Sự thật về địa điểm mới nơi nghi chôn giấu kho vàng 4.000 tấn

Thứ sáu - 18/03/2016 00:22

Sự thật về địa điểm mới nơi nghi chôn giấu kho vàng 4.000 tấn

Dư luận lại xôn xao trước thông tin, một người ở TP. Hồ Chí Minh đến cơ quan chức năng trình báo về những bằng chứng và vị trí mới của kho báu 4.000 tấn vàng, do quân đội Nhật chôn giấu sau thế chiến thứ 2.

Vậy sự thật về những địa điểm mới này như thế nào, chúng tôi đã đến hiện trường để tìm hiểu những nơi được nghi ngờ chứa số vàng khổng lồ.

Anh Huỳnh Tấn Hưng bên 1 trong 3 cái giếng nghi chôn giấu vàng.

Nóng chuyện phát hiện mới về kho vàng 4.000 tấn Như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin, sáng 4/3, một người đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã đến trụ sở UBND xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, trình báo về những bằng chứng và vị trí mới nghi là nơi cất giấu hàng ngàn tấn vàng của quân đội Nhật Bản chôn giấu sau thế chiến thứ 2. Theo người này, sau nhiều năm nghiên cứu và tìm kiếm, thăm dò có thể khẳng định chắc chắn kho vàng được chôn giấu dưới 3 cái giếng. 3 địa điểm này cách nhau khoảng 500 - 700 m ở một khu vực khá hẻo lánh, nằm trên động cát ven biển từ lưu vực Đầm đến cửa Sứt, xã Phước Thể. Các giếng có độ sâu từ 4m đến 7m, nằm cách mép nước biển từ 5 đến 50m. Người này cũng khẳng định kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7 - 10 m, dưới lớp bê tông dày 40 cm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể cho biết, ngay sau khi tiếp nhận tin báo, chúng tôi đã lập đoàn đi khảo sát hiện trường, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên có thẩm quyền xem xét. Điều đáng nói là, sau khi trình báo sự việc, cùng đoàn đi khảo sát địa điểm, chính người đàn ông đến từ TP. Hồ Chí Minh này đã đề nghị địa phương có phương án bảo vệ hiện trạng, đồng thời bảo mật thông tin. Nhưng không hiểu sao đi cùng người này lại có phóng viên của một tờ báo. Và ngay sau đó, thông tin của vụ việc đã xuất hiện một số tờ báo.

Lịch sử giếng cổ nghi chứa kho tàng

Giữa trưa ngày 7/3, chúng tôi đến cửa Sứt để tìm hiểu về những cái giếng mà người ta cho là chứa hàng ngàn tấn vàng. May mắn người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Đoàn Thị Khinh (SN 1951), xóm 9, thôn 1 xã Phước Thể, là một trong những người đến định cư khá sớm ở cửa Sứt. Bà Khinh kể: Hai chiếc giếng còn lại thì tôi không biết, nhưng cái giếng đầu tiên thì tôi biết rất rõ, giếng này có từ bao giờ, cả xóm này không ai biết. Những người đến định cư ở đây đầu tiên cũng đã thấy có rồi. Nó cũng bình thường như bao cái giếng khác. Trước đây, người dân ở đây đa số đều làm nghề đẽo đá quánh (đá này do sỏi và cát biển lâu ngày tích tụ lại với nhau trở lên rắn, chắc như đá). Mặc dù nằm ngay sát mép biển nhưng nước giếng vẫn rất ngọt. Khi đó, chúng tôi thường lấy nước ở giếng này sử dụng trong lúc làm việc. Sau khi nghề làm đá quánh mai một dần, cái giếng cũng bị lấp đi.

Năn nỉ mãi, anh Huỳnh Tấn Hưng - con trai bà Khinh mới chịu dẫn chúng tôi đi xem giếng. Bởi theo anh, không phải anh ngại cái nắng, nóng của buổi trưa, mà là anh không tin dưới cái giếng ấy lại có vàng. Bởi cũng như mẹ, anh cũng là người biết rất rõ về cái giếng ấy. Vừa đi anh Hưng vừa cho biết, sau khi bị lấp đi, cách đây 4 năm, chính anh là người đào lại giếng và đặt bi để lấy nước phục vụ cho mỗi chuyến đi biển. Nhưng bây giờ nước của giếng đã bị nhiễm mặn, không dùng được nữa nên bỏ hoang. Đường đến cái giếng khá khó khăn. Từ nhà bà Khinh đi khoảng gần 1km, qua những động cát cheo leo ven biển, cuối cùng chúng tôi cũng tới được nơi mà một số người tin rằng bên dưới có kho vàng khổng lồ. Theo quan sát, giếng nằm ở một nơi khá hoang vắng, cách mép nước biển khoảng 5m. Miệng giếng rộng khoảng 1,2m, nằm sát mặt đất. Bên dưới giếng rộng hơn một chút, từ miệng xuống đến đáy gần 10m, thành giếng có 3 lớp: trên cùng là 1 lớp bi bằng bê tông, sâu gần 2m do chính tay anh Hưng đặt xuống, lớp thứ cũng bằng bê tông sâu hơn 1m và cuối cùng là lớp đá sâu khoảng 6m. Khi đào giếng, tới độ sâu đó thì tôi thấy có nước nên dừng lại, chứ nếu không vẫn có thể đào sâu hơn nữa. Trong suốt quá trình đào tôi chẳng gặp vật cản gì hay điều gì bất thường cả - anh Hưng khẳng định.

Sau khi tham quan cái giếng đầu tiên, chúng tôi quyết định không đến giếng thứ 2 và thứ 3 nữa vì biết có đến cũng chỉ giống như giếng thứ nhất này mà thôi. Rõ ràng giếng là có thật, còn vàng thì…

Theo ĐÌNH NHƯỢNG/Báo Bình Thuận

Tác giả bài viết: Theo ĐÌNH NHƯỢNG/Báo Bình Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập183
  • Hôm nay9,397
  • Tháng hiện tại272,559
  • Tổng lượt truy cập35,918,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây