KINH NGHIỆM GẶP CHÚA

Thứ hai - 13/04/2015 22:01

KINH NGHIỆM GẶP CHÚA

Tôi không viết “Tiểu Sử”, vì tiểu sử của tôi không có gì đáng nói. Tôi chỉ viết Lời Tâm Sự. Tuổi mới lớn

 
: NỖI BUỒN THỨ NHẤT:

“Một ngày đưa Mẹ vào Bệnh Viện
“Nghe người ta nói: “Mẹ cô điên”
“Mẹ ơi, nhát búa đập vào đầu
“Mẹ biết lòng con bao đớn đau

            NỖI BUỒN THỨ HAI:

“Đám cưới Heo quay với Rượu vàng
“Nhà trai trổi nhạc đón dâu sang
“Bao nhiêu long trọng và Nghi Lễ
“Mà một cuộc đời phải nát tan

            Vợ chồng tôi có 3 con.  Năm tôi 36 tuổi, chồng tôi bỏ nhà theo vợ bé bằng nửa tuổi tôi.
Tôi không có đạo.  Là con gái út của một gia đình nho phong, tôi ngơ ngác nhận ra rằng bằng cấp không làm nên đạo đức, vì chồng tôi đậu Cử Nhân Văn Khoa và Luật Khoa.
Tôi choáng váng: đất trời sụp đổ?  Nhưng:

“Thà không tri giác như cây cỏ
“Lỡ có tâm hồn với nước non

Tôi vận dụng tất cả ý chí để đương đầu với hoàn cảnh.  Tôi luôn luôn nhớ tôi là cây cột duy nhất của nhà nầy, là Xương Sống của gia đình.  Ba con chỉ có tôi là nơi nương tựa. Tôi tâm niệm phải nuôi con nên người.  Chúng phải no cơm ấm áo, học hành thành đạt.  Tôi không nhìn thấy tôi ở đâu cả, tôi chỉ thấy ba cuộc đời ấu thơ trước mắt và trong tim mình.

“Anh làm xô lệch gối chăn xưa.
“Tôi tiếc đời tôi phấn hương thừa,
“Một mình, tôi nuôi đàn con dại
“Lầm lũi bước đi tháng, năm dài.
“Nước mắt chảy vào trong,
“không để mình sầu mộng,
“tôi nuốt hết đơn côi.
“Tránh nhìn cả gương soi
“tôi chối bỏ nhan sắc mình còn đó

Đi làm, săn sóc con, mỗi ngày tôi chỉ “thở” khi ngồi trên Cyclo đến sở và về.  Người cô phụ nhìn thời gian trôi qua, năm nầy rồi năm khác, từng năm, lại từng năm.

“Thế gian vẫn lắm nẻo mòn
“Đường qua phố vắng vẫn còn đọng mưa

            NỖI BUỒN THỨ BA:
Con gái chết, 7 tuổi, sau 3 ngày mắc bệnh sốt xuất huyết.  Mặc dầu cháu ở với mẹ, (ba cháu đã bỏ mẹ con tôi từ năm năm qua) trong giờ hấp hối, 4:00 AM, cháu quay mặt qua bên phải hỏi, “Ba đâu?” và quay bên trái, “Ba đâu?”  Lòng tôi đau như muối xát.  (Chú thích: Tình huyết nhục thiêng liêng dường ấy, xin đừng phá thai!)  Cháu trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, 4:05 AM, chỉ có hai mẹ con trong bệnh viện.  Chính đau thương nầy, sau này, với Ơn Chúa, đã thúc đẩy tôi đi làm thiện nguyện để xoa dịu đau thương của người khác.

“Thương con trong huyệt lạnh
“Nhớ con dưới mồ sâu
“Con ơi, sầu tử biệt
“Bao giờ còn thấy nhau?

 Tôi khóc ngất:

“Khi đặt con nằm lòng đất lạnh
“Mẹ muốn thét lên đến tận trời!

 Những ngày Việt Nam khói lửa, tôi không dám ngủ riêng, tối nào cũng kéo tấm nệm mng nằm ngủ dưới đất cạnh giường hai con, đề phòng nếu có bom đạn thì mẹ con sống cùng sống, chết cùng chết theo nhau.
Một thân vò võ, vừa làm mẹ, vừa làm cha, mỗi ngày, tôi cắm cụi sống với bổn phận, trách nhiệm, công việc.  Phải thú nhận tôi bám vào đó mà sống, không dám buông lơi, sợ mình sực nhớ đến nỗi cô đơn của đời cô phụ.
Nỗi khó khăn nhất của người thiếu phụ tóc hãy còn xanh, phải một mình đảm nhận trọng trách nuôi các con không phải là đời sống vật chất, mà là đời sống tinh thần.  Thiên nan vạn nan, con đường dài hiu quạnh.  Nhưng không phải là không vượt qua được.  Khi có một Lý Tưởng cao hơn sự mưu ích cho riêng mình, con người có thể quên mình.  Vì sao?  Vì Thượng Đế không bao giờ bỏ quên con người.  Giữa vũ trụ, vẫn có một sức thiêng làm đòn bật, giúp con người vượt thắng hoàn cảnh, dù đen tối đến đâu.  Chứng cớ là có một ngày đời sống tâm linh của tôi bắt đầu.
 
GIÂY PHÚT TRÙNG PHÙNG
Quá bận bịu với nhiệm vụ nuôi con, với đau thương chất ngất tháng ngày, tôi không nhận ra Thiên Chúa, mặc dù Ngài luôn luôn có mặt.  Không biết nguyện cầu, tôi không hiểu rằng Ngài vẫn có chương trình giải thoát cho mỗi thương đau thế trần.
Không bao giờ bỏ kẻ khổ đau, Thiên Chúa tìm mọi cách mời gọi tôi đón nhận Ngài để Ngài bước vào đời tôi, giúp tôi thoát khổ.  Trong dịp cùng hai con đi nghỉ mát - thật ra là đi tìm quên - tôi nằm trên thảm cỏ nhìn thác nước rơi trong bóng đêm.  Từ ánh đèn dưới chân thác, những luồng nước phun lên cao, với nhiều màu sắc khác nhau.  Một gợi ý từ đâu hiện ra trong trí tôi: Như mỗi luồng nước có một vẻ đẹp riêng, một màu sắc riêng, tôi có thể dùng tình cảm, tâm trí, năng lực của mình để phục vụ một Lý Tưởng khác:  Đổi Tình Yêu ra Tình Nhân Loại, lấy Tình Thương làm Hạnh Phúc .
Tôi không đủ sức, cũng không đủ lời để mô tả giờ phút ấy!  Giờ phút gặp gỡ Đấng Tạo Dựng nên mình, Người đã dùng chính hơi thở của Ngài để chuyền cho tôi sức sống!  Màn mây như thấp xuống.  Tôi nghe toàn thân mình mất trọng lượng, trở thành nhẹ tênh.  Không một tiếngđộng, không một bóng hình, mà tôi biết chắc một thân thương gần gũi đang bao trùm tâm hồn tôi, che phủ tôi.  Ràn rụa nước mắt, tôi ngước nhìn trời xanh.  Bầu trời im vắng, như chính tôi không thốt nên lời.
Khổ Đau càng nặng, thì Lòng Biết Ơn lại càng sâu.
Như người vừa tỉnh cơn mê, tôi bàng hoàng thổn thức:

“Tình Cha sâu lắng, mênh mông qu
              Con lặng cúi đầu, nước mắt dâng.

            Tôi quyết định rửa tội để theo Người đã yêu tôi, đã chết cho tôi, đồng hành với tôi trong vui buồn cuộc sống.
Linh Mục đổ nước trên đầu tôi, và đọc những lời kinh.  Tôi không biết kinh gì, vì tôi đang bận đọc “Lời Kinh” của lòng mình: “Cha ơi, hôm nay, con mang trong mình Dấu Ấn của Cha.  Cha ơi, con sẽ là con Cha mãi mãi.” Ngẩng đầu lên, tôi mỉm cười một mình, giọt nước mắt rơi xuống bàn tay.

“Lạc loài từ độ năm nao
“Tìm về với Chúa trăng sao sáng ngời
“Biển ơi, biển có bồi hồi
“Có nghe rộng mở một Trời Yêu Thương?

Hết rồi, những năm tháng “chết lịm hồn, vì thiếu vắng Đức Tin.”

“Tình Cha như phép Nhiệm Mầu
“Như hoa nở muộn trên đầu mái hiên,
“Tình Cha là chiếc đ
a tiên
“Mang con trở lại với niềm an vui

Biệt tài của Thiên Chúa là đổi Nguy thành An, biến Họa thành Phúc.
Chồng tôi vẫn biền biệt, con gái đã qua đời, nhưng đời tôi có một ý nghĩa mới: tôi sống trong Tình Yêu Thiên Chúa, một Tình Yêu bất diệt, không đổi thay.  Một Tình Yêu sống động mỗi ngày. Ngài lắng nghe, dịu dàng, tha thiết, cảm thông và tha thứ, che chở và phù trợ, an ủi và đỡ nâng.  Lòng tôi ấm áp.
Tôi vẫn nhớ con gái mỗi ngày nhưng tôi tin con đang ở bên Chúa, và Mẹ con tôi sẽ gặp lại nhau, sau này.
Tôi vui và hay khôi hài.  Biết ơn Ngài quá đỗi, tôi muốn làm một cái gì cho Cha mình.

“Bởi lẽ Phúc Âm là Ngọn Nến
“Lửa hồng xin đốt ở trong con

Từ khi về hưu, và con cái trưởng thành, tôi ở một mình, đi làm thiện nguyện.  Lửa hồng của Tình Yêu Thiên Chúa dùng tôi như chiếc thuyền nan bé nhỏ chuyên chở Tình Thương của Ngài đến những người khổ đau, người bệnh hoạn nơi Bệnh Viện, tù nhân nơi Khám Đường, những kẻ Khốn Khó nơi xóm nghèo.  Tôi say sưa với công việc này vì qua họ, tôi thấy Chúa, Thiên Chúa của lòng tôi, và tôi thấy tôi ngày trước, bơ vơ, cô đơn, thèm khát tình thương, một Tình Thương, không phải lời Ân Ái.
            Đức Kitô là ai?
Bây giờ, các Bạn đã thấy Đức Kitô là ai, đối với tôi.
Ngài là Tình Yêu, là Lẽ Sống, là tất cả của lòng tôi trìu mến, gắn bó, tin yêu.
Tuy nhiên, yêu Thầy thiết tha là thế - vì rất dễ hiểu: không có Thầy, chắc chắn tôi không tài nào sống nổi đời mình, tôi vẫn nhiều vấp phạm.  Từ ngày theo chân các sơ Têrêsa, tôi hiểu Bác Ái không biên giới.  Tôi cũng nhận ra rằng những tội tôi phạm thường là tội thiếu lòng Bác Ái.  Vì thiếu lòng Bác Ái, đời sống tôi chưa đẹp lòng Chúa như tôi ao ước.
Một trong các điều luật của Hội “Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái” (Lay Missionary of C-harity, thành lập bởi Mẹ Teresa Calcutta) mà tôi theo là Cầu Nguyện với sách: “Giờ Kinh Phụng Vụ”.
Lần đầu mở sách GIỜ KINH PHỤNG VỤ tôi chỉ thấy chán nản.  Dài quá.  Kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều.  Thánh Vịnh, Kinh Sách, Lời Chúa, Đáp Ca, Thánh Ca, thôi thì đủ thứ.  Tôi nghĩ thầm: “Thứ nào cũng tương tợ nhau, viết gì mà lắm thế.”  Tôi ngồi đếm có ngày 14 trang luôn.  Tính làm biếng trong tôi nổi dậy và tôi thấy ngại ngùng.
Nhưng tôi hiểu đọc Thánh Vịnh là cùng cầu nguyện với Giáo Hội, nên tôi ráng thử.  Tôi đọc chút chút xem sao.  Mỗi sáng đi lễ, tôi nói với Chúa: “Xin Chúa cho con siêng năng đọc Giờ Kinh Phụng Vụ, sao con ngán quá.”
Từ từ, tôi đọc nhiều lên và dần dần bị lôi cuốn.  Càng đọc, tôi càng yêu thích lối cầu nguyện sâu xa này.  Tôi ham mê, thích thú đọc, có khi còn tiếc sao đã đến trang cuối rồi.  Đọc Thánh Vịnh, con người gần gũiThiên Chúa, vì Thiên Chúa hiện diện trong các mẫu chuyện sống động, vì Thánh Vịnh mô tả tâm trạng con người trong đời sống thực tế.
Những lời ca ngợi Thiên Chúa toàn năng và nhân từ, lời than vãn phận mình, lời tha thiết ăn năn, lời thành khẩn xin ơn, tất cả là hình ảnh thiết thực của cuộc sống hôm nay, ngay trong đời này. Chẵng những người đọc cảm thấy chính mình trong đó, mà còn cảm thấy Chúa đang lắng nghe, đang nói với mình từng lời.
Tôi quên mất ngày xưa, dân Do Thái cầu nguyện với những Thánh Vịnh này, tôi chỉ còn thấy chính tôi với Thiên Chúa mặt đối mặt, qua những lời Thánh Vịnh than vãn và ngợi khen.
Đặc biệt nhất là Thánh Vịnh rất có ích: Khi buồn khổ, bối rối, Thánh Vịnh 51 giúp lòng tôi lắng dịu.  Ngày bão Katrina, tôi đọc Thánh Vịnh 29 và tìm lại được Bình An.  Có những câu tôi thuộc lòng, vì chúng là chính tiếng nói của lòng tôi: “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn Tình Thương.”  Không ai ngờ được Thánh Vịnh có mặt từ ba ngàn năm trước, mà giờ đây đọc lên nghe như chính tâm can mình thốt ra bằng lời: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.”
Có hai câu mà tôi đắc ý nhất: “Xin bác ái là mưa sa tưới gội, cho lòng con hoa thắm nở bình an.”  Tôi mê hai câu này vì, như trên đã nói, tội tôi phạm thường là vì thiếu bác ái, nên tôi coi hai câu này là phương thuốc chữa bệnh cho mình.
Cứ thế, tôi đi vào đi ra, làm việc gì cũng nhẩm đi nhẩm lại hai câu này suốt ngày.
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài, - dù bác ái trong con, vẫn chưa phải là đủ - nhưng vì Tình Yêu Chúa bao dung, Ngài đã bù đắp, và cho con Bình An.
 

Tác giả bài viết: Đông Khê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập357
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,396
  • Tổng lượt truy cập36,332,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây