TOẠ ĐÀM KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ CHỦ ĐỀ "TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG CHÚNG".

Thứ sáu - 02/01/2015 17:53

TOẠ ĐÀM KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ CHỦ ĐỀ       "TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG CHÚNG".

Trong 2 ngày 29 và 30-12-2014, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại được sự hỗ trợ của của Viện Missio (Đức) đã tổ chức cuộc Tọa đàm Khoa học Quốc tế với đề tài: “Tôn giáo trong đời sống công chúng” (Religion in Public Life).
Triết Giang:  Tham dự cuộc Tọa đàm có hơn 100 nhà nghiên cứu khoa học xã hội đến từ nhiều Trường Đại học, Viện Nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Từ nước ngoài có các GS.TS Trần Văn Đoàn (ảnh trên, Đại học Quốc gia Đài Loan), GS.TS Winfried Loeffler (Đại học Innsbruck, Áo), GS.TS Christine Chou (Đại học Công giáo Phụ nhân, Đài Loan), Ths Ngô Đăng Toàn (Đại học Sogang, Hàn Quốc). Ngoài ra còn có các đại biểu từ các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Cao đài và các nghiên cứu sinh. Đã có 33 báo cáo khoa học được gửi đến Ban tổ chức.
 
Sau lời khai mạc của PGS.TS Lâm Bá Nam-Giám đốc Trung tâm là lời chào mừng của PGS.TS Phạm Quang Minh- Hiệu phó Trường Đại học Khoa học XH&NV Hà Nội. Mở đầu cuộc Tọa đàm, GS.TS Đỗ Quang Hưng- Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trường đã đọc báo cáo đề dẫn. Theo GS Hưng, “tôn giáo là mặt tiền của xã hội” nên có nhiều mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị, văn hóa, xã hội cần giải quyết hài hòa. Trên lĩnh vực công cộng, ít nhất 8 lĩnh vực có mặt tôn giáo cần có lời giải đáp là trường học công, bệnh viện công, quân đội, nhà tù, công viên, nghĩa trang, nghi lễ công quyền và tranh luận xã hội. Tại đây, tôn giáo có mặt bao nhiêu là đảm bảo quyền tự do tôn giáo nhưng không ảnh hưởng đến tự do của cộng đồng khác là vấn đề cần xử lý.
 
Phát biểu với các nhà nghiên cứu, TS Bùi Hữu Dược- Phó ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, rất quan tâm đến cuộc Tọa đàm vì những nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ giúp cho Ban Tôn giáo rất nhiều điều hữu ích nhất là trong việc xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo để Chủ tịch nước ban hành vào năm 2016. Kinh nghiệm quản lý sinh hoạt tôn giáo ở các nước sẽ giúp cho Ban tôn giáo Chính phủ làm công tác này được tốt hơn.
 
Ban tổ chức đã chia ra 3 tiểu ban để trình bày theo chủ đề. Nhiều vấn đề mới được xới xáo lên. TS Phạm Huy Thông cho rằng, trước đến nay, chúng ta vẫn nói chỉ có người dốt nát, bệnh tật, kém may mắn mới gia nhập tôn giáo. Bây giờ điều này không đúng nữa. Trong số các tín đồ tôn giáo ngày nay có nhiều bạn trẻ, giới trí thức, các chính trị gia. Cũng đừng nhìn vào một nước hay một châu lục thấy số lượng tín đồ tôn giáo đến nhà thờ ít mà bảo tôn giáo suy vong vì ở châu lục khác, nước khác, tín đồ lại gia tăng. Hiện nay không phải mỗi quốc gia có tình trạng đa tôn giaó mà từng gia đình và ở mỗi cá nhân cũng có tình trạng ấy. GS Trần Văn Đoàn bổ sung, 80% các nhà khoa học có tôn giáo. Riêng Viện hàn lâm khoa học của Tòa thánh Vatican có 100 Viện sĩ, trong đó có 36 vị được giải Noben. Những người Công giáo và Tin lành chiếm phần lớn các giải Noben hàng năm. 
 
Bằng các điều tra xã hội học, TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) cho rằng, niềm tin tôn giáo của các tín đồ Công giáo có độ sâu hơn một số tôn giáo khác và niềm tin này ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng (Huệ Khải) bổ sung: niềm tin tôn giáo chính là đức tin. Đức tin đó khiến cho tín đồ có thể chết để gìn giữ. Còn niềm tin xã hội không có cái đó. GS. W. Loeffler (ảnh dưới) đã tìm hiểu các mô hình Nhà nước ở châu Âu khi ứng xử với tôn giáo. 
 
Nhưng mô hình nào cũng phải thừa nhận các giá trị của tôn giáo. Ngay Nhà nước Áo, dù tuyên bố trung lập về tôn giáo nhưng vẫn công nhận quyền tự do tôn giáo khi cho học sinh được học môn tôn giáo ở trường công, binh lính cũng được giữ luật tôn giáo, linh mục được giữ bí mật tòa giải tội, tôn giáo được sử dụng tuyên truyền trên ti vi hay radio. Nhà nước tài trợ cho nhà trường, bệnh viện của tôn giáo đảm trách. Các tôn giáo được tham gia đối thoại với Nhà nước để giải quyết các vấn đề của xã hội…
 
GS. Chr. Choi qua phân tích quan điểm của thần học gia người Anh C.S. Le Wis (1989-1963) đã chỉ ra 4 căn bệnh của con người thời nay là hoài nghi, chủ quan, tuyệt đối hóa lý trí, không còn nhạy cảm tâm linh dẫn đến phủ nhận tôn giáo. Bốc thuốc cho căn bệnh này chỉ có thể là hãy làm đứa trẻ ngây thơ để tìm ra sự thật của chân lý tối cao. Trả lời câu hỏi của GS Đỗ Quang Hưng là Việt Nam có chủ nghĩa Thomas mới không? GS Đoàn khẳng định có. Nhóm trí thức Công giáo trước năm 1960 ở miền Nam đã lập ra tờ “Sống đạo” để phổ biến. Cũng có người muốn chính trị hóa nó như Ngô Đình Nhu xây dựng chủ nghĩa nhân vị. Nhưng khi đánh giá, cần phân biệt tổ chức tôn giáo và tôn giáo.
 
 Tôn giáo có chủ nghĩa nhân bản nhưng tổ chức tôn giáo dễ bị lèo lái theo các ý hướng khác nhau. Các nước không ai quản lý tôn giáo mà là quản lý tổ chức tôn giáo về thuế, về quảng cáo tuyên truyền, về chương trình hành động…Thảo luận về các biến đổi của tín ngưỡng, tôn giáo dưới tác động của kinh tế thị trường, các học giả cho rằng có những tác động xấu làm giảm đi tính thiêng của lễ mà chỉ chú ý phần hội. Khi thần tài và tượng Di Lạc bị xếp lẫn lộn ở cả chùa chiền, tư gia và cơ sở kinh doanh thì chuyện buôn bán ấn đền Trần cũng không lạ vì cả quan chức cũng tham gia để cầu lợi.
 
Phát biểu bế mạc cuộc Tọa đàm, GS Trần Văn Toàn gợi ra nhiều vấn đề về nhiệm vụ của Trung tâm trong thời gian tới như đào tạo, nghiên cứu khoa học, lập thư viện và xuất bản ấn phẩm ra quốc tế để dần dần hội nhập với các nước, ít là khu vực châu Á.
 
 

Tác giả bài viết: Triết Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập966
  • Hôm nay15,004
  • Tháng hiện tại284,901
  • Tổng lượt truy cập36,339,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây