Có một số giải thích thái độ hung hăng của Bắc Hàn gần đây, mà trong đó một yếu tố có thể là nhằm tăng uy tín bà Kim Yo-jong trong quân đội, theo một số đánh giá.
Trong lúc đó, quân đội Bắc Hàn nói sẽ đưa binh lính tới vùng phi quân sự ở dọc biên giới.
Hôm 19/6 Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết đã phê chuẩn đơn xin từ chức của Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon-chul.
Bộ trưởng Kim đã nhận mọi trách nhiệm liên quan đến quan hệ liên Triều.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn đăng bài cáo buộc Nam Hàn vi phạm các thỏa thuận đã ký hồi 2018 và hành xử như một "con chó lai", trong lúc em gái của ông Kim Jong-un thì gọi tổng thống của Nam Hàn là "kẻ bợ đỡ" Mỹ.
Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của trang The Diplomat, vừa ra mắt cuốn sách về Bắc Hàn, Kim Jong Un and the Bomb: Survival and Deterrence in North Korea (2020).
Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Ankit Panda ghi nhận việc truyền thông Bắc Hàn đã tiết lộ hai việc khiến họ giận dữ.
"Đầu tiên là nhiều tháng bực bội của Bắc Hàn vì tiến độ, mức độ trong hợp tác kinh tế liên Triều. Nó không thể tiến triển như Bình Nhưỡng mong muốn do trừng phạt quốc tế."
"Seoul đã cố làm hết cách giúp đỡ mà không vi phạm trừng phạt."
"Thứ hai, truyền thông Bắc Hàn cho biết họ xem việc các nhóm dân sự Hàn Quốc gửi tờ rơi là không thể chấp nhận."
Ông Ankit Panda cũng đặt dấu hỏi liệu các biến cố gần đây có nhằm tăng hình tượng của bà Kim Yo-jong, em gái của lãnh tụ Kim Jong-un.
"Có những khả năng khác mà chúng ta chưa hiểu hết, ví dụ việc nâng vị trí của Kim Yo-jong trong hệ thống chính trị."
"Các hành động mới đây có vẻ nhằm làm tăng uy tín của bà ấy trong mắt quân đội ở Bắc Hàn."
Tháng Hai năm 2019, bà Kim Yo-jong tháp tùng Kim Jong-un tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị được đánh giá là thể hiện vai trò của Việt Nam với quốc tế.
Khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hy vọng Việt Nam góp phần kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy vậy hội nghị lần hai ở Hà Nội không đem lại kết quả nào.
Sự khác biệt quá lớn giữa Bắc Hàn và thế giới khiến cho nỗ lực dàn xếp của các nước như Việt Nam chỉ hạn chế, theo ông Ankit Panda.
"Vai trò của Hà Nội khi tổ chức hội nghị lần hai là đáng nể và có ích, nhưng trở ngại căn bản giữa Mỹ và Bắc Hàn quá lớn để Việt Nam có thể giúp giải quyết."
"Bắc Hàn và Hoa Kỳ có khác biệt căn bản về mục đích của hoạt động ngoại giao giữa hai bên."
Hiện nay các trừng phạt do Mỹ đứng đầu vẫn đang tồn tại, bao vây kinh tế khó khăn của Bắc Hàn.
Joseph Yun, cựu đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Hàn, giải thích cho CNN: "Người Bắc Hàn rất thất vọng khi ngoại giao với Hoa Kỳ và Nam Hàn đã không đem lại điều họ hứa hẹn cho nhân dân Bắc Hàn…tiêu chuẩn sống cao hơn."
Ông Yun nói chính quyền Bắc Hàn cảm thấy "cần giải thích cho người dân vì sao sáng kiến ngoại giao lại chả đem lại cái gì".
Nhiều người nhận định chính phủ Nam Hàn dưới thời tổng thống Moon Jae-in rất muốn hỗ trợ Bắc Hàn để thúc đẩy hợp tác.
Nhưng hiện tại các lựa chọn của Seoul cũng hạn chế. Gần như mọi thứ mà Bình Nhưỡng muốn có đều bị cản trở vì trừng phạt của Washington.
Nam Hàn nói họ vẫn bỏ ngỏ khả năng đối thoại, nhưng lên án các hành động của Bắc Hàn là vô nghĩa và gây tổn hại.
Căng thẳng tăng vọt trong những tuần gần đây, một phần từ việc các nhóm đào tẩu người Bắc Hàn ở Nam Hàn gửi tờ rơi tuyên truyền sang bên kia biên giới.
Truyền thông Bắc Hàn cáo buộc miền Nam "vi phạm và hủy hoại một cách có hệ thống" các thỏa thuận đã ký hồi 2018, và so sánh Bộ Quốc phòng Nam Hàn với "một con chó lai sợ hãi" đang "khoác lác và chơi trò tháu cáy, nói năng biến báo và tạo ra bầu không khí đối đầu".
Những động thái của Bắc Hàn mới đây có vẻ như nhận lệnh trực tiếp của bà Kim Yo-jong.
Evans Revere, một cựu chuyên gia của Bộ ngoại giao Mỹ, phân tích với CNN: "Không ngày nào lại không có tờ báo đăng tuyên bố và hình ảnh của bà ta."
Một điểm bí ẩn là mặc dù hình ảnh Kim Yo-jong trở nên nổi bật, thì lãnh tụ Kim Jong-un có vẻ mất hút.
Ông Kim Jong-un hôm 1/5 đã xuất hiện tại một buổi lễ sau khi biến mất khỏi các sự kiện trong 20 ngày.
Nhưng từ sau đó, ông vắng bóng trên truyền thông nhà nước.
Thực sự vị lãnh tụ đang ở đâu, sức khỏe thế nào vẫn là điều bí ẩn.
Trong khi đó báo chí nhà nước Bắc Hàn tiếp tục đăng bài phê phán Nam Hàn.
Ngày 19/6, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đăng các bài nói người dân Bắc Hàn "sung sướng và nhẹ nhõm" khi chứng kiến cảnh Văn phòng liên lạc chung liên Triều sập xuống.
Tác giả bài viết: Trụ Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn