: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì?” (Mc 14,67). Ông cảm thấy hồi hộp. Người ta càng thúc ép ông trả lời cho câu hỏi đó, thì ông càng cương quyết phủ nhận. Trong chốc lát, thái độ nhún vai phủ nhận đã biến thành một lời thề công khai, khi ông bắt đầu thốt lên những lời độc địa mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26,74).
Ngay khi ông nhớ lại một chuỗi những sự kiện xảy ra quá nhanh, thì lòng ông quặn đau như thắt vì thất bại và ông cảm thấy hết sức chán nản. Sau này, Phê-rô nhận thức rằng khi Chúa Giê-su quay lại nhìn ông, thì chính cái nhìn ấy – một cái nhìn đầy lòng thương xót – đã lay động tâm hồn ông, để ông nhận ra điều khủng khiếp mình vừa làm, đồng thời ông cũng nhận biết là Chúa đã thông cảm và tha thứ cho ông. Khi ông nhận ra điều đó, ông đã khóc lóc thảm thiết. Sertillanges đã chia sẻ như sau: “Đức Giê-su hướng về Phê-rô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thầy, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy. Tảng đá đã chao đảo. Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập. Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ rõ ràng. Phê-rô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Thiên Sai Thượng Đế hứa”.[1] Câu chuyện Phê-rô chối Thầy được trình thuật cả trong bốn Tin Mừng, chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã công bố khuyết điểm của vị thủ lãnh đầu tiên của mình, chứ không che đậy. Dù vậy, họ được thêm vững mạnh, chứ không bị vấp phạm. Kinh nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận với họ rằng, thất bại là điều có thể chấp nhận được, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ. Rất có thể là chính thánh Phê-rô đã phổ biến câu chuyện thất bại của mình, khi người không ngừng cố gắng khích lệ anh chị em mình phấn đấu – như Chúa Giê-su đã yêu cầu Phê-rô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
Như Giáo Hội tiên khởi đã xem sự sa ngã của Adam là một “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà xuất hiện Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng xem sự trượt ngã của Phê-rô là “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà Giáo Hội có được một vị thủ lãnh vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Phê-rô bị bó buộc phải đối diện với bóng tối của mình, và điều đó đã làm cho ông trở nên con người khiêm nhường đầy lòng thương xót.[2] Qua hình ảnh của thánh Phê-rô, Giáo Hội được mời gọi luôn là Giáo Hội của lòng thương xót, và cần phải là Giáo Hội của lòng thương xót hơn bao giờ hết, vì Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm và sống động của chính Chúa Giê-su, Đấng là mục tử nhân lành, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót. Chính Ngài luôn yêu thương con cái của Ngài, và mời gọi tất cả những ai sống trong khổ đau và bất hạnh hãy đến với Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29). Không chỉ dừng ở nơi đó, mà trong chiều sâu của tình yêu thương, Chúa Giê-su còn trao mọi người con của Chúa cho Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót.
**********************************
Lạy Chúa, Đấng đầy lòng thương xót.
Xin thương đoái nhìn đến những góc khuất tăm tối, những yếu đuối mỏng dòn,
và những xáo động ồn ào trong con,
Xin thương đoái nhìn đến những phút giây bội thề, những yếu hèn nhát đảm,
cùng những lơ đễnh thoái thác trong con.
Con không đòi Chúa ban cho con bất cứ điều gì, ngoại trừ lòng thương xót của Người.
Trong cuộc sống thế trần, mọi sự chỉ như hoa cỏ sớm nở tối tàn.
Những gì con cho là cao quý cũng chỉ là phù vân hư ảo
và những gì con bận tâm lo lắng rốt cuộc cũng chẳng ý nghĩa đáng giá gì.
Lạy Chúa, xin thương xót và dắt dìu con,
Xin biến đổi con một lần nữa để con lại khao khát sống cuộc đời thánh thiện,
và trở nên người của Chúa cho dẫu trong con còn nhiều hoang mang cùng bối rối.
Con không cầu xin để biết rõ ràng và chắc chắn phải làm gì,
ngoại trừ mong mỏi một điều là được Ngài dẫn dắt theo nẻo đường tình yêu của Ngài,
để có thể dõi bước và tín thác vào lòng thương xót của Ngài.
Vì được như thế, con mới tìm thấy điều con hằng khắc khoải chờ mong.
Nguồn: Thomas Merton, A Year with Thomas Merton: Daily Meditations f-rom His Journals, (Se-lected and edited by Jonathan Montaldo), (New York: HarperCollins e-books, 2007), 247.
[1] Sertillanges A.D., What Jesus saw f-rom the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP. Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu. Nguồn: www.nguoitinhuu.org.
[2] Wikie Au và Norren Cannon, Những thôi thúc trong tim, Nguyễn ngọc Kính OFM. chuyển ngữ, NXB. Phương Đông 2012, t. 246-247.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Anh, SJ, chuyển ý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn