Chúa Giêsu Kitô: VUA SỰ THẬT VÀ VUA TÌNH YÊU

Chủ nhật - 24/11/2024 19:49
tải xuống (2)
tải xuống (2)

Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ hôm nay, chúng ta đặc biệt tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ. Chúa Giêsu đến như một vị Vua, nhưng không như một vị vua mặc cẩm bào vua chúa, chiếm hữu những cung điện nguy nga, và được vây quanh bởi triều đình hoàng gia. Thay vào đó, Chúa Giêsu đến như Vua của Sự Thật, giản dị và sống cùng với một nhóm người dân thường được gọi là tông đồ. Sứ mệnh của Ngài không phải là sử dụng những mưu đồ chính trị, binh hùng tướng mạnh, để chinh phục nước này nước nọ, nhưng là để Sự Thật của Thiên Chúa Cha ngự trị trong trái tim của mọi người, không chỉ người Do Thái, mà tất cả mọi người: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). 

1. Vua Sự Thật

Hôm nay chúng ta được nghe lại một câu chuyện quan trọng trong Tin Mừng. Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã không lặng lẽ trốn đi vào một sa mạc nào đó. Ngài “biết mọi việc sắp xảy đến cho mình” (Ga 18:4), nhưng Ngài vẫn: “đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Ngài cùng với các môn đệ đi vào” (Ga 18: 1-2). Ngay cả “Giuđa, kẻ nộp Ngài, cũng biết nơi này, vì Ngài thường tụ họp ở đó với các môn đệ” (Ga 18:3). Chúa Giêsu bị người Do thái bắt và điệu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn Philatô (Ga 18:28). Philatô đã tra hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” (Ga 18:33). Câu trả lời của Chúa Giêsu rất mạnh mẽ và bí nhiệm: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Bây giờ, ở đây, tại dinh Philatô, Chúa Giêsu đối mặt và trả lời những kẻ xâm lược bằng cách bộc lộ một sự thật mà không ai có thể nắm bắt được, dù Ngài biết rõ điều đó khiến tính mạng Ngài gặp nguy hiểm. Qua cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và Philatô, bằng con mắt thế gian, người ta có thể dễ dàng thấy Chúa Giêsu bị đánh bại. Philatô chất vấn Ngài: “Ông có phải là vua dân Do thái không?... Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” (Ga 18: 33,35). Ở đây, trước kẻ thù của dân tộc, Ngài tỏ ra không có quyền năng hay thẩm quyền gì thực sự, như mấy ngày trước đây: “Đám đông dân chúng làm chứng cho Chúa Giêsu, họ là những người đã có mặt, khi Chúa Giêsu gọi anh Ladarô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết. Sở dĩ dân chúng đi đón Ngài, là vì họ nghe biết Ngài đã làm dấu lạ đó” (Ga 12: 17-18). Chắc chắn khi Chúa Giêsu đứng trước Philatô chẳng ai nghĩ Ngài là một vị vua quyền lực. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục tuyên bố sứ mệnh lớn lao của mình: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Chiến thắng của Chúa Giêsu, vốn là điều chứng tỏ Ngài là Vua, không phải là chiến thắng “thuộc về thế gian này” vì “thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Chiến thắng của Chúa Giêsu là “làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Đó là Sự Thật mà chính Chúa Giêsu đã từng nói đến trước đây: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:16-19). Philatô không thể biết Sự Thật này, ông ta “nói với Chúa Giêsu: Sự thật là gì?” (Ga 18:38).

Trong thời đại của đủ các loại tin giả và nhiều sự thực bị bóp méo này, Chúa Giêsu vẫn còn long trọng tuyên bố rằng Ngài đã sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3; 17-21). Tuy nhiên, Sự Thật này lại là điều nguy hại đối với một số người. Họ là những kẻ lạm dụng quyền lực mà họ có để đoạt lấy những quyền lợi ích kỷ cá nhân. Họ “chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa…Họ ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”  Vì vậy, họ đã sát hại Vua Sự Thật Giêsu để họ cảm thấy an toàn trong quyền lực của họ. Nhưng một khi Sự Thật được công bố thì không một kẻ lạm dụng quyền lực nào và không một thế lực trần gian nào có thể ngăn cản chiến thắng của Sự Thật. Ngày nay, quyền lực của Philatô ở đâu? Tham vọng vương quyền của Hêrôđê còn lại gì? Sự cai trị của Xêda và Đế chế La Mã đã đi về đâu? Tất cả đều đã biến mất. Nhưng vẫn có một Vua ngự trị trong trái tim của mọi người, nam và nữ, thuộc mọi chủng tộc, đó là Vua Giêsu, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). 

Để là những môn đệ đích thực của Vua Giêsu, xưa cũng như nay, noi gương Chúa Kitô trong suốt cuộc đời mình không phải là việc tùy ý, là sở thích riêng. Giống như Chúa Giêsu đã nói với Philatô, “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37), chúng ta cũng phải đứng về phía sự thật của Ngài, lắng nghe tiếng nói của Ngài, là “ánh sáng đã đến thế gian”, bất kể thế gian nói gì. Sự thật của Ngài nằm trong Kinh thánh, trong giáo huấn của Giáo hội Công giáo, và biểu lộ qua các chứng từ của những thánh nhân, nam và nữ, đã đi trước chúng ta. 

2. Vua Tình yêu

Søren Kierkegaard, nhà triết học và thần học người Đan Mạch, đã viết một câu chuyện có tựa đề “Nhà vua và thiếu nữ”. Câu chuyện kể về một vị vua vô cùng quyền lực yêu say đắm một cô gái trẻ xinh đẹp nhưng thuộc một gia đình thường dân. Điều mà nhà vua mong muốn nhất là được cô yêu lại. Theo thông lệ, các vị vua phải kết hôn với các công chúa hoàng tộc. Vậy, làm sao ông có thể thổ lộ tình yêu của mình dành cho một cô gái dân thường, và tin rằng tình yêu của cô dành cho ông, nếu có, là thực sự chân thành? Nếu ông ra lệnh đưa cô đến cung điện, mặc trang phục sang trọng và đội vương miện bằng những viên ngọc quý, cô khó có thể cưỡng lại! Nhưng liệu trong hoàn cảnh như vậy tình yêu của cô dành cho ông có chân thành, lâu dài và xuất phát từ trái tim của cô hay không? Dưới áp lực như vậy, tất nhiên cô sẽ nói rõ rằng cô yêu ông, nhưng cô có thực sự như vậy không? Nhà vua có rất nhiều câu hỏi… Ý tưởng chủ đạo của Kierkegaard là “Chỉ tình yêu mới có thể làm cho những kẻ không ngang hàng trở nên ngang hàng”. Để minh họa cho điều này, Kierkegaard viết rằng nhà vua quyết định hạ mình xuống ngang hàng với cô gái. Ông từ bỏ trang phục vua chúa và xuất hiện trước nàng như một người đàn ông bình thường trên phố. Với trái tim tràn đầy tình cảm, như một thường dân với một thường dân, ông đã bày tỏ tình yêu sâu đậm của mình dành cho nàng. Ông đã mạo hiểm tự mình đến gặp nàng, dù không biết liệu tình yêu của mình có được đón nhận hay không. Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào, vì câu chuyện là một dụ ngôn về Vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vì yêu thương chúng ta nên đã đến trong thế gian: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:16). Thánh Phaolô cho chúng ta biết thêm: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:6).

Đứng trước quyền lực thế gian, và ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, khi Philatô tuyên bố: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (Ga 19:10), Chúa Kitô vẫn dõng dạc trả lời, xác định quyền năng của Ngài: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11). Thiên Chúa Cha đã trao mọi quyền năng cho Chúa Giêsu: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5:22) và Chúa Giêsu sẽ xét xử theo chuẩn mực yêu thương: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:35-36). Chúa Giêsu luôn ý thức về quyền năng và sứ mệnh tối thượng của Ngài: yêu thương nhân loại tới cùng: “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1), đến độ “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8) để cứu chuộc họ theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính trên Ngai Tòa Thập Giá ấy Chúa Giêsu biểu lộ Ngài là Vua, Vua Tình Yêu. Hai ngàn năm nay, Chúa Giêsu vẫn là Vua Tình Yêu cai quản toàn thể nhân loại với lòng thương xót trắc ẩn, tha thứ và phục vụ, qua Giáo Hội, qua các chứng nhân Kitô hữu của mọi thời đại.  

Ngày nay, không ít người coi lòng thương xót trắc ẩn, tha thứ và phục vụ là những món hàng xa xỉ, không phải là chọn lựa để thành công về tiền bạc và khẳng định đẳng cấp xã hội. Não trạng kim tiền thực dụng đó biến xã hội con người thành những ốc đảo khép kín thiếu tình thương, với những kiểu sống vô tâm, xa vời lòng trắc ẩn, xót thương. 

Trong thời đại như vậy, chúng ta có còn cảm nhận được quyền năng yêu thương của Thiên Chúa không? Quyền năng yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện khi những người nghèo đói, bị bỏ rơi, được chăm sóc đầy đủ, khi những người lao động, vốn phải gánh chịu vô số hình thức bóc lột, được tôn trọng và hưởng mức thu nhập công bằng mà họ đáng được, khi không còn ai bị phân biệt đối xử về giới tính, chủng tộc, văn hóa, giai tầng xã hội, tôn giáo…và được hưởng quyền bình đẳng trong xã hội. 

Một năm phụng vụ đã kết thúc và chuẩn bị bước vào một năm phụng vụ mới, cùng với bài đọc thứ hai, chúng ta “Xin Chúa Giêsu Kitô, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho chúng ta ân sủng và bình an. Ngài đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Ngài: kính dâng Ngài vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1:5-6). 

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập71
  • Hôm nay10,818
  • Tháng hiện tại358,040
  • Tổng lượt truy cập36,412,595
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây