Bí ẩn thú vị của những con số 36, 72, 108

Chủ nhật - 06/12/2015 09:39

Bí ẩn thú vị của những con số 36, 72, 108

Hẳn nhiều người biết đến 36 kế của Tôn Tử, 72 phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

ton-tu

Những con số là sản phẩm văn hóa đặc hữu của loài người, tùy trường hợp mà chúng biểu hiện những giá trị nhất định. Với nền văn hóa Trung Hoa, những con số 36, 72, 108 mang trong nó nhiều bí ẩn thú vị.

Hai con số “36” và “72” được ứng dụng rộng rãi trong văn học và cuộc sống thường ngày của người cổ Trung Hoa. Mưu lược chính trị quân sự trong «Binh pháp Tôn tử» khái quát thành 36 kế, nhiều võ thuật gia cũng sắp xếp hệ thống chiêu thức của mình theo số 36, cung điện miêu tả trong thơ cổ được hình dung thường gồm 36 cung; sơn trang mà vua Khang Hi và Càn Long nhà Thanh thường đến nghỉ mát có 36 cảnh. [ads1]

«Sử ký – Khổng tử thế gia» giới thiệu ba ngàn đệ tử, trong số đó hiền tài tinh thông Lục nghệ có 72 người; cuốn «Cao tổ – Bản kỷ» giới thiệu Hán Cao Tổ Lưu Bang, đặc biệt nhắc đến đùi trái của ông có 72 nốt ruồi đen; Tào Tháo sau khi chết có để lại 72 nghi ngờ; mọi người đều biết Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông; số thần tiên trong sách «Liệt tiên truyện» là 72 vị. Đạo giáo chia danh sơn thắng địa ở Trung Hoa gồm 10 động tiên lớn và 36 động tiên nhỏ, 72 phúc địa. Hoàng đế Chiến Xi Vưu trong truyền thuyết cổ đại cũng phải qua 72 cuộc chiến mới giành thắng lợi. Trong việc miêu tả phong cảnh núi non tuyệt đẹp, người ta cũng thường diễn tả thành hai con số, ví như Võ Di sơn có 36 đỉnh, Hoàng Sơn, Hoành Sơn và Tung Sơn đều có 72 đỉnh.

Theo tần suất sử dụng có thể thấy đây là hai con số để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm lý dân tộc Trung Hoa. Vì thế khi con số ở vào khoảng 30 thì thà cho thành 36; khi con số ở khoảng 70 thì cho thành 72. Nguyên nhân vì người Trung Hoa thích hai con số này, cũng là lý do “36 vị sao Thiên Cương” và “72 vị sao Địa Sát” trong truyện Thủy Hử.

Số 108 cũng có nhiều ảnh hưởng thú vị. Trong «Thủy Hử», sau khi Tống Công Minh (Tống Giang) lên làm thủ lĩnh và đổi Tụ Nghĩa Sảnh thành Trung Nghĩa Đường, khi đó cũng vừa 108 vị tướng. Vào thời nhà Minh, một người mê Thủy Hử tên Vạn Bỉnh Điều đã phát minh ra trò Mạt Chược gồm 108 quân tượng trưng cho 108 vị anh hùng hảo hán.

Số 108 cũng có liên hệ nhiều trong Phật giáo. Tiếng chuông trong chùa thường gõ 108 tiếng. Theo «Hồng tuyết nhân duyên đồ ký» của Lân Khánh (麟庆) (1792-1846), số tiếng chuông là noi theo ý nghĩa thu tâm nhập định của tràng hạt 108 hạt. Dân gian nhận thấy mỗi năm có 12 tháng, 24 tiết khí, 72 hầu, cộng lại vừa đúng 108. Ở Đông Nam Á có thuyết cho rằng nhân gian có 108 phiền não, mỗi tiếng chuông gõ để trừ đi mỗi phiền não, gõ 108 tiếng là trừ đi tất cả phiền não.

Tuy cùng là 108 tiếng nhưng cách gõ mỗi nơi lại khác nhau. Đại Chung tự ở Bắc Kinh gõ nhanh 18 tiếng rồi lại gõ chậm 18 tiếng, cứ như thế 6 lần thành 108 tiếng, nghe tựa như một khúc nhạc. Linh Ẩn tự ở Hàng Châu tiếng gõ biến hóa nhiều hơn: trước gõ 7 tiếng, sau gõ 8 tiếng, giữa gõ 18 tiếng chầm chậm, cuối cùng thêm 3 tiếng, sau 3 lần như thế thành 108 tiếng. Nhịp gõ khi nặng khi nhẹ khi từ từ rất rõ ràng. Hàn Sơn tự ở Tô Châu gõ đều đều từng tiếng cho đến 108 tiếng. Từ 23h40 phút tối bắt đầu gõ, gõ đều đều trong 20 phút là xong 108 tiếng, khi xong vừa lúc giao giữa đêm và sáng, công lực của hòa thượng gõ chuông không phải tầm thường.

Tại sao lại xem trọng các con số 36, 72, 108?

36: Là phép nhân 6 và 6. Số 6 là số may mắn theo quan niệm của người Trung Hoa xưa. Trong «Chu Dịch» mỗi quái có 6 hào, âm thanh có 6 luật (nhạc cổ đại Trung Hoa), quan chức xưa có 6 chức (lục bộ thượng thư), quan hệ gia đình có 6 thân (cha, mẹ, anh, em, vợ, con), mũ đội đầu 6 thốn, xe 6 xích…

Ngũ hành

72: Khởi nguồn từ tư tưởng trong Ngũ hành. Trong Ngũ hành có 5 phương vị là đông, tây, nam, bắc, trung ương; một năm có 360 ngày chia thành 72 hầu, mỗi hầu 5 ngày. Tiên sinh Văn Nhất Đa (1899 – 1946) chỉ ra, 72 là lấy 360 chia đều cho 5, con số này cũng là do biến hóa từ tư tưởng trong Ngũ hành… Có thể thấy 72 là số tính toán cơ bản trong lịch pháp Trung Hoa cổ đại, nó có gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân, có ảnh hưởng rộng rãi trong quan niệm về số lượng của mọi người.

108: Trong văn hóa Trung Hoa, 108 đại biểu cho “cực cao”, “may mắn”, “loại bỏ mọi phiền não”… Người Trung Hoa cổ rất thích số “9”, họ cho rằng đây là số may mắn nhất, ngụ ý cực cao. Trong quẻ Thuần Càn đầu tiên trong Kinh Dịch thì Hào từ Dụng cửu là “Hiện quần long vô thủ, cát” (xuất hiện bầy rồng không có đầu, tốt). Còn “9” nhân 12 lần là “108”, vì thế mà 108 mang ý nghĩa là tối cao, đạt trình độ cao nhất.

 

 
 

Tác giả bài viết: Tinh Vệ biên dịch từ NTDTV

 Tags: anh hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập166
  • Hôm nay9,332
  • Tháng hiện tại272,494
  • Tổng lượt truy cập35,918,839
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây