CHẤT XƠ - DA KHÔ - HẠT ĐẬU

Thứ năm - 14/04/2016 05:25

CHẤT XƠ - DA KHÔ - HẠT ĐẬU

Hỏi Tôi cứ nghe nói rằng chất xơ rất tốt cho sức khỏe và có thể làm giảm chất béo trong máu. Tôi bị cao mỡ đã hơn năm nay và đang uống thuốc để hạ mà vẫn còn cao. Vậy tôi có nên ăn thêm chất xơ không và ăn những thức ăn nào để có chất xơ. Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi rồi và đọc tuần báo Trẻ mỗi tuần. - Nguyễn Thị Mai (Sachse)

CHẤT XƠ     


Đáp
Thưa bà,
Chất xơ là một hỗn hợp chất tinh bột nằm trong màng tế bào của các loại thực vật.
 
Có 2 loại chất xơ:
 
- Loại không hòa tan trong nước, có trong các loại hạt nguyên trạng, vỏ các loại hạt, rau, trái cây. Các chất này hút rất nhiều nước.
 
- Loại hòa tan trong nước, có trong rau trái, gạo đỏ, yến mạch oats, lúa mạch (barley).
 
Nói chung, chất xơ có nhiều trong:
 
- Lá xanh của các loại rau. Cuống lá có nhiều xơ hơn rễ và củ;
 
- Thực vật tươi, không chế biến
 
- Vỏ các loại hột và vỏ rau trái cây;
 
- Hạt nẩy mầm (giá đậu).
 
Các chất này đều không được tiêu hóa và có rất ít giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên khi ăn vào thì chất xơ có một số tác dụng tốt được nhiều người tin theo và khoa học thực nghiệm cũng phần nào đồng ý. Chúng tôi xin tóm lược như sau để bà cũng như độc giả tuần báo Trẻ đọc, cho vui.
 
1. Chất xơ với táo bón:
 
Vì không hòa tan trong nước và khi được ăn với nhiều nước, chất xơ có thể là môn thuốc an toàn và hữu hiệu để phòng tránh bệnh táo bón. Nó làm mềm và tăng lượng phân để bộ tiêu hóa dễ dàng thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, khi vào đến ruột già, nó được vi sinh vật tranh nhau ăn, tạo ra nhiều hóa chất có hơi (gas). Các hơi này kích thích ruột già làm người ta mót “đi cầu”. Một nhận xét cụ thể là trâu bò ăn cỏ, rơm rất nhiều chất xơ nên phẩn rất to và mềm.
 
2. Chất xơ với bệnh viêm túi ruột già:
 
Trên vách ruột già thường nổi lên những túi nhỏ tý tẹo, mà theo bác sĩ Lauren V. Ackerman của đại học Nữu Ước thì hầu như người lớn nào cũng có. Mỗi khi thức ăn bị ngưng đọng trong những túi đó thì gây ra tình trạng viêm túi ruột già (diverticulosis).
 
Vì không hòa tan trong nước, chất xơ có thể ngăn ngừa sự thành hình các túi nhỏ đó bằng cách giảm thiểu sự táo bón và giảm sự căng phồng của ruột già trong việc tống khứ chất phế thải.
 
Tại Western General Hospital bên Ái Nhĩ Lan, người ta có thể ngăn ngừa sự tái phát ở bệnh nhân mới giải phẫu bệnh viêm túi ruột bằng cách cho ăn nhiều chất xơ.
 
3. Chất xơ với ung thư ruột già:
 
Ung thư ruột già hiện giờ đứng hạng thứ nhì trong các loại ung thư ở Mỹ và gây tử vong cho nhiều chục ngàn người mỗi năm. Dinh dưỡng đã được nhắc nhở đến như một cách để phòng ngừa bệnh này.
 
Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và nhiều tổ chức y tế công tư khác chủ trương và khuyến khích bằng cách giảm tiêu thụ chất béo và tăng thực phẩm có chất xơ. Các khuyến cáo này được kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học hỗ trợ.
 
Có hàng chục cuộc khảo sát đã chứng minh chất xơ có khả năng phòng ngừa bệnh ung thư ruột già. Một cuộc nghiên cứu ở bệnh viện Nữu Ước năm 1989 cho thấy là chất xơ ngăn chận sự xuất hiện của các mụn thịt thừa (polyp) ở ruột già và hậu môn. Những mụn này có khuynh hướng phát triển thành bướu ung thư.
 
Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ, Hội Ung Thư Hoa Kỳ khuyên nên dùng từ 25- 30 gr chất xơ mỗi ngày.
 
4. Chất xơ với bệnh tim mạch:   
 
Bác sĩ James Anderson của Đại Học Y khoa Kentucky, Hoa Kỳ đã dành nhiều chục năm nghiên cứu công dụng chất xơ với bệnh tim mạch và tiểu đường. Theo ông ta, chất xơ nhất là từ lúa mạch, giảm cholesterol bằng cách làm gan bớt chế tạo mỡ béo LDL và tăng HDL.
 
Một nghiên cứu khác cho người tình nguyện ăn nhiều bơ thì cholesterol lên rất cao, nhưng khi thêm chất xơ vào khẩu phần thì cholesterol giảm xuống tới 20%. Cholesterol cao trong máu đã được coi như nguyên nhân gây một số bệnh tim mạch và là đề tài của nhiều nghiên cứu khoa học cũng như câu chuyện để nói khi mọi người gặp gỡ.
 
5. Chất xơ với bệnh tiểu đường:
 
Tiểu đường là một nhóm bệnh trong đó đường glucose ở máu lên cao. Bệnh này do hoặc thiếu Insulin hoặc giảm tác dụng của Insulin trong cơ thể. Bệnh rất phổ biến và đưa đến nhiều điều không tốt cho sức khỏe, khả năng làm việc, phẩm chất đời sống con người. Nó cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia vì số bệnh ngày càng gia tăng, người bệnh hoạn nhiều, rất tốn kém cho sự chăm sóc lâu dài.
 
Theo kết quả các nghiên cứu của các bác sĩ James W. Anderson, thực phẩm có chất xơ có nhiều khả năng bình thường hóa đường trong máu, giảm đường sau bữa ăn, tăng công hiệu của Insulin. Theo ông ta, loại chất xơ hòa tan trong nước rất công hiệu vì nó tạo ra một lớp keo (gel) lỏng ngăn không cho đường hấp thụ vào ruột và có thể làm giảm đường trong máu tới 30%.
 
Người mắc bệnh tiểu đường cũng hay bị chứng vữa xơ động mạch vì triglyceride lên cao. Bác sĩ Anderson cho hay chất xơ có thể làm giảm loại mỡ này và mỡ xấu LDL và làm tăng mỡ lành HDL.
 
6. Chất xơ với bệnh mập phì:
 
Người bị phì mập thường vì ăn nhiều, nhất là chất mỡ, mà lại không sử dụng, nên năng lượng dư thừa tích tụ trong cơ thể. Tiết chế ăn uống là điều cần thiết để giảm ký.
 
Phần nhiều thực phẩm giàu chất xơ đều nghèo chất béo, không có chất dinh dưỡng cho nên là món ăn lý tưởng cho những người muốn xuống cân.
 
Ngoài ra, thực phẩm giàu chất xơ cần thời gian lâu hơn để ăn nhai, không được tiêu hóa và hấp thụ ở bao tử, thường làm người ta no mau và no lâu, do đó giảm nhu cầu ăn nhiều, một điều kiện để khỏi mập phì.
 
Chất xơ thiên nhiên có công hiệu hơn viên chất xơ.
 
7. Chất xơ với bệnh ung thư vú:
 
Một nghiên cứu mới đây của Hội Sức Khỏe Mỹ Quốc (American Health Foundation) ở thành phố Nữu Ước cho thấy là cám lúa mì (wheat bran) rất giàu chất xơ không hòa tan trong nước, có khả năng giảm thiểu lượng estrogen trong máu. Từ đó người ta suy đoán rằng chất xơ trong cám lúa mì có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Các  khảo sát về vấn đề này đang còn tiếp diễn.
 
Coi như vậy thì bà thấy chất xơ rất tốt cho cơ thể.
 
Riêng trường hợp của bà thì chúng tôi đề nghị là bà vẫn phải tiếp tục dùng thuốc hạ chất béo do bác sĩ cho toa, đồng thời cũng giảm tiêu thụ chất béo từ động vật và năng vận động cơ thể. Làm được như vậy thì cholesterol sẽ giảm và bà có thể tránh được một số bệnh. Bà nên dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ mà tôi đã nêu ra ở đầu bài viết.
 
Kính chúc bà và gia đình được mọi sự bình an.
 
 
DA KHÔ
 
Hỏi
Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, có vấn đề về khô da và ngứa vô cùng, Tôi cũng đã đi bác sĩ mà sao vẫn không bớt. Bác sĩ có cách nào chỉ cho tôi để làm da bớt khô không.
- Thanh Nguyễn
 
Đáp
Thưa bà,
Cũng có nhiều người, đặc biệt là quý vị tuổi cao thường bị da khô giống như của bà. Da khô không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, nhưng hơi khó chịu vì khô làm ta cảm thấy ngứa ngáy, gãi muốn chẩy máu mới đã cơn ngứa. Và da khô nom nó cũng kém thẩm mỹ, đặc biệt là nếu xuất hiện trên khuôn mặt hoa da phấn, hoặc trên đôi bàn tay vốn mịn màng.
 
Nguyên nhân:
 
Thường thường thì da hay khô vào mùa Ðông vì thời tiết lạnh và không khí lại khô làm bay lớp ẩm trên da. Nói vậy không có nghĩa là vào mùa Hè, da không khô. Các nhà chuyên môn có nhận xét là với tuổi cao, da thường hay khô vì các cụ lười uống nước và cũng vì cảm thấy không khát. Và nam giới dường như tuyến nhờn trên da hoạt động mạnh hơn, nên da tương đối ẩm hơn da nữ giới.
 
Da khô còn thấy trong một số bệnh như:
 
- Bệnh suy tuyến giáp (thyroid gland), trong đó không có đủ hormon của tuyến này để kích thích hạch mồ hôi và hạch nhờn hoạt động, khiến cho mặt không còn trơn, trán không còn bóng, da khô.
- Bệnh vẩy nến (Psoriasis) cũng có làn da rất khô và ngứa.
- Bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
- Mất nước trong cơ thể vì tiêu chẩy, ói mửa, đổ mồ hôi nhiều khi làm việc ngoài nắng hoặc vận động cơ thể quá mạnh mà không uống nước cũng làm cho da khô.
- Một vài dược phẩm như thuốc trị mụn trứng cá Accutane, thuốc lợi tiểu, vài loại kháng sinh hoặc khi uống nhiều rượu, cà phê.
- Dinh dưỡng kém, thiếu sinh tố A và các sinh tố nhóm B làm da khô.
 
Dấu hiệu:
 
Da thường hay khô ở vùng bụng, hai bên cạnh sườn, tay, chân.
 
Khô quá, da sẽ nhăn nheo, co lại, mặt da gồ ghề với những mảnh da mỏng nhỏ tróc ra. Đôi khi da quá khô đến nỗi nứt nẻ, chẩy máu, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân.
 
Khô da thường đi đôi với cảm giác ngứa vì da luôn luôn bị kích thích. Mà ngứa là phải gãi cho đã. Nhưng sự gãi không giải quyết được vấn đề và còn có thể làm da trầy rách, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm nhiễm da. Nếu không phòng tránh, chữa trị, da khô có thể đưa tới viêm da, viêm nang lông. Da có thể bị nhiễm trùng lở loét trầm trọng.
 
Chăm sóc - Điều trị:
 
Thường thường da khô không gây nguy hại cho sức khỏe và mỗi người có thể tự chăm sóc với các hiểu biết và phương thức sẵn có. Tuy nhiên, khi da khô mà không giảm bớt với chăm sóc cá nhân, đều cần phải được bác sĩ khám và điều trị. Bà có thể áp dụng một số phương thức như sau:
 
1. Theo ý kiến nhiều người, về mùa Đông, ta ít đổ mồ hôi lại mặc quần áo che kín thân mình, cơ thể tương đối sạch sẽ  nên cũng không cần tắm mỗi ngày mà có thể mỗi hai ngày. Nhưng mỗi ngày cần lau rửa chỗ kín.
 
2. Khi tắm không nên kéo dài quá 15 phút và tắm với nước vừa đủ ấm. Tắm nước quá nóng quá lâu lấy đi các chất nhờn bảo vệ da và làm da mau hư và khô.
 
3. Sau khi tắm, lau nhẹ những giọt nước trên mình với tấm khăn mềm, thoa vỗ nhẹ để giữ độ ẩm càng nhiều càng tốt rồi bôi kem ẩm lên da.
 
4. Da mặt: Không nên dùng xà bông hoặc mỹ phẩm lau mặt quá mạnh để tránh mất độ ẩm và chất dinh dưỡng trên da. Thoa kem buổi sáng và buổi tối nhất là chung quanh mắt và trán nơi có nhiều vết nhăn. Trước khi đi ngủ nhớ lau hết phấn son trên mặt.
 
5.  Dùng xà bông, shampoo nhẹ ít chất tẩy rửa (detergent) để tránh kích thích da.
 
6. Bôi kem mềm ẩm da nhiều lần trong ngày.
 
7. Chắc là bà không hút thuốc lá vì nicotine làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới các tế bào, chất dinh dưỡng và oxy ít đi.
 
8. Tránh ánh nắng gay gắt. Bôi kem chống tia tử ngoại khi ra ngoài trời nắng gắt trong thời gian lâu trên nửa giờ.
 
9. Dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.
 
Ăn nhiều loại rau có mầu vàng đậm như cà rốt, dưa canteloup, cam... có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi... có nhiều sulfur kích thích da. Bớt tiêu thụ thực phẩm chiên rán, nước ngọt, nước trái cây nhái hiệu, cà phê đen.
 
Ngoài ra, muốn da tốt bà nên ngủ đầy đủ và vận động cơ thể mỗi ngày. Ngủ để giúp các tế bào có thì giờ tái tạo, tu bổ hư hao. Vận động giúp máu huyết lưu thông để nuôi dưỡng da.
 
Về kem tăng ẩm da, nhiều người thích loại có chất Alpha hydroxy acid lấy ra từ rượu vang đỏ, sữa chua và trái cây. Chất này kích thích tế bào da tăng sinh mạnh, làm da mịn.
 
Da mỗi người có độ acid/kiềm khác nhau, nên cần nhờ chuyên viên thẩm mỹ thử và hướng dẫn loại kem ẩm thích hợp.
 
Các tinh dầu thực vật rất tốt để giữ da ẩm. Dầu Avocado đặc rất thích hợp cho da khô thiếu nước; dầu cà rốt: tốt cho da bị ngứa, rát; dầu castor tốt cho da bị khô nứt.
 
Nếu da có ngứa, xin đừng gãi mà lấy một chiếc khăn mềm ngâm nước đá lạnh phủ lên, là cảm thấy dễ chịu ngay.
 
Cũng có thể ra tiệm thuốc tây mua các lotion có chất camphor, menthol, calamine hoặc diphedrinamin (benadryl), thoa trên da ngứa.
 
Nếu cần, bác sĩ có thể cho thuốc bôi có chất cortisone, rất tốt để trị ngứa da.
 
Hy vọng là khi áp dụng  các ý kiến trên đây, da của bà bớt khô. Bà cho chúng tôi biết kết quả nhé.
 
Chúc bà luôn luôn khỏe mạnh.
 
HẠT ĐẬU
 
Hỏi
Tôi bị bệnh tiểu đường từ hơn 10 năm và mới đi khám bác sĩ gia đình về, và bà ấy có khuyên tôi là nên ăn nhiều các loại hạt đậu. Theo bà ấy thì đậu có nhiều chất đạm tốt và cũng giảm đường trong máu. Có đúng không bác sĩ. Xin bác sĩ giải thích dùm nhé. - Ông Nghi (GA)
 
Đáp
Đúng như bác sĩ của ông nói, đậu là một loại thực phẩm có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Sau đây chúng tôi xin trình bầy cặn kẽ để bà và quý độc giả Trẻ hiểu rõ.
 
Đậu được trồng ở khắp nơi trên thế giới và có tới trên mười ngàn loại khác nhau. Tuy nhiên các bà nội trợ thường chỉ quen thuộc với một số ít các loại đậu như là đậu hà lan, đậu tây (cô ve), đậu đen, đậu đỏ, đậu pinto, đậu ngự, đậu nành...
 
Hạt đậu nằm trong vỏ dài mà khi chín khô sẽ nứt ra làm đôi. Theo các nhà khảo cổ thì đậu được trồng trước tiên ở các quốc gia Đông Nam Á châu từ cả chục ngàn năm về trước. Nhiều nơi, đậu được gieo giữa hai luống ngô, vì đậu có thể hấp thụ nitrogen từ không khí, tồn trữ dưới đất và làm đất giầu thêm chất này để giúp ngô tăng trưởng.
 
Giá trị dinh dưỡng:
 
Hạt đậu là nguồn dinh dưỡng rất phong phú, ngon mà tương đối lại rẻ tiền.
 
Đậu nành cung cấp đủ các loại amino acid thiết yếu mà cơ thể cần. Đậu có nhiều calci, cho nên các vị tu hành, người ăn chay có thể sống lành mạnh chỉ với đậu hũ và các loại sản phẩm khác của đậu nành. Nói chung, đậu có lượng đạm chất cao hơn các các loại ngũ cốc khác từ hai đến năm lần.
 
Hạt đậu có nhiều sinh tố nhóm B, nhiều sắt, kali, rất nhiều chất xơ. Đa số hạt đậu đều có rất ít chất béo và năng lượng, ngoại trừ đậu nành và đậu phộng lại có nhiều chất béo tốt ở dạng chưa bão hòa.
 
Đậu có ít năng lượng  nhưng chứa nhiều nước.
 
Một trăm gram đậu nấu chín cung cấp khoảng 100-130 Calori và 7 gram chất đạm, tương đương với số đạm trong 30 gram thịt động vật. Đậu nẩy mầm có nhiều đạm hơn đậu nguyên hạt. Khi ăn chung đậu với các loại hạt, đạm của đậu có phẩm chất tương đương với đạm động vật.
 
Người Bắc Mỹ và người châu Âu ít chú ý đến các loại đậu vì phải mất nhiều thời gian để nấu hoặc phải ngâm đậu trước khi nấu.
 
Để tiết kiệm thì giờ, dùng đậu chế biến nấu sẵn đựng trong hộp rất tiện lợi: chỉ cần đổ bớt nước mặn trong đậu hoặc  rửa đậu cho bớt mặn rồi nấu.
 
Nhưng người Nam Mỹ và Á Châu xem các loại hạt đậu là một thành phần quan trọng của lương thực.
 
Ở Châu Mỹ La Tinh, từ Mễ Tây Cơ xuống đến Trung Mỹ, Nam Mỹ, đâu đâu cũng thấy có đậu đen và đậu đỏ (black and red beans) trong các bữa ăn.
 
Ở Ấn Độ, đậu lăng (lentil) được ăn trộn với gạo và rất phổ biến. Nhật Bản có loại đậu màu nâu gọi là azuki được ăn với cơm.
 
Ưu điểm của đậu:
 
1. Đậu chứa một loại chất xơ gọi là pectin. Chất xơ này có khả năng hút nước và nở ra trong dạ dày khiến người ta có cảm giác no không thèm ăn. Nó cũng làm chậm tiến trình hấp thụ thực phẩm trong ruột, giúp bệnh nhân tiểu đường tránh được sự tăng gia quá mau đường huyết, và cơ thể khỏi phải tiết ra nhiều insulin.
 
Các loại đậu chứa nhiều pectin có thể giữ vai trò quan trọng trong sự làm giảm lượng cholesterol trong máu, còn tốt hơn cả loại cám yến mạch (oat bran).
 
Trong các loại đậu, đậu nành được xem là hữu hiệu nhất để giảm cholesterol và triglyceride trong máu.
 
Nghiên cứu ở Ý và Thụy Sĩ cho thấy là, bệnh nhân có  cholesterol cao, mà ăn  nhiều chất đạm từ đậu nành thay thế cho thịt cá, thì mức cholesterol của họ giảm xuống đến 31%. Kết quả này xem ra còn tốt hơn tác dụng của các loại thuốc giảm cholesterol đắt tiền bán trên thị trường.
 
Bác sĩ James Anderson thuộc Đại học Kentucky, khuyên bệnh nhân mỗi ngày ăn một cốc đậu pinto nấu chín để hạ cholesterol.
 
2. Cũng theo bác sĩ Anderson, ăn đậu thường xuyên giảm nhu cầu Insulin để chữa bệnh tiểu đường, vì đậu làm đường trong máu tăng lên rất chậm.
 
3. Gần đây các nhà khoa học lại mới t́m ra một tác dụng vô cùng bổ ích của các hạt đậu, đó là khả năng chống ung thư. Đậu có chứa chất acid phytic, một chất chống oxy hóa rất mạnh, có thể chận đứng tiến trình ung thư hóa của tế bào.
 
Ngoài ra, khảo cứu trên một số động vật trong phòng thí nghiệm cho thấy đậu, nhất là  đậu “pea” và đậu lăng “lentil” có chứa chất ức chế protease là chất có khả năng phòng chống ung thư da, vú và gan ở động vật. Thử nghiệm ở người cũng thấy tác dụng tương tự về phòng chống ung thư vú và nhiếp hộ tuyến.
 
Chuyên gia về ung thư Anne Kennedy cho chuột ăn một hóa chất gây ung thư, nhưng khi chất ức chế protease được bôi vào miệng chuột thì ung thư không xẩy ra.
 
4. Đậu giúp đại tiện đều đặn, dễ dàng vì phẩn to hơn, mềm hơn, từ đó giảm thiểu được các nguy cơ ung thư ruột già và trực tràng. Đó là kết quả các nghiên cứu của Tiến sĩ Sharon Fleming, Đại học Berkeley, California.
 
5. Một khoa học gia Ấn Độ là SN. Sanyaldan nhận thấy dân số của người Tây Tạng không thay đổi trong suốt 200 năm. Thực phẩm chính của họ là một loại đậu. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông ta thấy rằng đậu này có khả năng ngăn ngừa sinh đẻ nhờ hóa chất m-xylohydroquinone. Ông ta thử cho phụ nữ dùng chất này thì tỷ lệ sinh đẻ giảm hẳn, còn với nam giới thì chất này cũng làm cho số lượng tinh trùng giảm. Nhận xét này đang được nghiên cứu kiểm chứng thêm. Ngoài ra có lẽ tác dụng của nó không mạnh bằng các dược phẩm ngừa thụ tinh hiện có, nên ít ai để ý đến...
 
Coi vậy thì các loại đậu đều rất tốt cho cơ thể. Chúng tôi nghĩ là ông có thể làm theo như lời khuyên của vị bác sĩ gia đình. Nhưng cũng xin đừng quên dùng thuốc hạ đường huyết đều đặn và dành thời gian để vận động cơ thể mỗi ngày.
 
Chúc ông mọi sự bình an.
 
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com
Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ
Vài hàng giới thiệu : Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.

http://www.youtube.com/user/DrNguyenYDuc/videos

Tác giả bài viết: ( BS NGUYỄN Ý ĐỨC)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập318
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,504
  • Tổng lượt truy cập36,332,059
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây