BA NGÔI - MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Thứ bảy - 14/06/2014 05:46

BA NGÔI - MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Mỗi ngày, chúng ta làm dấu rất nhiều lần trên mình và nó trở nên quen thuộc với mọi người chúng ta. Vì khi làm dấu thánh giá là lúc chúng ta tuyên xưng Chúa Cha - Con và Thánh Thần. Đồng thời, khi ta vẽ trên mình hình thánh giá thì cử chỉ đó có mối liên hệ giữa việc làm dấu thánh giá với lời tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là mầu nhiệm tình yêu.
 
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Amen.
 
Theo cách nhìn của con người, chúng ta thường diễn tả hình ảnh Thiên Chúa Cha giống như một "Ông già" có râu dài, bên hữu là Chúa Giê-su và ở giữa là hình chim bồ câu chỉ về Chúa Thánh Thần.  Tôi thiết nghĩ, đó chỉ là hình ảnh biểu trưng về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Hình ảnh đó có thể giúp chúng ta dễ dàng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.  Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy khó hiểu từ ngữ thần học về tín điều Một Chúa có Ba Ngôi.  Ba Ngôi có Một Chúa.  Thật vậy, chúng ta không thấy Kinh Thánh định nghĩa Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, bởi vì, mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải bằng hình thức theo con số, nhưng là do các sự kiện đã xẩy ra để diễn tả về Thiên Chúa.  Người Do Thái nhận biết "Thiên Chúa là Đấng duy nhất" (Đnl.6, 4).  Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel ( Tv 67,6 ; Is 63, 16).  Cựu ước đã không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi trong Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong các sách Tin mừng, chúng ta nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giê-su, chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16, 15).  Thiên Chúa Đấng Siêu Việt vượt ra khỏi trí hiểu của con người, và là Đấng vượt trên tất cả.  Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại.  Khi về cuối đời, ông ta viết: "Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hay một vỏ sò xinh đẹp hơn tôi thường gặp, trong khi đó, cả một đại dương bao la của chân lý, tôi vẫn chưa khám phá và đang trải ra trước mắt tôi."  Khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển.
 
Như vậy, chúng ta có thể nói với nhau rằng, ngôn từ là phương tiện để diễn tả về chân lý mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, mà các nhà thần học gọi là tình yêu nhiệm xuất.  Có nghĩa là Cha sinh ra Con, và Thánh Thần xuất từ Cha và Con.  Như người mẹ sinh ra đứa con, thì người mẹ cũng cần phải chấp nhận để đứa con ra khỏi mình, bà mẹ phải đau đớn, nhưng trong nỗi đau ấy thì có một niềm vui lớn hơn vì có một đứa con ra đời.  Một đứa con là niềm vui lớn lao cho người mẹ trong cõi đời.  Từ hình ảnh đó có thể giúp cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được gắn liền với cây thập giá.  Đó là niềm vui sáng tạo trong ơn cứu độ.  Sứ mạng của Chúa Giê-su là làm theo thánh ý của Chúa Cha.  Ngài nói: " Xin đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha."  Ngài phó thác sự sống trong tay Chúa Cha:  "Con phó thác sự sống trong tay Cha" và kêu lên rằng: "Abba".  Trong nỗi đau tột cùng, Ngài cũng phải thốt lên rằng "Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con."  Đến khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài hoàn toàn phó thác sự sống trong tay Chúa Cha, và trong hơi thở và sự sống ấy, Chúa Giê-su trao lại cho Giáo hội và cho nhân loại hôm nay.

Tác giả bài viết: Langthangchieutim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay5,830
  • Tháng hiện tại346,817
  • Tổng lượt truy cập36,401,372
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây