Nhóm người biểu tình bên ngoài Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/11. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc tranh luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva hôm qua, một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về cách Trung Quốc hành xử với các nhóm dân tộc thiểu số, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo và người Tây Tạng, AFP đưa tin. Khi cuộc tranh luận diễn ra, khoảng 500 người biểu tình bên ngoài tòa nhà.
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), quá trình toàn bộ 193 quốc gia của Liên Hợp Quốc phải tham gia 4 năm một lần, đang tăng cường xem xét hoạt động tại cơ sở mà các nhà hoạt động mô tả là trại cải huấn chính trị hàng loạt ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
"Chúng tôi được cảnh báo về sự đàn áp ngày càng tồi tệ của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và những cộng đồng Hồi giáo khác tại khu tự trị Tân Cương", đại diện của Mỹ Mark Cassayre phát biểu trước hội đồng. Ông cho biết Washington muốn Bắc Kinh "bãi bỏ tất cả những hình thức giam giữ tùy ý, bao gồm các trại ở Tân Cương, và trả tự do ngay lập tức cho hàng trăm nghìn, có thể là hàng triệu, cá nhân bị giam tại đây".
Đại sứ Pháp Francois Rivasseau cũng yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt việc giam giữ hàng loạt tại các khu trại", đồng thời mời Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tới xem xét tình hình.
Tuy nhiên, các thành viên của phái đoàn Trung Quốc tham gia cuộc tranh luận đã phủ nhận vấn đề được nêu ra. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho rằng đó là "những cáo buộc mang tính chính trị từ một vài quốc gia đầy thiên vị".
Phái đoàn Trung Quốc tái nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh rằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt tại Tân Cương là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, và họ không nhắm tới bất cứ nhóm dân tộc cụ thể nào.
Họ cho biết "các trung tâm đào tạo nghề" được thiết lập nhằm giúp những người có xu hướng bị cuốn theo chủ nghĩa cực đoan tránh xa chúng, đồng thời tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập vào xã hội. Phái đoàn cũng thẳng thừng phủ nhận quan điểm cho rnhân quyền ở trung Quốc bị hạn chế và nhấn mạnh thành tựu giảm nghèo đói của đất nước.
"Những gì Trung Quốc đã đạt được cho thấy có nhiều hơn một con đường dẫn tới hiện đại hóa, và mỗi quốc gia có thể lựa chọn con đường phát triển và mô hình bảo vệ nhân quyền riêng", ông Lạc tuyên bố.
Trung Quốc được cho là đang tiến hành một cuộc "phản công" nhằm chống lại những chỉ trích đối với chính sách tại khu tự trị Tân Cương, nơi các cộng đồng Hồi giáo sinh sống, bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ của truyền thông nước ngoài và đưa ra thông điệp tích cực hơn.
------------------------------
Tác giả bài viết: Ánh Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn