Từ bánh mì kẹp thịt Ba Lẹ đến Ba Le Sandwiches & Bakery, công ty cung cấp thực phẩm sỉ
Tiệm bánh mì Ba Lẹ khởi đầu chỉ có 3 món: bánh mì thịt, bánh croissant và bánh bao.
Ông Thanh kể, “Lúc đầu, tiệm bán bánh mì thịt nhưng không có làm bánh mà mua bánh của những tiệm địa phương. Tuy nhiên, họ cung cấp không đủ số bánh mì mình cần mà phải đi nhiều tiệm mới lấy đủ số mình muốn. Đó là lý do ba tháng sau tụi này tự mua máy về làm bánh mì luôn.”
Dù công việc làm ăn thuận lợi từ đầu, nhưng theo ông Thanh, “sau một năm ba tháng, anh Võ Văn Lẹ rút phần hùn ra vì lợi tức không giống như anh dự đoán.”
Cũng sau khoảng một năm, biển hiệu của Bánh Mì Ba Lẹ đã mất đi “dấu nặng” bởi “khó giải thích cho khách Mỹ hiểu” ông Thanh cho biết.
“Ba Le nghĩa là Paris. Tôi giải thích với khách như thế.” Bánh mì Ba Lẹ trở thành Ba Le Sandwiches & Bakery từ đó, dù thực tế đến hôm nay, “bánh mì Ba Lẹ” vẫn là cách gọi thân thương của mọi người dân gốc Việt ở Hawaii.
Nói về sự phát triển của thương hiệu Ba Le Sandwiches & Bakery, ông Thanh cho biết, “Từ năm 1984 đến nay, mỗi năm doanh thu tăng lên từ 10 đến 25%. Nếu năm 1985 thu nhập khoảng chừng $500,000.00 thì năm 2014 là hơn 19 triệu.”
 Từ trái: Ông Weddle Rodney, thợ làm bánh chính, Lâm Đức Trí Brandon, ông Lâm Quốc Thanh và Lâm Đức Trung, con trai ông Thanh. (Hình:Latourbakehouse.com |
Nếu khởi đầu, bánh mì Ba Lẹ “chỉ có hai vợ chồng và hai nhân viên, thì hiện tại trụ sở chính có 130 nhân viên, và có thêm 20 nhân viên làm trong tiệm bán lẻ ở trường Đại học Hawaii.”
Nếu những ngày đầu ông Thanh “làm bánh mì chỉ có máy nhồi bột và lò nướng bánh, muốn chia bột ra thành từng cục nhỏ phải cắt bằng dao, chia bằng tay” thì hiện nay, chỉ riêng dàn máy móc làm bánh của ông đã trị giá hơn 2 triệu đô la.
Ngoài tiệm bánh Ba Lẹ của gia đình, ông Thanh còn có 15 tiệm “franchise” ở Honolulu, 4 tiệm ở Maui.
Từ bánh mì thịt, bánh bao, bánh croissant buổi đầu, giờ đây, công ty của gia đình ông Thanh đã có hơn 400 loại bánh.
Sau hai năm tự làm bánh mì, đến năm 1987, ông Thanh bắt đầu tiến vào lãnh vực cung cấp thực phẩm sỉ cho các nơi.
Hiện tại, thị trường của La Tour Bakehouse (tên gọi của Ba Le Sandwiches & Bakery từ năm 2011) bao gồm các hãng hàng không Hawaiian Air, Japan Airline, Korean Airline, Qantas Airline, China Airline, Philippine Airline, Air New Zealand, hệ thống khách sạn Hilton, Sheraton, Marriot, hệ thống nhà hàng Ruth Chris, Wolfgang Steak House, các chợ Whole Foods, Foodland, Longs Drug, Safeway, và “còn nhiều khách hàng lắm.” Chủ nhân Ba Le Bakery, người có dáng dấp thư sinh, cười nói.
Không chỉ vậy, “từ năm 1998, khi Papa John's Pizza mở ở Honolulu thì tôi là người làm bột cho họ. Lúc đó chỉ vài tiệm, giờ đã là 14 tiệm. Đây là một trong những khách hàng lớn của tôi, mỗi ngày chúng tôi dùng hơn một tấn bột để làm vỏ bánh cho Papa John's Pizza.” Ông Thanh cho biết thêm.