NHÂN CÁCH ĐỜI TU - 10

Thứ tư - 14/03/2018 23:44

NHÂN CÁCH ĐỜI TU - 10

10.SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN Có thể nói, cuộc sống của mỗi người từ khởi sự đến hoàn thành đều sống trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, hiện hữu của tôi được khởi đi từ tác động của Người. Mỗi người họa lại cách nào đó biến cố Truyền Tin. Nghĩa là mỗi người cũng được Thần Khí bao phủ như chính kinh nghiệm của Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu như Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Đức Kitô thì toàn thể đời sống chúng ta: thể lý, tâm lý và tâm linh đều thấm đượm tình yêu Thần Linh.
Bildergebnis für anh dong tuyet voi 

10.1.Hiện hữu.

Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa đã yêu thương ta bằng một mối tình muôn thuở. Lý do nào khiến Người yêu thương ? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: vì Người là Tình  Yêu. Nếu bản tính Người là Tình Yêu mà khi không còn yêu nữa, Người không còn là Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của các ngôn sứ, các tông đồ… Còn tôi thì sao ? Tình yêu là một kinh nghiệm cá vị giữa tôi với Chúa tôi. Có thể nói, bài học yêu thương là bài học trước nhất, khó nhất, đắt nhất và kéo dài suốt đời tôi. 
Mỗi một cuộc đời, người ta làm chứng cho một tình yêu riêng tư đó. Thiên Chúa không bao giờ lên tiếng một cách trực tiếp trong cuộc đời tôi. Thế nên, tôi một đời tìm kiếm Người trong chính hiện hữu của tôi. Hiện hữu của tôi là một ân ban. Nếu như khuynh hướng tự nhiên của tự do con người là tìm đến điều thiện hảo thì việc Thiên Chúa tự do đưa tôi vào hiện hữu, há chẳng phải xác thực rằng tôi là một thiện hảo của Thiên Chúa ? Thiện hảo (hiện hữu của tôi) đó đến từ Thiên Chúa là một ân ban. Người ta có thể phải trả giá một đời để chứng minh cho chân lý ấy: Tôi là tác phẩm của Thiên Chúa tình yêu.
Cũng thế, mỗi ơn gọi là một lời đáp trả tình yêu. Thiên Chúa không lên tiếng; Người chỉ gõ nhẹ cửa hồn và chỉ những ai tỉnh thức mới lắng nghe và mở cửa mời Người ngự vào nơi cung thánh lòng mình thôi !
Chắc hẳn, lời đáp trả tình yêu không phải là một tác động đã hoàn thành trong một khoảnh khắc nào đó nhưng nó kéo dài đến suốt đời. Như lời đáp tiếng “xin vâng” của Đức Maria khởi đi từ biến cố Truyền Tin kéo dài đến đồi Calve và như thế cứ sống động trong suốt cuộc đời của mẹ, lời đáp trả của chúng ta phải được sống cả trong những biến cố đau thương, bi đát nhất với một xác tín: Đấng chúng ta tin vào, Người đã phục sinh. Cái giá phải trả cho việc sống lời đáp trả này có thể đổi bằng máu thì các tu sĩ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng là chính Đấng Phục Sinh. Quả thật, hằng giây phút Người muốn ban mình cho họ qua tác động của Chúa Thánh Thần. 
Sống đúng đắn và trọn vẹn ơn gọi của mình, bạn sẽ hoàn thành định mệnh đời bạn nhờ Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người những năng lực hết sức phong phú và riêng biệt để mỗi người nhờ tác động của Thần Khí mà phô diễn vẻ đẹp của Thiên Chúa. Điều này chúng ta nhận thấy rõ nét nơi cuộc đời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào thời trẻ, nhờ sớm khám phá bản thân với khả năng diễn xuất, ngài muốn trở thành một diễn viên sân khấu. Cho đến khi, ngài nhận ra ơn gọi làm linh mục cho Chúa và đạt đến đỉnh điểm là ngôi Giáo Hoàng, ngài đã thực sự trở thành người của công chúng. Thành công của một diễn viên sân khấu là chinh phục được nhiều người hâm mộ thì thành công của một Ngôi Giáo Hoàng là trở thành người phục vụ cho mọi người, nhất là người nghèo khổ. Vẻ đẹp của vị mục tử này còn in đậm trong tâm trí chúng ta.
Đến đây, chúng ta cần ghi nhận tác động phong nhiêu của Chúa Thánh Thần. Vào thời trung cổ, khi Giáo hội đạt đến đỉnh cao của quyền lực và tiền tài thì Chúa Thánh Thần giới thiệu cho thế giới gương mặt điển hình là thánh Phanxicô thành Assisi. Vào thời hiện đại, khi con người đạt đến đỉnh cao của tri thức nhân loại, họ hưởng thụ mọi sự ngay cả trên thân xác con người thì Thần Khí gởi đến một Têrêsa nhỏ nhắn nhưng có một tâm hồn lớn lao, như cảnh báo cho con người biết, họ đã chà đạp đồng loại và cướp đi hình ảnh Đức Kitô nơi những người cùng khốn… Mỗi người một vẻ là phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Điều con người có thể làm là cộng tác với ơn Chúa, trung thành với sự soi động của Chúa Thánh Thần hầu biến đổi mỗi ngày nên giống Đức Kitô hơn. Bước đầu thực hiện điều này là lắng nghe sứ điệp từ thân xác bạn.

10.2.Thể lý

Thể lý, ở đây, được hiểu là hoạt động thân xác và các giác quan.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thân xác là nơi biểu lộ tình yêu. Nếu yêu là bài học kéo dài suốt đời thì con người phải tìm mọi cách để biểu lộ tình yêu nơi thân xác mình. Đến như Thiên Chúa qua Đức Giêsu cũng dùng thân xác để diễn tả tình yêu cứu độ thì con người không thể khinh thường thân xác như một phế vật. Tình yêu càng chân thành, thân xác càng rất mực khiêm cung. Những bắt tay, âu yếm của thân xác làm tăng mức độ yêu thương thế nào thì toàn thân cũng được hưởng nhờ thế ấy. Hiểu một nghĩa nào đó, Gabriel Marcel có lý khi nói: tôi là thân xác tôi.
Thánh Phaolô khẳng định rằng: thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần. Như thế, mọi thái độ, cử chỉ đều là một hành vi thờ phượng đích thực. Điều này áp dụng cho đời sống thánh hiến rất thích hợp. Vì tất cả cuộc đời của tu sĩ là một chuỗi tâm tình thờ phượng. Đó là lý do vì sao khi một tu sĩ phạm tội lại kèm theo lỗi đức thờ phượng.
Nếu bạn đã hiến toàn thân cho Chúa và bạn là nơi Người ngự thì cần để Chúa tẩy uế bằng cách dùng roi đuổi sạch mọi tâm tình bất chính. Những hành vi hưởng thụ quá đáng đều xúc phạm đến cung thánh này. Như thế, chăm sóc thân xác là một nghệ thuật và việc Chúa Thánh Thần ở lại đây là một ân ban.
Thật vậy, sức khỏe thể lý là một biểu hiện và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được ban cho không ngoài mục đích phục vụ cho ơn cứu độ bản thân và nhân loại. Còn những người ốm đau, bệnh tật, phải chăng không có sức mạnh của Người ? Chắc hẳn, sức mạnh ấy được diễn tả cách sâu xa hơn qua thái độ chấp nhận và kiên trì chịu đựng tất cả với niềm hy vọng lớn lao. Mọi hành vi dâng hiến dù nhỏ mọn đến đâu đều được hợp cùng của lễ với Chúa Giêsu để dâng cho Chúa Cha nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Cũng vậy, mọi giác quan đã được Thần Khí chạm đến đều qui về ơn cứu độ. Những gì đi vào con người qua giác quan một cách bất chính, đều xúc phạm và làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. Thật vậy, mỗi giác quan nắm một vai trò quan trọng nhằm phục vụ ơn cứu độ. Mắt để chiêm ngắm và hướng lòng về những thực tại trên Trời. Miệng để ca tụng Chúa và nói những lời xây dựng làm ích cho người nghe…Mọi sự nói chung cũng như các giác quan nói riêng, đều nhắm làm vinh danh Chúa. Như thế, khi biết dùng giác quan để phục vụ Nước Trời, chúng ta sống trọn vẹn hiệu năng của Bí Tích Rửa tội.
Ngoài ra, khi bàn đến đời sống thể lý, chúng ta không thể quên những bản năng tồn tại nơi con người. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc đến bản năng sinh tồn và tính dục.
Sự sinh tồn và bảo tồn nằm sâu trong bản thể con người. Nó được diễn tả qua sự chăm sóc của chủ thể. Có thể khi còn trẻ, còn sung sức, người ta có thể lãng quên mà phung phí sức lực. Đến khi sức lực hao mòn dần, họ tìm cách để duy trì sự sống. Có thể nói, duy trì và phát triển sự sống là cách biểu hiện đẹp nhất ý muốn suy phục Thiên Chúa. Thánh Irênê thật chí lý khi nói: vinh quang Thiên Chúa là con người được sống. Xét cho cùng, chính Chúa Thánh Thần hằng tái tạo và bổ sức cho con người giúp họ vững bước tiến về quê Trời trong thân xác như thân xác phục sinh của Đức Kitô.([1])
Nếu bản năng sinh tồn giúp con người sống chiều kích hiện hữu thì bản năng tính dục thể hiện chất lượng cuộc sống. Quả thật, qua hành vi tính dục hai vợ chồng nên một với nhau trong thân xác. Chính trong thái độ tôn trọng và yêu thương nhau, họ cùng sống chiều kích đền thờ Chúa Thánh Thần nơi chính thân xác mình. Còn những người có lời khấn sống độc thân vì Nước Trời thì sao ? Đâu là biểu hiện chất lượng của cuộc sống họ qua đời sống này ?
Nếu như trong đời sống vợ chồng, họ đến với nhau rồi mở ra cho mọi người và Thiên Chúa thì các tu sĩ dồn hết năng lực sống hướng về tha nhân. Họ là người thuộc về mọi người và về Chúa. Như thế, bản năng tính dục đã được chuyển hướng và thăng hoa. Nếu như yếu tính của hành vi tính dục là truyền sinh sự sống mới thì các tu sĩ sống chiều kích này một cách sâu xa như lời khẳng định của thánh Phaolô: Tôi quặn đau sinh ra anh em một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình trong anh em (x. Gl 4,19). Bản năng tính dục đã được nâng lên trong chiều kích siêu nhiên.
Tóm lại, đời sống thể lý chỉ thực sự triển nở trong ý muốn của Chúa khi chủ thể tiếp nhận Chúa Thánh Thần như sức mạnh nội tại giúp tái tạo và phát huy mọi quan năng. Trong đó, thân xác mạnh khỏe, các giác quan thuần khiết và các bản năng đạt đến cứu cánh tính mà Thiên Chúa đã đặt để từ trước.
Để có được đời sống thể lý lành mạnh như ý Chúa muốn, đòi buộc chúng ta phải thanh luyện đời sống tâm lý bên trong.

10.3.Tâm lý

Đời sống tâm lý khá phức tạp, gồm: ký ức, trí tưởng tưởng, cảm xúc…đã được bàn đến trong tác phẩm Đất bỗng hóa tâm hồn. Ở đây, chúng ta tìm hiểu thêm dưới nhãn quan nó được sống trong Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, vai trò của Người như vị bảo trợ toàn bộ đời sống chúng ta. Người tác động từ bên trong như lời thánh Phaolô khẳng định: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người”(Pl 2,13). Như thế, động lực thúc đẩy chúng ta sống tốt ở trần gian này là do lòng yêu thương của Người.
Nhưng thực tế cho thấy, khuynh hướng con người đi xuống do hậu quả của tội lỗi, một lần nữa Chúa Thánh Thần lại được ban cho ta nhằm tác động và khêu gợi lại “mầm thiện”, nghĩa là hướng con người về những thực tại Trời Cao. Thật vậy, Người tác động mọi suy nghĩ tích cực, điều hướng mọi cảm xúc lành mạnh và thúc đẩy mọi hành động thích hợp.
Để có những tư duy tích cực, chúng ta phải hợp tác với ơn Chúa mà tạo nên một hình ảnh tích cực về bản thân và tha nhân. Tự thân, lý trí con người hướng về Chân Lý. Mọi tư duy đều giúp con người hướng thượng. Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng tạo nên những hình ảnh đẹp. Thật vậy, những gì diễn ra trước mắt con người đôi khi là một thảm họa, chỉ có cặp mắt đức tin mới giúp con người hóa giải phần nào. Nếu không có đức tin thì những ngày lênh đênh trên biển, những cuộc đắm tàu suýt chết, đối với thánh Phaolô, quả là tai họa. Từ những kinh nghiệm đau thương ấy ngài lại ngộ ra một điều: Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương do lượng từ bi của Người. Thiết tưởng, đó là hình ảnh đẹp nhất mà con người có thể đem theo suốt cuộc hành trình dương thế. Thật vậy, hình ảnh đẹp về Vị Thiên Chúa yêu thương sẽ giúp bản thân sống tích cực hơn trong mọi tương quan. Từ đó, giúp hình thành những cảm xúc lành mạnh nơi chính mình.
Có thể nói, cảm nghiệm cá vị về tình yêu Thiên Chúa là cảm xúc yêu thương đáng trân trọng nhất. Thật vậy, cảm xúc này là biểu hiện của tâm hồn đã được biến đổi. Mà Đấng biến đổi tâm hồn là chính Thánh Thần.  Chỉ có tình yêu đích thực mới có sức biến đổi tâm hồn. Và một khi đã được biến đổi, họ cũng khát mong điều ấy cho mọi người. Như thế, cảm xúc lành mạnh được đánh giá tùy thuộc sức hấp dẫn của nó đối với người khác. Nói cách khác, cảm xúc này giúp tu sĩ đồng cảm với mọi hoàn cảnh của người đồng loại. Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn giảm nửa.
Chúng ta không thể biết người khác suy nghĩ gì nhưng qua biểu hiện cảm xúc, chúng ta có thể thẩm định tư chất của họ. Quả thật, lòng có đầy miệng mới nói ra. Người vốn hiền lành, cảm xúc của họ rất nhẹ nhàng, khoan thai. Nói cách khác, họ dễ làm chủ cảm xúc của mình hơn người nóng tính, bộc trực. Có thể nói, làm chủ cảm xúc là bước đầu thành công trong việc biết mình. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta sống giả dối ngay cả khi gặp những điều bất ưng cũng tỏ ra đồng thuận. Như Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể nổi nóng, giận dữ để khả dĩ trấn áp sự dữ hoành hành trong cuộc sống thường ngày. Vấn đề là mỗi ngày chúng ta phải dần khám phá nét đẹp bản thân là hình ảnh Thiên Chúa trong mình. Đó là “mầm thiện”, Người đã đặt để trong lòng mỗi người. Luôn ý thức bản thân mỏng giòn mà bám vào Chúa và luôn ý thức mình mang hình ảnh Người mà phát huy cảm xúc tích cực. Một người yếu đuối luôn cậy nhờ sức mạnh của Đấng lớn hơn mình. Một người cảm nghiệm được yêu thương, họ dễ dàng sống yêu thương.
Như chúng ta đã biết, khoảng cách từ cảm xúc tích cực đến hành động thích hợp là một thách đố lớn của ý thức và ý chí. Cho dù người ta có đặt ra trăm ngàn cảnh huống để giải quyết những vấn đề cuộc sống, thế nhưng cuộc sống gắn liền với huyền nhiệm của con người là một yếu tố quyết định tất cả. Con người có định liệu mọi sự vẫn luôn gặp bất trắc, do đâu ?
Con người có thể vận dụng mọi lý thuyết như những kỹ năng sống và cho dù, chúng là kinh nghiệm của những người từng trải và thành công đi nữa, bí quyết của họ không là của bạn. Chính mỗi hoàn cảnh của riêng bạn sẽ nhào nắn con người bạn. Chỉ những ai biết mình đủ và có khả năng đọc ra những dấu chỉ thời đại mới khả dĩ hành động thích hợp và đúng đắn, nghĩa là hành động ấy diễn tả thực chất con người mình. Với một ý thức lớn lao và ý chí kiên vững, người ta mới có thể sống như chính mình là. Ai cũng có thể hành động từ những cảm xúc sẵn có đang “sôi sục” trong mình nhưng không phải ai cũng hành động nhằm phát huy nhân cách bản thân.
Nơi nhân cách đời tu, hành động lại càng phải thấm đượm đức tin. Một tu sĩ luôn tìm kiếm và hành động theo ý Chúa sẽ giúp phát huy và định hình nhân cách bản thân.

10.4.Tâm linh

Thiết tưởng, định nghĩa đúng đắn nhất về đời sống tâm linh là đời sống trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Người là tác giả đời sống nội tâm nơi diễn ra mọi kinh nghiệm trong tương quan với Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói về vị Thầy Thần Linh này như sau: Người thấu suốt những gì sâu thẳm nhất nơi Thiên Chúa. Như thế, Người sẽ dẫn chúng ta vào trung tâm của đời sống Thiên Chúa ngay tận cung thánh lòng mình. Thánh Augustinô thật chí lý khi nói về thực tại này: Thiên Chúa sâu thẳm hơn những gì sâu thẳm nhất của hữu thể ta. Tự sức mình, chúng ta không thể về lại lòng mình cách chân thành [2] nếu không nhờ sự dẫn dắt của Thần  Khí, huống nữa, là việc chứng nghiệm Thiên Chúa trong sâu thẳm hữu thể mình.
Cả ngày sống, tu sĩ được hít thở trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chúng ta chỉ cần ý thức và lắng đọng đủ để lắng nghe những soi động từ bên trong của Vị Bảo Trợ này. Kinh nghiệm về linh thao của thánh Inhaxiô cho chúng ta một hướng dẫn, rằng: lời mời gọi của Thánh Thần vốn âm thầm nhưng đầy hiệu quả, còn lời cám dỗ của thần dữ rất ồn ào và gây xáo trộn nội tâm. Như thế, nếu chúng ta đã khởi sự nhờ Thần Khí, nghĩa là để Người dắt vào nội tâm lòng mình, thì cũng xin Người giúp hoàn thành trong việc nhận ra ý Chúa hầu chu toàn nhiệm vụ Chúa trao theo ơn gọi mình lãnh nhận.
Do quá đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong giờ suy niệm và cầu nguyện mà tu sĩ có thể quên đi sự hiện diện của Người trong mọi sinh hoạt đời sống. Như thế, chiều kích tâm linh ví thể muối mặn được ướp vào từng thớ thịt, làn da…giúp mỗi tu sĩ sống mặn nồng trong mọi tương quan. Thánh Biển Đức khuyên rằng: hãy cầu nguyện rồi mới hôn bình an. Nghĩa là tu sĩ cần phải chiêm niệm trước khi hành động. Như thế, họ tránh khỏi những dối lừa tìm về bản thân.
Tiếng rên siết khôn tả của Thần Khí đã đi vào tận nỗi thống khổ của phận người hầu chắt ra lời nguyện tinh ròng của những tâm hồn nhạy cảm nhất. Thay vì đau khổ quật ngã con người lại trở thành phương thế cứu độ hữu hiệu nhất. Chính Đức Kitô đã dùng đau khổ để diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Người đến thế gian, không phải để hủy bỏ, cũng không phải để giải thích đau khổ, nhưng làm cho đau khổ đầy tràn hiện hữu của Ngài (Paul Claudel).
Chúng ta không thể lược qua hết những gì Chúa Thánh Thần đã làm trong mỗi linh hồn. Tuy nhiên, chúng ta có thể ghi nhận những hoa trái mà một nhân cách đời tu mang lại qua việc giữ các lời khuyên Phúc Âm: lòng bao dung và bình an nội tâm.
Sống trong cộng đoàn tu trì, chúng ta dễ dàng nhận ra những ưu thế và giới hạn của nhau. Từ những ưu thế của mỗi cá nhân, sẽ phát sinh nhiều sáng kiến. Tất cả đều qui hướng về lợi ích chung và giúp xây dựng cộng đoàn. Đây là mặt nổi, ai cũng dễ dàng thấy được. Bên cạnh đó, là những giới hạn của mỗi người. Với chủ trương tốt khoe xấu che, các thành viên dễ dàng đóng kịch, đôi khi đeo những “mặt nạ” dày không ai hiểu nổi. Lúc ấy, người ta cần sống lòng bao dung.
Lòng bao dung không dừng lại ở việc yêu thương và tha thứ cho nhau mà nó hệ tại ở việc chấp nhận những khác biệt, cả những tội lỗi của nhau nữa ! Điều nguy hại lớn nhất là những gì tốt đẹp đều qui làm của chung, còn những gì tiêu cực thì cá nhân phải gánh chịu. Có những thành kiến mà khi chết rồi cũng chẳng mang theo, nhưng chối lại cho người khác. Như thế, sự tổn thương lại càng bị khoét sâu hơn. Điều này, chúng ta có thể đơn cử trường hợp của thánh Têrêsa HĐGS. 9 năm sống trong dòng Kín, chị bị mang tiếng là người chậm chạp và đau bệnh luôn luôn. Đến nỗi, vào ngày chị qua đời, các chị em kháo láo nhau: Mình sẽ viết gì về lịch sử đời chị ấy ?. Có chị trả lời: chẳng có gì đáng viết cả. Mãi đến khi lập án phong thánh cho chị, một vị chức sắc thuộc giáo triều đã phát biểu: “Đời chị Têrêsa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi”.Đức Pio XI trả lời ngay: “Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường”.([3]) Và sau khi đọc cuốn Tự thuật do chị viết, chúng ta mới thấy sự âm thầm và nhân đức anh hùng nơi chị.
Ai cũng biết nét đẹp và cao thượng của lòng bao dung nhưng chỉ những ai thực sự sống trong Chúa Thánh Thần mới thủ đắc phần nào.
Chúng ta có thể khởi động từ việc chấp nhận phận mỏng giòn của bản thân và cảm nhận lòng tha thứ của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta có thể chuyển dịch những tâm tình ấy trên đối tượng kia. Nếu chúng ta được Thiên Chúa tha thứ hoàn toàn thì đến lượt mình, chúng ta cũng cần biết bao dung. Thiên Chúa có thể tha thứ nhưng Người không thể giải thoát nếu chúng ta cứ gặm nhấm và ở lì trong sự kết án người anh em.
Chấp nhận phận người là bước đầu của lòng khiêm tốn. Cảm nhận được thứ tha là bước đầu của sự biến đổi. Mà niềm vui của một tu sĩ được biến đổi phải làm sống động cộng đoàn, nghĩa là họ trở thành một thành viên tích cực góp phần xây dựng tình bác ái. Từ đó, lòng bao dung sẽ được họ thi thố khi xử sự với anh em. Đồng thời, họ dễ nhận ra những thiện chí của anh em và dễ bỏ qua những va vấp thường tình trong cuộc sống. Đó cũng là bước đầu tái lập bình an nội tâm.
Bình an nội tâm khác hẳn với bình an ngoại tâm, nghĩa là sự kỷ luật hình thức bên ngoài. Thật vậy, trong đời sống cộng đoàn, các tu sĩ sống trong kỷ luật, khuôn phép nhằm tạo nên một trật tự hài hòa trong tập thể đông người. Điều này chỉ là môi trường thuận lợi hầu giúp tạo lập sự bình an nội tâm. Nếu chỉ dừng lại ở bề mặt này, người ta có khuynh hướng lấy lề luật mà áp đặt và làm cứu cánh cho đời sống mình. Như Chúa Giêsu gọi họ là bọn giả hình. Vì thế, mỗi tu sĩ cần biết lợi dụng bầu khí an hòa nhằm tái tạo sự bình an bên trong.
Như chúng ta đã biết cuộc sống vốn biến động người ta không thể đi tìm sự an toàn bên ngoài rồi mới tái lập sự bình an. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, câu nói này của sư huynh Nguyễn Tấn Kiệt, có thể giúp ta hiểu được thái độ cần có của người thủ đắc bình an nội tâm. Như thế, yêu sách trước tiên đòi buộc chúng ta phải biết linh động trong cuộc sống vốn biến động và phải biết thích ứng trong hoàn cảnh vốn bất ưng. Bình an đích thực không dành cho người dễ dãi sống buông thả nhưng cho người sống ý thức và ý chí cao, biết tự chủ trong mọi hoàn cảnh. Tất nhiên, trong mỗi hoàn cảnh đều tiềm ẩn ý muốn của Thiên Chúa, chỉ khi hít thở bầu khí trong Thánh Thần, các tu sĩ dễ nhận ra cách thức giúp bản thân triển nở trong bầu khí an lành.
Ngoài ra, bình an đích thực cần phải được lượng giá trong nghịch cảnh. Những ai dễ bị tổn thương do người khác làm mình đau khổ, không thể sống bình an. Những ai cảm thấy chán chường vì không được người đời khen ngợi, không thể sống bình an…Bình an không hệ tại việc người khác không làm tôi bị tổn thương hay chán chường nhưng do thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh. Không ai có thể cướp được sự bình an trong tâm hồn của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Ngay cả khi bị cô lập trong tù giam, ngài vẫn tự do và sống hy vọng. Vì sự bình an của tôi tớ Chúa đặt ở nơi Chúa.
Tóm lại, cho dù có sự phân biệt giữa đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh, nhưng cả ba cùng hòa quyện trong một hiện hữu duy nhất. Chính Chúa Thánh Thần sẽ huy động mọi năng lực giúp mỗi tu sĩ phát huy điểm độc đáo của bản thân hầu phục vụ cho cộng đoàn. Còn những giới hạn lại được lắp đầy từ những thế mạnh của người khác. Chính sự bổ khuyết này làm nên thế mạnh của mỗi cộng đoàn và là chất liệu hình thành nhân cách đời tu cho mỗi thành viên. Đúng thế, tu sĩ chỉ có thể hình thành nhân cách của mình trong một cộng đoàn cụ thể.



 

Tác giả bài viết: An Mai Đỗ O.Cist.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập111
  • Hôm nay17,051
  • Tháng hiện tại216,614
  • Tổng lượt truy cập32,683,139
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây