10 công nghệ có thể trở nên đáng sợ trong tương lai

Thứ bảy - 03/01/2015 09:32

10 công nghệ có thể trở nên đáng sợ trong tương lai

Công nghệ giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Bạn có thể tham gia các khóa học trực tuyến, sắp xếp các cuộc hẹn của mình ngay trên máy tính. Bạn cũng thưởng thức những tập phim truyền hình trên chiếc ti vi HD có kết nối internet của mình.
 Bạn cũng có thể trả các hóa đơn điện tử và tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc cũng như thời gian. Mọi thứ đều ổn, cho đến khi một ai đó rút hết hệ thống ngân hàng điện tử và những chiếc máy chiếm lĩnh thế giới này.

Nghe thật điên rồ. Có lẽ vậy. Những công nghệ dưới đây có thể đang giúp cuộc sống của chúng ta tốt hơn, tuy nhiên trong tương lai chúng lại là một mối lo đáng sợ nếu không được sử dụng đúng cách. Hãy đọc tiếp để xem những điều gì đang chờ đợi con người trong tương lai.

10. Những giọng nói trong siêu thị

Hãy thử tượng tượng bạn đang đến một cửa hàng quen thuộc gần nhà. Thay vì được chào đón bằng một nụ cười thân thiện, bạn lại nghe thấy có những tiếng thì thào thúc giục bạn mua sắm. Bạn quay xung quanh để tìm xem ai đang nói, nhưng chẳng có ai cả, những người mua sắm khác cũng chẳng có vẻ gì là sợ hãi cả. Bạn đang có vấn đề về tâm thần chăng? Không hề, đó chính là ngành công nghiệp quảng cáo.

Công ty Honosonics đã phát triển một công nghệ mang tên “hệ thống Audio Spotlight”. Nó sử dụng những chiếc loa cực nhỏ để tập trung âm thanh thành một chùm hẹp. Con người không thể nghe được sóng siêu âm vì tần số của nó quá cao. Nhưng khi sóng siêu âm đi qua hệ thống “Audio Spotlight”, chúng sẽ bị bóp méo và làm cho tai con người có thể nghe được. Và nó rất thích hợp cho việc quảng cáo trong siêu thị. Nhưng để nghe được những âm thanh này, bạn phải đứng ở một vị trí thích hợp.

9. Hack DNA

Khi bản đồ bộ gen người được hoàn thành vào năm 2003, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới bắt đầu tiến hành phân tích hơn 3 tỷ cặp base trong bộ gen, để tìm nguyên nhân của các bệnh như Alzheimer hay một số loại ung thư phổ biến. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Các nhà sinh học không chỉ muốn tìm hiểu về các DNA, mà còn muốn tạo ra các DNA mới để có thể tạo ra cuộc cách mạng trong y học.

J. Craig Venter, người đã góp công trong việc hoàn thiện bản đồ gen người, đã đạt đến một cột mốc mới khi xây dựng được nhiễm sắc thể tự sao chép nhân tạo đầu tiên trên thế giới [nguồn: Hessel]. Ông gắn các DNA tổng hợp tự chế vào một tế bào vi khuẩn, quan sát sự phát triển và phân chia của chúng dựa trên các base được tạo ra từ máy tính (A, T, G, C). Bằng cách tính toán riêng của mình, ông đã tạo ra "sự sống".

Kịch bản tốt đẹp nhất sẽ là việc các nhà sinh học tìm ra cách lập trình các loại virus, vi khuẩn để đưa ra những phương pháp chữa trị có khả năng tùy chỉnh làm thu nhỏ khối u hay đảo ngược quá trình sa sút trí tuệ. Ở một viễn cảnh đáng sợ khác, những kẻ khủng bố sinh học sẽ tạo ra các siêu vi sinh vật nhắm đến chúng ta ở cấp độ gene. Trong một bài báo năm 2012, The Atlantic tưởng tượng ra một dự án công nghệ, trong đó tổng thống của Hoa Kỳ bị ám sát bởi một đợt cúm rất dễ lây nhiễm, được thiết kế đặc hiệu để nhắm vào một điểm yếu nào đó trong mã gen di truyền của ông. Nếu không muốn DNA của bạn rơi vào tay kẻ thù, tốt nhất là nhớ mang bọc tóc và găng tay trước khi ra khỏi nhà.

8. Chiến tranh mạng

Bạn hãy tưởng tượng về một cuộc chiến tranh hoàn toàn xảy ra trên máy tính. Đó không phải là một cảnh quay trong bộ phim "War Games", chúng ta đang nói về một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện tử của cả một quốc gia. Đó là hệ thống điều khiển các lực lượng phản ứng khẩn cấp, ngân hàng, thương mại điện tử, hệ thống điều khiển mạng lưới điện, nước, đường ống dẫn nhiên liệu điện tử, và thậm chí cả vũ khí quốc phòng. Nếu được tổ chức tốt, chúng có thể gây những tổn hại nghiêm trọng, và đe dọa tới sinh mạng của người dân.

Năm 2013, Giám đốc FBI James Comey dự đoán rằng các cuộc tấn công mạng sẽ vượt qua các cuộc khủng bố truyền thống, trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia. Năm 2008, Georgia nghi ngờ Nga “tấn công từ chối dịch vụ” (Nga đã phủ nhận nghi ngờ này). Năm 2013, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng. Các hackers đã chiến đấu với Lầu Năm Góc và một số tổ chức khủng bố bị nghi ngờ đã đào tạo đặc vụ để tiến hành các cuộc tấn công máy tính. Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn được một cuộc tấn công mạng? Cách đơn giản nhất là giáo dục mọi người kiến thức về virus máy tính, trojan, và sử dụng phần mềm chống virus được cập nhật thường xuyên.

Cuộc tấn công thực ra có thể sẽ là công cụ hữu ích giúp chống lại các máy tính đã học được cách nghĩ cho bản thân chúng và biết cách tiêu diệt nhân loại. Đó là công cụ trong khoa học viễn tưởng, nhưng tại sao một số người tin rằng điều này có thể xảy ra? Hãy đọc tiếp để hiểu rõ hơn.

7. “Điểm kỳ dị công nghệ” (The Technological Singularity)

Trí thông minh nhân tạo đã tiến được một chặng đường dài kể từ khi máy tính đầu tiên ra đời. Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa ở bên bờ thẳm, khi máy móc trở thành bá chủ và con người phải chiến đấu để sinh tồn. Ít nhất là chưa.

Năm 1993, Vernor Vinge giáo sư toán học của Đại học bang San Diego, đã đề xuất một ý tưởng mới mà ông gọi là điểm kỳ dị - một lúc nào đó các máy tính sẽ có thể tự nhận thức được thông qua trí thông minh tiên tiến và các điểm chung giữa người và máy tính sẽ giúp loài người tiến hóa. Tiến bộ sinh học có thể trở nên rất tinh vi đến mức các bác sĩ thậm chí có thể thiết kế ra trí thông minh của con người. Và trí thông minh nhân tạo cũng có thể cho phép máy móc chiếm lấy thế giới.

Không gì bảo đảm rằng điều đó sẽ xảy ra, và những giới hạn công nghệ có thể ngăn chặn nó. Tuy nhiên, ý tưởng về việc, một ngày nào đó máy móc cho rằng chúng ta không còn phù hợp với chúng và cần bị hủy diệt có thể làm nhiều người phải lạnh gáy.

6. Google Glass

Google Glass – một thiết bị công nghệ cao, được tích hợp camera và một cửa sổ hiển thị nhỏ, đã thay đổi hoàn toàn vấn đề giám sát. Chúng ta có thể giám sát mọi mối nguy hiểm đang rình rập, không phải với máy ảnh gián điệp ở mọi nơi như kiểu phát xít, thay vào đó là một đội quân chuyên viên máy tính ghi lại mọi hình ảnh mà họ bắt gặp, dù chỉ là một cái gật đầu hay là một cái nháy mắt.

Bên cạnh đó thì vấn đề riêng tư cũng là một mối lo ngại lớn đối với sản phẩm mới này. Chẳng ai có thể ngăn được người dùng Glass bật camera trong tàu điện ngầm, phòng khám hay phòng thay đồ…Một số sòng bạc ở Mỹ, các quán bar, các rạp chiếu phim đã ra lệnh cấm Glass [nguồn: Stern]. Tuy nhiên Google cho rằng không có gì phải lo lắng cả. Ví dụ: khi người dùng muốn chụp ảnh, họ sẽ phải nhìn chằm chằm vào cái mình muốn chụp, và nháy mắt. Còn khi muốn quay video thì Glass sẽ phát ra một tia sáng nhỏ để báo hiệu.

Một mối lo ngại nữa là khi Glass kết hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Một số nhà phát triển ứng dụng rất hào hứng với Glass, nó có thể nhận ra khuôn mặt của một người lạ, và rồi dễ dàng lấy được các thông tin cá nhân từ các trang Facebook của họ. Mặc dù Google bác bỏ ý tưởng của nhận dạng khuôn mặt trên Glass, nhưng công ty này đã đăng ký độc quyền công nghệ Eye-tracking, nó sẽ ghi lại các hình ảnh quảng cáo mà bạn nhìn trong thế giới thực, và các nhà quảng cáo phải trả phí cho nó, theo kiểu nhìn bao nhiêu trả bấy nhiêu.

5. Máy bay không người lái

Một nhân viên CIA ở Virginia có thể điều khiển một chiếc máy bay không người lái mà gần như không phát ra một tiếng động nào, trong bầu trời đêm ở Pakistan. Và anh ta chỉ cần xác định vị trí mục tiêu qua màn hình video, rồi rải một màn mưa tên lửa ngay từ văn phòng của mình.

Các quan chức chống khủng bố và Nhà Trắng cho rằng các máy bay không người lái có thể thay thế cho hoạt động quân sự một cách an toàn. Tuy nhiên việc sử dụng chúng đặt ra những dấu hỏi về các vụ ám sát được chính phủ phê duyệt, cũng như những cái chết không thể tránh khỏi của những người dân vô tội.

Bên cạnh đó, người dân cũng rất lo lắng với viễn cảnh các máy bay này được sử dụng với mục đích gián điệp. Năm 2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Cục Hàng không Liên bang (FAA) lập các quy tắc cho việc sử dụng máy bay không người lái cho mục đích thương mại và giữ trật tự trong không phận nước Mỹ.

Và thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg dự đoán rằng sự hiện diện của máy bay không người lái trên các thành phố của Mỹ là không thể tránh khỏi.

Lực lượng hành pháp thì phấn kích trước viễn cảnh họ có thể theo dõi nghi phạm từ trên cao, nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng từ giám sát nghi phạm đến giám sát 24/7 không phân biệt đối với tất cả mọi người chỉ cần đến một bước thay đổi rất nhỏ.

4. Máy in 3D

Chiếc máy in 3D MakerBot Replicator 2 sở hữu khả năng vượt trội trong việc tạo ra những mô hình 3D bằng nhựa. Nó gần làm được bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng ra: từ đồ chơi của trẻ, các linh kiện điện tử cho đến cả một khẩu súng.

Công nghệ in 3D rõ ràng là bước tiến nhảy vọt đối với những nhà sản xuất quy mô nhỏ, nhưng nó cũng là một mỏ vàng tiềm năng cho những tên trộm và những kẻ khủng bố không có nhiều tiền.

Năm 2011, một băng nhóm lừa đảo sử dụng một máy in 3D để tái tạo một thiết bị đầu cuối ở mặt trước ATM. Bằng cách đặt các thiết bị đầu cuối giả trên cây ATM, chúng đã có thể thu thập được thông tin từ thẻ ATM của nhiều người và đánh cắp hơn 400.000 USD từ tài khoản của họ.

Nhưng điều thực sự đáng sợ là những kẻ khủng bố hoặc các băng nhóm tội phạm sử dụng máy in 3D để sản xuất súng và các loại vũ khí khác.. chỉ với các tập tin có thể được tải từ trên mạng.

Năm 2013, một sinh viên luật trường Đại học Texas - Cody Wilson công bố đã chế tạo thành công Liberator - một khẩu súng lục 0.38mm, với đầy đủ chức năng, được thực hiện hoàn toàn trên một máy in 3D. Hơn nữa, việc nó làm bằng nhựa càng khiến người ta lo lắng hơn, bởi vì nó có thể dễ dàng qua mặt các máy dò tìm kim loại.

Mối nguy cơ này được Wilson trình bày ngắn gọn trên tạp chí Forbes: "Nơi nào có máy tính và mạng Internet, nơi đó hứa hẹn sẽ có súng.”

3. Xe không người lái

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1,3 triệu người chết vì tai nạn xe hơi, người Mỹ cũng mất trung bình khoảng 38 giờ mỗi năm mắc kẹt trong xe ô tô của mình vì tắc đường.Với hy vọng có thể khắc phục những vấn đề này, các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ mới giúp những chiếc xe tự hoạt động mà không cần người điều khiển.

Những chiếc xe này được gắn thiết bị GPS để định hướng và tự tìm đường đi, trong khi các cảm biến xung quanh giúp nó xử lý các tình huống gặp trên đường. Năm 2013, dù vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng hàng chục chiếc xe tự lái đã xuất hiện trên đường phố ở California và Nevada.

Tuy nhiên chúng ta cũng biết những tình huống xảy ra trên đường phố là rất bất ngờ và phức tạp, đôi khi những tài xế có kinh nghiệm vẫn gặp phải những tai nạn đáng tiếc. Do đó việc giao phó tính mạng của mình vào một phần mềm máy tính điều khiển xe quả thực rất mạo hiểm, chưa kể những sự cố phần mềm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xe tự lái đang được rất nhiều các hãng công nghệ hàng đấu thế giới nghiên cứu và chế tạo với hy vọng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành giao thông vận tải.

2. Công nghệ địa cầu

Những phát minh quan trọng nhất trong thời đại công nghiệp như xe cơ giới, máy phát điện và sản xuất công nghiệp…cũng là những nguồn thải CO2 lớn nhất.

Do các nhà lãnh đạo thế giới có vẻ như không có ý định hay không có khả năng để tiến hành những hành động thiết thực để làm giảm lượng khí thải nhà kính, một số nhà khoa học độc lập đang đề xuất một giải pháp mạo hiểm được gọi là công nghệ địa cầu.

Công nghệ địa cầu sử dụng khoa học và công nghệ để thay đổi hành tinh của chúng ta. Khi vấn đề trái đất nóng lên ngày càng trở nên nghiêm trọng, các nhà khoa học đề xuất một giải pháp sáng tạo (và rất đắt tiền), đó là làm mát không khí nhân tạo, bằng cách ngăn chặn tia nắng mặt trời hoặc hút khí CO2 dư thừa.  Một trong số đó là:

•  Phun các loại hóa chất như SO2 vào khí quyển để thải hồi một phần ánh sáng mặt trời vào không gian.

•  Đổ sắt xuống đại dương để thúc đẩy tảo phát triển, giúp tăng cường tiêu thụ CO2.

•  Phun sương mù của nước biển vào những đám mây thấp để làm cho chúng sáng hơn, phản xạ ánh sáng nhiều hơn.

•  Trồng cây nhân tạo có khả năng sử dụng các phản ứng hóa học để hấp thụ và giữ CO2.

Những người sáng lập ra công nghệ địa cầu cũng cảnh báo về tác dụng phụ ngoài ý muốn. Việc không kiểm soát được tảo phát triển có thể tạo ra các vùng biển chết khổng lồ trong đại dương; phun nước biển trên một quốc gia có thể gây ra những mùa mưa ở cả nửa vòng Trái đất; phản ứng hóa học có thể gây ra thiệt hại trên diện rộng đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, công nghệ địa cầu cũng cho thấy việc không làm gì cả cũng sẽ rất nguy hiểm. Bằng cách nghiên cứu những kỹ thuật hiện nay, ít nhất chúng ta sẽ có một số dữ liệu tin cậy, để biết khi nào cần phải hành động.

1. Giám sát Internet

Năm 2013, trung bình mỗi tháng có hơn 380 triệu người truy cập vào các trang web của Google và Yahoo. Tất cả các e-mail được gửi thông qua Gmail, mỗi bảng tính lưu trong Google Docs hay những đoạn chat trên Yahoo Messenger được lưu trữ trong "đám mây" - một mạng lưới máy chủ và trung tâm dữ liệu toàn cầu. Bạn cho rằng tất cả các thông tin và dữ liệu cá nhân của bạn đều được mã hóa và bảo vệ. Nhưng bây giờ chúng ta đã biết sự thật không phải như vậy.

Nhờ những thông tin bị rò rỉ năm 2013 của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, chúng ta mới biết cơ quan tình báo Mỹ đã chủ động rình mò trên e-mail, lịch sử tìm kiếm và nhật ký cuộc gọi của hàng triệu người dân thường, để tìm kiếm dấu hiệu của các hoạt động khủng bố. Đó chỉ là một phần của một chương trình bí mật được gọi là PRISM, NSA đã được sự đồng ý của tòa án, để buộc các công ty như Google và Yahoo giao hồ sơ về người dùng ở nước ngoài. Dường như đó là chưa đủ, NSA còn có thể bí mật xâm nhập vào các máy chủ của Google và Yahoo mà không cần thông báo hay được sự cho phép của các công ty này [nguồn: Peterson]. Các nhà phê bình cho rằng việc theo dõi những người dùng Web vô tội là một hành động vi phạm quyền tự do của công dân.

Thật đáng sợ nếu những điều trên là sự thật, bạn phải luôn nghĩ rằng tất cả mọi việc bạn làm trên Internet, đều đang được thu thập bởi một ai đó, cho dù đó là nhà cung cấp Internet của bạn, Google hay một chương trình gián điệp bí mật.

Theo howstuffworks

 

 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay12,436
  • Tháng hiện tại275,598
  • Tổng lượt truy cập35,921,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây