Vợ Việt bán vé số sống với ông Tây lai tại căn nhà chật hẹp ở Saigon.

Thứ ba - 06/09/2016 10:44

Vợ Việt bán vé số sống với ông Tây lai tại căn nhà chật hẹp ở Saigon.

Một cặp vợ chồng đã sống với nhau rất lâu rồi, có con nhưng không phát triển nên chẳng đỡ đần gì. Bà là người Việt, còn ông là Tây lai cả hai đến với nhau chẳng cưới xin. Đến nay hai ông bà vẫn dắt tay nhau đi bán vé số ở Saigon
Hơn 20 năm trước, hai con người đơn độc giữa Sài Gòn gặp nhau và thương nhau. Thành vợ thành chồng không qua một nghi lễ cưới hỏi nào, họ cùng dìu nhau đi khắp mọi nẻo đường để mưu sinh và nuôi người con trai bị thiểu năng.

Tình cảm giữa ông chồng Tây và người vợ Việt bán vé số mưu sinh tại đường Lò Gốm, quận 6 khiến không ít người dân cảm động. Đã mấy mươi năm trôi qua, họ vẫn thế, vẫn dìu nhau đi trên từng nẻo đường, góp nhặt từng đồng tiền lẻ để chăm lo cho nhau và cùng nuôi người con trai thiếu may mắn của mình. Sóng gió chưa lúc nào ngưng đổ lên cuộc đời của họ, thế nhưng ngày nào còn sống, họ vẫn sẽ bước cùng nhau.
 
 
 
 
 


Vợ chồng ông Tây bán vé số ở cầu Hậu Giang (quận 6) khiến người dân cảm động về tình cảm mà họ dành cho nhau.

Những con người đơn độc giữa Sài Gòn

Hơn 20 năm trước, một biến cố lớn xảy ra khiến gia đình bà Nguyễn Thị Bé (1958) thất lạc nhau, một mình bà lặn lội từ Bến Tre lên Sài Gòn đi làm mướn tại chợ Phú Lâm (quận 6). Giữa thành phố rộng lớn, người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi vẫn thầm mong sẽ gặp được một ai có thể cùng mình đi hết quãng đời còn lại.


 
 
 
 
 

Bà Bé không còn cha mẹ và người thân.
Cơ duyên đã giúp bà Bé quen biết ông Nguyễn Trưng (1948) lúc này đang trong đội cờ đỏ của chợ Phú Lâm. Ông Trưng mang trong người hai dòng máu Việt – Pháp, mẹ ông là người Việt còn cha ông là người Pháp. Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, cha ông trở về Pháp để lại hai mẹ con lẻ loi không biết nương tựa vào ai. Một thời gian sau, vì đau buồn mà người mẹ qua đời, chỉ còn ông Trưng một mình chống chọi với cuộc sống.


 
 
 
 
 


Ông Trưng cũng có cùng hoàn cảnh với vợ mình.
“Lúc đó cậu ba (ông Trưng) thường sang giúp mợ dọn dẹp, làm những việc nặng nhọc, nên mợ cảm thấy quý lắm! Một thời gian sau, được bà con trong chợ mai mối với lại thấy cậu ba cũng hiền lành nên mợ quyết định lấy cậu làm chồng” – bà Bé cười hiền nhớ về ngày xưa.

Hai con người đơn độc, không họ hàng thân thích đã tìm đến với nhau như thế. Vì kinh tế khó khăn họ không tổ chức đám cưới, không đãi tiệc rình rang, đơn giản là về sống chung dưới một mái nhà, đỡ đần nhau những lúc khó khăn.


 
 
 
 
 

Ông bà đã đến với nhau không có một lễ cưới, không có sự chứng kiến của gia đình, đơn giản là về sống cùng nhau, chở che cho nhau.
Ông Trưng cao lớn, khỏe mạnh nhưng trí óc lại khờ khạo, ai bảo gì thì nghe nấy, không biết chữ cũng không biết đếm nên mọi việc đều do bà Bé chăm lo. Mỗi buổi sáng, ông Trưng dậy sớm cùng vợ luộc khoai, luộc chuối rồi đưa bà Bé đi bán. Cuộc sống của họ trôi qua bình dị mà hạnh phúc.

Và rồi tin vui cũng đến với vợ chồng họ, bà Bé mang thai và sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh đặt tên là Nguyễn Phú Khải (sinh năm 1992, tên ở nhà là Long). Những mong con trai lớn lên sẽ đỡ đần cha mẹ, nhưng khi Long lớn lên, trí tuệ của cậu không phát triển bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Ông bà tuyệt vọng khi nhận ra cậu cũng mắc phải chứng thiểu năng giống như cha của mình.

Chồng khờ, con dại, tương lai mịt mờ

Đã 24 tuổi nhưng trí tuệ Long vẫn như một cậu bé. Ngày bé cậu chỉ biết cười, tập mãi cậu mới biết nói ú ớ được vài câu, đến trường học bị bạn bè trêu chọc nên bà Bé cho Long nghỉ ở nhà. Không được tiếp cận với giáo dục, lâu dần cậu trở nên khù khờ, trí tuệ cũng không phát triển.


 
 
 
 
 


Long bị bệnh về thần kinh giống như cha của cậu. Là con lai mang hai dòng máu nên tóc của Long vàng óng như nhuộm.
Bà Bé buồn rầu tâm sự: “Giờ sức khỏe cậu mợ yếu rồi, không thể buôn bán như ngày xưa, mà bé Long thì khù khờ nên chỉ còn biết trông chờ vào những đồng tiền kiếm được từ việc bán vé số”.Hàng ngày bà Bé nhận khoảng 100 tờ vé số rồi cùng ông Trưng đi khắp các ngả đường kiếm sống.


 
 
 
 
 


Ông bà dắt nhau đi bán vé số hàng ngày.
Long chỉ biết quanh quẩn ở nhà chơi cùng những đứa con nít trong xóm. Có nhiều lần cậu đi ra ngoài chơi rồi bị lạc, may mắn có người quen nhận ra nên chở về nhà giúp. “Chiều hôm đó đi bán về, không thấy Long đâu mợ lo lắng đi tìm khắp nơi. Mợ khóc nhiều lắm, mợ sợ Long bị người ta bắt cóc. Rồi mợ cầu trời phật phù hộ cho Long. Đêm hôm đó có người quen chở Long về, mợ mừng mà muốn khóc”.


 
 
 
 
 


Căn phòng trọ mà ông bà đang sống.
Nhiều lần bà Bé muốn ghi lại số điện thoại lên thẻ cho Long đeo vào cổ, nhỡ đi lạc còn có người báo về, nhưng khổ nỗi vợ chồng bà không biết chữ nên đến giờ vẫn chưa làm được. Bà nói với chúng tôi: “Sinh con ra ai cũng mong con nên người thành tài, nhìn mấy đứa nhỏ mặc đồ học sinh đi học mà mợ tủi thân. Nhưng thương thì vẫn thương, vì Long vẫn là đứa con do mợ sinh ra, mợ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng Long dù con có bị bệnh gì”.


 
 
 
 
 

 
 
 
 
 


Tài sản quý giá của gia đình là thùng mì tôm.
May mắn là sau lần đi lạc Long không còn dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong các con hẻm gần nhà. Cậu cũng rất lễ phép và hiền lành hễ gặp ai cậu cũng cúi đầu, khoanh tay chào, nên mọi người đều rất quý.

Chồng bị khù khờ, cả con trai cũng như vậy nên mọi gánh nặng trong gia đình đè hết lên vai bà Bé. Bà con trong xóm thấy hoàn cảnh gia đình đáng thương nên người giúp một ít, ai có món ngon cũng hay đem sang cho.


 
 
 
 
 


Tài sản quý giá của gia đình là thùng mì tôm.
Tôi hỏi bà: “Có khi nào nghĩ lại nếu ngày xưa bà không lấy ông làm chồng thì có lẽ cuộc đời bà đã bớt khổ hơn?”, bà Bé thật thà đáp: “Có những lúc áp lực của cuộc sống khiến mợ mệt mỏi, mợ nói với cậu là nếu ngày xưa tui không về sống với ông, không sinh ra bé Long thì chắc giờ tui không khổ đến như thế này. Rồi cậu ba nhẹ nhàng nói với mợ là Bé phải thương tui, thương Long chứ không có Bé cha con tui biết sống ra sao. Rồi mợ cười. Cậu là vậy, chưa bao giờ lớn tiếng hay nóng tính với mợ. Mợ nóng lên thì nói vậy chứ đời nào bỏ hai cha con”.

Người phụ nữ nào cũng mong muốn được một tấm chồng đủ vững chãi để chăm lo đỡ đần những lúc khó khăn, nhưng với bà Bé, những ngày cuối đời của bà chưa có lấy một ngày an nhàn. Ấy vậy mà bà chẳng trách ông. Với bà, một ngày là vợ chồng thì trăm năm vẫn sẽ trọn nghĩa vợ chồng.


 
 
 
 
 

60 năm nhìn lại chỉ còn những vết nhăn và những nỗi niềm.
Nói rồi người phụ nữ khắc khổ ấy quay sang nhìn cha con ông Trưng, bỗng nước mắt bà rơi xuống tự lúc nào. Bà sợ. Sợ một ngày nào đó bà có mất đi thì hai cha con họ sẽ sống như thế nào, và rồi nước mắt bà cứ rơi.


 
 
 
 
 


Bà Bé đau đớn nói về hoàn cảnh của mình.

Tác giả bài viết: vanthanhng1180@yahoo.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập984
  • Hôm nay15,456
  • Tháng hiện tại285,353
  • Tổng lượt truy cập36,339,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây