Phỏng vấn linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường

Thứ ba - 28/10/2014 23:40

Phỏng vấn linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường



Lan Vy: Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa mới bế mạc với phiên họp cuối cùng diễn ra vào tối thứ Bẩy 18 tháng 10. Những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Thượng Hội Đồng xoay quanh những khía cạnh của hôn nhân và gia đình, là những vấn đề có lẽ đang gây tranh cãi nhiều nhất trong xã hội. Cho nên các phương tiện truyền thông đã truyền đi một khối lượng thông tin rất lớn chưa từng có về một Thượng Hội Đồng tại Vatican. Tiếc là trong đó có những thông tin sai lạc, làm nhiều người xao xuyến.

May mắn là trong dịp này chúng tôi mời được một linh mục Việt Nam đã nhiều năm hoạt động trong lãnh vực mục vụ gia đình để trình bày một vài khía cạnh về hôn nhân và gia đình.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em: linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường tác giả của những các sách suy niệm như Nước Mắt và Hạnh Phúc, Con Biết Con Cần Chúa, Mùa Chay và Con Sâu Bướm.. .

Chúng con xin kính chào, và xin cha gởi lời chào đến quý khán thính giả VietCatholic.

1) Lan Vy: Thưa cha, lần cuối cùng VietCatholic có dịp phỏng vấn cha cách đây đã 3 năm, trong thời gian qua sinh hoạt của cha như thế nào?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Tôi chia thời gian 1 năm thành 3 công việc:

Tôi dành 3 tháng hướng dẫn các nhóm hành hương để học hỏi Phúc Âm, cầu nguyện ở Đất Thánh.

Thời gian còn lại tôi tiếp tục đi các nơi có Công Giáo Việt Nam để giúp các khóa linh thao và các buổi tĩnh tâm cộng đoàn. Thí dụ tháng 10 này tôi đang ở Úc để giúp 3 khóa linh thao và tĩnh tâm cho 4 cộng đoàn. Hết tháng 10 tôi rời Úc, qua Nhật để giúp các khóa linh thao cho các đệ tử và các Sơ Việt nam tu ở bên đó.

2) Lan Vy: Các nghị phụ châu Phi phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhắc nhở các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình rằng mối quan tâm chính của các ngài về việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình không giống với những lo lắng của các giám mục ở các nước giàu có phương Tây. Cha có dịp đi nhiều cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, và cả trong nước nữa. Như vậy, đối với các gia đình Việt Nam, ngay ở thời điểm này những gì cha cảm thấy băn khoăn nhất?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Tôi thấy nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ và con cái không tha thiết với đức tin Công Giáo của bố mẹ. Tôi không biết chính xác, nhưng qua các buổi tĩnh tâm các nơi, tôi có cảm tưởng con số này có chiều hướng gia tăng

3) Lan Vy: Một trong những vấn nạn mà chúng con thấy Á Châu mình giống châu Phi lắm là cái chuyện đa thê. Trong trường hợp một người đa thê xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì thông thường Giáo Hội giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa cha?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Ngày xưa thì đây là vấn đề lớn vì cha ông chúng ta có câu: Trai thì năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyê n thì chỉ có một chồng. Hôm nay tôi nghĩ không là vấn
đề phổ thông nữa. Luật pháp Việt Nam cũng như Tây cũng không chấp nhận. Nhưng giả sử có đa thê thì người đó không thể rửa tội. Một vợ một chồng là giáo lý của Giáo Hội.

4) Lan Vy: Trong bối cảnh của gia đình Việt Nam, theo cha thì đâu là những thách đố của hôn nhân khác đạo. Trước màn ảnh truyền hình này, chắc chắn sẽ không thiếu những thanh niên và thiếu nữ Việt Nam chuẩn bị bước vào một cuộc hôn nhân khác đạo. Cha có những lời khuyên nào dành cho họ không?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Trước hết xin cho tôi một suy nghĩ riêng tư ở đây. Tôi phân biệt ĐẠO và TÔN GIÁO. ĐẠO là cái TÂM của con người, nó là nhân đức, như yêu thương, như công bằng, như hiếu thảo. Tôn Giáo là những điều mình tin, mình xin, mình giữ. Có người không theo tôn giáo nào nhưng họ vẫn có tâm tốt. Tôi nghĩ không nên gọi họ là người không có đạo. Họ có ĐẠO chứ, đó là tâm đạo.

Bây giờ, đối người Công Giáo trước hôn nhân không cùng tôn giáo thì sao?

- Đối với tôi, kết hôn cùng tôn giáo vẫn là tốt hơn. Vì đức tin, giáo lý, ơn sủng các bí tích trong Công Giáo hỗ trợ hôn nhân gia đình. Nhưng tình yêu đích thực của hôn nhân, nghĩa là hợp nhau là điều quan trọng, không thể vì khác biệt tôn giáo mà đánh mất tình yêu này. Nên nhớ họ không cùng tôn giáo nhưng họ có tâm đạo.

- Giáo Hội Công Giáo chấp nhận hôn nhân khác tôn giáo. Và Thiên Chúa chúc lành cho họ. Điều quan trọng là cả người Công Giáo và không Công Giáo cần học họi giáo lý về vấn đề này kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Lý do là để hầu khác tôn giáo mà vẫn hạnh phúc trong hôn nhân.

5) Lan Vy: Những thay đổi sâu xa trong cơ cấu xã hội và ý thức xã hội đang tác động mạnh đến gia đình. Theo cha dự đoán thì đâu là những thách đố mà các gia đình người Việt tương lai sẽ phải đối diện?

Lm. Nguyễn Tầm Thường: Đây là suy nghĩ cá nhân tôi. Sự thiếu hiểu biết về giáo lý một cách phong phú của người lớn dẫn đến chỗ không trả lời được thắc mắc của các con. Cho nên thách đố lớn là làm sao lo cho đức tin của tuổi trẻ trong tương lai.

- Luân lý gia đình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ phóng khoáng Tây Pương đưa đến sống chung không hôn phối cũng bắt đầu nhiều.

(Thí dụ một câu hỏi rất căn bản: Thế nào là tội nặng, thế nào là tội nhẹ. Qua các cuộc tĩnh tâm cộng đoàn cho tôi thấy họ trả lời rất lung tung. Một thí dụ khác: Xưng tội thì Chúa tha tội, nhưng hậu quả của tội có được tha không? Thí dụ như giật hụi 10 ngàn đồng của người ta, cứ tôi xưng tội mà hết hay sao? Nếu phải trả thì những tội như nói xấu, gây chia sẽ, hậu quả nó cũng có chứ? Vậy cứ xưng tội là hết hay sao? Nếu phải đền trả mới hết thì đền bằng cách nào? Hoặc con cái hay hỏi: Tại sao phải đi lễ? Tôi thấy cha mẹ đều lúng túng trước những câu hỏi này.)

Chúng con cám ơn cha đã dành cho VietCatholic buổi phỏng vấn hôm nay.






Học hiểu
Viếng nghĩa địa cầu cho các linh hồn
Hỏi:
Con muốn viếng nghĩa địa để lãnh ơn đại xá cầu cho các linh hồn, nhưng trong giáo phận con chỉ có một nghĩa địa công giáo lại xa nhà con, con có thể viếng nghĩa địa gần nhà con được không? Nghĩa địa này có lần các cha đã đến làm lễ.
(Một giáo dân Colorado)
Đáp:
Theo Bảng Liệt kê Ân xá của Bộ Xá giải ban hành năm 1968 (sau khi ĐGH Phaolô 6 ban Tông huấn Ân xá năm 1967), số 13 chỉ ghi "13 Viếng nghĩa địa (visit to a Cemetery) trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11", không nói phải viếng nghĩa địa Công giáo mới được ơn. Vậy quý vị có thể viếng nghĩa địa gần nhà hay nghĩa địa nào cũng được, miễn là giữ đủ điều kiện:
Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:
*Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội chỉ định có ân xá.
*Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải:
1- Xưng tội (trước hoặc sau ngày lãnh đại xá (trong vòng một tháng),
2- Rước lễ (chính ngày lãnh đại xá),
3. Cầu nguyện theo ý ĐGH (đọc 1 kinh Lạy Cha để hợp theo ý ĐGH)
4. Khi đọc kinh, làm việc để lãnh ơn Đại xá (còn gọi là Toàn xá, cần giục lòng ăn năn, chê ghét, dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm, dứt lòng quyến luyến tội lỗi (Tông huấn Ân xá Chương 5 số 12, 7).  
* Chúa Giêsu dạy thánh nữ Faustina rằng:"Hãy dâng lên Cha các linh hồn luyện ngục. Hãy nhận chìm họ trong đại dương thương xót của Cha. Hãy để nguồn máu thánh Cha làm dịu bớt ngọn lửa hồng đang thiêu đốt họ. Tất cả linh hồn này được Cha hết lòng thương yêu. Họ đang đền trả sự công chính Cha. Chỉ chúng con mới có khả năng đem lại sự giải thoát cho họ. Hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng của Giáo hội dâng cho các linh hồn đó. Ôi nếu chúng con hiểu thấu được những cực hình mà họ phải chịu chắc chúng con không ngừng làm việc phúc đức dâng hiến thay cho họ, và giúp họ đền trả sự công chính của Cha".(Tuần 9 trước lễ Chúa Tình thương, ngày thứ 8).
---
Thời nay, nhiều nơi, nhất là tỉnh thành,  không dễ có đất mà lập nghĩa địa Công giáo riêng. Giáo luật khoản 1240 viết   1, Nơi nào có thể, phải có nghĩa trang riêng của Giáo hội , hay ít ra một khoảng trong nghĩa trang  dân sự được dành riêng cho các tín hữu đã qua đời, và phải làm phép thích đáng.   2, Nếu không thể có nghĩa trang như trên, thì phải làm phép các phần mộ từng lần một.
Thực tế, nhiều nghĩa địa đã có việc "làm phép các phần mộ từng lần một" khi chôn xác người mới qua đời.
Linh mục. Đoàn Quang, CMC
11/2013

Tác giả bài viết: Lao gia Cali

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập88
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại308,238
  • Tổng lượt truy cập35,954,583
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây