TÂM TÌNH TRI ÂN

Thứ ba - 25/11/2014 22:43

TÂM TÌNH TRI ÂN

Tháng 11, sắc thu đã chan hoà và đậm nét trên khắp mọi miền, nhất là những vùng phủ lấp những rặng cây, bụi cảnh. Gió thu đã tràn về đem theo những cơn lạnh càng ngày càng da diết. Nhưng ngoài tiết thu với những sắc thái rất riêng của đất trời, chính lúc này, không ai không nghĩ đến một ngày lễ trọng đại nhưng êm đềm, ngày lễ tuyệt vời nhưng không hào nhoáng, một ngày lễ nồng nàn ý nghĩa nhưng lại không mang cái bầu khí và dáng vẻ xô bồ của một ngày lễ hội thường quá chú trọng đến dịch vụ và thương mại.
Trái lại, giữa cái hơi thu se sắt, ngày lễ này đến mang theo cái không khí thân thương ấm áp như ngọn nến thắp lên trên bàn ăn, như ánh lửa bập bùng trong lò sưởi, dưới mái ấm gia đình, thân mật và gần gũi, khi những người thân đã trở về họp mặt bên nhau, dù ở bất kỳ phương trời xa xôi cách trở nào. Đó là lễ Tạ Ơn, một ngày lễ đặc trưng của vùng Bắc Mỹ, mà theo Ray Stannard Baker, tức David Grayson, một nhà báo Mỹ, thì “Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ của hoà bình, môt cử hành lao công con người và nhịp sống đơn sơ, một ngày lễ thật bình dị nói lên cái thi vị của phút giao mùa, vẻ tươi đẹp của ngày thu hoạch lúa vàng, hoa thơm với trái chín, và nhất là ngày lễ kết nối chặt chẽ đậm đà tất cả những thứ này với Thiên Chúa.” 

Biết ơn và nhớ ơn là một tâm tình tuyệt vời đến độ triết gia Cicêrô đã phải thốt lên: “Tấm lòng biết ơn không chỉ là một nhân đức cao cả nhất, nó là cha, là mẹ của tất cả mọi nhân đức.” Trong khi đó, nhà văn nữ Hoa Kỳ, Melody Beattie, đã ca ngợi lòng tri ân với những lời lẽ như sau: “Tâm tình biết ơn mở toang sự sung mãn của đời sống. Nó khiến những gì ta sở hữu trở thành đầy đủ, và có thể còn dồi dào hơn thế nữa. Nó biến chối từ thành chấp nhận, hỗn mang thành trật tự, lộn xộn thành minh bạch. Nó có thể chuyển bữa ăn bình thường thành một bữa đại tiệc, nơi ở xuyềnh xoàng trở thành mái ấm, kẻ xa lạ trở thành bạn hữu. Tâm tình tri ân đem lại ý nghĩa cho quá khứ, ổn định hiện tại, và sáng tạo viễn kiến cho tương lai.” Thật là một lời ngợi ca đẹp đẽ dành cho lòng tri ân!

Nói theo Jean Baptiste Massieu, nhà giáo dục lừng danh của Pháp (do bởi bị câm từ bẩm sinh) thì “tri ân chính là ký ức của trái tim.” Với triết gia Seneca, tri ân chính là “điều cao cả khôn sánh,” trong khi Aesop đặt tên cho tri ân là “dấu chỉ của tâm hồn cao thượng.” Văn sĩ Fred De Witt Van Amburgh tuyên bố rằng: “Không có gì nghèo nàn hơn là một con người vô ơn. Biết ơn chính là một thứ tiền ta có thể in ra để xài thoải mái mà không hề lo khánh tận.” Chính vì thế mà nhà văn Robert Casper Lintner đã thốt lên: “Tạ ơn chẳng là gì khác ngoài việc nâng cao tâm hồn--một cách vui vẻ và tôn kính--hướng về Thiên Chúa để tôn vinh và ngợi ca lòng từ ái của Ngài.” Henri Jacobsen lại thêm rằng: “Ta phải tôn vinh và ca ngợi Chúa ngay cả khi mình chẳng hiểu việc Ngài làm.” Thực vậy, biết ơn chính là “nhìn nhận giới hạn của mình” khiến ta phải nhờ đến người khác, nhờ cậy vào bề trên, tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tất cả đều là hồng ân, từ sự hiện hữu (Chúa “đã chẳng bỏ con ‘không’ đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người”—Kinh Cám Ơn), cho đến từng phút giây cuộc đời, từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống, cả buồn lẫn vui, thành công hay thất bại, thuận lợi hoặc trái ý, muốn hay không…tất cả đều là sự yêu thương và ân cần săn sóc của Thiên Chúa là Cha nhân từ, Đấng đã đếm hết số tóc trên đầu mỗi người chúng ta (xem Luca 12:7). Ngay cả sự kiện ta đang an cư lạc nghiệp tại đất nước này, cứ tưởng là một tất nhiên hay ngẫu nhiên, nhưng không phải thế! Cho dù vất vả ngược xuôi, đầu tắt mặt tối, ngày lại ngày, cuộc sống xem ra bình thường ở nơi này vẫn là một giấc mơ không thành của rất nhiều người. Đó phải là kết quả của một quan phòng hết sức diệu kỳ, có một không hai trong lịch sử dân tộc Viêt Nam, khởi sự từ những chuyến bay hốt hoảng ra khỏi một đất nước đang chìm ngập trong lửa đạn, còn dân chúng thì như đàn vịt tan tác vô định hướng…cho đến những chuyến hải hành cuối cùng, khi những “con tầu ngơ ngác ra khơi.” Đó là chưa kể những chuyến vượt biên, vượt biển tiếp nối suốt mười mấy năm trời. Nếu bảo rằng đó là kết quả do việc đánh đổi bằng biết bao toan tính đầy máu xương, liều lĩnh nguy hiểm đến cả tính mạng chăng nữa, thì vẫn chẳng có gì bảo đảm. Không thể là một điều gì khác ngoài hồng ân quan phòng, ngoài ơn trên an bài. 

Về lời cảm ơn, nhà thần bí Meister Eckhart có lời bình như sau: “Nếu lời kinh duy nhất bạn đọc suốt cả đời chỉ là lời “cảm ơn” mà thôi, thì như thế cũng đã đủ rồi!” Nữ văn sĩ Sarah Ban Breathnach còn mạnh mẽ ca tụng lời cảm ơn hơn nữa: “Mỗi khi nhớ nói lời cảm ơn, thì ta không cảm nghiệm điều gì khác hơn là thiên đàng đang ngự trị ở giữa trần gian.” Cũng vậy, tác giả Mark Twain còn cho rằng: “Tấm lòng biết ơn chính là thứ ngôn ngữ mà người điếc cũng nghe được và người mù có thể trông thấy.” Thi sĩ J. A. Shedd viết: “Ai cảm ơn bằng lời thì mới chỉ làm một phần. Muốn đầy đủ, cần có thêm cả một tấm lòng.” Ấy thế mà thật đáng tiếc: tiếng cảm ơn, tuy đơn giản đến thế, cũng đang dần dần biến mất trên cửa môi của nhìểu người, để rồi không chừng gặp hiểm họa tuyệt chủng ở nhiều nơi! 

Hơn một lời nói suông, tri ân phải là một tâm tình, một tấm lòng, một hành động cụ thể, đúng như William Arthur Ward, một tác giả Hoa Kỳ được trưng dẫn rất nhiều, đã nói: “Cảm nhận niềm biết ơn mà không biểu lộ ra thì cũng y như là cẩn thận gói một món quà và rồi không bao giờ gửi đi.” Tổng Thống thời danh, John F. Kennedy cũng có một ý tương tự: “Khi biểu lộ lòng tri ân, ta không nên quên rằng điều quý phục cao nhất không phải là thốt ra bằng lời, mà là phải bằng đời sống thật.” Tác giả Johannes A. Gaertner tóm gọn các ý tưởng này một cách tuyệt vời: “Nói lên lời cảm ơn đã là lịch sự và dễ thương rồi; nếu làm một hành động biết ơn thì càng quảng đại và cao thượng hơn nữa; nhưng nếu sống tâm tình tri ân thì sẽ chạm đến cả thiên đàng!”

Có một tác giả ẩn danh chia đôi từ ngữ “Thanksgiving” như thế này: “Thanksgiving, to be truly thanksgiving, is first thanks, then giving.” Phải, mùa Tạ Ơn cũng chính là mùa của cho đi, của sớt chia và tương trợ trong yêu thương và liên đới. Bất giác, bài học Anh Ngữ dậy về hai động từ “take” và “give” lại trở về rõ ràng trong ký ức tôi. Để minh hoạ, cuốn sách giáo khoa đưa ra hai bức hình. Bức hình thứ nhất cho thấy cảnh người cứu hộ ở trên miệng hố đang cố gắng giúp người bị nạn (sa hố) bằng cách vừa với tay xuống dưới, vừa hô lớn: “Give me your hand/Đưa tay ra đây cho tôi!” Cho dù nghe tiếng hô như thế, người bị nạn cứ đứng yên như trời trồng, dường như giả điếc không nghe, hay là chẳng hiểu ý người muốn cứu mình. Bức họa thứ hai cho thấy người cứu hộ vẫn làm cùng một động tác là vươn tay xuống dưới hố, nhưng nói một câu khác: “Take my hand/Nắm lấy tay tôi nè!” Thì ngay lập tức (còn nhanh hơn điện, chắc thế) nạn nhân vội chụp lấy tay ân nhân của mình để được kéo lên khỏi hố. Khó có cách giải thích nào cụ thể và minh bạch hơn! Nhưng bài học lớn nhất vẫn là bài học về thế thái nhân tình: người ta rất nhanh nhậy khi đưa tay đón nhận từ người khác, rồi nắm chặt lấy cái mình đã có, nhưng trái lại tỏ ra rất chậm chạp (đến khó hiểu) khi phải cho đi, hoặc trả lại món nợ, hay rộng tay giúp đõ, tóm lại, làm một hành vi quảng đại, một hành động biểu tỏ lòng biết ơn. Có lẽ chính vì sự chậm lụt này mà trong mười người bệnh phong được Chúa chữa lành, chỉ có một người trở lại cảm tạ ca khen Ngài (xem Luca 17:11-19). Lòng tri ân chân chính đúng là chìa khóa mở toang cánh cửa kho tàng ân sủng của Chúa. Nữ văn sĩ Louise Hay tâm sự: “Tôi thấy rằng càng tri ân trước những việc nhỏ nhặt trong đời, thì tôi càng nhận được những điều to tát hơn chợt đến không ngờ, và cứ thế tôi càng trông mong từng ngày nhận thêm những điều bất ngờ khác.” 

Lễ Tạ Ơn phải là dịp để ta canh tân tâm tình cảm tạ tri ân này, bằng cách ôn lại cho thuộc kỹ hơn bài học về hai động từ “cho” và “nhận.” Lễ Tạ Ơn, rốt cuộc, phải là lễ ta cần cử hành không phải chỉ một lần trong năm, mà là quanh năm suốt tháng, đúng như lời của thẩm phán lừng danh, Edward Sandford Martin: “Lễ Tạ Ơn, theo thông lệ, chỉ đến mỗi năm một lần, nhưng đối với những ai thành thâm thiện chí, nó sẽ đến bất cứ khi nào tấm lòng tri ân mở cửa chào đón.” Chẳng phải là ngẫu nhiên khi hiến lễ trên đồi xưa được gọi là Lễ Tạ Ơn, mỗi khi chúng ta họp nhau cử hành và tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trần gian. Đó phải là mẫu mực của tất cả mọi cử hành tâm tình tri ân vậy!

“It’s time to count our blessings,” người Mỹ thường nói thế trong mùa Lễ Tạ Ơn này. Ngoài kia, trong trời thu lộng gió hôm nay, “lá đổ muôn chiều” chính là hình ảnh những phúc lành Chúa ban xuống cho tôi, cho bạn, cho từng người, cho mọi người, không biết cơ man nào mà đểm xuể. Thôi thì chúng ta hãy cùng cất lên lời ca: “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người!”

Mùa Tạ Ơn 2014

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập332
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,549
  • Tổng lượt truy cập36,332,104
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây