Những bước đi đẹp của sự thật

Thứ năm - 02/10/2014 21:50

Những bước đi đẹp của sự thật

- Cuốn sách Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối (do Tri Vũ Phan Ngọc Khuê ghi chép) và cuốn Đèn Cù củaTrần Đĩnh là sự kiện chính trị - văn học đặc sắc của năm 2014.
 Đọc đi đọc lại 2 tác phẩm trên, tôi thật sự khâm phục 2 “hiệp sỹ thông tin” của thời đại, bị đối xử thậm tệ, bao vây, kiểm soát, trừng phạt, bị lao động cải tạo kéo dài, ngậm đắng nuốt cay suốt gần nửa thế kỷ (cho triết gia Trần Đức Thảo) và hơn nửa thế kỷ (cho nhà báo Trần Đĩnh), để cuối cùng khi về già bình thản kể lại nhiều sự thật lớn bị che giấu. 
 
Giới chính trị giáo điều bảo thủ cầm quyền trong nước rất lo lắng thấy nhiều sự thật lịch sử được phơi bầy bởi những nhân chứng trong cuộc, lại là 2 nhân chứng có giá trị lớn cả về tài năng lẫn nhân cách. 
 
Sự thật, vốn cực hiếm dưới chế độ độc đảng, đang đi những bước mạnh mẽ trên đất nước ta, làm cho hệ thống cầm quyền và giới tuyên huấn dị ứng với sự thật nháo nhác. Giáo sư Vũ Quang Hiển, một dư luận viên gạo cội, vội đưa ra nhận định trên đài BBC rằng “cuốn Đèn Cù có nhiều điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý xấu”. Ông ta chỉ đưa ra một dẫn chứng rằng “nói Đảng Lao động lúc ấy theo lệnh của quốc tế Cộng sản là nói sai, vì lúc ấy Đệ Tam Quốc tế đã giải tán”. Đây là một sự chống chế vụng dại. Ai cũng biết việc Đệ Tam Quốc tế giải thể (năm 1943) chỉ là giả vờ, cũng giống như việc giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1946) cũng chỉ là giả vờ, vì phong trào Cộng sản quốc tế vẫn tồn tại do Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô điều khiển. Do đó Hồ Chí Minh phải đệ trình Stalin kế hoạch Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đã được Lưu Thiếu Kỳ xét duyệt trước. 
 
Xin nhắc lại một sự kiện lý thú: Tháng 5/2013, trường Đại học Sư phạm Hà Nội được lệnh tổ chức một cuộc hội thảo về “Tư tưởng triết học và giáo dục của Gs Trần Đức Thảo”. Gs Nguyễn Đình Chú chủ tọa cuộc hội thảo nói rõ: “Trần Đức Thảo là triết gia hàng đầu thế giới, là triết gia duy nhất của Việt Nam”. Ông nhắc lại lời của Gs Trần Văn Giàu nói rằng “trên đất nước này nếu có một triết gia thì đó là Trần Đức Thảo”. Trong dịp này các tác phẩm triết học của Trần Đức Thảo được công bố và thống kê lại đầy đủ. Cuộc hội thảo đã phục hồi phần nào trí tuệ, nhân cách của triết gia Trần Đức Thảo, 20 năm sau khi ông qua đời. 
 
Thế nhưng cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo rất có hậu. Tháng 5/2014 cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối chào đời, Trần Đức Thảo như bật dậy, sống lại giữa xã hội đang khao khát sự thật, như trò chuyện tay đôi với từng đồng bào ruột thịt của mình, qua mấy chục băng ghi âm tâm sự thầm kín nghiền ngẫm kỹ suốt đời mình, bằng giọng nói của mình, bằng suy tư của mình. Chúng ta biết ơn nhà báo Tri Vũ Phan Ngọc Khuê và giáo sư toán học Bùi Doãn Khanh, đã lặng lẽ làm một công việc tuyệt vời, vượt qua hệ thống công an mật vụ của sứ quán Việt Nam tại Paris, để ghi âm trên mấy chục cuốn băng độc đáo. 
 
Trong cuốn sách này, Trần Đức Thảo nhận xét về Hồ Chí Minh như sau: “Cụ Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp, vô cùng thông minh, rất mưu trí, một con người sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt. Một ý chí thành đạt không gì lay chuyển... Vì thế ‘ông cụ’ không nhận ai trong đám ở quanh ngang mình. Không cần trợ lý, cố vấn, vì thế không lắng nghe một ai! Bởi lãnh tụ chỉ chăm chú tìm chiến thắng vinh quang, giấc mơ thế giới đại đồng, chứ không cảm nhận được nỗi đau đầy máu và nước mắt của người dân trong thực tại. Một con người chỉ nghĩ và sống với khát vọng chiến thắng, chứ không muốn sống bình thường như mọi người” (trang 318). 
 
Qua quan sát tinh tế để suy luận theo tư duy triết học, Trần Đức Thảo nói thêm: “Tôi nói nhiều về ‘ông cụ’ là tôi muốn phân tích một thân phận. Thân phận ấy đã chi phối cả một dân tộc. Đặc biệt là cái cuồng vọng lãnh tụ là một đam mê đã tác động mãnh liệt như là một thứ thuốc phiện. Nó có sức mạnh tàn phá ghê gớm tâm trí con người. Nó làm cho con người mất hết nhân tính, tình cảm, mất hết đức tính nhân bản, mất cả những đạo đức thông thường như liêm sỉ, lương tri... Nó đã khiến ‘ông cụ’ sống thản nhiên trước bạo lực của hận thù của cách mạng. Vì cuồng vọng quyền lực mà ‘ông cụ’ đã không ngần ngại, lộ liễu viết sách, dù đã ký với những tên khác, để tự ca ngợi, tự tôn vinh chính mình. Tự lựa chọn chi tiết nhỏ nhặt nhất để đề cao, để sùng bái lãnh tụ là chính mình”
 
Triết gia của nước ta nhận xét thêm rằng: “Cuộc đời ấy là một hành trình thành đạt rất gập ghềnh, đầy bí mật, khác lẽ thường! Phải biết thật rõ từng bước thành đạt ấy, thì mới hiểu được những quyết định lịch sử của ‘ông cụ’. Đó là cả một ý chí cương quyết vươn lên đỉnh cao quyền lực bằng bất cứ giá nào, với bất cứ phương tiện nào, với quyết tâm thoát ra khỏi số phận một con người bình thường. Từ ý định rất thực tiễn của lá đơn xin vào học Trường Hành chính Thuộc địa, là trường dạy ra để làm quan phục vụ phong kiến, thực dân, nhưng lá đơn ấy đã không được chấp thuận. Rồi sau là những bước lưu lạc muôn nơi, muôn nẻo, phải thay tên đổi họ cả trăm lần, từ bước sinh họat trong đảng xã hội Pháp để rồi tham gia vào việc thành lập đảng CS Pháp, nhưng cũng không mang lại lợi lộc gì… Sau thì ngả hẳn sang phía Đệ Tam Quốc tế... nhưng rồi cũng tới những lúc bị bỏ rơi, bị nghi kỵ, bị tống khứ khỏi Liên Xô... Biết bao đoạn đường khó khăn, bao lần thất bại, bị ruồng bỏ, bị lên án, bị khai trừ... Tất cả những chướng ngại ấy cuối cùng đã tác thành một con người có tung tích bí ẩn, có tâm thức đa nghi, có phản xạ đa diện, nhạy bén, sẵn sàng chụp bắt kịp thời mọi cơ hội, dù là mâu thuẫn với lý tưởng, với học thuyết, đối nghịch với lương tri, nhưng điều cốt yếu là để đạt tới mục tiêu. Với những kinh nghiệm của cuộc sống muôn mặt, muôn hướng, lúc thì vịn vào bên này, lúc bám vào bên kia, cuối cùng ‘ông cụ’ đã đạt tới vị thế tột đỉnh của quyền lực! Và những bước tiến thân khác thường ấy đã tạc ra một vóc dáng chính trị ly kỳ, muôn mặt, muôn vẻ” (sđd - trang 253) 
 
Trong khi lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ XII sẽ họp vào năm 2016, dự thảo các văn kiện quan trọng của đại hội, toàn đảng rất nên nghe rõ tiếng nói của triết gia Trần Đức Thảo, một tinh hoa tư tưởng - văn hóa - triết học được trong và ngoài nước công nhận. Trước khi từ biệt thế giới này, con người uyên thâm về chủ nghĩa Mác đã kết luận rằng “chính Kác Mác đã sai, sai không phải chỉ vì bị vận dụng sai, bị hiểu sai mà chủ nghĩa Mác sai từ học thuyết gốc gác của nó về đấu tranh giai cấp, nó sai hoàn toàn, nó chỉ có hại”. Trước khi từ giã cõi đời triết gia uyên thâm về chủ nghĩa Mác đã công khai nói rõ rằng “chủ nghĩa Mác là đích danh thủ phạm” , đem áp dụng ở đâu là gây tai họa ở đó, dù là ở Liên Xô cũ hay ở Trung Quốc, ở Đông Âu hay ở Việt Nam, ở Bắc Triều Tiên hay ở Campuchia. Đây có thể coi như khám phá quan trọng nhất của ông, có giá trị cảnh tỉnh mọi người Việt Nam, nạn nhân bi thảm kéo dài của một học thuyết sai lầm từ gốc. 
 
Rất mong các nhà lý luận có trình độ cao của đảng Cộng sản trong Học viện chính trị quốc gia mang tên Hồ Chí Minh nghiên cứu để tranh luận, phản biện với triết gia Trần Đức Thảo mà quan điểm lập trường được trình bày rõ trong cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối đang lan truyền trong và ngoài nước. 
 
Hai cuốn Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối và Đèn Cù là những bước đi của sự thật chiếu rọi ánh sáng vào lịch sử đất nước ta, làm giàu thêm hiểu biết về chính trị của thế hệ đương thời để cùng nhau tìm ra con đường sáng cho hiện tại và tương lai.
 
 
 

Tác giả bài viết: Bùi Tín (VOA)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập187
  • Hôm nay8,503
  • Tháng hiện tại271,665
  • Tổng lượt truy cập35,918,010
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây