2 “ông lớn” cửa hàng tiện lợi Nhật: Người thua lỗ, kẻ tham vọng bành trướng ở Việt Nam

Thứ ba - 16/05/2017 06:13

2 “ông lớn” cửa hàng tiện lợi Nhật: Người thua lỗ, kẻ tham vọng bành trướng ở Việt Nam

7-Eleven sắp mở hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam và thể hiện rõ tham vọng bành trướng, trong khi người đồng hương FamilyMart lại quyết định ngừng đầu tư thêm vì thua lỗ.

 

 

 

thị trường bán lẻ, Nhật Bản, Hàng tiện lợi,

Trong lúc 7-Eleven đang rục rịch tấn công Việt Nam thì FamilyMart phải chịu cảnh thua lỗ. (Ảnh minh họa từ Internet)

 

 
 

Thời gian qua, mua sắm tại cửa hàng tiện lợi đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi.

Hình thức bán lẻ này được ưa chuộng nhờ một số ưu điểm như cung cấp đa dạng các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vị trí các cửa hàng đặt tại khu dân cư nhiều người sinh sống, thời gian mở cửa từ 16-24 giờ mỗi ngày…

thị trường bán lẻ, Nhật Bản, Hàng tiện lợi,

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cửa hàng tiện lợi cũng mọc lên như nấm sau mưa ở nhiều thành phố trên cả nước. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015.

Không dừng lại đó, công ty nghiên cứu thị trường IGD dự báo các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong 4 năm tới và đạt mức 37,4% vào năm 2021  cao nhất trong số các quốc gia khác khảo sát.

Các thương hiệu nổi bật trong mô hình cửa hàng tiện lợi tại nước ta có thể kể đến như FamilyMart, B’s mart, Circle K, Vinmart+… Cuộc chơi hứa hẹn sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới với sự tham gia của gã khổng lồ bán lẻ 7-Eleven đến từ Nhật Bản.

thị trường bán lẻ, Nhật Bản, Hàng tiện lợi,

Tốc độ tăng trưởng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam cao nhất trong các nước được nghiên cứu. (Ảnh: IGD Research)

 

7-Eleven thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group. Đây được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi “đáng sợ” nhất thế giới khi cứ 2 giờ trôi qua lại có một cửa hàng mọc lên ở đâu đó. Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này có mặt tại 17 quốc gia với 61.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã xuất hiện tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.

Theo thông tin từ tờ Nikkei của Nhật, 7-Eleven đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Seven System Việt Nam vào giữa năm 2015. Mục tiêu của công ty là mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Cửa hàng đầu tiên dự kiến khai trương vào tháng 2/2018.

Nếu như 7-Eleven thể hiện rõ tham vọng bành trướng tại thị trường bán lẻ Việt Nam thì người đồng hương FamilyMart lại quyết định ngừng đầu tư thêm cho mảng kinh doanh này.

Trang Reuters cho hay, trong khi các cửa hàng FamilyMart tại Đài Loan, Trung Quốc đang có lãi thì thị trường Thái Lan, Việt Nam và Indonesia lại chứng kiến thua lỗ. “Nếu có thể làm gì đó để khôi phục tình hình hoạt động kinh doanh của những cửa hàng này thì chúng tôi sẽ làm nhưng không thể tiếp tục đổ nguồn lực vào đây”, ông Koji Takayanagi – Chủ tịch FamilyMart khẳng định.

Dù quy mô không hoành tráng như 7-Eleven nhưng FamilyMart cũng là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản. Thống kê vào ngày 28/2/2015 cho thấy, mạng lưới của thương hiệu này trải dài khắp 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu tập trung tại khu vực Châu Á, với hơn 16.970 cửa hàng.

Năm 2009, FamilyMart bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam với cửa hàng đầu tiên được khai trương vào tháng 12. Do việc mở rộng mô hình gặp khó khăn, tháng 6/2011, FamilyMart tiến hành liên doanh với công ty trong nước, trong đó Family Mart Nhật Bản chiếm 44% cổ phần, 51% thuộc công ty Phú Thái và 5% của Itochu Nhật Bản. Nhờ sự hợp tác này, chỉ sau 1,5 năm, FamilyMart đã nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên đến con số 42.

Năm 2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ cổ phần mà FamilyMart nắm giữ trong liên doanh tại Việt Nam và đổi tên các cửa hàng thành B’s mart. Tại thời điểm đó xuất hiện không ít lời đồn đoán về chuyện FamilyMart thua lỗ và chuẩn bị rút khỏi thị trường Việt Nam.

Thế nhưng, vào tháng 7/2013, chuỗi cửa hàng này đã hồi sinh với việc tái khởi động cửa hàng đầu tiên tại Sky Garden, Q.1, TP.HCM. Vào cuối tháng 12/2013, FamilyMart sở hữu 20 cửa hàng sau 6 tháng cơ cấu lại. Thương hiệu đến từ xứ sở hoa anh đào đặt mục tiêu số lượng các cửa hàng sẽ chạm mốc 150 vào cuối năm 2017 và 300 vào năm 2018.

Thậm chí, FamilyMart còn từng có tham vọng trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Việt Nam và sở hữu 1.500 – 2.500 cửa hàng trong năm 2023. Nhưng với tuyên bố ngừng đầu tư thêm, ngày đạt được mục tiêu này đang ngày càng xa vời với thương hiệu Nhật Bản.

Tất nhiên, FamilyMart không phải chuỗi cửa hàng tiện lợi duy nhất thua lỗ, bởi với một thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chuyện kiếm lời chưa hẳn đã là ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu. Một số doanh nghiệp đang chấp nhận dồn sức vào mở rộng quy mô, nhằm mục đích gia tăng thị phần và tạo sức ép khiến các đối thủ phải từ bỏ cuộc đua.

 

 


   

Tác giả bài viết: Theo cafebiz

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập103
  • Hôm nay17,025
  • Tháng hiện tại330,645
  • Tổng lượt truy cập36,385,200
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây