Đời tư là hàng hóa

Thứ bảy - 24/03/2018 09:38

Đời tư là hàng hóa

Hơn hai mươi năm trước, tôi đã hoảng loạn, lo lắng, gục xuống bàn và khóc khi cuốn nhật kí tuổi 16 để trong ngăn bàn biến mất sau tiết thể dục.
Bildergebnis für schöne gifs pinterest

Thứ năm, 22/3/2018

Phạm Hải Chung

Phạm Hải Chung

Nhà giáo

Tôi sợ những điều riêng tư, thầm kín bị công khai. Tôi sợ hàng trăm con người trong trường sau đó sẽ đọc oang oang bài thơ viết về một người bạn tôi rất quý mến.

Thấy tôi khóc cả tiết, không khí lớp bắt đầu hoang mang. Rất may, một bạn đã trả lại cuốn nhật ký cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác nặng trĩu khi phải gặng hỏi xem những ai đã đọc cuốn nhật kí đó cùng với bạn. Nỗi buồn ấy đeo theo tôi trong nhiều tuần.

Mặc dù câu chuyện chưa thành nghiêm trọng, nhưng tôi đã thấm thía cảm giác khi thông tin cá nhân có nguy cơ bị đánh cắp và tiết lộ.

Sau này khi đứng giảng trong các lớp truyền thông cho các độ tuổi và trình độ khác nhau, một trong những câu hỏi tôi hay đưa ra là: “Bạn không lo lắng khi mọi thông tin cá nhân và những điều thầm kín đều viết, chia sẻ hoặc lưu trữ trên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội sao?”

Tại sao tôi hay hỏi câu này? Bởi với tôi, cuốn nhật ký quý giá đầu đời và trang cá nhân bây giờ không khác nhau quá nhiều. Bởi vì chúng ta có thể bị bán đứng vì bất kì ai hay bên liên quan nào. Mọi thông tin chúng ta để trong tài khoản trên mạng xã hội giống như tài sản để trong một ngôi nhà mở toang cửa.

Kể cả khi trang cá nhân của bạn không được cài ở chế độ “công khai” thì nhà cung cấp dịch vụ vẫn có thể sử dụng thông tin của bạn cho một bên thứ ba kiếm lợi. Thực tế, họ đã và đang âm thầm thu thập mọi thông tin của bạn.

Trong Bản Tuyên ngôn về quyền của người dùng, Facebook tuyên bố: "Bạn sở hữu tất cả nội dung và thông tin bạn đăng lên Facebook, và bạn có thể kiểm soát cách thông tin được chia sẻ thông qua các cài đặt riêng tư và ứng dụng của mình”. Nhưng hãy nhìn vụ bê bối vừa rồi: 50 triệu thông tin cá nhân từ Facebook đã được giao cho bên thứ 3 sử dụng phục vụ cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội sống chủ yếu dựa vào tiền quảng cáo. Thông tin cá nhân người dùng của các tài khoản càng sâu bao nhiêu thì lại càng hấp dẫn cho các nhà quảng cáo. Mạng càng phổ diện rộng, người dùng bị làm phiền nhiều bởi quảng cáo và bí mật cá nhân càng khó được kiểm soát.

Chúng ta hồn nhiên khi tham gia mạng xã hội và ném vào đại dương dữ liệu lớn mọi thông tin cá nhân. Ai cũng có thể tìm theo dấu tích số của chúng ta trên Internet. Nó không chỉ là những thứ thông tin được viết ra, hay bức ảnh được chủ động đăng tải: với nhu cầu gầy dựng dữ liệu, các nhà cung cấp theo dõi nhất cử nhất động của bạn, từ vị trí, các thói quen đọc, những từ khóa bạn tìm kiếm, những người bạn hay tương tác,… mọi cú nhấp chuột dù là vô thức đều được ghi lại và trở thành hàng hóa.

Năm 2015, tin tặc tấn công trang web hẹn hò Ashley Madison. Toàn bộ thông tin của hơn 30 triệu người sử dụng trang này bị dọa công bố nhân thân, nơi làm việc, ảnh “nóng” và xu hướng tình dục của các thành viên. Tin tặc gửi thông báo tống tiền người dùng. Điều đáng nói: khách hàng của Ashley Madison rất đông là những người đang có gia đình. Hậu quả của những bí mật bị đánh cắp là khủng khiếp với họ.

Liệu những nút report (báo cáo) nội dung bị xâm hại cá nhân của các nhà cung cấp là đủ? Liệu khung pháp lý đã đủ để trấn an người dùng về an toàn mạng? Trước khi mọi thứ được kiểm soát thì có thể hậu quả đã xảy ra như một nữ sinh ở Nghệ An mới tự tử vì bạn trai đưa clip hôn nhau lên mạng. Diễn viên, nhà văn Steven Wright từng nói: “Internet giống như miền Tây hoang dã vậy. Chẳng có luật lệ”.

Vấn đề hôm nay không phải là giá cổ phiếu của Facebook sụt bao nhiêu hay Mark Zuckerberg mất mấy tỷ USD, mà là sự cẩn trọng của chính bạn khi tham gia môi trường mạng đang ra sao.

Thế hệ tôi, 8x đời đầu, may thay vẫn có được một tuổi thơ không Internet. Tôi đang nghĩ về những thế hệ lớn lên trong thời đại số. Làm sao để con tôi, cháu tôi được giáo dục Internet đầy đủ, biết ý thức khai thác mặt tốt của Internet và biết tự bảo vệ mình?

Tôi gần như không bao giờ cho thông tin và hình ảnh của con trai mình lên mạng. Những gì tôi tiết lộ thông tin cá nhân của con tôi hôm nay đều có thể là nguồn dữ liệu bị khai thác về con sau này. Điều mà cậu bé phải là người tự quyết định. Tôi muốn con lớn lên, hấp thụ kĩ năng sinh tồn bên ngoài cuộc sống và học dần với bàn phím ý thức tương tác trong thế giới số.

Con tôi sẽ tự quyết định nó sẽ viết gì trong cuốn nhật kí số tuổi 16 của mình trên Internet.

 


Tác giả bài viết: Phạm Hải Chung

 Tags: lo lắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay16,867
  • Tháng hiện tại321,505
  • Tổng lượt truy cập35,967,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây