Thực Hành

Thứ tư - 29/10/2014 22:41

Thực Hành

Truyện kể: Vào một ngày kia, có người đàn ông đi dạo trong khu vườn rộng, suy tư sâu lắng và phản hồi. Ông đứng ngạo nghễ trước một cầy sồi to lớn, gẫm suy về những trái cây sồi nhỏ tí bám chung quanh cành cây và kìa, một cơn gió thoảng qua, có một vài trái rơi rụng xuống. Rồi ông ngó sang hàng rào bên cạnh, đó là một vườn bí rợ rộng có giây bí leo khắp nơi

(CN 31 QN.A)
(Mal 1, 11b- 2b.8-10; 1Thess 2, 7b.9, 13; Mt 23, 1-12)
 
. Bỗng dưng, ông có một tư tưởng nghĩ rằng: Tạo Hóa rõ thật lầm lẫn! Tại sao một trái bí to bám vào một giây bí leo nhỏ tẽo và trái sồi nhỏ tí lại đeo trên cây sồi to lớn thế? Điều này không hợp lý. Và rồi, một làn gió mạnh thổi qua, một trái sồi nhỏ rời cành rớt xuống. Trái sồi rơi ngay trên đỉnh đầu ông ta. Ông ta chợt tỉnh và mỉm cười: “Sau tất cả, có lẽ Đấng Tạo Hóa ở trên đỉnh cao của mọi sự”.
 
Ngạn ngữ có câu: Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Có nghĩa là chúng ta cần phải đắn đo suy nghĩ chín chắn và cẩn thận trước khi phát biểu hay thực hiện một việc gì. Bởi vậy chúng ta phải nhai cho kỹ, nghĩ cho lâu là thế! Tư tưởng hướng dẫn hành động. Con người có tư tưởng trước rồi mới hành động sau. Dù có tư tưởng và suy nghĩ nhưng mỗi người có những cách nhìn sự kiện khác nhau, nên có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng ta không thể xét đoán sự việc hay một biến cố xảy ra đúng, sai hay phải, trái một cách vội vàng. Càng suy nghĩ kỹ, chúng ta càng thấy mọi sự việc trên đời đều tương đối. Vì sự hiểu biết và nhận thức của con người có giới hạn.
 
Thiên Chúa mạc khải chính mình cho ông Môisen và ban Mười Điều răn trên núi Sinai. Dựa vào Mười Điều Răn, các vị lãnh đạo dân Do-thái đã xây dựng một hệ thống luật rất chi tiết để giúp dân chúng sống chính trực. Lề luật được viết trên đá, trên sách, nhưng quan trọng là phải khắc ghi vào tâm. Tiên tri Malakia than phiền rằng dân chúng quá thờ ơ với các luật lệ của cha ông và chạy theo cách sống tự do của dân ngoại. Nên Malakia đã cảnh báo: Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và hủy bỏ giao ước Lêvi: Chúa các đạo binh phán như vậy (Mal 2, 8). Luật lề được làm ra vì con người. Khi nhiều người chung sống với nhau tạo thành một cộng đoàn, một xã hội, họ cần có những luật lệ chung để bảo toàn và giúp nhau thăng tiến. Tuân giữ lề luật thánh đã làm cho họ trở thành một dân tộc văn minh.
 
Thôi thúc nội tâm, tiên tri Malakia đã đặt câu hỏi với dân: Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rể anh em mình mà phản bội giáo ước của tổ phụ chúng ta? (Mal 2, 10). Mười Giới Răn bao gồm việc tôn thờ Thiên Chúa, bổn phận đối với anh em và chính mình. Đây là một đạo lý vắn gọn và đầy đủ nhất, giúp chu toàn sứ mệnh làm người. Lời truyền dạy của Thiên Chúa được khắc ghi trên bảng đá để nhắc nhở con người mọi thời. Những Điều Răn phải biến thành hiện thực trong đời sống của mọi người.
 
Các luật sĩ, tư tế và thầy dậy có bổn phận rao giảng, giải thích và khuyến khích mọi người tuân giữ các giới răn luật lệ trong đạo. Giảng dạy hay lên lớp thì ai cũng có thể làm, nhưng điều quan trọng là hãy thực hành. Cha ông đã nói: Học không hành, không thành được học. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn đứng bên ngoài đóng góp ý kiến nhưng không muốn lăn xả vào công việc. Xem ra, ai nói cũng hay, ý kiến nào cũng tốt và góp ý chân thành, nhưng nếu được giao phó công việc thì chúng ta lại từ chối. Những người này chỉ nói mà không làm, vì họ áp dụng kiểu: Mồm miệng đỡ chân tay. Biết rằng để sinh hoạt cộng đồng và đem lại lợi ích chung, mỗi người cần đóng góp ý kiến của mình để thấu tỏ vấn đề và sinh hiệu qủa tốt. Tuy nhiên, chúng ta là những người có trách nhiệm, không nên dừa việc hay bán cái việc khó cho người khác.
 
Ai cũng có thể làm việc tốt lành. Người lãnh đạo hay thầy dạy càng phải làm gương mẫu trước. Các thầy dậy không thể chất gánh nặng trên vai người khác. Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ và dân chúng: Vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm (Mt 23, 3). Chúa Giêsu biết rõ một số các người Biệt phái, Luật sĩ và Tư tế đền thờ chỉ có đời sống đạo hời hợt và hình thức. Họ chỉ muốn tỏ dấu bề ngoài để được người đời khen thưởng là đạo đức tốt lành. Chúa Giêsu vạch trần bộ mặt giả hiệu của các vị đầu mục: Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: Vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo (Mt 23, 5). Xưa cũng như nay, ai cũng thích cái danh, ưa được khen tặng và tâng bấc. Đôi khi chúng ta nhận hão cái danh mà chính mình không xứng đáng lãnh nhận.
 
Thật ra, trong việc thực hành sống đạo, chúng ta cũng không hơn gì những người Do-thái xưa. Nếu chúng ta khiêm nhượng đủ, khi dựa vào Mười Điều Răn để xét mình trước mặt Chúa, chúng ta còn quá nhiều thiếu xót và lỗi lầm. Rất nhiều khi chúng ta thực hành đạo một cách rất hình thức và trỗng rỗng. Mỗi tuần đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta kể là chu toàn bổn phận đối với Chúa. Những ngày còn lại trong suốt tuần, chúng ta mải mê lo công việc làm ăn và vui chơi giải trí. Vì cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã ăn gian nói dối để được hưởng thêm phần lợi. Dửng dưng với lời sự thật, việc thật và nói dối cho qua lần. Nêu ra nhiều lý do biện minh cho việc làm mờ ám và lương tâm không còn nhạy bén để khiển trách. Mong đừng ai nhắc nhớ, thế là chúng ta cảm thấy an tâm.
 
Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh những người có bổn phận giảng dậy, hướng dẫn và lãnh đạo. Việc rao giảng là cần thiết để nhắc nhở thức tỉnh mọi người sống đạo. Mỗi người đều phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm trước mặt Chúa. Đường nên thánh mở rộng cho mọi thành viên. Ai cố gắng tu luyện thì sẽ thành đạt. Ai cũng có thể nên thánh. Việc quan trọng là trong bất cứ địa vị hay vai trò nào, chúng ta phải học khiêm nhu từ tốn. Người làm lớn nên phục vụ và nêu gương cho mọi người. Chúa Giêsu dậy: Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi (Mt 23, 11). Phục vụ là chia sẻ, cảm thông và nhận biết nhu cầu tâm linh và vật chất của người khác. Phục vụ là đem sự bình an, yêu thương và hòa bình đến cho mọi người.
 
Thánh Phaolô nêu gương phục vụ trong việc loan báo Tin mừng: Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi. Chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa cho anh em (1Thess 2, 9). Phaolô hãnh diện về việc tự túc trong đời sống. Ngài không muốn trở nên gánh nặng cho người khác. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là dẫn dắt mọi người về với đường ngay nẻo chính. Phục vụ nhau để xây dựng tình liên đới và giúp nhau nên hoàn thiện. Chúng ta hãy phục vụ lẫn nhau tùy theo ân lộc mà Chúa đã ban cho mỗi người. Cái gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy dâng hiến nhưng không.
 
Lạy Chúa, rất nhiều lần chúng con đã sống đạo một cách máy móc, thờ ơ và lãnh đạm. Xin cho chúng con biết lắng nghe, suy gẫm và đem lời Chúa thực hành trong đời sống. Xin Chúa khắc ghi trong trái tim của chúng con dấu ấn tình yêu của Chúa, để chúng con biết yêu Chúa và mến tha nhân.

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay14,018
  • Tháng hiện tại235,246
  • Tổng lượt truy cập35,501,527
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây