Xài tiền, ứng xử với đồng tiền là văn hóa

Chủ nhật - 05/07/2015 10:20

Xài tiền, ứng xử với đồng tiền là văn hóa

Tôi xin mở đầu bài viết này bằng câu chuyện xài tiền của tỉ phú Hoa Kỳ rockefeller, một trong những người giàu nhất lịch sử nhân loại mà có lẽ tất cả chúng ta đều biết.

xai tien, dong tien, kinh doanh, tiet kiem
Khi đi công tác ở xa, ông thường ở phòng giá rẻ nhất. Một lần, nhân viên lễ tân thấy thế rất ngạc nhiên hỏi:
– Thưa ông, sao ông lại chọn phòng rẻ nhất? Con trai ông đến đây thuê phòng toàn chọn phòng đắt nhất, đầy đủ tiện nghi nhất thôi.
– Ờ thì nó con nhà tỉ phú, còn bố của tôi thì nghèo! 
Hay là tỉ phú Rockefeller là người keo kiệt, bủn xỉn nhỉ? Không! Hoàn toàn không! Bởi lẽ, mấy chục năm cuối đời, Rockefeller dùng gần hết tài sản của mình vào các hoạt động từ thiện, chủ yếu liên quan đến giáo dục và sức khỏe cộng đồng! Tỉ phú Warren Buffett hiện nay cũng vậy, nổi tiếng với cuộc sống hết sức tiết kiệm và giản dị. 
Câu chuyện của hai ông tỉ phú này cho ta thấy: mặc dù trong tay họ là biết bao của cải do chính họ tự làm ra, nhưng trong cuộc sống, các ông tỉ phú này chỉ chọn những thứ thật cần thiết cho cuộc sống vật chất đơn giản của mình. Chuyện này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về văn hóa xài tiền và sự lệch chuẩn về văn hóa xài tiền, ứng xử với vật chất của nhiều người ở nước ta hiện nay. 
xai tien, dong tien, kinh doanh, tiet kiem
Tỉ phú Warren Buffett (trái) và tỉ phú Bill Gates - Ảnh: Reuters
Trước tiên, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm rằng ai cũng có toàn quyền quyết định cách sử dụng tiền bạc thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Tiền của anh, anh muốn cho ai, định mua gì, đầu tư vào đâu đó là quyền của anh, không ai có thể can thiệp. Nhưng do anh là một thành viên xã hội nên dưới con mắt của người xung quanh thì khi có nhiều tiền, anh cho ai, mua gì lại thể hiện tầm văn hóa của anh, ít nhiều nói lên giá trị xã hội của anh, người xung quanh có thể nói ra hay không nói ra cảm nghĩ của họ về anh mà thôi và nếu anh là người nổi tiếng giàu có thì cộng đồng càng lưu tâm đến cách sử dụng đồng tiền của anh, dù rằng họ biết tiền của anh, anh có toàn quyền!
Xưa nay, chuyện các tỉ phú để lại gia sản cho các tổ chức xã hội – giáo dục chỉ thường xảy ra ở phương Tây, còn châu Á thì hiếm, Việt Nam thì vô cùng hiếm, ông bà nào cũng muốn để lại gia sản mình tạo dựng được cho con. Vì thế vào trung tuần tháng 5/2015, khi đọc tin tỉ phú Hong Kong Yu Pang- Lin qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện thì ai ai cũng đều tỏ ý khâm phục và kính trọng về văn hóa xài tiền của con người này.
Ông Yu Pang- Lin còn khẳng định: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi” khiến người ta càng nể phục suy nghĩ của ông. Và bạn nghĩ sao khi đọc trên báo về một đại gia Việt Nam: ông này gây “sốc” cho xã hội bằng cách sắm hẳn chiếc giường 8 tỉ đồng chỉ để thế giới biết “Việt Nam cũng có đại gia lắm tiền”, dùng siêu xe 25 tỉ cùng 2 vệ sĩ đưa vợ đi... ăn sáng trong quán cà phê khi xung quanh ông có người phụ nữ phải tự tử với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu cho con ăn học và gia đình được cấp sổ hộ nghèo?
Tất nhiên, đại gia kia không phải chịu trách nhiệm gì về cuộc sống của người phụ nữ khốn khó nọ, nhưng hình ảnh của ông trong con mắt công chúng sẽ khác hơn nếu ông biết nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh trên quê hương mình. Vậy, trong trường hợp này, giàu không đồng nghĩa với sang, và cho dù đã là trưởng giả nhưng cũng chưa biết cách học làm sang! 
Không chỉ cách xài tiền mà cách ứng xử với đồng tiền càng thể hiện nhân cách và văn hóa một người. Giữa tháng 6/2015, trên trang facebook của mình, nhà văn Nguyễn Đông Thức, người đang thực hiện chương trình "Mô tô - học bổng" cho học sinh nghèo, cho biết: cháu Nguyễn Chúc Ly (sinh viên năm 3 khoa Kế toán, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, quê ở ấp Xóm Lá, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, có cha phải lên tận Đồng Nai làm thuê, mẹ lên thành phố Cà Mau làm phụ hồ. Cháu phải đứng trực bàn ở Nhà hàng Ánh Nguyệt - mỗi đêm được 50.000đ - còn giờ rảnh thì nhận làm gia công nhang muỗi), người gầy gò nhỏ bé nhất trong các cháu nhà văn tiếp xúc, lúc nhà văn phỏng vấn thì Ly đã khóc khi kể về hoàn cảnh gia đình mình, nhưng khi được nhà văn đưa lên hàng đầu trong danh sách được giúp đỡ thì Ly lại từ chối nhận suất học bổng 500.000 đ/tháng mà các bạn của nhà văn giúp đỡ.
Lý do: “Nhà quá khó khăn nên cháu Ly sẽ xin đi làm ngay để phụ giúp gia đình, và như thế nhận tiền là không đúng mục đích của học bổng, và phần học bổng dành cho cháu Ly, xin các bác hãy ưu tiên dành cho các bạn đang tiếp tục học và gia đình quá khó khăn, còn rất nhiều ở Cà Mau!”. Thái độ hết sức tự trọng trước đồng tiền của cháu Nguyễn Chúc Ly đã làm rất nhiều người cảm động và khâm phục, thậm chí nhiều người lớn tuổi còn cho rằng đó là bài học cuộc sống.
Trong khi đó, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên dù đã có biệt thự nhưng vì mua bằng tiền cá nhân nên theo chính sách, thành phố Hà Nội phải bán cho ông Nghiên một suất đất để tự xây nhà. Đến nay, không thấy có thông tin nào cho thấy cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ chối lô đất vì đã có biệt thự! Liệu rằng người ta có cảm phục về ứng xử của ông Nghiên cho dù ông từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội? 
Như vậy, nếu như khả năng kiếm tiền (hợp pháp) thể hiện tài năng của một người, thì cách xài tiền, ứng xử với đồng tiền là biểu hiện văn hóa của người đó. Có thể, chúng ta chưa được xem là tài năng kiếm tiền, nhưng chúng ta vẫn có thể thể hiện tính văn hóa, lòng tự trọng của mình khi ứng xử với đồng tiền.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thiện

Nguồn tin: /Duyên dáng Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập910
  • Hôm nay12,344
  • Tháng hiện tại282,241
  • Tổng lượt truy cập36,336,796
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây