KITÔ HỮU TRÊN BÁN ĐẢO Ả RẬP HAY TẠI CÁC ‘NƯỚC GIÀU VÀNG ĐEN’.

Thứ tư - 11/06/2014 09:23

KITÔ HỮU TRÊN BÁN ĐẢO Ả RẬP HAY TẠI CÁC ‘NƯỚC GIÀU VÀNG ĐEN’.

« Tôi không thể yên lặng về tình hình đáng lo ngại mà các Kitô hữu đang sống trong một số quốc gia phần đông là hồi giáo. Nếu các tin hữu hồi giáo hiện cư ngụ trong các quốc gia có truyền thống kitô giáo được thụ hưởng những dễ dàng cơ bản hầu thỏa mãn mọi nhu cầu tôn giáo của họ, thì tôi cũng ước mong rằng các Kitô hữu cũng được hưởng cách đối xử tương xứng trong các nước có truyền thống hồi giáo ». (Đức Gioan-Phaolô II).
Năm 1976 có 200.000 người Công Giáo trong bán đảo Ảrập, ngày nay con số đã tăng lên gần 3.000.000. Con số đã tăng lên 15 lần hơn trong 30 năm, chắc chắn theo mức độ cao nhất trên thế giới. Phải nhìn nhận rằng đó không phải là con số những người hồi giáo trở lại Công Giáo, nhưng là con số công nhân ngoại quốc á châu hay âu châu đến để tham gia vào việc xây dựng các quốc gia nhiều dầu hỏa hay ‘nhiều vàng đen’ (les pays de l’or noir).

Nhưng tại nước Arabie Saoudite, tất cả những gì có thể gợi đến gần hay xa Kitô giáo đều bị cấm chỉ. Vì thế, các Kitô hữu sống đức tin của họ hoàn toàn ‘lén lút’ với nhiều nguy cơ bị bách hại. Các linh mục lẩn trốn đến, chỉ làm mục vụ cách tối thiểu và ban hành các bí tích, cũng chịu nhiều nguy cơ bị hành hạ và tù tội.

Trong những quốc gia khác của bán đảo. Sự cẩn trọng cẩn mật này là điều kiện không hiện diện lộ liễu và tự giữ an ninh cho mình. Dĩ nhiên mọi rao giảng Tin Mừng cho dân hồi giáo đều bị xử tử… Dầu vậy, vẫn có nhiều người hồi giáo trở lại và thực hành đức tin cách bí mật, bằng không sẽ bị thiệt thân. Sau đây chúng ta điểm qua từng nước trên bán đảo.

I. TẠI ARABIE SAOUDITE (A-RẬP XÊ-ÚT)

Năm 610, ông Mahomet bắt đầu việc giảng đạo trong miền mà ngày nay là nước Arabie Saoudite, thì đã có nhiều nhà thờ rợp bóng trên vùng đất này. Theo dòng lịch sử, những người Kitô hữu địa phương và những người Do Thái đều bị trục xuất, và vùng đất này đã trở thành ‘đất thánh của Hồi giáo’, và không một tôn giáo nào được làm dơ bẩn bằng sự hiện diện. Đây là nước duy nhất trong vùng Cận Đông mà ba tôn giáo độc thần đã không có một sự hòa hợp nhỏ bé nào. Đó là điều không quân bình.

1. Giáo Hội phải nhẫn nại và kiên trì.

Các chính phủ Âu châu xem ra bị mù quáng bởi nguồn lợi dầu hỏa rất dồi dào của bán đảo ả rập và bởi hàng tỷ mỹ kim giao lưu thương mại, nên tự bó tay, nhắm mắt làm ngơ, không dám nói đụng đến những ‘quân phiệt dầu hỏa’ Arabie Saoudite.

Vua Arabie Saoudite là Abdul Aziz Ibn Séoud, kể rằng : « Một hôm các nhà đại diện của một xí nghiệp lớn tây phương trình bày với ông một họa đồ xây dựng một thành phố lớn trên đất nước ông. Họ đề nghị xây các cơ xưởng, sân vận động, các dinh thự dành cho các viên chức cao cấp và những nhà ở cá nhân … Trên một góc của họa đồ xây cất, họ vẽ một chữ thập đỏ. Ông liền ngỡ ngàng và nhắc lại ngay rằng không thể có một nhà thờ, dù là bé nhỏ, trên đất nước của ông. Các nhà đại diện lập tức ‘xin lỗi nhà vua’ và vội lấy cục tẩy xóa bỏ ngay ‘dấu tiêu biểu của Kitô giáo’. Hôm đó, tôi hiểu rõ hơn rằng : ‘đối với những người này Thiên Chúa ít giá trị hơn tiền bạc ! ».

Với những lối ứng xử như vậy, làm sao có thể giúp các Kitô hữu cư ngụ tại Arabie Saoudite có một đời sống đức tin dễ thở hơn !. Họ càng không dám và không muốn khích lệ các quốc gia trên bán đảo nới tay với đời sống tự do tôn giáo và loan báo tin mừng. 

Phần Giáo Hội, Giáo Hội nhẫn nại và ngoại giao để mời gọi các chính phủ trên bán đảo có đường lối mềm dẻo hơn trong vấn đề tự do tôn giáo. Mới đây, vị Đại Diện Tông Tòa tại Arabie Saoudite đã thành hình ba xứ đạo. Mỗi một xứ nằm trên một diện tích rộng hơn nước Pháp. Những nhà thờ xứ đạo phải xây khuất bóng chừng nào hay chừng đó. Nhà thờ xứ Djeđah bao gồm cả vùng La Mecque và Médine, dâng kính Đức Trinh Nữ Marie dưới danh hiệu Đức Bà Arabie (Notre Dame d’Arabie).

2. 800.000 Kitô hũu.

Quốc vương (Vương quốc ?) Arabie Saodite là nơi phát sinh thuyết wahhabisme, một phái hồi giáo nghiêm khắc nhất và giàu có nhất hiện nay. Nhờ nguồn tài chánh dồi dào họ nắm được hầu hết các nhóm hồi giáo cực đoan trên thế giới, đặc biệt ở Phi châu. 

Những tương quan giữa hồi giáo và và các tôn giáo khác sa sút hẳn từ mấy thế kỷ nay, vì những nguyên nhân tôn giáo và chính trị. Tín điều về Chúa Ba Ngôi trong Kitô giáo đã bị tiên tri Mahomet coi như một hình thức đa thần. Chính Omar, thủ lãnh thứ hai của Hồi giáo đã ra lệnh trục xuất khỏi Arabie Saoudite tất cả những người không phải là hồi giáo. Chắc chắn rằng những nguời Do Thái đã bị đuổi đi trong thời điểm này. Nhưng sự hiện diện của các Kitô hữu vẫn còn cho tới thế kỷ IX.

Ngày nay có từ 5 đến 6 triệu người ngoại quốc định cư thường trực trong nước này. Đa số là người hồi giáo Pakistan, Afghans, Phi Châu, Ả rập. Chỉ có chừng 800.000 kitô hữu (3% dân số) đến từ Ấn Độ, Phi Luật Tân, Indonésie, Aicập, Bắc Mỹ hay Âu châu là những công nhân cao cấp. Nước này rất hạn chế trong vịệc đoàn tụ gia đình. Thí dụ con gái trên 18 tuổi không có quyền cư trú nếu họ không lập gia đình. Vì thế phần đông các thợ làm việc đều có gia đình tại quốc gia quê hương.

3. Một nước cấm người Kitô hữu cầu nguyện.

Những điều kiện sống ép buộc người không phải là hồi giáo ở Arabie Saoudite trong phạm vi tôn giáo thật điên khùng và phi lý. Không được quyền tỏ ra một dấu bề ngoài nào. Cấm chỉ thực hành bất cứ một việc phụng tự nào ngoài những việc của hồi giáo, cho dù là riêng tư. Quốc vương không cho các linh mục nhập cảnh, không cho đeo ảnh thánh giá, không cho đọc hay giữ sách Thánh Kinh, không được đem vào lãnh thổ một ảnh tượng hay tài liệu Kitô giáo.

Luật hồi giáo áp dụng cho mọi người, đàn bà Kitô giáo đi ra cũng phải trùm khăn, các tiệm thương mại buộc phải đóng cửa vào các giờ cầu nguyện. Cấm không được gọi điện thoại hay chăm chú làm việc công khai vào những giờ cầu nguyện. Trong thời gian ramadan có thể gặp rắc rối nếu ăn hay uống trước mặt một ngưòi hồi giáo.

Chính cảnh sát tôn giáo (muttawas) rình bắt những cách sống bất hợp pháp. Nếu tình cờ bắt được người Kitô hữu cầu nguyện, họ có thể bỏ tù hay trục xuất ngay khỏi vương quốc. Ngay ở sân bay, các viên chức quan thuế phải khám xét kỹ lưỡng những người ngoại quốc nhập bến xem có quần áo hay nữ trang mang màu sắc Kitô giáo, hoặc khám hành lý xem có giấu Sách Thánh hay không.

Tất cả những dấu hiệu thánh giá đều bị cấm chỉ, ngay trên dao Vitonox của Thụy Sĩ, trên đồng hồ Swatch … bó buộc phải xóa bỏ hay bị tịch thu. Vào thập niên 80, nhà cầm quyền Arabie Saoudite còn đòi Thuỵ sĩ phải bôi bỏ dấu chữ thập vẽ trên máy bay.

4. Vì muốn bảo vệ ‘đức hạnh’ (vertu) nên cấm không cho cử hành thánh lễ ( ! ).

Không chỉ tịch thu hàng hóa hay bắt đóng cửa tiệm trong các giờ cầu nguyện, cảnh sát tôn giáo còn lo giữ không cho làm nhơ bẩn ‘lãnh thổ wahhabite’ bằng việc cử hành Thánh Lễ hay đọc Sách Thánh. Những người tố cáo về những phi phạm này đều được phần thưởng khuyến khích. Vì thế, thật nghiệt ngã cho các tín hữu hay các linh mục lén lút vào vương quốc để thi hành mức tối thiểu công việc mục vụ. Các linh mục không được quyền dâng lễ trong các tòa đại sứ. Nơi và giờ lễ đều mang một bí số trong cộng đoàn. Các linh mục di chuyển ban đêm và thay đổi xe nhiều lần để tránh bị theo dõi.

Cảnh sát tôn giáo có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, tịch thu các sách tôn giáo, đòi giáo dân ra hỏi cung, đề nghị trục xuất. Các linh mục có thể bị bắt giam. Ngoài ra còn có các cuộc tra hỏi tỉ mỉ và rất hách dịch.

5. Bị tù, bị đánh đòn và bị ép trở lại đạo Hồi.

Người truyền đạo, thường bị vu khống, sẽ bị bắt bỏ tù nhiều năm và còn bị hành nhục về thể xác nữa (thường đánh đòn). Ngày 13. 05. 2013, một tín hữu Liban bị kết án 6 năm tù và 300 roi đòn vì đã khuyên nhủ một thanh nữ Saoudienne trở lại Kitô giáo và bỏ xứ sở trốn sang Thụy Điển hầu khỏi bị án tử hình vì dám bỏ đạo Hồi. Một thanh niên Saoudien khác đã giúp cho một người đàn bà trẻ Saoudienne bỏ xứ sở và đi du lịch mà không có người bà con gần đồng hành, đã bị kết án hai năm tù và 200 roi đòn. Những hình phạt thể xác thường được thi hành trong một lúc.

Tại Arabie Saoudite, người ta không lấy việc trục các Kitô hữu làm đủ. Những Kitô hữu vi phạm luật pháp còn bị áp lực trở lại đạo Hồi. Những người đến lao động nghèo khổ dễ bị lôi cuốn và đe dọa như vậy. Đặc biệt khi xin gia hạn hộ chiếu để ở lại làm việc thêm, các Kitô hữu dễ bị quyến dũ và ép buộc theo đạo Hồi.

Vì thế, lôi kéo người khác đạo theo đạo Hồi là một bổn phận của mọi tín hữu Hồi giáo. Chính phủ đã dùng một ngân khoản lớn tiền bán dầu hỏa để chi vào công việc truyền đạo trên khắp thế giới. Liên minh Hồi giáo thế giới có trụ sở tại La Mecque, là một tổ chức phi chính phủ mà 1/2 ngân khoản chi tiêu hàng năm của họ là do Arabie Saoudite trợ cấp. Họ chủ tâm truyền đạo đi khắp nơi, đặc biệt tại Phi châu. Mục đích xử dụng ngân quỹ là xây Mosquée, mở trường học, in ấn và phổ biến các sách hồi giáo, giúp các tổ chức từ thiện. Họ trợ giúp đặc biệt các nhóm Hồi giáo bảo thủ để làm khó dễ các chính phủ địa phương.

6. Nhiều lần đã ‘yêu cầu khoan dung và mở rộng’, nhưng thất bại.

Sự bất khả khoan dung tôn giáo không đến từ hoàng gia cho bằng từ dân chúng. Chế độ quân chủ bị coi như đã lỗi thời đối với ngành cảnh cát tôn giáo được nhiều nhóm quá khích ủng hộ. Những nhóm này có thế lực tạo sức ép trên nhà cầm quyền và đòi hỏi hoàng gia phải tuân thủ các giáo điều của tiên tri Mahomét. Vì thế, nhiều lần hoàng gia tỏ ý muốn cởi mở và hòa dịu nhưng rồi, trong thực tế đã không tài nào thể hiện. 

Năm 1970, vua Faysal ibn Abdul Aziz đã chấp thuận cấp hộ chiếu cho các linh mục và mục sư. Nhưng rồi tất cả đã bị trục xuất vào năm 1980. Năm 1997, nhân dịp viếng thăm tòa thánh Vatican, hoàng tử Ibn Abdullaziz, bộ trưởng bộ quốc phòng, tuyên bố những người không phải là Hồi giáo được tự do hành đạo của họ với điều kiện chỉ ở trong phạm vi tư nhân. Hai năm sau, một nhân vật thứ hai của chính phủ tuyên bố rằng những người Soaudiens không được cản ngăn việc hành đạo riêng tư của những người ngoài hồi giáo.

Tiếc thay những lời tuyên bố trên không hề có hiệu quả. Chính quyền cũng không ra một văn kiện nào cụ thể cho các công chức cũng như cho dân chúng biết.

Năm 2007, một phương án xây nhà thờ do Vatican đề nghị và vua Abdallah đã hứa sẽ nghiên cứu. Nhưng tất cả bị chặn lại bởi nhóm Mufti Anwar Ashiqi. Nhóm này tuyên bố chống lại phương án. Họ đặt điều kiện : « Chỉ có thể điều đình chính thức để xây một nhà thờ tại Arabie Saoudite sau khi Đức Giáo Hoàng và tất cả các Giáo Hội Kitô tuyên bố nhìn nhận tiên tri Mahomet ». Dầu vậy, Giáo Hội biết rõ : tại chỗ vẫn có một số hoạt động ‘hầm trú đáng thán phục’ mà một cách thật kín đáo mà tổ chức ‘Giúp Đỡ những Giáo Hội Lâm Nguy’ (AED) vẫn tài trợ.

7. Arabie Saoudite là chế độ quân chủ tuyệt đối dựa trên hệ Hồi giáo Wahhabite. 

Hệ Hồi giáo này như thế nào ? Hệ wahhabisme là một giáo thuyết mới của Hồi Giáo. Người sáng lập là Abdal-wahhab, một người rất thông thạo về Hồi giáo Hanafite, tức là thuyết hồi giáo cực đoan. Ông quyết định thanh lọc Hồi giáo khỏi mọi đổi mới (tiếng ả rập : bida). Thí dụ việc đi viếng nghĩa trang là một ‘bida’ phải loại bỏ. Người ta không thể làm cái gì mà ông Mahomet và các đệ tử của ông đã không làm.

Chính đó là điều đã ký kết giữa những thành viên theo giáo thuyết Wahhab và ông hoàng Najd, cai trị vùng Trung Arabie, tức nước Arabie Soaudite ngày nay. Arabie Soaudite mang tên của gia đình Saoud. Giao ước này ký kết giữa triều đại nhà Saoud và phái hồi giáo Wahhabite cho đến ngày nay vẫn còn hiệu lực và những ông vua kế vị của nhà Saoud vẫn theo sát giáo lý của hệ Hồi giáo Wahhabite. Các luật pháp của nước Arabie Saoudite theo đúng giáo huấn cực đoan của thuyết wahhabisme.

8. Chính phủ dựa vào các nguyên tắc của luật Hồi giáo (c-haria). 

Người ta phân biệt : 
 
1) Sách Coran tức là sách thánh của Hồi giáo.
 2) Hadiths là sách ghi những lời hay những việc làm của Mahomet. 
 3) Idjma hay Igma là những ý kiến hay tư tưởng đồng thuận và nhất trí của các nhà hồi giáo thông thái (oulémas).
 
 C-haria là luật hồi giáo đã múc ra từ ba nguồn liệu trên.

Tất cả những người cư ngụ tại Arabie Saoudite đều phải tuân theo luật C-haria, không ai có quyền chống đối, vì chống lại luật C-haria là chống lại Hồi giáo. Ngay khi vừa tới phi trường, bạn sẽ được thông báo rằng ‘đến đây bạn phải cẩn thủ quy luật hồi giáo’. Tỉ dụ với tư cách là Kitô hữu nếu trong thời gian Ramadan, mà tôi cầm trong tay một chai nước ngọt, là tôi bị mọi người nhìn tôi với cặp mắt kỳ lạ và họ có thể đánh tôi. Tôi không thể ăn ở ngoài phố hay trong tiệm trong thời gian giữ chay. Người ta chỉ có thể ăn cách kín đáo trong nhà. Nghĩa là tôi phải giữ chay, cho dù tôi không phải là tín đồ hồi giáo. Vì đó là luật hồi giáo.

Nếu một Kitô hữu bị bắt bất ngờ có cỗ chuỗi hay ảnh thánh giá thì sao ?¸- Nếu ở trong túi thì không ai có thể nom thấy. Tuy nhiên nếu người ta nom thấy tôi đeo tràng hạt hay ảnh thánh giá, thì không chỉ là cảnh sát mà bất cứ một người hồi giáo nào cũng có quyền bắt tôi vứt bỏ đi. Hơn thế, tôi có thể bị bỏ tù hay trục xuất khỏi vương quốc. 

Có những hoạt động khác khiến người Kiô hữu bị phạt vì lỗi luật C-haria: Tất cả những bộc lộ cách công khai đức tin khác với đức tin hồi giáo đều đáng bị phạt. Họ biết rằng những người Mỹ, người Pháp, người Ý đều cử hành thánh lễ Noel và lễ Phục Sinh trong tòa đại sứ của họ, nhưng vì tòa đại sứ được coi như ‘nơi ngoài lãnh thổ’, không áp dụng luật hồi giáo. Dầu vậy cảnh sát tôn giáo vẫn canh chừng. Trong quốc vương không có nhà thờ, hội đường hay đền thờ ngoài ‘mốtkê’. Tất cả mọi biểu dương đức tin khác với đức tin hồi giáo đều bị cấm chỉ.

Chỉ Kitô hữu mới bị bách hại hay kỳ thị cách đặc biệt? – Không chỉ Kitô hữu, nhưng tất cả những người hồi giáo không theo phái wahhabites cũng bị vạ và kỳ thị, như hồi giáo Chìites hay Ismaélites. Ngay các cộng đoàn Kitô giáo cũng bị đối xử khác nhau: Kitô hữu Hoa Kỳ, Pháp, Ý hay Anh, vì thuộc những nước âu châu và kỹ nghệ thì ít bị ‘để ý’ hơn : là những cường quốc, nên khi có chuyện gì rắc rối, những nước này can thiệp mau lẹ để bênh vực công dân của họ. Tại Arabie Saoudite, công dân các nước nghèo như người Erythrée, Ấn Độ, Phi Luật Tân… bị xách nhiễu hơn cả. Nhưng những người lao động nghèo này cũng can đảm hơn cả… 

9. Số người hồi giáo trở lại kitô giáo. 

Không thể biết được. Rất khó đi sâu vào xã hội Saoudienne vì mọi hoạt động đều bị kiểm soát chặt chẽ. Điều chắc chắn là có những trường hợp trở lại. Nhiều người Saoudiens trở lại Kitô giáo và khi có dịp qua Ai Cập hay Algérie, họ đã nói trên đài, bày tỏ kinh nghiệm sống đức tin của họ. Dĩ nhiên họ không dám cho biết danh tánh. Họ xin các cộng đoàn Kitô giáo cầu nguyện cho họ và cho đồng bào Saoudien của họ mau được ơn đức tin. Nếu một người trở lại báo tin cho anh, chị hay em trong gia đình biết về đức tin mới của họ, họ liều mạng bị cáo là ‘phản bội gia đình’. Phản bội gia đình cũng là phản bội quốc gia, xã hội và hồi giáo… Lúc đó án đương nhiên của họ là bị ‘xử tử’…

10. Fatima, nữ tử đạo Saoudienne.

Không thể nào biết được con số những người trở lại Kitô giáo, sống trong thầm lặng vì sợ bị phát hiện. Những cuộc trở lại này thường do nghe truyền thanh, xem màn ảnh, đọc trên mạng lưới. Đó là trường hợp của cô Fatima, 26 tuổi. Cô bị ám sát chết bởi chính người anh ruột theo sự xúi dục của bà mẹ. Cô bị thiêu sống sau khi bị cắt lưỡi.

Trước khi bị hành nhục và giết chết dã man như vậy, cô Fatima đã để lại trên mạng lưới sứ điệp : «Xin sự bình an của Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô tràn đầy nơi chúng ta. Tôi đang ở trong nỗi sao xuyến, vì cha mẹ tôi bắt đầu nghi kỵ tôi, sau một cuộc tranh luận về tôn giáo chiều hôm qua, với mẹ và các anh tôi. Không cầm mình được, tôi đã nổi cơn giận và nguyền rủa hồi giáo, vì lẽ tôi cảm thấy khó chịu phải sống trong một nước không hề có một tí tự do tôn giáo nào. Đại để tôi đã nói với mẹ và các anh tôi rằng : Đời sống của Chúa Giêsu gương mẫu trổi vượt hơn đời sống của Mahomet nhiều, đến độ không thể nào đưa ra một so sánh gì giữa hai người được. Cuộc tranh luận sôi nổi đến tầm mức anh tôi đã nói với tôi : «Không thống hối và rút lại những lời này, thì mày phạm tội lộng ngôn ! ». Tôi trả lời cho anh : «Vinh danh Thiên Chúa !». Từ đó anh tôi trở thành người đe dọa. Rồi tôi nhận được không biết bao nhiêu là lời nguyền rủa. Hai anh tôi tố cáo ‘chính mạng lưới đã làm tôi trật đường rầy về tâm lý và tôn giáo’… Sau đó chúng tôi đi đến nhà chú tôi, và khi trở về nhà lúc một giờ sáng, tôi thấy phòng tôi bị mở tung và chiếc máy ‘ordinateur portable’ của tôi bị biến mất. Sau 15 phút tìm kiếm, tôi thấy anh tôi đang giữ. Trong máy, tôi ghi những điều tôi suy nghĩ về Kitô giáo và đã ghi ảnh Thánh Giá. Tôi hỏi anh tại sao lấy máy của tôi. Anh trả lời rằng ‘vì máy anh hư nên anh cần máy tôi để nối lại… »

Anh nhìn tôi bằng cặp mắt đe dọa. Bấy giờ tôi cười với anh và lấy lại máy của tôi. Tôi trở về phòng tôi và tôi bị nhốt trong phòng cho đến bây giờ. Tôi giả thiết rằng anh đã đọc những suy nghĩ của tôi về Kitô giáo và chắc hẳn anh đã thấy hình Thánh Giá. Tôi tự hỏi : làm sao anh có thể vào phòng tôi ? Làm sao anh có chìa khóa, vì chìa khóa tôi vẫn giữ trong túi với tôi ? … Tôi sợ hãi, đã bốn tiếng đồng hồ tôi bị giam trong phòng. Thái độ của anh làm cho tôi mất hết tín nhiệm và những cái nhìn của anh làm tôi run sợ … Cầu nguyện cho tôi, tôi van nài… Chúa vẫn ở với tôi, Ngài là ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ ai nữa ? Tôi sẽ gỡ máy ra để không ai hoài nghi gì tôi nữa… »

II. TẠI CÁC NƯỚC KHÁC

Sau Arabie Saoudite, nơi Giáo Hội là ‘vô hình’, là ‘bí mật’, còn lại những nước khác nhỏ bé trên bán đảo : Yémen, Oman, Qatar, Emirats Arabes Unis, Koweit và Bahrein. Mỗi nước nhỏ này có một cách ứng xử và một chính trị hơi khác nhau đối với thiểu số Kitô hữu. Nước Arabie Saoudite lớn hơn các nước khác trên bán đảo, nhưng cũng là nước thù địch hơn đối với Kitô giáo. Trong sáu nước còn lại, Giáo Hội sinh hoạt kín đáo nhưng chính thức.

Như tại Arabie Saoudite, tất cả các Kitô hữu đều là ngoại quốc tạm trú trong các nước này vì lý do lao động nghề nghiệp. Những nước này kiến thiết trường kỳ kể từ khi dàu hỏa trở thành nguồn tài sản quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Từ Koweit đến Yémen, các nước đều mở ra biển khơi. Đó là một thế giới khác quay về lục địa ngầm Indien và vượt lên trên các eo biển Malaisie.

Không kể Qatar wahhabite, những tiểu quốc này sống hồi giáo ít gò bó. Tuy nhiên cũng bảo thủ và trung thành với truyền thống. Nếu đôi khi các nước này đụng độ với người Tây phương, thì chính các nước Tây phương cũng làm phật ý họ nữa.

1. Émirats Arabes Unis (Các Tiểu Vương Quốc  A-rập Thống Nhất) : Chân trong bùn !

Theo Hiến pháp của liên bang thì Hồi giáo là tôn giáo chính thức của bảy tiểu bang (Emirats) đã liên hiệp thành Liên bang các Emirats Arabes. Hiến pháp của liên bang bảo đảm sự tự do phụng tự cho những người không-hồi giáo, miễn là họ không vi phạm luật pháp hay luân lý công cộng.

Tháng năm 2010, các Émirats đã thiết lập liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh trên cấp bậc đại sứ. Thành phố Abu Dhabi là nơi tọa lạc cơ sở đại diện tông tòa cho cả liên bang Émirats Arabes Unis, Yémen và Oman. Các gia đình hoàng tộc đã dâng đất xây cất các đền thờ Công Giáo, chính thống, arméniens và cả đền thờ tin lành.

Vào tháng 6.2011, sau bốn năm làm việc, nhà thờ chính tòa Chính Thống Nga đã được khánh thành tại thành phố Sharjah. Nhà thờ dâng kính thánh Philippê Tông Đồ, là nhà thờ đầu tiên trên bán đảo Ảrập có 5 thánh giá thiếp vàng sáng chói trên các nóc tròn. Để được phép xây cất một nơi phụng tự Kitô giáo, cần phải tránh đặt lộ liễu bên ngoài các biểu tượng. Giáo chủ Mouscou nhắc lại trên màn ảnh truyền thông rằng : « Biến cố quan trọng như vậy đối với cộng đồng địa phương đã được thực hiện là nhờ lòng quảng đại của đô đốc Sharjah, Sultan bin Muhammad».

Tuy nhiên, Liên bang Émirats Arabes Unis không phải là không trách móc các kitô hữu. Năm 1996, một Kitô hữu Liban, người trách nhiệm cao cấp trong một khách sạn quốc tế đã bị tuyên bố li dị và chịu 39 roi đòn vì đã thành hôn với một người nữ hồi giáo.

Đàng khác, tại Dubai, đất tặng để xây nhà thờ nằm ngay rẻo sông. Vào mùa mưa, các linh mục và giáo dân đều lội trong bùn nhơ.

2. Tiểu quốc Oman.

Nguồn luật pháp của tiểu quốc Oman là C-haria và Hồi giáo là tôn giáo quốc gia. Tự do thực hành các tôn giáo khác được bảo đảm, miễn là phù hợp với truyền thống hồi giáo và không làm rối loạn trật tự công cộng. Tuy nhiên cấm chỉ việc in ấn các sách vở tôn giáo ngoài hồi giáo. Dầu vậy, chính quyền làm ngơ cho việc đưa sách báo tôn giáo từ ngoại quốc vào, sau khi đã kiểm soát.

Hình luật dự liệu phạt tù bất cứ ai dám nói phạm đến Thiên Chúa hay các ngôn sứ, hay xúc phạm đến hồi giáo. Khoản luật này đôi khi được sử dụng cách vô ý thức..

Trong tiểu quốc Oman có 4 xứ đạo và 26 địa điểm mục vụ được đảm nhiệm bởi 9 linh mục. Thánh lễ luôn đông người dự. Trong thập niên 80, tại nhà thờ Saint Pierre et Saint Paul, giáo dân đứng chen nhau cả ra đường phố. Vì thế, tiểu vương Qabus đã cho người Công Giáo đất để xây thêm nhà thờ mới. Ông còn tặng cây đàn Orgues vốn để trong hoàng cung.

Mấy tháng sau ngày khánh thành nhà thờ, cha Barnabé dòng Phanxicô, cha sở xứ đạo đã bày tỏ những lời thật cảm động : «Những cây đàn này đã 12 năm giữ trong hoàng cung. Chính tiểu vương đã gỡ ra đem đến nhà thờ và ráp lại như cũ. Hơn 7.000 giáo dân đã dự lễ đêm giáng Sinh trong ngôi nhà thờ mới này. Và tôi dám nói là chúng tôi rất đỗi vui mừng, nhiệt liệt ghi ơn… ».

Tuy nhiên không phải tất cả đều hoàn thiện. Người ta lưu ý rằng nhà thờ Chala nằm ở ngoại ô thủ đô, chỉ nằm trên một rẻo đất giữa nhiều đường xe giao nhau, tạo nên tiếng ồn nhộn nhạo thường trực và phiền hà khi cử hành phụng vụ…

3. Yémen : Kitô hữu nằm nằm trong thế kẹt giữa những tranh dành ảnh hưởng của các phe phái hồi giáo !

Yémen là một trường hợp khác thường trong vùng. Nước Anh đã kiểm soát nước này từ 1839 đến 1967, nhưng họ chỉ quan tâm đến cửa biển Aden, thủ đô, nằm về phía Nam Yémen thôi. Còn phía Bắc là nơi sinh sống của các bộ lạc và các chức sắc (imams) hồi giáo theo truyền thống, không chịu ảnh hưởng gì đáng kể của người Anh.

Tại Aden, nhiều nhà thờ mọc lên. Năm 1967, khi người Anh ra đi, người ta đếm được 22 nhà thờ. Nhưng cuối thế kỷ, chỉ còn sót lại mấy nhà thờ. Những vụ đụng độ thê thảm và tàn sát đã làm rung động cả nước sau khi quân anh rút lui.

Mới đây, năm 2011, trật tự và an ninh của nước này lại bị tan vỡ . Về miền Tây-Bắc hồi giáo Chiites đã nổi loạn chống lại hồi giáo Sunnite. Từ căng thẳng đến đụng độ, rồi giao chiến, nhóm nào cũng tăng cường các vụ phá hoại tai ác. Dân chúng nổi dậy chống lại vị tổng thống đã 33 năm tại chức. Tổng thống phải thoái vị với điều kiện được miễn tố. Tân tổng thống Abdo Rabbo Mansour Hadi, được bầu lên năm 2012, đang cố sức thống nhất và hòa giải xứ sở.

Những vụ đụng độ tàn ác là một đe dọa liên tục cho người kitô hữu. Linh mục Mattews, người Ấn Độ, cha sở của một xứ đạo tại Aden, thường xuyên bị người hồi giáo xỉ vả và đe dọa ‘giết chết’.

Tháng ba năm 2012, mạng lưới hồi giáo loan tin : « Nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa bên cạnh những moudjahidin, ông Joel Shrum, một người tích cực truyền giáo dưới chiêu bài giáo sư, đã bị giết ». Cha mẹ của giáo sư trẻ tuổi này quả quyết : «Giáo sư Joel đến Yémen để học tiếng ả rạp chứ không phải để truyền giáo ».

4. Qatar : hồi giáo wahhabisme mềm dẻo hơn. 

Mặc dầu diện tích bé nhỏ, Qatar tạo được ảnh hưởng đáng kể đối với các nước khác trên bán đảo nhờ có nguồn lợi sung mãn. Hiến pháp của Qatar tuyên bố hồi giáo là tôn giáo của quốc gia và luật hồi giáo là nguồn chính yếu của luật pháp Qatar. Các tôn giáo thiểu số trong lãnh thổ đều có quy chế pháp lý và có quyền liên hệ và gặp gỡ giữa các tôn giáo. Vì thế Qatar đã tạo nên một bầu khí tương đối kính trọng quyền tự do tôn giáo. 

Tại Qatar, mọi vấn đề thay đổi kể từ khi một tù trưởng (émir) trẻ tuổi đã phế bỏ thân phụ và nắm quyền cai trị. Các buổi cầu nguyện riêng tư được diễn tiến không có trở ngại. Đôi khi số người tham dự rất đông. Trong một vương quốc mà dân theo hồi giáo wahhabites giống như dân Arabie Saoudite, nhưng các linh mục lại có một quy chế được pháp luật công nhận và có thể cử hành nghi thức hôn phối và an táng.

Toà Thánh đã đạt được hiệp uớc đặt tòa khâm sứ và liên hệ ngoại giao ngay từ năm 1993. Sư kiện đó đã tạo cơ hội xây ngôi nhà thờ nguy nga tại thủ đô Doha. Chính nhà vua đã cho đất xây nhà thờ. Vì thế nhiều nhóm hồi giáo chỉ trích nhà vua.

Ngay thủ đô có bốn cơ sở phụng tự khác dành cho chính thống, Công Giáo, anh giáo và tin lành Luther.

5. Koweit : Những dự luật chống các Giáo Hội đều bị coi là phản hiến pháp.

Tại Koweit có từ 350.000 đến 400.000 Kitô hữu, mà 200.000 là Công Giáo. Đây là một nước mà người Kitô giáo sống thoải mái nhất trong vùng. Tuy nhiên vẫn có những chống đối từ phía hồi giáo quá khích hay bảo thủ, cản trở việc thi hành nhiều dự án ủng hộ người Kitô hữu. Thí dụ, Hội đồng thành phố Koweit đã hai lần từ chối , 27.10 và 03.12. 2010, đơn xin của bộ Ngoại Giao xây một nhà thờ mới cho cộng đoàn Melkite-Greco Công Giáo. 

Ngày 16. 02. 2012, một nhóm chính trị đã phổ biến một đề nghị phá đổ hết các nhà thờ, nhà nguyện kitô giáo trên lãnh thổ. Nhưng sau cùng, đề nghị này biến thành đề nghị cấm xây thêm các nhà thờ mới. Những lời tuyên bố chống tôn giáo như trên bị dân chúng phản kháng và những nhà chính trị khác cho là ‘những đề nghị trái hiến pháp’. Vì hiến pháp Koweit bênh vực quyền tự do tôn giáo của mọi công dân và của mọi kiều dân cư ngụ tại vương quốc. Vì, theo hiến pháp 1962, thì hồi giáo là tôn giáo quốc gia và là ngưồn chính yếu của luật quốc gia. Nhưng khoản 35 quy định rằng : ‘Tự do lương tâm là tuyệt đối. Nhà nước có bổn phận che chở việc hành đạo đúng theo phong tục hiện hành, và với điều kiện không vi phạm trật tự và luân lý công cộng’.

Đây là nước đầu tiên trên bán đảo có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Koweit trao đổi cấp bậc đại sứ với Tòa Thánh từ 1968. Năm 1996, đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, thứ trưởng bộ ngoại giao của Tòa Thánh, thời Đức Goan Phalô II, đã viếng thăm chính thức nước Koweit. Ngài được đón tiếp bởi tiểu vương Jaber al-Ahmed al-Sabah và đã dâng lễ tại nhà thờ chính tòa. Ngài đã gặp gỡ ‘một cộng đoàn 100.000 người Công Giáo vui hưởng quyền tự do tôn giáo, sống đức tin cách thoải mái. Mong có những liên hệ tốt như vậy tại các nước khác trên bán đảo, những nơi này, các kitô hữu chưa được hưởng quyền tự do tôn giáo như vậy’.

Rồi đến tháng 5. 2010, Đức Giáo Hoàng Benoit XVI tiếp kiến lần đầu tiên, tiểu vương Koweit, Cheikh Sabah al Ahmad al Sabah. Một trong những đề tài trao đổi giữa hai vị là ‘đối thoại tôn giáo’.

Cộng đồng Công Giáo dưới quyền quản nhiệm của đức tổng giám mục Camillo Ballin, đại diện tông tòa tại Koweit, Qatar, Arabie Saoudite và Bahreim. Tòa tổng giám mục đặt tại Koweit cho tới năm 2011, sau đó được chuyển tới nước Bahrein, vì những lý do thực tế thuận lợi . Đức tổng giám mục có 47 linh mục lo mục vụ cho giáo hữu rải rác trên 4 tiểu vương. 

Tại Koweit, Giáo Hội có nhà thờ chính tòa ngay thủ đô dâng kính Thánh Gia, và 4 nhà thờ khác. Nhà thờ chính tòa nằm giữa lòng thành phố, trên khu đất rộng và đẹp do một tiểu vương tặng ban cách đây 50 năm, tức 1966. Vì được xây trên địa thế khang trang, nằm giữa thủ đô, nhà thờ chính toà đã là nguyên nhân cho nhiều lời phê bình, thậm chí nhóm hồi giáo muốn dịch nhà thờ chính toà đến chỗ khác, hay xây một nhà thờ mới thay thế. Nhưng Đức Giám Mục đã đặt một bảng ghi ơn bằng tiếng ảrập và tiếng anh, cám ơn và tôn vinh các tiểu vương đã đi trước và các tiểu vương đương nhiệm… vì lòng quảng đại vốn có nơi các ngài… Từ đó, báo chí không còn đặt vấn đề về khu đất xây nhà thờ chính tòa nữa.

Mỗi tuần có 46 thánh lễ cử hành trong nhà thờ chính toà, với 5 nghi thức phụng vụ và 12 ngôn ngữ khác nhau. Đây là một vấn đề thường xuyên xảy ra làm đau đầu cho linh mục quản nhiệm nhà thờ, nhất là vào những ngày lễ lớn. Đức Giám Mục nói rằng : ‘Nguồn lợi tinh thần của Giáo Hội Koweit là tại nhà thờ chính tòa, người ta tham dự đông đảo việc chầu mình thánh liên tục’. 

Xứ đạo sầm uất thứ hai tại Koweit là nhà thờ xứ Almađi. Đây là nhà thờ cổ nhất tại Koweit. Khi đào để đặt móng nhà thờ, người ta đã tìm thấy một nền móng nhà thờ từ xa xưa. Trong nhà thờ có toà Đức Bà Arabie, được đức Piô XII làm phép và tôn vinh Đức Maria làm quan thày của bán đảo. Đức Giám Mục đã trao phó cho Đức Mẹ nhiều dự án mong được thực hiện trên tiểu vương này… Một số dự án mong được thực hiện tại Bahrein…

6. Bahrein : Một Giáo Hội hoạt động tích cực.

Bahrein chỉ có 1.200.000 dân cư mà 1/2 là người ngoại quốc và phần đông là gốc Á châu. Họ nhập cảnh để lao động. Tại đây chỉ có 6 linh mục lo cho 100.000 người Công Giáo. Như vậy người Công Giáo chiếm 8% dân số. Họ không được định cư, chỉ ở làm việc chừng 6, bảy năm rồi phải về nguyên quán. Dầu vậy, sinh hoạt cộng đoàn tương đối vững bền. Đàng khác, đa số giáo dân nghèo, vì họ làm việc với đồng lương thấp kém. Nhiều khi họ gặp những khó khăn về hành chánh, khiến các linh mục tốn nhiều thời gian giúp đỡ họ, đồng hành với họ …

Mục vụ của các linh mục rất sinh động, tinh thần liên đới của giáo dân thật tích cực và đáng thán phục. Nhờ thế mà Giáo Hội đã đầu tư vào công trình giáo dục : là mở một trường mẫu giáo thu nhận 140 em bé và một trường trung tiểu học với con số 1.200 học sinh. Đó là trường Thánh Tâm do các nữ tu Cát Minh-Tông Đồ (Carmélites Apostoliques) điều hành. Dòng gốc Ấn Độ và các nữ tu thuộc 24 quốc tịch khác nhau, làm việc với cả những người hồi giáo bản xứ, họ chiếm tới 20%. Về học sinh thì 70% là Công Giáo, còn lại là Ấn giáo, Phật giáo, Đạo giáo… 

Giáo Hội Bahrein quan tâm nhiều đến vấn đề xã hội, như đi thăm viếng các tù nhân, giúp đỡ các bệnh nhân, đồng hành với những người gặp khó khăn đặc biệt, cấp cứu những trường hợp khẩn trương.. Nhờ những sáng kiến tông đồ từ thiện, Giáo Hội phát triển…

Một bằng chứng cụ thể: Đức tổng giám mục Ballin, đại diện tông tòa, kể lại rằng: “Bấy giờ tôi đang ở Koweit, tôi đã nhận được điện thoại của văn phòng bộ trưởng cho biết ‘Ông Bộ Trrưởng mong gặp tôi’. Tôi trở về Bahrein, đến ngay văn phòng của ông và tôi nhận được một niềm vui thật lớn: Ông Shaykh Ahmed Bin Ateytallah al Khalifa, bộ trưởng ‘theo dõi việc thực hiện các quyết định của nhà vua hay của chính phủ’, trao cho tôi ‘giấy chủ quyền một khu đất 9.000 mét vuông, trên đó có thể xây một nhà thờ mới’. Bằng khoán này ký ngày 11. 02, ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức. Lập tức tôi nghĩ đến Đức Bà Arabie. Những lời cầu nguyện của chúng tôi đã được chấp nhận. Đức bà Arabie có nhiều khả năng làm phép lạ! Ông bộ trưởng mời tôi đi vào hoàng cung gặp vua Hamad bin Issa al-Khalifa với tất cả các chức sắc tôn giáo và còn nói thêm ‘tôi sẽ ngồi bên cạnh nhà vua vì là khách mời danh dự’. Như vậy, tôi có thể cám ơn nhà vua đã cho cộng đoàn Công Giáo khu đất xây nhà thờ mới’.

Nhà thờ mới này nằm vào trung tâm của bán đảo. Bahrein sát gần với Qatar và Arabie Saoudite và có thể đi bằng xe hơi, vì các nước nối nhau bằng những cây cầu tân tiến. Những Kitô hữu sống Arabie Saoudite có thể qua Bahrein mỗi cuối tuần, vừa để xả hơi, vừa có dịp dâng lễ, bày tỏ niềm tin cách thoải mái hơn ở Arabie Saoudite. Các nhà thờ khác đều chật ních, vì thế vấn đề khẩn trương là điều hành mục vụ thế nào để phục vụ tốt cho hơn 100.000 Kitô hữu lao động.

Giáo Hội ở Bahrein chỉ có 6 linh mục dòng Phanxicô (capucins) quốc tịch Ấn Độ, Li Băng và Phi Luật Tân. Nhà thờ Thánh Tâm chỉ đủ chỗ tối đa cho 1000 giáo dân, còn chừng 500 người khác phải đứng ở ngoài mà dự lễ. Mỗi cuối tuần, thứ sáu đến Chúa Nhật có 24 thánh lễ. Tại xứ này, thứ bảy được coi như ngày Chúa Nhật.

Vì thế việc xây ngôi nhà thờ mới thật cần thiết. Dự án, nhà thờ có thể đón 2600 tín hữu. Ngoài ra cần cơ sở để tổ chức các buổi cấm phòng và các khóa huấn luyện giáo dân trong cả bán đảo Arập. (1).

III. KITÔ HỮU BỊ ĐE DỌA KHẮP NƠI

Trong năm 2013, những hành động bạo lực chống Kitô giáo mỗi ngày một gia tăng trên thế giới, đã tạo nên một tình trạng đáng quan tâm và một bầu khí ngột ngạt. Theo bản thống kê quốc tế, trong năm qua, người Công Giáo, tin lành, chính thống và anh giáo, không những bị đe dọa mà còn bị bách hại. Mới đây, tổ chức ONG Portes Ouvertes đã cho biết, chỉ trong năm 2013, có 2.123 Kitô hữu bị sát hại vì niềm tin của họ. Con số này gần gấp đôi sánh với năm 2012: năm 2012 chỉ có 1.201 Kitô hữu bị thiệt mang. Tổ chức còn nói rõ: các Kitô hữu bị đe dọa và bách hại nhiều hơn cả là tại lục địa Phi châu và mấy nước Á Châu, đặc biệt tại Trung Đông. Hiện tình báo động rằng không phải khắp nơi đã có sự tự do tôn gáo. 

Portes Ouvertes cho biết: Đứng đầu các nước ngược đãi Kitô hữu là Bắc Hàn đã 12 năm liên tiếp. Tại đó Kitô giáo bị coi như một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đến từ sự đồi bại của Âu châu. Nhưng các tôn giáo khác cũng không được đánh giá cao hơn. Các tổ chức theo dõi tình hình này đặt tên cho năm 2013 là ‘mùa đông của Kitô giáo’. ‘Mùa đông Kitô giáo này’ bi đát nhất là tại các nước ‘mùa xuân Ảrập’, chẳng hạn tại Ai Cập đã có 492 nhà thờ bị phá hoại. Trong những cuộc cách mạng mùa xuân vừa qua, các cộng đoàn Kitô giáo không bị tấn công trực tiếp vì đức tin, nhưng một cách gián tiếp vi ‘thái độ trung lập’ của họ. Người Kitô giáo đứng vào thế kẹt giữa ‘chế độ cũ’ và các tổ chức hồi giáo ‘nắm được chính quyền’. Tại Syrie hiện nay, Kitô giáo là thiểu số với 5% dân số, nên theo ông Frédéric Pichon, tác giả cuốn ‘Maaloula, Du vieux avec du neuf’, thì nhiều Kitô hữu bị ép buộc trở lại hồi giáo, hay phải trả 35.000 dolars mỗi tháng để tiếp tục sống đức tin. 

Phi châu cũng mỗi ngày một nguy hiểm cho các cộng đồng Kitô giáo: Các nhóm hồi giáo (được trợ cấp của những nước Ảrập nhiều dầu hỏa) không ngại tàn sát các Kitô hữu cách lạnh lùng, như ở Nigeria và Somalie mới đây. Chỉ trong một vụ đụng độ, 770 Kitô hữu Somali bị thiệt mạng.

Trước tình trạng bi đát này, nhiều Kitô hữu buộc lòng ra đi khỏi quê hương. Dĩ nhiên họ mất hết tài sản và không có ngày hẹn trở về. Ông Frédéric nhấn mạnh rằng đây là ‘cuộc diaspora Kitô giáo quan trọng trên thế giới hôm nay’. 

Sau đây là danh sách 50 nước mà tại đó các Kitô hữu đang bị đe dọa và bách hại hơn cả trên thế giới: 1. Nord Corée – 2. Somalie – 3. Syrie – 4. Irak – 5. Afghanistan – 6. Arabie Saoudite – 7. Maldives – 8. Pakistan – 9. Iran – 10. Yémen – 11. Soudan – 12. Érythrée – 13. Libye – 14. Nigeria – 15. Ouzbékistan – 16. Centrafrique – 17. Éthiopie – 18. Vietnam – 19. Qatar – 20. Turkménistan – 21. Laos – 22. Égypte – 23. Birmanie – 24. Brunei – 25. Colombie – 26. Jordanie – 27. Oman – 28. Inde – 29. Sri Lanka – 30. Tunisie – 31. Bouthan – 32. Algérie – 33. Mali – 34. Terriolres – 35. Eau – 36. Mauritanie – 37. Chine – 38. Koweit – 39. Kazakhatan – 40. Malaisie – 41. Bahrein – 42. Comơres – 43. Kenya – 44. Maroc – 45. Tadjikitan – 46. Djibouti – 47. Indonésie – 48. Bangladesh – 49. Tanzania – 50. Niger.(2). 


 

Tác giả bài viết: Lm Mai Đức Vinh

Nguồn tin: (Trích Vietcatholicnews ngày 10-6-2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập155
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại271,339
  • Tổng lượt truy cập35,917,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây