FBI cùng ngày khám nhà của Qing Wang tại thành phố Shaker Heights, bang Ohio, và bắt ông với cáo buộc gian lận, lừa đảo.
Các công tố viên cho biết Wang đã nhận tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, song không khai báo rằng ông đồng thời đang giữ chức hiệu trưởng trường Công nghệ và Khoa học Đời sống tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung, Trung Quốc. Giới chức Mỹ cáo buộc hành động này của ông đã vi phạm các điều khoản nhận tài trợ liên bang.
Tiến sĩ Wang là người Mỹ gốc Hoa, chuyên về các bệnh di truyền và bệnh tim mạch, đã làm cho bệnh viện Cleveland từ năm 1997.
Các điều tra viên Mỹ cho rằng tình báo Trung Quốc từ lâu đã tìm cách lôi kéo Hoa kiều để đánh cắp công nghệ Mỹ, từ trang thiết bị quân sự cho đến nghiên cứu y học. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chỉ bắt đầu có động thái quyết liệt chống lại những hành vi này kể từ năm 2018.
FBI cáo buộc tiến sĩ Wang tham gia chương trình "Vạn nhân tài" của chính phủ Trung Quốc, chiêu mộ hàng nghìn người tài làm việc ở nước ngoài để phát triển đất nước. Washington cáo buộc đây là chương trình giúp Bắc Kinh lôi kéo những người có thể tiếp cận công nghệ nước ngoài hoặc các dữ liệu giá trị.
Bệnh viện Cleveland cho biết đã sa thải Wang sau khi biết ông không trung thực về mối quan hệ với Trung Quốc. Luật sư của ông hiện chưa bình luận về sự việc.
FBI tuần trước bắt Simon Saw-Teong Ang, 63 tuổi, giáo sư kỹ thuật điện và nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas-Fayetteville (UA) ở Fayetteville, bang Arkansas, Mỹ, với tội danh lừa đảo. Ang bị cáo buộc đã lừa gạt NASA và UA bằng cách không tiết lộ việc ông giữ các vị trí khác tại một trường đại học Trung Quốc và nhiều công ty Trung Quốc, vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích.
Giáo sư C-harles Lieber tại Đại học Harvard hồi tháng 1 cũng bị cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Trung Quốc nhưng không khai báo trung thực. Lieber được cho là cố gắng che giấu quan hệ với Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) và tham gia chương trình "Vạn nhân tài" của Trung Quốc.