Ban đầu việc chế tạo mỳ ăn liền rất khó khăn, đặc biệt trong khâu bảo quản. Những sợi mỳ lúc đó luôn rất dễ bị mốc bởi quá trình tách nước và giữ cho sợi mỳ khô là một vấn đề khiến Ando luôn đau đầu.
Đến một hôm, mọi việc thay đổi khi Ando tình cờ thả một vắt mỳ vào chảo dầu sôi mà vợ ông đang chuẩn bị để bữa tối. Ông khám phá ra rằng, dầu chiên không chỉ tách hết nước trong vắt mỳ mà còn tạo ra những lỗ nhỏ trong mỗi sợi mỳ, giúp mỳ nhanh chín hơn khi chan nước sôi.
Vào giai đoạn đầu tiên mới được đưa tới công chúng, mỳ ăn liền được biết tới như một sản phẩm vô cùng “sang chảnh”. Mỗi gói mỳ tôm có giá khoảng 35 yên, tương đương giá 6 bát mì Udon bây giờ (khoảng 360.000 VND theo tỉ giá hiện nay).
Gói mỳ tôm đầu tiên trên thế giới sản xuất bởi hãng Nissin
Sau khi trở nên phổ biến ở Nhật, Ando tiếp tục mở rộng thị trường mỳ ăn liền sang Mỹ. Năm 1966, trong chuyến công du của mình tại Mỹ, Ando đã phát minh ra mỳ ăn liền dạng cốc, được lấy cảm hứng từ những cốc cà phê takeaway.
... đến sự "bành trướng" của mỳ ăn liền ra toàn thế giới
Khi sản phẩm mỳ ăn liền trở nên phổ biến, Ando Momofuku đã thực hiện một cử chỉ vô cùng hào hiệp đó là chấm dứt sự độc quyền của mỳ ăn liền.
Sau đó ông còn liên tục hạ giá sản phẩm này nhằm nâng cao sức mua của người dân, khiến mỳ ăn liền trở nên phổ biến rộng rãi hơn nữa.
Việc chấm dứt sự độc quyền mỳ tôm đã tạo ra sự đa dạng trong mẫu mã và hương vị của sản phẩm này
Chính những hành động trên đã thúc đẩy sự gia tăng chóng mặt của mỳ ăn liền trên toàn thế giới. Theo một thống kê mới nhất, chỉ tính riêng năm 2014 đã có tổng cộng 102,7 tỷ gói sản phẩm mỳ ăn liền được tiêu thụ trên khắp năm châu.
Sự phổ biến của mỳ ăn liền có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hiện đại và thay đổi phong cách sống của rất nhiều người.
Giờ đây, chỉ mất khoảng 3-5 phút là bạn đã có ngay một bát mỳ nóng hổi, đủ no. Sự tiện dụng cùng với giá cả siêu “bèo” đã giúp mỳ tôm có thể đóng vai trò thay thế cho những bữa ăn truyền thống.
Cũng nhờ những ưu điểm nổi trội này, mỳ ăn liền đã trở thành một món ăn rất đỗi quen thuộc với cuộc sống sinh viên, không chỉ ở những nước đang phát triển như Việt Nam mà còn ở những siêu cường quốc trên thế giới trong đó có Mỹ.
Đặc biệt, các sinh viên tại Đại học McCormick ở bang Illinois còn quan niệm và rỉ tai nhau rằng “cha đẻ” của mỳ ăn liền -ông Ando có thể sống thọ tới 96 tuổi là nhờ ăn mỳ ăn liền mỗi ngày. Do đó các sinh viên này cho rằng, mỳ ăn liền là thực phẩm bổ dưỡng nhất thế giới.
Ngoài ra, sự tiện dụng của mỳ ăn liền cũng chính là yếu tố khiến sản phẩm này được sử dụng nhiều nhất trong các gói cứu trợ nhân đạo.
Mỳ ăn liền đã cứu sống vô số sinh mạng những người dân tại những vùng gặp thiên tai như: Philippines sau siêu bão Haiyan năm 2013, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sau trận động đất kinh hoàng 6,5 độ richter năm 2014, bão lụt tại nhiều nước khu vực Đông Âu năm 2013…
Không chỉ trực tiếp cung cấp lương thực cho con người sau thiên tai, mỳ ăn liền còn tạo ra thói quen tích trữ lương thực cho nhiều người sử dụng khi họ luôn chuẩn bị sẵn mỳ tôm trong nhà, đề phòng trường hợp rơi vào điều kiện thiếu đồ ăn do hạn hán, lũ lụt, mất mùa…
Qua những ảnh hưởng mạnh mẽ, người ta đánh giá phát minh mì ăn liền của Ando Momofuku như một cống hiến vĩ đại đã làm thay đổi thói quen ẩm thực của cả thế giới, nhờ đó ông được mệnh danh là “Ông vua mỳ ăn liền của mọi thời đại”.
Nguồn: Lucky Peach, North By Northwestern, Wikipedia, World Instant Noodle Association