18 giờ kinh hoàng trên biển

Thứ sáu - 13/06/2014 09:59

18 giờ kinh hoàng trên biển

http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/612431/18-gio-kinh-hoang-tren-bien.html TT - Trên hành trình từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đánh bắt, tàu QNg 96084 đã gặp nạn. 16 thuyền viên đã dựa vào bản năng sinh tồn và tình người, đùm bọc nhau trong hoạn nạn để sống sót sau 18 giờ lênh đênh trên biển cả mênh mông.
Đến khi được tàu hải quân HP17 cứu và đưa về cảng Lý Sơn, 16 thuyền viên mới tin mình được sống.
Các thuyền viên đều phờ phạc người, mệt lả sau gần một ngày lênh đênh, chống chọi với sóng to, gió lớn, cái nắng bỏng da. Còn bà con xóm làng, vợ con họ xúc động ôm nhau khóc mừng rỡ như được sinh ra lần hai.
Chỉ 15 phút để nhảy xuống biển
9g ngày 9-6, tàu QNg 96084 từ Lý Sơn (Quảng Ngãi) đi vùng biển Hoàng Sa với hi vọng đầy khoang cá. Tàu đã chuẩn bị đầy đủ dầu, gạo, nước uống... cho chuyến ra khơi dài ngày. Chưa hết nỗi bàng hoàng, thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh (30 tuổi) kể: “Hơn 15g, ánh nắng chói làm tôi tỉnh giấc, tôi phát hiện mùi khét và khói đen bốc lên từ dưới hầm máy”. Anh Thạnh nhanh chóng mở cửa buồng máy thì một luồng lửa nóng hừng hực thiêu đốt hất anh ra phía sau. Không thể cứu chữa, Thạnh hốt hoảng tri hô. Lúc này mọi người bật dậy chạy về phía sau đuôi thuyền, lấy nước ngọt xối tới tấp vào buồng máy chữa cháy, số khác dùng vòi nước phun dọc cabin, khống chế không cho đám cháy lan ra. Sau một hồi chữa cháy bất thành, thấy lửa bén đến gần bảy bình gas trên tàu, các thuyền viên đành nhảy xuống biển.
Lửa cháy làm tắt nguồn điện và không có thời gian để ngư dân phát tín hiệu cấp cứu. Các ngư dân vừa nhảy vừa mang theo can nhựa, phao, một thùng mì tôm và hai chai nước lọc. Lái tàu Nguyễn Bình sau khi cho tàu dừng lại là người nhảy xuống biển cuối cùng. Gặp thời tiết nắng, gió nên ngọn lửa cao 5m, cột khói đen bốc cao ngùn ngụt tạo thành vệt lớn dài như chiếc phản lực vừa bay qua. Giữa biển khơi, thuyền trưởng Thạnh giọng lạc giữa gió rít mạnh, sóng dồn dập: “Anh em phải bơi gần lại, kết nhau thành vòng tròn để không ai bị sóng đánh dạt ra xa. Phải gắn được nhau mới hi vọng sống sót giữa trùng khơi”. Mọi người cố bơi ngược sóng để nắm tay với nhau và 16 ngư dân dùng dây thừng kết bè với phao, can nhựa tạo thành bè chống chọi giữa biển khơi.
Chia nhau từng vốc mì tôm, ngụm nước
Trong ba giờ sau đó, mọi người vừa vật lộn với sóng biển vừa cố gắng bám theo chiếc thuyền đang cháy rừng rực. Tàu cháy trong một giờ, cháy mạn phải rồi chìm hẳn phần đuôi, chỉ còn phần mũi thuyền nổi dập dềnh trên mặt nước, từng thớt gỗ cháy ra thành than rơi xuống và vết dầu loang ra tạo thành vệt lửa lớn trên biển.
Đến hơn 18g, khi con tàu hết cháy và lửa dầu trên biển tắt đi, các ngư dân mới lần lượt bám vào mũi tàu. Người mạnh đi trước để kéo dây gần tàu, còn những người bơi khỏe thì dìu và đẩy người yếu hơn đến gần tàu, sức lực ai cũng gần như cạn kiệt. Mui tàu chưa đầy 4m2 là chiếc phao cuối cùng cho 16 mạng người. Cùng lúc mặt trời tắt hẳn, bao trùm bóng tối trên biển. Xung quanh không có một tàu sáng đèn, tiếng động duy nhất là sóng biển đập vào mũi tàu.
Từng giờ trôi qua, bóng đêm sâu thẳm, những ngư dân trải qua “đêm dài như thế kỷ”. Đồng thời niềm hi vọng cứu sống vơi dần trong đêm lênh đênh giữa mênh mông sóng biển.
Tàu cứ trôi dạt theo từng đợt gió, từng con sóng vỗ đưa 16 ngư dân trôi nổi lênh đênh. “Giữa đêm tối, nếu chẳng mai gặp tàu lớn thì nguy cơ bị tông chìm là rất cao bởi chẳng ai thấy một vật nhỏ bé giữa biển cả” - ngư dân Bùi Văn Thiện nằm bên nói. Càng về khuya, cái lạnh càng bủa vây 16 con người đang “chênh vênh” giữa sự sống và cái chết. Mũi tàu nghiêng 45 độ, những ngư dân khỏe nằm nửa mình dưới nước, nửa phơi trần. Phía trên là những ngư dân yếu nhất nằm co quắp trên sàn. Còn mũi tàu thì ngư dân lâu năm ngồi ôm cột để nghỉ. Ngư dân 36 tuổi Trần Văn Hà với gần 20 năm quần thảo biển khơi tâm sự: “Chưa có khó khăn nào ở biển cả tôi chưa gặp nhưng tai nạn lần này quá nhanh, một đêm dài. May mà trời lặng gió, chứ nếu mũi tàu vỡ thì hết cơ hội...”. Khi nhảy xuống biển, không ai kịp mặc áo nên da mọi người phải phơi trần nước biển và nắng gắt. Đêm xuống, trời gió, họ phải ôm nhau lại để khỏi lạnh và đau rát.
Mệt lả người, mì tôm hơn chục gói và ướt, 16 con người chia nhau từng vốc mì trên tay nhai ngấu nghiến, dốc từng giọt nước ngọt để cầm hơi.
Đêm dài cũng qua, khi ánh sáng yếu ớt chân trời bừng lên thì hi vọng của họ bắt đầu le lói. Sóng biển bắt đầu mạnh dần lên, mũi thuyền chao đảo bởi phần thân máy quá nặng bị chìm xuống biển càng lúc càng kéo mũi thuyền dựng đứng. Anh Thạnh phân công anh em, chia phần việc để cứu lấy tính mạng. Khi sự sống và cái chết ở lằn ranh mỏng, các ngư dân vận dụng kinh nghiệm cả cuộc đời đi biển để chiến đấu với thiên nhiên. Thạnh lặn xuống nước, dùng dây thừng buộc thân máy lại để cố định. 15 ngư dân còn lại ra sức kéo dây thừng buộc vào trụ kèo trước mũi tàu để nâng thân máy lên, buộc cục xốp to vào thân máy để cùng với dây thừng không cho phía đuôi tàu chìm. Hai ngư dân khác lặn xuống hai bên mạn tàu dùng số can nước buộc vào hai bên giữ phần mũi tàu thăng bằng.
Mọi người dự tính cho việc kéo dài sự sống 10 ngày trên biển. Họ chia nhau từng tốp làm bè, tốp lặn lại vào trong khoang để tìm kiếm chút lương thực sót lại nhưng chỉ còn vài trái dưa hấu, bí đao, cà chua giập nát trong khoang nước đá. Họ lại bẻ cho nhau từng miếng mì tôm giữ chút sức lực. Số còn lại trên mũi vẫn kiên trì vẫy cờ làm bằng mấy miếng xốp lót ra tín hiệu kêu cứu.
Sự chịu đựng dường như đã quá giới hạn thì hơn 9g ngày 10-6, các thuyền viên reo mừng, ôm lấy nhau khi tàu HP17 phát hiện và hướng về chiếc tàu gặp nạn. Họ ôm lấy nhau, ai cũng ứa nước mắt hét lên: “Sống rồi, sống rồi”.

Tác giả bài viết: TIẾN LONG - TRẦN MAI - VIỆT HÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập78
  • Hôm nay10,943
  • Tháng hiện tại31,112
  • Tổng lượt truy cập35,677,457
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây