THẦN LƯƠNG (LỄ MMTC.A).

Thứ sáu - 20/06/2014 09:41

THẦN LƯƠNG (LỄ MMTC.A).

Vào năm 1263, tại nhà thờ thánh Catherine, thành Bolsène nước Ý, có một linh mục trong khi dâng lễ, sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa.




(Đnl 8, 2-3. 14b-16a; 1Cor 10, 16-17; Ga 6, 51-59).
 Xảy ra là Máu Thánh chảy ướt khăn thánh và khăn bàn thờ. Đức Giáo Hoàng nghe tin và đã rước khăn thánh về để tạm tại nhà thờ Orviette. Sau đó, xây nhà thờ để thờ kính Máu Chúa nơi Khăn Thánh này. Ngày 8 tháng 9, 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô IV (1262-1268) đã ban hành tự sắc Transiturus, lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô và cử hành sau tuần 8 ngày của lễ Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác bài Pange Lingua và Adoro Te để tôn kính Mình Máu Thánh Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài và quan phòng mọi sự một cách lạ lùng. Mọi thụ tạo trong hoàn vũ đều thay đổi mỗi giây phút. Các loài có sự sống từ thực vật, động vật đến sinh vật đều theo một tiến trình phát triển, có sinh và có tử. Trong mọi loài Chúa đã dựng nên, được phát triển và nẩy nở theo thời gian năm tháng tùy theo mỗi loại. Nơi mọi loài có sự sống, đều phải hấp thụ dưỡng chất qua môi trường chung quanh để sinh tồn. Có nghĩa mọi loài hiện hữu cần có ăn uống, hấp thụ, tiêu hóa, đào thải, phát triển, già nua và tiêu diệt. Ăn uống là nhu cầu cần thiết để sống và sinh tồn. Ngày xưa dân Do-thái lữ hành trong sa mạc trên đường về miền Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng Manna, thịt chim cút và nước nguồn. Chúa đã nuôi dân suốt thời gian: Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng Manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới (Đnl 8, 16a). Manna lương thực nuôi dưỡng hằng ngày là hình ảnh của bánh trường sinh.
Khi ra rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Cả bốn phúc âm đều kể lại sự kiện biến hóa 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Chúa Giêsu đã cầm bánh và cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn và bẻ ra trao cho các tông đồ và các tông đồ trao cho hơn năm ngàn người ăn no nê và còn dư thừa. Chúa rộng ban một cách dồi dào dư giả. Chúa Giêsu nhận biết các nhu cầu cả tâm linh lẫn thể xác của những người đang đi theo Chúa. Chúa Giêsu đã dậy dỗ họ và đã nuôi dưỡng họ. Nhưng chúng ta biết Chúa đến trần gian không nhằm đáp ứng mọi nhu cầu đòi hỏi về thân xác của con người. Chúa làm phép lạ để minh chứng về sứ mệnh cứu độ của Chúa và để chuẩn bị tinh thần họ đón nhận của ăn cao quí hơn. Đó chính là của ăn nuôi hồn và là thần lương tinh tuyền. Chúa muốn dùng chính thân mình Ngài làm của ăn ban sự sống đời đời.
Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, trước khi Ngài chịu chết. Như đã hứa, Chúa Giêsu đã chọn bánh miến và rượu nho làm của ăn nuôi hồn. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể: Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được ơn tha tội. Và truyền: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi Chúa nói: Đây là Mình Thầy và đây là Máu Thầy, thì bản thể của bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta hiểu Chúa Giêsu nói: Đây là Mình Thầy, chứ không phải là dấu chỉ của Mình Thầy.
Chúng ta có thể nhận biết hình dáng bên ngoài của bánh và rượu như mầu sắc, mùi vị, hình thù và kích cỡ. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Kitô với con mắt trần. Chúng ta chỉ có thể nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh rượu, bởi vì Chúa đã sống lại và không còn chết nữa (Rm 6, 9). Với quyền năng vô biên, Chúa đã biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta học biết chính Chúa đã tạo dựng vũ trụ muôn loài từ hư vô. Chúa hóa bánh nuôi năm ngàn người. Chúa biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Chúa cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm rất nhiều phép lạ để chứng minh quyền năng vô biên. Bí tích Thánh Thể là sự lạ vượt trên tầm trí hiểu của con người. Đây là mầu nhiệm của đức tin.
Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể không? Chúng ta có tin bánh và rượu thực sự trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô sau khi linh mục đọc công thức truyền phép trong thánh lễ không? Trong cuộc thăm dò ý kiến (Gallup poll) mới đây về thái độ của một số người Công giáo về Bí tích Thánh Thể. Kết qủa làm cho nhiều người Công giáo bị lo lắng xôn sao về một trong những niềm tin căn bản nhất của Giáo Hội. Nói rằng chỉ có 30 phần trăm những người được hỏi ý kiến, tin là họ đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô dưới hình bánh và rượu trong khi rước lễ.
Trải qua truyền thống của hai ngàn năm, lời Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội luôn dậy rằng Bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu của Giêsu Kitô, không còn là bánh và rượu bình thường. Phúc âm thánh Gioan chương 6 đã nêu rõ: Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với họ: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi (Ga 6, 53). Chúa Giêsu nhấn mạnh về Thịt và Máu, chứ không phải chỉ là biểu tượng. Vì có một số môn đệ nghe lời Chúa nói về ăn thịt và uống máu Ngài, họ đã không thể chấp nhận và đã bỏ đi. Chúa Giêsu không kêu gọi các ông trở lại để giải thích rằng Ngài chỉ có ý nói một cách biểu trưng. Chúa Giêsu xác tín lời thật: Ai ăn thịt và uống Máu Ta, thì có sự sống đời đời và Ta, ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết (Ga 6, 54).
Thời kỳ Giáo Hội sơ khai đã khắc cốt ghi tâm những lời truyền này một cách rất cẩn thận. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu thành Corintô đã làm rất sáng tỏ: Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa (1Cor 11, 27). Phaolô đã tin nhận bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô thực sự. Giáo Hội luôn luôn dạy rằng qua lời truyền phép của linh mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể, bánh và rượu đã được biến đổi bản thể. Mặc dầu hình dạng bề ngoài vẫn là bánh và rượu, nhưng bởi quyền năng của Chúa, bánh rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Làm sao chúng ta có thể hiểu biết điều này? Đòi hỏi niềm tin. Sau khi truyền phép, linh mục nâng Mình Máu Chúa và tuyên xưng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Là mầu nhiệm, giống như tình yêu, chúng ta không bao giờ hiểu thấu hoàn toàn. Tất cả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thần tính của Chúa Giêsu, sự Chết và Sống lại của Chúa Kitô đều là những mầu nhiệm.
Nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, chúng được thông hiệp với Chúa và với nhau: Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông hiệp vào Mình Chúa đó sao?(1Cor 10, 16b). Thánh Thể liên kết chúng ta nên một. Thánh Phaolô diễn tả rất rõ: Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh (1Cor 10, 17). Chúa Giêsu đã dùng của ăn cụ thể nuôi thân xác để biến đổi trở thành của ăn nuôi hồn. Chúa hiện diện với đoàn con cái mọi nơi và mọi lúc qua Bí tích Thánh Thể trong Nhà Tạm.
Lạy Chúa, với quyền năng vô biên, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh hằng sống. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để lãnh nhận của ăn thiêng liêng và hồng phúc này. Xin cho chúng con đáng hưởng phần gia nghiệp Chúa hứa ban: Ai ăn thịt và uống Máu Ta, thì có sự sống đời đời.
 
 
Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập193
  • Hôm nay17,121
  • Tháng hiện tại447,454
  • Tổng lượt truy cập32,431,177
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây