Tổng thống Ric-hard Nixon qua Việt Nam ủy lạo binh sĩ tham chiến.
Thiệu bắt được bản sơ thảo Hiệp định của Kissinger và Lê Đức Thọ
Thiệu đọc và phát hiện ra lâu nay Bunker đã cho ông những thông tin ảo về những thỏa thuận giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris. Ông cay đắng nhận ra rằng từ trước tới nay Kissinger đã điều đình với Lê Đức Thọ mà không thèm đếm xỉa tới ý kiến của Chính phủ VNCH cũng như không cần để ý tới quyền lợi của nhân dân Miền Nam.
Những gì mà Đại sứ Bunker trình bày với ông về những điều khoản thương lượng tại Paris chỉ là những lời lừa phỉnh như đối với trẻ con. Kể từ lúc này, dưới con mắt của Tổng thống Thiệu thì Bunker là một tay lừa đảo ( Trong khi sự thực Bunker đã bị Kissinger lừa chứ ông ta cũng chẳng biết gì hơn ).
Tổng thống Thiệu lập tức mời một số nhân vật chính trong chính phủ họp bàn về sự phản bội của Hoa Kỳ và tìm cách đối đầu với Kissinger trong chuyến viếng thăm sắp tới của ông ta.
Đại sứ Ellsworth Bunker (thứ hai, phải) đang trao đổi với Đại tướng William C. Westmoreland.
Hình dưới: Kissinger bắt tay Lê Đức Thọ sau khi ký hiệp ước, 1972.
Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ bản dự thảo hiệp ước
Năm 1972, ngày 18-10, Kissinger đến Sài Gòn vào ban đêm.
Ngày 19-10,
- Buổi sáng, lúc 11 giờ sáng, Kissinger cùng phái đoàn đến dinh Độc Lập trao ủy nhiệm thư của Tổng thống Nixon và thuyết trình trong nửa tiếng về bản dự thảo hiệp định. Sau khi ông thuyết trình xong, Tổng thống Thiệu hỏi ông về bản dự thảo bằng tiếng Việt, Kissinger nói hiện tại ông không có nhưng ông sẽ cho tìm nó trong hồ sơ và gởi cho Tổng thống ( Theo Frank Snepp, lúc này Kissinger chưa biết là chi nhánh CIA tại Sài Gòn đã có văn bản bằng tiếng Việt do điệp viên nằm trong Trung ương Cục của CSVN từ miền Đồng Bằng sông Cửu Long, tức là Khu 9 của CSVN, chuyển tới ).
- Lúc 1 giờ trưa, Tổng thống Thiệu cám ơn về bài thuyết trình của Kissinger, hứa sẽ nghiên cứu và hẹn gặp nhau lại vào lúc 5 giờ chiều.
- Lúc 5 giờ chiều, phái đoàn của Kissinger đến dinh Độc Lập để trả lời các thắc mắc về văn bản dự thảo. Mở đầu Tổng thống Thiệu cho biết ông cần một thời gian để nghiên cứu văn bản bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, bất ngờ ông buột miệng hỏi : “À, còn ba quốc gia Đông Dương mà ông nói đến là những quốc gia nào vậy?”.
Như đã có chuẩn bị trước, Kissinger đáp ngay : “Thưa ngài, chắc là người ta đánh máy sai đó”. Tổng thống Thiệu biết rằng ông ta nói dối bởi vì trong văn bản có tới 3 lần nói tới 3 quốc gia Đông Dương và ghi bằng chữ (three) chứ không ghi bằng số. Kể từ lúc đó cuộc trao đổi giữa Tổng thống Thiệu và Kissinger trở thành giống như một cuộc điều tra để phát hiện ra sự lừa đảo chứ không còn là một cuộc trao đổi “thành thật và thân mật” như thư giới thiệu của Tổng thống Nixon.
- Sau khi trao đổi một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề không có mục quy định quân Bắc Việt phải trở về Bắc, Tổng thống Thiệu hẹn hôm sau sẽ găp lại từng nhóm chuyên biệt để bàn bạc. Kisssinger đồng ý rồi xin mở tiếp một cuộc họp quân sự ngay sau đó để bàn về vấn đề gấp rút tiếp vận quân sự cho Nam VN trước ngày đình chiến. Cuộc họp gồm có Kissinger, Bunker, Tướng Abrams, Tướng Thiệu và Tướng Cao Văn Viên.
Theo như cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kể lại cho Nguyễn Tiến Hưng trong The Palace File (Khi đồng minh tháo chạy) thì có lẽ món quà viện trợ quân sự khẩn cấp là để “mua chuộc” ( đấm mõm ) sự đồng ý của Tổng thống về nội dung văn bản Hiệp định.
Ngày 20-10,
- Buổi sáng, Kissinger họp với Hội đồng an ninh quốc gia VNCH tại nhà riêng của Ngoại trưởng Vương Văn Bắc. Phía VNCH đưa ra 23 điểm cần làm sáng tỏ. Kissinger phản biện và chỉ thừa nhận có 8 điểm trong 23 điểm là cần phải minh xác mà thôi. Buổi họp kết thúc vào giữa trưa, hai bên hẹn gặp nhau vào buổi chiều.
Hoàng Đức Nhã bỏ ra về giữa cuộc họp để kịp thông báo cho Tổng thống Thiệu rằng có rất nhiều điểm thất lợi trong bản văn bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt mà Kissinger mới đưa ra. (Bản tiếng Việt do chi nhánh CIA tại SG có được từ một nhân vật nội gián nằm trong Trung ương ĐCSVN tại Miền Tây. Sau này được biết là ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Quân khu 9 CSVN ).
- Lúc 4 giờ chiều, Cố vấn Hoàng Đức Nhã gọi điện thoại cho Đại sứ Bunker thông báo buổi họp chiều nay bị hoãn lại vì lý do quân CSVN đang tập trung quân để đánh lớn, Tổng thống Thiệu đang triệu tập các Tiểu khu trưởng để bàn việc đối phó.
Theo lời kể lại của ông Hoàng Đức Nhã thì cuộc nói chuyện điện thoại diễn ra như sau:
Bunker : Thế bao giờ sẽ họp vào ngày mai
Nhã : Tôi sẽ tìm cách thông báo cho ngài sau
Bunker yêu cầu gặp Tổng thống Thiệu.
Nhã : Xin ngài thứ lỗi, vì tình hình khẩn cấp,Tổng thống không muốn nói chuyện điện thoại với bất cứ ai.
Sau đó vài tiếng đồng hồ, Bunker gọi lại.
Bunker : Chúng tôi có thể tới gặp Tổng thống lúc này được không? Chúng tôi sắp rời tòa Đại sứ ngay bây giờ đây.
Nhã : Trong dinh chưa chuẩn bị. Chúng tôi có một số việc khác khẩn cấp…
Bunker : Anh đâu có thể làm như vậy được.
Kissinger giật lấy ống nói : Đây là Tiến sĩ Kissinger.
Nhã : Thưa ông mạnh giỏi ?
Kissinger : Tại sao chúng tôi lại không được gặp Tổng thống?
Nhã : Như tôi mới giải thích cho Đại sứ Bunker. Tôi rất tiếc là Tổng thống không thể gặp quý vị vào lúc này, ông ta sẽ gặp quý vị ngày mai.
Kissinger : Tôi là Đặc sứ của Tổng thống Hoa Kỳ, tôi không thể được đối xử như một nhân viên chạy vặt.
Nhã : Chúng tôi không bao giờ coi ông là nhân viên chạy vặt. Nhưng nếu ông nghĩ như vậy thì tôi đâu có thể làm gì được.
Kissinger : Tôi đòi gặp Tổng thống !
Nhã : Xin ông cho phép tôi nhắc lại lần nữa điều mà tôi vừa mới thưa với ông, tôi xin lỗi.
( Nguyễn Tiến Hưng, The Palace File, bản dịch của Cung Thúc Tiến và Nguyễn Cao Đàm trang 172, 173 ).
Ngày 21-10,
- Lúc 10 giờ sáng, Kissinger và Bunker đến gặp Tổng thống Thiệu, hai bên bàn thảo về 23 điểm phản đối của VNCH ngày hôm qua, theo Kissinger thì chỉ có 16 điểm cần sửa đổi. Trong 2 tiếng đồng hồ, hai bên bàn thảo về vấn đề quân BắcViệt tại Miền Nam và vai trò của Hội đồng hòa giải dân tộc.
- Trong khi đang họp, nhân viên của Văn phòng Tổng thống bước vào đưa một mật điện từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ chuyển sang, đó là một bức điện của Tổng thống Nixon muốn Kissinger trao tận tay Tổng thống Thiệu, trong đó đe dọa sẽ cắt viện trợ nếu Tổng thống Thiệu từ chối bản dự thảo hiệp định.
Buổi họp kết thúc trong sự hài lòng của Kissinger ( Tưởng rằng thư của Nixon đã khống chế được Thiệu ), hai bên hẹn gặp nhau vào sáng hôm sau.
Ngày 22-10,
- Lúc 6 giờ sáng, Tòa đại sứ VNCH tại Washington chuyển về toàn văn bài phỏng vấn của phóng viên tờ Newsweek là Borchgrave với Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng cho Tổng thống Thiệu. Tổng thống phát hiện rõ ràng Kissinger đã đánh lừa ông về vai trò của “Hội đồng hòa giải” và ý nghĩa của “ngưng bắn da beo”, nhưng ông quyết định không nói ra để xem Kissinger “diễn tuồng” ra sao.
( Thực ra chiều hôm trước Tướng Trần Văn Đôn đã dẫn phóng viên Borchgrave đến gặp Tổng thống Thiệu để xin phỏng vấn sau khi ông ta mới phỏng vấn Phạm Văn Đồng tại Hà Nội vào buổi sáng. Tổng thống Thiệu từ chối trả lời phỏng vấn nhưng Borchgrave vẫn thông báo cho ông biết về nội dung cuộc phỏng vấn Phạm Văn Đồng. Sau đó Borchgrave mới chuyển bài phỏng vấn PVĐ về cho báo Newsweek ).
- Buổi sáng, Kissinger đến gặp Tổng thống Thiệu, trong 45 phút bàn bạc, Tổng thống Thiệu cho biết ông đồng ý với bản dự thảo “nhưng với điều kiện phải sửa đổi lại” ( Đây là một lối nói từ chối của Tổng thống Thiệu nhưng Kissinger không hiểu, bởi vì sau đó Thiệu đòi sửa lại tới 64 chỗ, tức là hầu như sửa lại toàn bộ ). Kissinger ra về với nhiều lạc quan.
- Kissinger đánh điện cho Tổng thống Nixon : “Tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm được lối thoát”. Sau đó ông bay đi Nam Vang để gặp Tổng thống Cam Bốt và trở lại Sài Gòn chiều hôm đó. Tại Nam Vang Kissinger cho Tổng thống Lon Nol biết rằng Tổng thống Thiệu đã đồng ý bản dự thảo hiệp định do Bắc Việt đưa ra.
– Buổi chiều, Kissinger cùng Bunker đến dinh Độc Lâp. Trước tiên Tổng thống Thiệu khuyến cáo Kissinger : “Tôi không đồng ý về việc một số nhân viên của quý vị đi nói khắp Sài Gòn là tôi đã ký. Tôi chưa ký kết gì cả. Tôi không phản đối hòa bình nhưng tôi chưa nhận được một trả lời thỏa đáng nào của quý vị cho nên tôi sẽ không ký”.
Sau đó Tổng thống nhắc lại 4 điểm phản đối chính, đó là: (1) Sự hiện diện của quân Bắc Việt tại Miền Nam. (2) Vai trò của Hội đồng hòa giải được xem như là một chính phủ. (3) Vùng phi quân sự tại vĩ tuyến 17 không được tôn trọng theo như hiệp đình Geneve. (4) Hiện nay tại Đông Dương có tới 4 quốc gia chứ không phải chỉ có 3.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi còn là trung tướng (phải).
Kissinger mất bình tỉnh với tuyên bố của Tổng thống Thiệu, ông nói ông đã thành công ở Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa và Paris mà bây giờ ông phải thất bại tại Sài Gòn: “Nếu ngài không ký, chúng tôi sẽ xúc tiến một mình”.
Tới phiên Thiệu nổi giận, ông buộc tội Kissinger là thông đồng với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để bán đứng Miền Nam. Hồi ký của Kissinger ghi lại lời lẽ của Thiệu: “Là một quân nhân thì lúc nào cũng phải chiến đấu, nếu tôi không phải là một quân nhân thì tôi đã từ chức khi HK yêu cầu tôi từ chức và còn mặc cả với tôi về ngày giờ từ chức… … Tôi chưa hề nói với ai là người Mỹ đã đòi tôi từ chức, vì như vậy là nhục; cho nên tôi đã làm như tự mình chọn lấy quyết định đó…” ( Kissinger, White House Years, trang 1385 )
Kissinger đáp lại : “Tôi cảm phục tính hy sinh và lòng can đảm của ngài qua lời phát biểu vừa rồi. Tuy nhiên, là một người Hoa Kỳ, tôi không khỏi phiền lòng khi ngài cho rằng chúng tôi thông đồng với Liên Xô và Trung Quốc.
Làm sao ngài có thể nghĩ như vậy được trong khi quyết định ngày 8-5 của Tổng thống Nixon ( Thả bom Hà Nội và phong tỏa các hải cảng Bắc Việt ) đã liều cả tương lai chính trị của mình để giúp quý ngài. Chúng tôi điều đình với Liên Xô và Trung Quốc là để làm áp lực, buộc họ phải làm áp lực với Hà Nội… Nếu như chúng tôi muốn bán đứng quý ngài thì đã có nhiều cách dễ dàng hơn để hoàn thành việc đó…”( Kissinger, White House Years, trang 1385, 1386 ).
Rồi tới phiên Đại sứ Bunker mất bình tỉnh : “Vậy thì thưa Tổng thống, lập trường chót của ngài là không ký, có phải không?”
Thiệu đáp : “Vâng, đó là lập trường cuối cùng của tôi. Tôi sẽ không ký và tôi xin ngài thông báo cho Tổng thống Nixon biết như thế. Xin quý vị trở lại Washington và nói với Tổng thống Nixon rằng tôi cần được trả lời”.
Tổng thống Thiệu chỉ tay vào bản đồ Việt Nam rồi nói : “Có gì quan trọng khi Hoa Kỳ để mất một quốc gia nhỏ bé như Nam Việt Nam? Chúng tôi không hơn gì một chấm nhỏ trên bản đồ của thế giới đối với các ông… … Nhưng đối với chúng tôi, đó là một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết. Đối với chúng tôi, đặt bút ký vào một hiệp ước tương đương với sự đầu hàng là chấp nhận một bản án tử hình, vì cuộc sống không có tự do là sự chết. Không, nó còn tệ hơn là sự chết” ( Larry Berman; No Peace, No Honor; trích từ Văn khố Bộ ngoại giao HK, bản dịch của Nguyễn Mạnh Hùng trang 230 ).
Kissinger yêu cầu Thiệu cùng họp lại một lần chót vào sáng ngày mai để trình diễn cho báo chí biết là bản dự thảo vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Tổng thống Thiệu đồng ý: “Được rồi, nếu điều đó có thể giúp quý vị thì sáng mai ta có thể có một cuộc họp ngắn, 5 phút”.
Ngày 23-10, sau cuộc họp ngắn với Tổng thống Thiệu, Kissinger lên đường trở về Hoa Kỳ. Trước đó ông đã đánh điện cho Hà Nội, xin hoãn chuyến đi Hà Nội vào ngày 24-10 như đã dự trù.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình công kích các điều khoản hiệp định mà Phạm Văn Đồng tuyên bố với phóng viên Borchgrave. Ông tránh không nói tới bản dự thảo hiệp định do Kissinger đưa ra bởi vì đã có hứa với Kissinger là làm ra vẻ như bản dự thảo vẫn đang được tiến hành.