Những vụ vượt ngục tại nhà tù nghiêm ngặt nhất New York

Thứ năm - 11/06/2015 21:19

Những vụ vượt ngục tại nhà tù nghiêm ngặt nhất New York

Để thoát khỏi trại Clinton, nhà tù an ninh bậc nhất New York, phạm nhân có thể phải bỏ ra nhiều năm lén lút đào từng cm hầm, nhưng cũng có trường hợp kẻ vượt ngục chỉ khoác lên bộ quần áo dân thường và đi ra bằng cổng chính.
ESCAPES-master675-8589-1433930531.jpg

Hình ảnh Trung tâm Cải tạo Clinton vào năm 1929. Ảnh: Pacific & Atlantic Photos

Mùa hè năm 1903, một tù nhân đang thụ án chung thân tại nhà tù Clinton, New York, đổ đi lớp đất cuối cùng của con đường hầm dẫn ra thế giới tự do mà hắn cùng ba bạn tù phải mất 4 năm để hoàn thành. Gần ba thập kỷ sau, một phạm nhân khác với dáng người nhỏ bé đến nỗi báo giới khi đó gọi hắn là "tên đạo tặc tí hon", thoát khỏi trại giam bằng cách tương tự.

Ở cả hai trường hợp trên, những kẻ vượt ngục đều đào đường hầm dẫn tới hệ thống cống thoát nước ngầm của nhà tù nay được biết đến với tên gọi Trung tâm Cải tạo Clinton ở Dannemora.

Hôm 6/6, hai kẻ sát nhân Ric-hard Matt và David Sweat cũng trốn thoát thành công khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật bậc nhất New York này. Trước khi biến mất, chúng còn để lại mảnh giấy ghi dòng chữ "Chúc một ngày tốt lành" để trêu ngươi cảnh sát.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Matt và Sweat đã dùng khoan máy để cắt hai lỗ hổng hình chữ nhật trên bức tường thép của buồng giam để tẩu thoát nhưng hiện chưa rõ chúng lấy được dụng cụ bằng cách nào. Chúng còn đắp áo lên giường làm hình nộm giả nhằm đánh lừa lính canh. Hai kẻ này men theo giàn giáo, lần vào hệ thống đường ống của nhà tù, sau đó phá vỡ một bức tường gạch, tiến đến ống cống có đường kính hơn 60 cm và cắt một lỗ để chui vào trong. Cuối cùng, chúng đi lên từ một nắp cống cách nhà tù khoảng 120m.

150606145342-escaped-ny-convic-8247-5577

Ric-hard Matt (trái) và David Sweat trốn khỏi nhà tù Clinton hôm 6/6. Ảnh: CNN

Từ lúc Trung tâm Cải tạo Clinton hoạt động vào năm 1845 đến nay, hàng chục phạm nhân đã tìm mọi cách để vượt qua những bức tường cao và dày của nhà tù. Các cuộc đào tẩu luôn gây chấn động, khiến dư luận bất ngờ bởi những tính toán tỉ mỉ tới từng chi tiết cũng như sự kiên trì của phạm nhân.

Năm 1860, James F. Whiting, biệt danh "Kẻ lừa dối đồng tính", khoác lên mình một bộ quần áo dân thường và đường hoàng bước ra khỏi cửa trại giam. Một năm sau, hắn bị bắt trong vụ lừa đảo một thợ kim hoàn ở Philadelphia. Trong quá trình chụp ảnh lưu hồ sơ, viên cảnh sát đã nhận ra Whiting chính là tên tội phạm vượt ngục Clinton.

Phạm nhân tại trại Clinton thường bị giam khá lâu, trong nhiều thập kỷ, thậm chí là cả đời ở nơi được xem là cũ kỹ và hẻo lánh nhất bang. Họ quanh năm hứng chịu cái nóng, cái lạnh đến cùng cực của thời tiết và sự nhàm chán đến ghê người. Đối với nhiều kẻ phạm tội, lên kế hoạch đào tẩu dường như là việc làm có ý nghĩa duy nhất trong ngày và đem đến cho chúng chút ít hy vọng, theo New York Times.

"Chạy trốn. Thật nhanh. Đó là tất cả những gì tôi suy tính", John Resko, một phạm nhân tại nhà tù Clinton những năm 1920, 1930, viết trong cuốn hồi ký có tựa đề "Ân xá". "Đó là tất cả những gì mọi phạm nhân nghĩ đến, nói chuyện về và mơ ước tới".

"Mối quan tâm duy nhất của họ là bằng cách nào để vượt sang phía bên kia bức tường", Resko viết. "Một khi đã ấp ủ ý định, họ sẽ dồn hết tâm trí và năng lượng để đạt mục tiêu".

Luis Garrastegue, phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Clinton trong những năm 1980, 1990 với tội danh cướp tài sản, cho biết hắn nói về chuyện vượt ngục với bạn tù "mọi lúc". "Chúng tôi bàn về độ cao của những dãy tường, liệu có thể trèo qua chúng hay không", Garrastegue nói.

Theo Garrastegue, khi gõ vào các bức tường, ông ta có thể xác định được nơi nào rỗng nhờ tiếng động vọng lại. Nghe tiếng bước chân của nhân viên quản giáo cũng là một trong những cách để tránh bị phát hiện khi hành động.

Cuộc vượt ngục được chuẩn bị trong 4 năm

Cuộc vượt ngục vào năm 1903 của Peter James, tên cướp ngân hàng từng giết người, có lẽ là phương án đào tẩu được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong lịch sử nhà tù Clinton.

Tờ Police Gazette cho hay James đã cặm cụi thực hiện kế hoạch trong suốt 4 năm. Hắn được giao thực hiện công việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc tại một xưởng chế tạo đồ thiếc ở trong tù. James dành ra vài phút mỗi ngày để bào mòn lớp vữa và đất đá trên sàn nhà nơi hắn làm việc bằng những mảnh thiếc lấy trộm được. Hắn mặc một đôi yếm tự chế bên ngoài áo tù để tránh bị bụi bẩn dính vào.

Khi nhìn thấy lính gác, những kẻ đồng phạm sẽ báo hiệu cho James bằng cách rung nhẹ một chiếc chuông. James cuối cùng cũng đào xong đường hầm dài chừng 6 mét nối với hệ thống cống ngầm. Vào một ngày định sẵn, hắn cùng ba bạn tù mang theo thức ăn, nước uống và quần áo tích cóp từ trước trèo xuống đường hầm, lần tới cống thoát nước và thoát ra ngoài qua một cửa cống trên cánh đồng gần đó.

Thực hiện tất cả những hành động trên mà không bị phát hiện là điều vô cùng khó khăn bởi như tờ Police Gazette viết "kỷ luật tại trại Clinton là sắt đá. Họ không bao giờ ngơi nghỉ". Tuy nhiên, 4 kẻ vượt ngục không ẩn náu được lâu. 5 ngày sau, chúng bị bắt lại khi chỉ cách biên giới Canada khoảng 6 km.

Jeff Hall, giáo sư sử học tại Cao đẳng Cộng đồng Queensborough, nhận định việc phạm nhân vượt ngục Clinton là điều bình thường. "Số tù nhân trốn thoát không nhiều nhưng đó không phải là chuyện hiếm", ông nói.

Theo Hall, trường hợp tù nhân trốn trại đầu tiên xảy ra chỉ vài tuần sau khi nhà tù Clinton đi vào hoạt động. Hai phạm nhân, bị bắt vì tội cướp tài sản, đã trèo qua hàng rào nhà tù sau bữa trưa. Chúng chạy vào rừng, tiến về hướng bắc để tới Canada. Không may mắn cho hai kẻ vượt ngục, chúng bị mất phương hướng và quay trở lại địa điểm chỉ cách nhà tù hơn 200 mét và bị bắt sau vỏn vẹn hai ngày tại ngoại.

Nhưng vẫn có vài trường hợp phạm nhân vượt ngục thành công và lẩn trốn mãi mãi. Ngày 15/9/1874, mặc bộ quần áo dân thường, John Filkins đã bước chân  ra khỏi nhà tù bằng đường cổng chính. Một năm sau, một bộ xương người được tìm thấy trong ống cống bên dưới Trung tâm Cải tạo Clinton. Nhiều người cho rằng đây chính là Filkins nhưng nhà chức trách bác bỏ lời đồn trên. Số khác tin chắc Filkins đã vượt biên thành công. Tờ Albany Times ngày 12/7/1875 đưa tin "một quý ông thề rằng từng nhìn thấy và nói chuyện với Filkins ở Canada".


Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin: (Theo New York Times)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập125
  • Hôm nay18,915
  • Tháng hiện tại449,248
  • Tổng lượt truy cập32,432,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây