Điều động cô giáo tiếp khách: Không chỉ là chuyện 'vui vẻ'

Thứ bảy - 19/11/2016 04:30

Điều động cô giáo tiếp khách: Không chỉ là chuyện 'vui vẻ'

Chuyện điều động các giáo viên mầm non đi tiếp khách ở TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã làm nóng diễn đàn Quốc hội. Thực sự, đó có phải chỉ là “cũng là vì vui vẻ thôi”, như giải thích vắn tắt của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ?
Sáng 16.11, khi các đại biểu Quốc hội “truy” về chuyện điều động giáo viên mầm non, tiểu học... ở TX.Hồng Lĩnh đi tiếp khách, “hầu rượu”, đi hát hò… Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm khi sự việc gây dư luận không tốt cho ngành, bởi dù sao ông cũng là “tư lệnh”, người đứng đầu ngành giáo dục.
Nhưng ngay sau đó, ông nói, phía địa phương cho rằng “cũng là vì vui vẻ thôi”, khiến không ít đại biểu quốc hội phản ứng. Do đó, đến đầu giờ chiều, tiếp tục phiên trả lời chất vấn, ông phải giải thích lại từ “vui vẻ”.
“Nhưng có lẽ là do tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ "vui vẻ". Khi yêu cầu địa phương giải thích thì họ cũng nói rằng đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm”, ông Nhạ nói.
Đúng là phải giải thích rõ, bởi sự việc không đơn giản chỉ là vui vẻ. Vui vẻ hay không, nếu chồng con các nữ giáo viên ấy nhìn thấy vợ mình, mẹ mình đang cợt nhã mời rượu những người đàn ông xa lạ? Trong khi giờ đó, có thể ông chồng, các con đang ngồi chờ mẹ về chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà…
Vui vẻ không, một khi vợ con những vị khách quý ấy bắt gặp hình ảnh chồng mình, cha mình đang cười ha hả, cố gắng nắm tay, đụng chạm và ánh mắt đưa đẩy khi chạm ly với những cô giáo trẻ?
Vui vẻ hay không, khi phụ huynh các em nữ sinh lỡ mà nhìn thấy người dạy con gái mình đang lả lơi rót rượu, bá vai những người đàn ông? Tất nhiên nhiều người trong số họ sẽ nghĩ: “Con mình sẽ học được những gì từ những cô giáo như vậy?”.
Và bản thân những người đàn ông này, bao nhiêu người sẽ cảm thấy chỉ là vui vẻ thôi, khi nhìn thấy cảnh vợ mình đang “hầu rượu”, đụng chạm, cọ quẹt, đong đưa tình tứ… với khách? Mà khách quen gì cho cam, đó chỉ là những vị khách của các sếp!
Nếu những nữ giáo viên ấy là vợ chúng ta, hoặc em gái, con gái... của chúng ta, ai dám hể hả chấp nhận lời giải thích chỉ là "vui vẻ"?
Thời gian qua, nhiều địa phương tích cực phòng chống tệ nạn, nên có quy định cấm cả việc các tiếp viên quán nhậu ngồi cùng bàn với khách. Phải chăng các quan chức địa phương lách luật, nên điều động nhân viên của mình cho tiện? Họ không phải là tiếp viên mà!
Thực ra, chuyện “điều động” các nữ nhân viên trẻ đẹp tiếp khách khi địa phương có việc, không có gì lạ. Các cô được gọi, khó từ chối, vì lệnh sếp. Nhiều người cho rằng, chuyện ở Hồng Lĩnh ầm ĩ chỉ vì các sếp quá bạo, thay vì điện thoại rỉ tai, điều động, thì đàng này lại ra cả văn bản, ai dám chống lệnh? Chuyện vỡ lẽ, ai cũng khăng khăng bảo chỉ là nhậu “trong sáng” thôi. 
Nhưng với các cô giáo thì khác, và với môi trường giáo dục thì khác! Họ đứng trên bục giảng để làm cô giáo chứ không phải ngồi trên bàn nhậu làm tiếp viên! Trong toán học, 1 + 1 bằng 2, không thể lấp liếm là bằng 1,5. Tức không thể có chuyện “chỉ vui vẻ tí thôi”. Họ là tấm gương cho học sinh, nhất là với các em học mẫu giáo như tờ giấy trắng. “Cô giáo như mẹ hiền”!
Lần này, việc biến cô giáo từ mẹ hiền thành… tiếp viên chỉ vì “vui vẻ”, theo Bộ trưởng Nhạ, lại chỉ có… rút kinh nghiệm. Nói như ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: “Sợi dây kinh nghiệm dài quá!”.
Một bạn đọc bức xúc: “Việc điều động giáo viên đi ăn nhậu, tiếp khách, Bộ trưởng phải bức xúc và phản đối thay vì tỏ vẻ thông cảm như thế và chỉ rút kinh nghiệm!”. 
Đúng là phải nói như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): “Bộ trưởng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng "chỉ vui vẻ thôi". Về góc độ giới, tôi thấy rất đau lòng”. Và đại biểu Hiền đề nghị Bộ trưởng phải có giải pháp để bảo vệ sự tôn nghiêm, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên, chứ không thể nói là “vui vẻ thôi”.
Hồ Hùng
 

Có chăng hiện tượng 'lại giống' quan quyền?

 
Ảnh minh họa
   Chuyên quyền, hách dịch, sách nhiễu, sa đoạ, chỉ lo “vinh thân phì gia”… Đó là hình ảnh một bộ phận các cán bộ tha hoá, biến chất khiến cho dư luận xã hội phải hình dung đến hiện tượng “lại giống” trở về với thời quan lại, phong kiến của bộ phận này…
 
Xuất hiện tương đối thường xuyên trên các phương tiện truyền thông vài năm gần đây là từ “quan” để chỉ các cán bộ có biểu hiện tha hoá đó. Thậm chí trong một bức biếm hoạ gần đây trên một tờ báo, người ta thấy có một ông quan mặc áo vest nhưng đội mũ cánh chuồn hẳn hoi, đang “ngậm miệng ăn tiền”.
Cứ như là chuyện làm quan thời phong kiến chỉ toàn là làm điều xấu. Ấn tượng này đã trở nên đậm nét hơn từ cái thời mà xã hội nêu rõ quyết tâm là “quét sạch tàn dư phong kiến” cho đến nay. Nhưng thực chất thì một chế độ tồn tại cả ngàn năm ấy có phải là được xây dựng trên toàn những chuyện xấu xa, mục nát, không có lấy một điểm tốt đẹp so với thời nay?
Hãy đơn cử chuyện “thế tập”, “cha truyền con nối”, “cả họ làm quan” hay “tìm người nhà” trong bổ nhiệm chức vụ đang có xu hướng phổ biến trong xã hội ta hiện nay, một hiện tượng thường được cho là sản phẩm đặc trưng của thời phong kiến, làm ví dụ. Thực tế thì ngay từ thời Lý, cụ thể là năm 1075, triều đình đã cho mở các khoa thi Tam trường để chọn người hiền tài ra làm quan.
Đó là những kỳ “thi tuyển công chức” rất gắt gao mà nhà triết sử Will Durant ca ngợi là “sự phối hợp tuyệt vời giữa chế độ dân chủ và quý tộc, lý tưởng của sự hình thành nhà nước”. Đương nhiên là chuyện thế tập vẫn phổ biến, nhưng những người nông dân có ý chí thời trước vẫn có cơ hội, vẫn có thể trau giồi sách thánh hiền để thi cử đỗ đạt và ra làm quan chăn dân trị nước.
Cả chuyện “cả họ làm quan” trong cùng một địa phương cũng không thể xuất hiện, ít nhất là sau thời Hồng Đức bởi luật hồi tỵ. Từ cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã nhận ra: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn”.
Ông vua minh triết này đã đặt ra một luật lệ nghiêm khắc quy định rằng không được bổ nhiệm một ông quan huyện, tỉnh ở nơi ông ta xuất thân hay có họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; trong thời gian tại nhiệm ông quan đó không được lấy vợ hoặc thiếp là người của địa hạt đó; một viên quan không được tại vị quá lâu tại địa phương hay cùng một viện, bộ chức năng.
Chúng ta có thể nói gì về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả họ làm quan” trong nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay? Nói gì về hiện tượng một cơ quan có 46 nhân sự đã có đến 44 “ông quan”? Nói gì về các hiện tượng hống hách, sa đoạ, suy thoái đạo đức của các ông quan thời hiện đại so với thời phong kiến?
Không hiếm những “ông quan” hống hách như ông quan thanh tra (giao thông) đánh nữ nhân viên hàng không hay ông quan ngoại vụ đánh toé máu cụ tiến sĩ già. Mới đây, tỉnh Cà Mau đã quyết định kỷ luật… khiển trách một ông quan văn hoá về cái tội “khám điền thổ” một nữ tạp vụ giữa ban ngày ban mặt, hệt như trong vở tuồng cổ “Nghêu sò ốc hến”…
Một ông quan tỉnh chỉ vì ham mê “ngựa xe võng lọng”, đi chiếc xe Lexus biển số xanh, đã để lòi ra cái quá khứ “ăn hại” làm lỗ lã mấy ngàn tỉ đồng của dân đến nỗi phải trốn chui trốn nhủi ở nước ngoài. Một ông quan “ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao” cũng nhanh chân theo dấu ông quan trước “biệt mù tăm cá” ngay trước cả khi bị quy trách nhiệm.
Có thể thấy, những biểu hiện tiêu cực của các trường hợp nêu trên có một mẫu số chung: đó là quyền lực được giao nhưng không bị kiểm soát. Như vụ làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của Trịnh Xuân Thanh chỉ được quan tâm truy xét từ việc tình cờ phát hiện ra việc ông ta đi xe tư nhân biển số xanh.
Quyền lực, nếu không bị kiểm soát, rất dễ đưa dẫn người ta đến con đường tha hoá như Lord Arton đã chỉ rõ, thậm chí còn dẫn đến cái ác như Jacob Buckhardt đã nói.
Phải chăng, hiện tượng tha hoá, “lại giống” quan quyền, phong kiến ở những mặt tiêu cực đã hình thành trong một bộ phận cán bộ nước ta? Và cơ chế nào, luật lệ nào, “quy trình” nào cần phải được đặt ra để ngăn chặn và loại bỏ phần nào đám sâu dân mọt nước ấy?
 

Tác giả bài viết: Hồ Hùng - Đoàn Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập189
  • Hôm nay9,505
  • Tháng hiện tại272,667
  • Tổng lượt truy cập35,919,012
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây