Tuy nhiên, các điều tra viên FBI đã tìm thấy ảnh chụp của Juan Tang mặc quân phục Trung Quốc và phát hiện cô từng làm nghiên cứu viên trong Đại học Y Không quân Trung Quốc.
FBI đã thẩm vấn Juan Tang hôm 20/6 và cô này sau đó được cho là đã tới lãnh sự quán ở San Francisco và vẫn ở trong đó tới nay. Juan Tuang bị truy tố tội gian lận visa hôm 26/6, nhưng lực lượng hành pháp Mỹ không thể tự ý vào lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để bắt người.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco và Juan Tang chưa đưa ra bình luận trước thông tin này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Tin Juan Tang bị FBI cáo buộc đang trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc được trang Axios đưa đầu tiên, sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang vì Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán tại Houston trong 72 giờ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là một trung tâm tình báo, nhưng Bắc Kinh phủ nhận, cho rằng đây là động thái leo thang quan hệ, khiêu khích chính trị đơn phương và đe dọa sẽ đưa ra phản ứng cần thiết.
Các công tố viên Mỹ gần đây cũng phản đối đề nghị bảo lãnh tại ngoại cho một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác là Chen Song, cũng bị giới chức Mỹ bắt vì gian lận visa. Song là một nhà nghiên cứu chuyên khoa thần kinh làm việc ở đại học Stanford.
Hồ sơ tòa án cũng đề cập tới hai nhà nghiên cứu Trung Quốc khác làm việc ở đại học California và đại học Duke bị truy tố gần đây. FBI nhiều năm nay luôn cảnh báo các trường đại học Mỹ về nguy cơ bị các nhà nghiên cứu người nước ngoài đánh cắp sở hữu trí tuệ.