Hãy lạc quan lên một chút !

Thứ hai - 23/06/2014 09:44
Nhiều người cho rằng tranh chấp với Trung Quốc về giàn khoan 981 hiện nay là « bế tắc », là « nan giải ». Đúng vậy, thật là nan giải khi ta đọc lời « giáo huấn » của Dương Khiết Trì (thông qua Tân Hoa Xã), dạy dỗ VN trong cuộc gặp gỡ với Phạm Bình Minh hôm qua :
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.
 
 "Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam."
 
 Trong khi Phạm Bình Minh cho biết thái độ của VN : 
 
A"Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước." 
 
Nếu vấn đề ngừng ở đây, rồi hết, thì không phải chỉ là « nan giải » và « bế tắc ». 
 
Nan giải và bế tắc là khi ta loay hoay tìm mãi mà không ra giải pháp cho một việc khó khăn nào đó. 
 
Ở đây mọi việc như thể được « an bài » trong « cẩm nang » mà lãnh đạo hai bên vạch ra từ các đời TBT trước. Tức là phía VN đã « bó giáo qui hàng », nếu có làm gì thì cũng không ngoài những gì đã được « lãnh đạo » qui định trước. 
 
Vấn đề mà người dân « bức xúc » là : Cái « đại cục » mà Dương Khiết Trì chỉ ra cho VN là cái « cục » gì mà lại đặt trên quyền lợi của đất nước ?
 
« Nhận thức của lãnh đạo » là cái nhận thức nào mà xem là quan trọng hơn trách nhiệm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ ?
 
Họ Dương ăn nói ngược ngạo, ngậm máu phun người, cho rằng phía VN đã cản trở đủ thứ sự « tác nghiệp » của giàn khoan 981. Lại còn lên tiếng dạy dỗ công an VN  cần phải « xử lý và khắc phục tốt » các vụ biểu tình bạo động chống TQ trong tháng 5 vừa qua. 
 
Việc này không khác ví von thằng hàng xóm hung hăng đem máy cày vào cày nát miếng ruộng của mình, nó còn lên tiếng bảo mình ngồi yên, không được động đậy khi nó cày. 
 
Thái độ « hợp lý » của mình là gì ? Là « xếp ve », hứa sẽ « tuân thủ », để không « quấy nhiễu toàn cục » (lại cái « cục » thối tha) của quan hệ hai đảng, hay là mình la làng « bớ hàng xóm » ?. 
 
Đáng lẽ việc TQ đặt giàn khoan 981 đã mở cho VN nhiều cơ hội bằng vàng. 
 
Trong một bài viết gần đây tôi có cho rằng :
 
« Sẽ là quá sớm để nói về thành bại của Việt Nam tại Biển Đông trước thách thức của Trung Quốc, khi nước này đặt giàn khoan khổng lồ 981 trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn trên trăm hải lý.
 
Trên quan điểm thuần túy chiến lược, có lẽ phía Trung Quốc đã tính toán sai mà việc này có thể mở ra cho VN một cơ hội bằng vàng để giải quyết nhiều khó khăn nội bộ. 
 
Trong quan hệ ngoại giao, sự do dự của VN về việc lựa chọn đồng minh chiến lược - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được quyết định.
 
Hệ quả điều này sẽ đi đôi với việc dân chủ hóa chế độ. 
 
Như thế Trung Quốc mất một đồng minh tin cậy đồng thời tạo ra một quốc gia thù địch quan
trọng. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm 1974 cho đến nay, thì được hâm nóng lại. » 
 
Không phải là « điều tốt » hay sao, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đã « đông lạnh » từ năm 1974 đến nay lại được « hâm nóng » lại ? 
Việc này tạo cho Việt Nam một cơ hội giải quyết, hay ít nhất là « quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ». 
 
Trung Quốc từ trước đến nay một mực phủ nhận mọi hiện hữu về một tranh chấp chủ quyền ở vùng lãnh thổ này. Bây giờ mình thấy TQ đang phân trần vấn đề Hoàng Sa trước Liên Hiệp Quốc. TQ đưa những bằng chứng cho thấy từ lâu VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa. 
 
Vùng biển giàn khoan 981 mặc dầu nằm sâu trong vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa của VN nhưng nó hoàn toàn thuộc TQ vì hiệu lực (theo điều 121 Luật Biển 1982) của các đảo Hoàng
Sa. Rõ ràng đây là một « cơ hội bằng vàng » để VN đặt lại toàn bộ vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với Trung Quốc trước dư luận quốc tế. 
 
Bằng vàng, bởi vì phía TQ đã quên một điều quan trọng, là thời điểm phát xuất các « bằng chứng » (VN) công nhận chủ quyền của TQ tại HS, Việt Nam là một quốc gia bị phân chia, có tới hai miền (VNCH và VNDCCH) mà không bên nào có tư cách pháp nhân « quốc gia » trước quốc tế công pháp. 
 
Trong khi hiệp định Genève 1954 (khải huyền hai miền VN) mà TQ là một bên bảo trợ, cam kết toàn vẹn lãnh thổ của một nước VN độc lập, có chủ quyền. Hoa Kỳ, bên không ký hiệp định Genève 1954, cũng nhìn nhận nội dung hiệp định này (ít nhất hai lần), qua các giác thư ngoại giao năm 1965 và qua Hiệp định Paris 1973. 
 
Trên tinh thần này thì các bằng chứng mà TQ đưa ra không có giá trị pháp lý. Đơn giản vì nội dung của nó đi ngược lại những qui định của các kết ước quốc tế. Phía VNCH là bên quản lý hai quần đảo HS và TS, là bên có « thẩm quyền quốc gia » trên hai quần đảo. Phía VNDCCH vì không có thẩm quyền quốc gia tại hai quần đảo HS và TS, do đó không thể ký nhận bất kỳ văn kiện nào có nội dung liên quan đến hai vùng lãnh thổ này. Bất kỳ các văn kiện (hay dữ kiện) nào, xuất phát trong thời
kỳ này (1954-1975), mang nội dung xâm phạm việc toàn vẹn lãnh thổ của VN, (đi ngược lại tinh thần các hiệp định quốc tế), thì chúng đều không có giá trị. 
 
Nhưng nếu VN xem đây là việc « gia đình », (nói theo kiểu Phùng Nguyên soái), cố gắng tập trung vào việc « thuơng lượng » thông qua « đối thoại song phương », giải quyết theo lối « gia đình », chắc chắn sẽ lâm vào bế tắc vì thái độ cứng rắn của Trung Quốc. 
 
Giải quyết theo lối « gia đình » như đã thấy từ trước đến nay giữa hai đảng Cộng Sản (VN và TQ), là con phải nhịn cha, là đứa nhỏ phải chịu thua đứa lớn. 
 
VN luôn bị thiệt thòi. 
 
Lời « giáo huấn » của Dương Khiết Trì đến lãnh đạo VN là quan hệ gì nếu không phải là cha đối với con ? 
 
Tuy vậy, ta có quyền lạc quan hơn khi đọc ý kiến sau đây của TT Nguyễn Tấn Dũng : trong cuộc gặp ngày 18/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói với ông Dương Khiết Trì rằng Bắc Kinh đã 'xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền' của Việt Nam khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay. Tuyên bố này cho thấy, ít nhất một vài lãnh đạo VN đã dám nhìn thẳng vào sự thật, dám vượt lên cái bóng của « gia đình », đặt vấn đề quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng phái. 
 
Ở điểm này không ai có thể phản đối TT Nguyễn Tấn Dũng được. 
 
Vấn đề là TT NT Dũng có can đảm nắm lấy (và khai thác) cơ hội đó không ? Nếu có, thì tôi hoàn toàn ủng hộ TT Dũng. Câu hỏi đặt ra là VN khai thác cơ hội này như thế nào ? Từ lúc giàn khoan 981 của TQ đặt trong vùng biển của VN, nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi nhà nước VN « kiện » TQ. 
 
Dĩ nhiên đây là một ý kiến đúng đắn. Quan trọng là kiện về cái gì ? kiện ở đâu, kiện lúc nào ? Kiện tụng là một việc phiêu lưu, có thể thắng, có thể thua. Vì thế hồ sơ kiện của VN phải lập thế nào
sao cho mọi phán quyết của tòa, trong tình huống tệ nhất, cũng không làm cho VN bị thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ. 
 
GHiện nay nhà nước VN chưa công bố hồ sơ pháp lý của VN về Biển Đông như thế nào nên không thể có ý kiến.
 
 Nếu dựa lên các giải pháp của các học giả VN đã đề nghị thì tôi thấy có nhiều nguy hiểm. 
 
Đề nghị thường thấy là nhắc trường hợp Phi kiện TQ và thúc đẩy VN làm tương tự. Theo tôi, kiện như vậy là thất sách, sác xuất VN thắng kiện là vô cùng nhỏ.
 
Hoàn cảnh của VN hiện nay là cố gắng hâm nóng lại tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa mà từ bao lâu nay TQ một mực phủ nhận mọi hiện hữu tranh chấp, chứ không phải là tranh tụng về hiệu lực các đảo ở Trường Sa. 
 
Thật vậy, Phi kiện TQ ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) gồm mười điều, nhưng nội dung là tập trung vào việc yêu cầu Tòa giải thích hiệu lực của các cấu trúc địa lý trung vùng quần đảo Trường Sa. 
 
VN không có lợi ích gì khi đặt tâm điểm vào Trường Sa. Nếu VN kiện, xem lại danh sách bảo lưu của TQ năm 1996 ở LHQ, VN sẽ chỉ có thể kiện TQ (ở Tòa trọng tài theo phụ lục VII của công ước về Luật Biển 1982, hay một trọng tài khác…), về việc mâu thuẩn của hai bên do cách diễn giải hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa (theo điều 121 của luật Biển).
 
 Điển hình là đảo Tri Tôn mà phía VN gọi là « cấu trục địa lý » lúc chìm lúc nổi. VN không thể bây giờ theo chân Phi để kiện TQ về về hiệu lực « đường lười bò ». 
 
Vị trí giàn khoan 981 nằm trong vùng chồng lấn giữa các đảo Hoàng Sa và thềm lục địa Việt Nam chứ không có liên quan gì đến « đường lưỡi bò ».
 
 VN cũng không thể kiện TQ do việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do TQ bảo lưu không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế). Nếu VN xúc tiến việc kiện như ý kiến của các học giả VN, thì chỉ có thể kiện :
 
 -      Yêu cầu Tòa tuyên bố các đảo Hoàng Sa quá nhỏ, không được hưởng qui chế đảo (theo định nghĩa của điều 121.3 Luật Biển 1982), chúng chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý mà thôi. 
-      Hoặc yêu cầu Tòa giải thích về hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Kiện như vậy Việt Nam có thể bị Estoppel. Theo tuyên bố của chính phủ CHXHCNVN ngày 12-5-1977, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng (ZEE) 200 hải lý. Điều này cũng đúng trên thực tế.
 
Một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa hội đủ các yếu tố « đảo » theo điều 121 (có người sinh sống, có nền kinh tế tự túc…) của Luật Biển 1982.
 
 VN không thể yêu cầu Tòa tuyên bố ngược lại chủ trương của mình đã (và đang) có. Do mâu thuẩn lập trường, nguy cơ VN bị Estoppel rất lớn. Nếu VN yêu cầu Tòa giải thích hiệu lực các đảo Hoàng Sa. 
 
Hồ sơ VN cũng có thể bị bác (Estoppel), vì hai bên VN và TQ, dầu không đồng ý với nhau mọi điểm
do tranh chấp về chủ quyền HS, nhưng đã có một điểm chung về qui chế pháp lý của các đảo Hoàng Sa. Các phương cách kiện (của các học giả VN) cho thấy đều thất sách. Kiện theo lối đó thì VN chỉ thua ít đến thua hết. 
 
Tôi có một số ý kiến về kiện tụng, cần nhắc lại sau đây. Nếu VN muốn giải quyết tranh chấp theo lối « gia đình », theo ý muốn của đảng, thì cũng phải phân chia theo nguyên tắc. 
 
Nguyên tắc đó là nguyên tắc đã được xác định trong trong Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ ngày 30-12-2000 : Lấy bộ luật Biển 1982 làm nền tảng, cùng với các nguyên tắc « công bằng - équitabilité »
và « tỉ lệ - proportionnalité » của công pháp quốc tế để phân định vùng biển ngoài cửa vịnh. Nếu VN muốn đưa ra Tòa giải quyết, thì thời điểm này là một thời điểm tốt. 
 
Ta thấy tổ chức Liên Hiệp Quốc, qua phát ngôn nhân, cho biết đã đồng ý làm trung gian để hòa giải tranh chấp hai bên Việt Nam và Trung Quốc. VN cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, bằng cách : Đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều : 
 
-      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
-      Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
-      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền. Ba yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. 
 
Việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. 
 
Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ
quyền bằng trọng tài quốc tế. Mục đích việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công (điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng « có tranh chấp ». Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. 
 
Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực. 
 
Còn nếu thắng, VN được nhiều thứ. 
 
Theo tập quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó cũng có tranh chấp. Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển « có tranh chấp » mà  tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay). 
 
Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant) và An Vĩnh (Amphitrite). VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai. Đó là cái lợi thứ nhất. 
 
Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố (chắc chắn 90%), thì TQ không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được. Điều này chắc chắn Hoa Kỳ, Nhật cũng như các nước trong vùng nồng nhiệt ủng hộ. 
 
Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ». 
 
Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không tuân thủ.
 
 Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. Trong vụ giàn khoan 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận. 
 
Cái lợi khác, về chi phí, hồ sơ này đơn giản, viện kiện cáo ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. 
 
Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK. Do vậy, trái banh kiện TQ hay không đang nằm trong chân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ông quyết định nắm bắt cơ hội bằng vàng này để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, những thất bại của ông (về kinh tế xã hội...) trong thời gian qua có thể sẽ được mọi người xí xóa. Mọi người sẽ biết đến ông như một lãnh đạo hiếm hoi xuất thân từ lò cộng sản có quyết tâm vì quyền lợi của đất nước và dân tộc. 
 
 
 
-----------------------------------------------------------
 
 
 XIN HÃY MỞ TO MẮT
Nguyễn Trung
 
image.jpeg
 
 
 
 Tiếp theo những sự kiện gây hấn liên tục từ mấy năm nay ở Hoa Đông và khu vực bãi san hô Scarbourough, sự kiện giàn khoan HD 981 và việc Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các căn cứ nổi tại các bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập thuộc nhóm các đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc đánh chiếm năm 1988) đánh đi một tín hiệu báo động với các nước trong khu vực và cả thế giới: Trung Quốc đang bước vào thời kỳ thực hiện quyết liệt khát vọng bá chiếm Biển Đông, với mục tiêu trước mắt trở thành đế chế đại dương.           
 
Toàn bộ bước đi nói trên của Trung Quốc mở đầu một giai đoạn mới của quá trình thực hiện khát vọng trở thành siêu cường vào khoảng giữa thế kỷ này. 
 
Với những tính toán dựa trên thực tế là cục diện quốc tế sau chiến tranh Iraq (2003 -2010) đã chuyển sang thế giới đa cực với nhiều diễn biến mới phức tạp, Trung Quốc trong nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào (khóa 17 của ĐCSTQ 2007 - 2012) đã chủ trương kết thúc thời kỳ giấu mình chờ thời , để chuyển sang thời kỳ thể hiện sức mạnh thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, với những bước đi cứng rắn được xác định tại đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời Tập Cận Bình.           
 
Trên thế giới sau chiến tranh Iraq (2003 – 2010), nước Mỹ thời Obama từ nhiệm kỳ I đã chuyển mạnh sang quan điểm chiến lược san sẻ trách nhiệm giữa các đồng minh trong những vấn đề quốc tế và đề ra chiến lược trục xoay về Châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với sự lấn át ngày càng leo thang của Trung Quốc đang uy hiếp các nước láng giềng trong khu vực.
 
Trong bối cảnh tình hình rất phức tạp ở Ukraina, việc Nga sáp nhập Crimea (04-2014) là bước mở đường đưa đế chế Nga trở lại chính trường quốc tế. Đồng thời với sự kiện Crimea, hợp tác Nga – Trung qua chuyến đi Trung Quốc của Putin tháng 05-2014 đã tạo ra một dạng tập hợp lực lượng mới đối phó lẫn nhau giữa các “cực” lớn trên thế giới.
 
 Động thái này mang lại nhiều lợi thế mới cho Trung Quốc để 
 
(a) khai thác những cơ hội mới đang đến, và
 (b) để phát huy lợi thế tương đối do sức mạnh áp đảo tại chỗ trong khu vực Đông Nam Á.       
 
Cũng khoảng một thập kỷ nay các nước phương Tây nói chung đang phải trải qua một thời kỳ thay đổi quyết liệt cấu trúc kinh tế, phải xử lý nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế nói chung và trong những biến động mới của địa kinh tế và địa chính trị của cục diện quốc tế hôm nay nói riêng. 
 
Nói một cách đơn giản, Mỹ và các nước phương Tây đang ở trong thời kỳ rất bận rộn với chính bản thân mình. 
 
Trong khi đó sự phụ thuốc lẫn nhau ở phạm vi toàn cầu ngày càng phức tạp hơn, xử lý vấn đề nào cũng vướng phải tình trạng rút dây động rừng (dẫn chứng rõ nét nhất là Mỹ và phương Tây có nhiều lợi ích đối kháng với lợi ích của Nga và Trung Quốc, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau – nhất là trong kinh tế - giữa tất cả các đối thủ này vẫn ngày càng lớn). 
 
Trung Quốc bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, cũng không quan tâm đến trách nhiêm là nước lớn,
luôn luôn theo đuổi cách hành xử “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, do đó đang khai thác tốt nhất những rối ren trên thế giới. 
 
Mấy tháng gần đây lại nổi lên thánh chiến của lực lượng Nhà nước Hồi giáo và Cận Ðông (ISIL) có mối liên hệ mật thiết với mạng lưới al-Qaeda và Taliban.
 
 Diễn biến mới này chẳng những có nguy cơ nhấn chìm Iraq trong nội chiến, mà đang cùng
với những biến động phức tạp ở Ai-cập và Syrie có thể đảo ngược tình hình toàn khu vực Trung Đông với những hệ quả khó đoán trước. 
 
Mỹ và phương Tây đang rất lúng túng. 
 
Tình hình nghiêm trọng đến mức Iran – vốn là “kẻ thù nguy hiểm” của Mỹ và Iraq – đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Mỹ và Iraq trong việc đẩy lùi phiến quân thánh chiến ISIL, kể cả việc đưa quân vào
Iraq. 
 
Đương nhiên, những diễn biến mới này đang tạo ra tình hình “đục nước béo cò” cho các đối thủ ngoài cuộc.          
 
 “Con cò ngoài cuộc” lớn nhất hiện nay đang là Trung Quốc. 
 
Nhờ vào tận dụng các lợi thế riêng và triệt để khai thác quá trình toàn cầu hóa, kinh tế Trung Quốc dù nhiều khuyết tật thế nào đi nữa vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số tất cả các cường quốc, có khả năng trở thành nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất hành tinh vào giữa thế kỷ 21, vô luận cái giá nhân dân Trung Quốc và các nền kinh tế khác phải trả như thế nào cho sự phát triển này. 
 
Với dự trữ ngoại tệ hiện nay khoảng 4000 – 4500 tỷ USD (lớn nhất thế giới, gấp khoảng 20 lần
của Mỹ, khoảng gấp 3 Nhật, gấp 4 khối EU…), với ngân sách quốc phòng từ hơn một thập kỷ nay tăng 2 con số, Trung Quốc đang tạo ra cho mình một lực lượng quân sự có thế mạnh áp đảo tại chỗ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cục diện quốc tế nói trên, bối cảnh cụ thể của khu vực Đông Nam Á hiện nay, và đòi hỏi bên trong cùng với tiềm lực Trung Quốc đã tích tục được, đấy là ba nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết thúc thủ đoạn giấu mình chờ thời , để từ những năm gần đây chuyển hẳn sang giai đoạn mới của chiến lược bá chiếm Biển Đông. 
 
Cái nền làm cơ sở cho quyết định của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy: 
 
(a) sự kiện giàn khoan HD 981 là một bước đi có tính toán kỹ lưỡng trong toàn bộ chiến lược lớn của Trung Quốc, cố khai thác tối đa những diễn biến mới trong cục diện đa cực rất phức tạp của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay;
 
 (b) sự kiện giàn khoan HD 981 cùng với việc ráo riết xúc tiến xây dựng các căn cứ quân sự nổi ở Gạc Ma và Chữ Thập nằm trong tổng thể ý đồ chiến lược mở ra thời kỳ mới quyết liệt giành bá quyền trên Biển Đông;
 
 (c)  các lý do (a) và (b) nêu trên cho thấy sự kiện giàn khoan HD 981 không phải là một hành động đơn lẻ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và lãnh hải chống Việt Nam, mà là một hành động mang tính chất xâm lược, nằm trong tổng thế chiến lược bá chiếm Biển Đông; 
 
(d) việc Trung Quốc khăng khăng cự tuyệt đối thoại với Việt Nam để giải quyết hòa bình sự kiện giàn khoan HD 981, xuyên tạc trắng trợn sự thật để chủ động tố cáo Việt Nam về sự kiện này tại Liên Hiệp Quốc, ráo riết thực hiện những thủ đoạn ngoại giao hung hăng khác trên các diễn đàn quốc tế (gần đây nhất là diễn đàn Shangri La 13 cho thấy Trung Quốc đã chủ động vứt bỏ 4 tốt và 16 chữ trong quan hệ với Việt Nam – vì đã sử dụng xong rồi. 
 
 
Đến đây có thể rút ra nhận định: 
 
Cùng với việc mở đầu thời kỳ quyết liệt thực hiện khát vọng bá chiếm Biển Đông, Trung Quốc còn chủ động tạo ra những yếu tố đối kháng mới trong quan hệ với Việt Nam. 
 
Liên quan đến sự kiện giàn khoan HD 981, có thể xem việc kích động bạo loạn trong những ngày 13 và 14-05-2014 cướp phá khoảng 800 xí nghiệp của Việt Nam có FDI tại 22 địa phương, gây cho phía Việt Nam nhiều thiệt hại rất lớn về kinh tế và chính trị là dẫn chứng mới nhất của những yếu tố đối kháng này trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Việt Nam. 
 
Hiển nhiên Trung Quốc đã chuyển quan hệ song phương giữa hai nước sang một thời kỳ quyết liệt mới. Trong khi đó nước ta như thế nào và đang đứng ở đâu? Bước vào năm độc lập thống nhất đất nước thứ 40, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam đã tạo ra những bước phát triển ban đầu, với kết quả trở thành nước có thu nhập trung bình – đúng ra phải nói là nước có thu nhập trung bình thấp. 
 
Nhưng tình hình cho thấy mặc dù sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua đã huy động được một nguồn lực có mọi nguồn gốc khác nhau lớn khoảng gấp đôi của Hàn Quốc cho thời kỳ này (cũng khoảng 3 thập kỷ: 1960 – 1990), nhưng Việt Nam không thể hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020. 
 
Hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, năng suất lao động thấp nhất trong khu vực, từ năm
2007 bước vào cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế rất trầm trọng, nợ nần lớn, hiện nay vẫn đang tìm đường ra. 
 
Trong khi đó chế độ chính trị định hướng xã hội chủ nghĩa do ĐCSVN xây dựng lên cho đất nước độc lập thống nhất hiện nay đã bị tha hóa của quyền lực biến thành chế độ toàn trị: Đảng đứng trên nhà nước và pháp quyền, ngăn cấm tự do tư duy, tước đoạt nhiều quyền của công dân đã ghi trong hiến pháp, quan liêu và tham nhũng nặng nề… 
 
Thể chế chính trị hiện nay có nhiều bất công xã hội gay gắt, trấn áp dân tùy tiện, nền giáo dục bị khủng hoảng trầm trọng, tệ nạn xã hội tràn lan. Một chế độ chính trị như vậy cùng với thực trạng
kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước hiện nay có nhiều mặt xuống cấp nguy hiểm, phải nói về thực chất đã và đang hình thành lên ởnước ta một ách nô dịch mới, kìm hãm sự phát triển của đất nước. 
 
Có thể nhận định: 
 
Thực hiện đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước theo ý thức hệ định hướng xã hội chủ nghĩa của ĐCSVN, Việt Nam đã kết thúc một giai đoạn phát triển thất bại (1975 – 2014). 
 
Nét nổi bật nhất của thất bại này là các thành tựu đạt được rất thấp so với 
 
(a) vốn, công sức và thời gian đã bỏ ra, 
(b) so với tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên đã bị lấy đi, 
(c) so với cơ hội đất nước có được trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới,
 (d) so với mức sống, hạnh phúc và các phúc lợi xã hội cũng như so với các quyền tự do dân chủ người dân lẽ ra phải được hưởng. 
 
Sau 40 năm phát triển đầu tiên thời độc lập thống nhất, đến hôm nay Việt Nam chỉ có được một nền kinh tế với cơ cấu lạc hậu, kết cấu hạ tầng kém phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế vốn đã thấp lại  đang giảm sút.
 
 
Trong khi đó thể chế chính trị quá yếu kém và có nhiều bất cập. Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi sống còn phải chuyển sang một thời kỳ phát triển kinh tế bền vững và phải có một thể chế chính trị pháp quyền dân chủ bảo đảm tạo ra bước phát triển mới này của đất nước. 
 
Yếu kém về kinh tế và yếu kém của thể chế chính trị 40 năm qua không những lấy đi nhiều cơ hội phát triển của Việt Nam, mà còn khiến cho Việt Nam chỉ giành được vị trí quốc tế thấp và không phát huy được vai trò cần phải có của mình trong quan hệ quốc tế.
 
Thực tế này giảm thiểu đáng kể khả năng phát triển, khả năng hội nhập và khả năng bảo vệ lợi ích của đất nước. 
 
Đặc biệt đường lối gìn giữ quan hệ đại cục với Trung Quốc trên cơ sở ý thức hệ mang lại cho đất nước sự lệ thuộc toàn diện rất nghiêm trọng, tạo ra sự can thiệp nguy hiểm của quyền lực mềm Trung Quốc vào đời sống mọi mặt của đất nước, kìm hãm sự phát triển của đất nước như một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc. Thực tế cho thấy Việt Nam càng kiên trì giữ “đại cục”, Trung Quốc càng lấn tới, 4 tốt và 16 chữ vàng chỉ là chuyện lừa bịp. 
 
Việc Trung Quốc tự tay vứt bỏ 4 tốt và 16 chữ chứng minh sự phá sản của các mối quan hệ giữa hai đảng (ĐCSVN & ĐCSTQ) và hai nước (VN & TQ) dựa trên ý thức hệ. 
 
Thực ra đó chỉ là sự phá sản ý thức hệ của ĐCSVN, sự phá sản của những ảo tưởng của ĐCSVN về Trung Quốc. Bởi vì trên thực tế từ hơn nửa thế kỷ nay ĐCSTQ chỉ có ý thức hệ siêu cường Đại Hán
dưới cái tên gọi là CNXH đặc sắc Trung Quốc. Hiện nay tự tay Trung Quốc còn đang gây ra những yếu tố đối kháng mới trong quan hệ với Việt Nam. 
 
Toàn bộ những vấn đề trình bầy trên cho thấy: 
 
1)   Từ một thập kỷ nay thế giới đã chuyển sang cục diện đa cực với nhiều diễn biến rất phức tạp tác động đến mọi quốc gia, đòi hỏi mọi quốc gia phải thay đổi để đối phó; Trung Quốc đang ra sức khai thác tình hình này. 
 
2)   Từ những năm gần đây Trung Quốc đã thực sự bước vào thời kỳ quyết liệt thực hiện khát vọng bá chiếm Biển Đông, thách thức trực tiếp độc lập và chủ quyền của Việt Nam, tích tụ những yếu tố đối kháng mới trong quan hệ với Việt Nam, tiếp tục siết chặt hơn nữa sự lệ thuộc của Việt Nam để lũng đoạn.
 
 3)   Đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước 40 năm qua theo định hướng xã hội chủ nghĩa của ĐCSVN cơ bản là thất bại, đòi hỏi Việt Nam bắt buộc phải chuyển sang một thời kỳ phát triển bền vững và phải có một thể chế chính trị phát huy được quyền
làm chủ của nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ này. 4)   Cục diện mới hiện nay của thế giới và trong khu vực đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức mới – nhất là trong mối quan hệ song phương Việt – Trung. 
 
Thực tế khách quan này càng đòi hỏi: Để thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ
quốc của mình, Việt Nam nhất thiết phải tạo ra cho mình sự phát triển bền vững với một thể chế chính trị phải có cho một quốc gia độc lập do nhân dân làm chủ. Đấy là bốn vấn đề sống còn đặt ra cho đất nước ta hôm nay. 
 
Tựu trung lại 
- (a) đất nước ta đang sống trong một thế giới có những thay đổi và thách thức rất gay gắt của cục diện đa cực, 
- (b) phải đối phó với một Trung Quốc bước vào thời kỳ mới quyết liệt bá chiếm Biển Đông,
-  (c) bản thân nước ta cũng đang đòi hỏi phải có sự thay đổi triệt để để phát triển. 
 
Do đó có thể kết luận:
 
 Đất nước ta dứt khoát phải thoát ra khỏi sự kìm kẹp của ý thức hệ, vươn lên tự do dân chủ, để tìm đường đi vào một thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đã chuyển giai đoạn và trong tình hình Trung Quốc đang đặt nước ta trước những thách thức mới. 
 
Cho phép tôi kêu gọi: 
 
Hễ là người Việt Nam, xin mỗi chúng ta hãy mở to mắt nhìn thẳng vào bốn vấn đề sống còn như vậy đang đặt ra cho đất nước hôm nay, đòi hỏi đất nước ta phải thay đổi toàn diện để giải quyết thành công. Nhìn thẳng vào những đòi hỏi khách quan và tất yếu như thế đang đặt ra cho đất nước, hy vọng mỗi chúng ta sẽ quyết định được hành động của mình: Việt Nam nhất thiết phải thay đổi, sống hay là chết! 
 
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-6-14

Tác giả bài viết: ..N.T...( Viet-studies )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại244,503
  • Tổng lượt truy cập35,510,784
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây