Học sinh mẫu giáo tìm hiểu văn hóa ẩm thực tại Triển lãm ẩm thực quốc tế Busan - Ảnh: Thiên Trường |
Dừng chân tại thành phố Busan sầm uất giữa tour khám phá ẩm thực xứ Hàn, chúng tôi không thể không đến Triển lãm ẩm thực quốc tế Busan, diễn ra náo nhiệt suốt 4 ngày tại Trung tâm triển lãm và hội nghị Busan (BEXCO) vào đầu tháng 10.
Làm chủ từ khi còn là học sinh
Giữa những thương hiệu đình đám, những chuyên gia ẩm thực lão làng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những gương mặt còn non choẹt “chủ trì” những gian hàng hoành tráng.
Thật ra thứ đầu tiên thu hút tôi không phải gương mặt mà là những chiếc bánh gạo trông rất xinh xắn, tinh xảo. Ở gian hàng gần đó là hàng chục hũ thủy tinh bắt mắt ngâm đủ loại rau trái rực rỡ sắc màu, từ củ cải đỏ, cà rốt, ớt, cam đến cần tây, lô hội, quýt, ngó sen… Thấy tôi mải mê ngắm nghía, một thiếu niên đến giải thích đó là những loại trà lên men từ các rau trái thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe. Em cũng nói thêm, có thể dùng chúng để nêm nếm khi nấu ăn, thay cho đường, giúp món ăn có những hương vị mới lạ rất ngon… Tiếng Anh của em khá trôi chảy, cách trình bày lưu loát, phong thái rất tự tin..., những điều đó - cộng với tuổi đời hẳn là chưa thể chạm mốc 20 của em khiến tôi đoán em thuộc típ sinh viên năng nổ được thuê làm việc ở hội chợ. Nhưng không, em bảo em là học sinh lớp 3 (tương đương lớp 12 ở VN) của Trường trung học phổ thông Du lịch Busan (ở Hàn Quốc tồn tại hệ thống trường trung học phổ thông hướng nghiệp, thường là dành cho các học sinh xác định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT). Em còn bảo em không phải được thuê mà là… chủ. Nói chính xác hơn, tất cả những loại trà kiêm gia vị này do chính em và các bạn cùng trường tự làm dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Ở gian hàng bên cạnh, cũng chính các bạn học của em lên công thức và thực hiện các loại bánh Hàn Quốc để giới thiệu cho cộng đồng quốc tế. Không thấy giáo viên nào ở hội chợ, chỉ toàn học sinh tổ chức tất cả mọi thứ trong các gian hàng của mình. Em kể trường em thường xuyên tham gia các sự kiện kiểu như thế này.
Học không chỉ ở trường
Trong khoảng 2 giờ có mặt ở triển lãm đông đúc, tôi nhìn thấy 4 đoàn học sinh mẫu giáo và tiểu học được thầy cô dẫn đến tham quan. Không biết tiếng Hàn, nhưng nhìn cách một cô giáo trẻ đang cặn kẽ giải thích, chỉ tay vào từng mô hình món ăn truyền thống Busan trưng bày trước các cặp mắt tròn xoe của những thiên thần chừng 4, 5 tuổi, tôi đoán cô đang giải thích về ẩm thực truyền thống Busan.
Học sinh tự làm bánh và bán tại Triển lãm ẩm thực quốc tế Busan - Ảnh: Kiều Oanh |
Thật khó để cắt lời cô vào lúc này. Lẽo đẽo theo đoàn học sinh mẫu giáo tới khu ăn uống, khi các cô trò dùng thử chính những món ăn lúc nãy đã “nghiên cứu”, tôi được cô giáo Park Min-suh giải thích là đang dẫn học trò mẫu giáo đi khảo sát thực tế. Cô Park bảo mỗi tháng, trường mẫu giáo nơi cô làm việc đều tổ chức ít nhất một chuyến đi học bên ngoài trường như thế, khi thì ở cơ sở nha khoa, công viên, sở thú, sở cứu hỏa, đồn cảnh sát, khi thì ở bảo tàng, nhà hát, nhà hàng, các sự kiện văn hóa… để vừa tìm hiểu cuộc sống thực tế vừa học những kỹ năng sống cần thiết như cách xử lý khi có hỏa hoạn, động đất, cách bảo vệ bản thân… Cô bảo ở tất cả các trường mẫu giáo khác cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động này.
Giữa Busan, bỗng chạnh lòng thương đứa con ở nhà mới vào lớp 1 phải dành hết quỹ thời gian để gò lưng luyện chữ đẹp, để toát mồ hôi với những bài toán đánh đố, để vật vã với môn chính tả đầy những âm khó mà cả đời không biết dùng mấy lần… Cứ như những người soạn giáo trình sợ các em không đủ thời gian để học, hôm nay mà không học thì ngày mai không còn cơ hội. Tất nhiên đó là nói về cái học theo quan niệm “hàn lâm” ở VN: học lý thuyết. Còn học thực tế, học kỹ năng sống thì dường như không được gọi là học!
Giữa Busan, bỗng chạnh lòng nhớ khoảnh khắc đứa cháu gái 12 năm học sinh giỏi đứng đực mặt ra khi được một người nước ngoài hỏi ở thành phố của nó có món ăn gì đặc trưng...
Giữa Busan, bỗng chạnh lòng nhớ mình cũng từng đực mặt ra như thế khi chứng kiến có người bị đuối nước, rất muốn xông vào hô hấp nhân tạo như cách mà công chúng ở những nơi khác vẫn làm khi thấy sự cố, riêng rất đông người Việt chưa từng học qua nên đành bất lực đứng nhìn…
Kiều Oanh
Cần tạo thói quen ngăn nắp và vệ sinh cho trẻ ngay từ bé - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chị Nguyễn Thúy Hiền (ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có 2 con trai sinh đôi 5 tuổi, chia sẻ: “Công việc trên cơ quan căng thẳng, về đến nhà lại gặp ngay bãi chiến trường của hai ông giặc con. Nào đồ chơi, sách vở, kẹo bánh, giày dép, la liệt khắp phòng khách cho tới phòng ngủ, bếp. Chân tay chúng thì ôi thôi, cứ như vừa đi tắm đất tắm cát ở đâu về. Mặc dù nói rát cả cổ họng, dùng cả roi để dọa nhưng bọn trẻ vẫn đâu vào đấy, không thể ngăn nắp và sạch sẽ hơn được”.
Đây chính là nỗi mệt mỏi của rất nhiều phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ sai lầm rằng con nít thì bày bừa, dơ bẩn là chuyện đương nhiên, và người lớn sẽ giúp chúng dọn dẹp, rửa ráy. Chính vì thế, cha mẹ luôn làm thay cho con từ những việc nhỏ nhất - nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sẽ trở nên thiếu ý thức về sự gọn gàng, sạch sẽ khi lớn lên.
Cô Lê Thị Thu Hồng (phụ trách lớp mầm 3, Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Ngay từ khi đi mẫu giáo, bé đã được nhà trường dạy cách giữ gìn vệ sinh và ý thức gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày đến lớp, bé được cô cho tự rửa tay theo hướng dẫn và tự lau mặt, chải răng. Các bé sẽ biết phân biệt dép đi trong lớp học và đi trong nhà vệ sinh. Trước và sau khi ăn đều rửa tay sạch sẽ”. Cô Hồng cho biết thêm đến giờ chơi, trẻ luôn được cô nhắc nhở, hướng dẫn lấy đồ chơi ra, sau khi chơi xong phải cất đúng chỗ. Bé nào làm tốt sẽ được động viên bằng cách dán sổ bé ngoan và nêu gương trước lớp vào ngày cuối tuần.
Thế nhưng, có khi ở lớp thì trẻ rất ngoan, về nhà trẻ lại bướng bỉnh và cố tình quên các bài học trên lớp. Vì sao? Chị Lê Thanh Hòa (ngụ Q.3, TP.HCM) có con học lớp lá, lý giải: “Có lẽ vì cha mẹ chưa nghiêm, chiều chuộng con nên con ỷ lại, cứ chơi, cứ bày biện vì nghĩ đã có cha mẹ dọn. Kinh nghiệm của tôi ở nhà là luôn để trẻ phải biết tự thu dọn đồ đạc của mình, thay đồ ra tự bỏ vào giỏ, quần áo khô tự gấp cho vào hộc tủ theo đúng quy định. Đi học về thì giày tự bỏ vào tủ, cặp sách treo lên giá, sau đó vô phòng vệ sinh rửa chân tay, mặt mũi...”. Không những thế, chị Hòa còn lưu ý, cha mẹ mà sạch sẽ, ngăn nắp thì con cũng sẽ học theo.
Tác giả bài viết: Mỹ Quyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn