Leonard Francois sanh tại Haiti, sau sang Mỹ đi học ở New York University. Tamaki Osaka ra đời ở Nemuro, một làng nhỏ trên đảo Hokkaido. Năm Tamaki lên trung học, gia đình gởi cô lên Sapporo, để đi học. Tại đây, vào năm 1990, Tamaki gặp anh chàng Leonard từ Mỹ sang Nhật làm việc. Hai người yêu nhau, nhưng họ phải giấu gia đình vì xã hội Nhật không ủng hộ việc con gái Nhật cặp bồ người ngoại quốc, nhất là một người da đen như Francois. Khi Bố Mẹ của Tamaki nghĩ đến chuyện tìm cho con gái mình một chỗ “môn đăng hộ đối”, Tamaki buộc lòng phải nói cho cha mẹ biết về người yêu của mình. Bố Tamaki, Tetsuo Osaka, liền nổi cơn tam bành, tuyên bố con gái mình đã làm ô uế thanh danh dòng họ. Tamaki và Francois phải dọn sang thành phố Osaka ở và cắt đứt liên lạc với gia đình.
Tháng 3, 1996 Tamaki sanh cô con gái đầu lòng, Mari Osaka, tại Chuo-ku, Osaka. 18 tháng sau Naomi Osaka ra đời. Cả hai đứa bé đều lấy họ Mẹ để tiện việc giấy tờ và thủ tục hành chánh ở Nhật. Nhưng khi Naomi lên 3, Francois quyết định đưa gia đình về Mỹ sinh sống. Một hôm, Francois tình cờ xem TV thấy hai chị em Venus và Serena Williams đoạt cúp Nữ Ðôi tại giải French Open 1999. Thế là anh ta nảy ra ý tưởng luyện cho hai cô con gái mình thành dân tennis chuyên nghiệp giống như hai chị em Williams. Sau này anh ta thổ lộ: Bố của Venus và Serena đã phác hoạ ra công thức, anh ta chỉ noi theo mà làm. Anh ta mua sách, mua DVD về kỹ thuật tennis để nghiên cứu cách dạy hai cô con gái. Năm 2006 hai vợ chồng dọn về Florida, tìm thầy cho con để chúng tập đánh tennis vào ban ngày; buổi tối thì học chữ ở nhà do Mẹ dạy. Ban đầu Mari đánh giỏi hơn (vì lớn hơn). Tuy nhiên, Naomi dù không thích tennis bằng Mari nhưng lại trì chí và lì lợm hơn, lúc nào cũng cố gắng đuổi theo chị.
Tin Naomi vô địch tennis tràn ngập báo chí NhậtNăm Mari lên 13 tuổi, thấy Liên Ðoàn Tennis của Mỹ có vẻ thờ ơ, không muốn giúp đào tạo hai cô con gái của mình, Francois quyết định cho con gia nhập Liên Ðoàn Quần Vợt Nhật. Nước Nhật lúc bấy giờ thiếu người đánh tennis nên dĩ nhiên họ sốt sắng, sẵn sàng đầu tư vào hai cô bé. Ðó là lý do tại sao mặc dù Mari và Naomi lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Nhật, là công dân của cả hai nước (Mỹ-Nhật), nhưng hai cô lại đại diện nước Nhật trong các giải quần vợt của Women’s Tennis Association (WTA), và có thể sắp tới đây tại Thế Vận Hội 2020 ở Tokyo.Năm 2013, khi Naomi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, hợp đồng quảng cáo từ các công ty Nhật bắt đầu tuôn vào. Chẳng bao lâu tên tuổi và gương mặt (hơi khác lạ) của Naomi Osaka được dân Nhật chú ý. Nhiều người Nhật bắt đầu đặt câu hỏi: Naomi Osaka có bao nhiêu phần Nhật trong máu? Phải gọi cô ta là người gì mới đúng? Mỹ? Nhật? Haitian? Mỹ gốc Haitian? Nhật gốc Haitian? Mỹ gốc Nhật gốc Haitian? Thật là rắc rối! Thậm chí có người còn so sánh Naomi Osaka với tay vợt Nam Kei Nishikori—người kiếm được nhiều tiền quảng cáo hơn cả Rafael Nadal hay Novak Djokovic, và cho rằng phải như anh ta mới được gọi là người Nhật “chính gốc”.
Bé Naomi (trái) và Mari với Mẹ Cha. ảnh gia đìnhTrong tiếng Nhật có từ “hafu” (mượn từ chữ “half” của tiếng Anh) để gọi những người mang hai dòng máu, giống như chữ “con lai” trong tiếng Việt. Không mấy khác Việt Nam, những đứa bé “hafu” lớn lên ở Nhật thường bị hất hủi, chòng ghẹo hay khinh bỉ, nhất là những em có nước da đen đủi. Lai trắng cũng bị kỳ thị, tuy đỡ hơn chút. Ariana Miyamoto, một cô gái Nhật lai trắng, vừa thắng một giải hoa hậu hoàn vũ ở Nhật; nhờ vậy mà dân Nhật nhìn người “hafu” với cặp mắt phần nào thiện cảm hơn. Với thành công lịch sử của Naomi Osaka tại US Open năm nay, vấn đề lai chủng đang được dân Nhật xét lại một cách nghiêm túc—không chỉ riêng trong thể thao hay showbiz, mà lan rộng đến mọi lãnh vực khác trong xã hội.Tự ngàn xưa người Nhật rất tự hào về dòng máu “nguyên chất” của mình. Bởi thế nên khi Hitler cho ra đời chủ nghĩa “đặc chủng cao cấp” của người Ðức ở Âu Châu, nó rất hạp nhĩ dân Nhật thời bấy giờ. Kết cục Ðệ Nhị Thế Chiến ra sao thì ai cũng biết, nhưng phải mất rất lâu để xã hội Nhật Bản điều chỉnh và thích nghi với việc cho phép một thế lực ngoại bang (Hoa Kỳ) đóng quân ngay trên đất nước mình, dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân dị chủng. Tuy giới trẻ thời nay thoáng hơn khá nhiều so với cha ông họ, nhưng vẫn còn nhiều người giữ những thành kiến cũ xưa. Chuyện đó cũng tự nhiên. Ðiều đáng nói là giờ đây nhiều thương hiệu lớn của Nhật, như Nissan, đang bỏ ra bộn tiền để tài trợ những đứa “con lai” như Naomi. Cho nên nhiều người hy vọng trong tương lai trẻ em lai chủng sẽ được xã hội Nhật chấp nhận dễ dàng hơn. Và biết đâu Naomi sẽ là một trong những người dẫn đầu công cuộc cải cách ấy, vì cô có một bà Mẹ cũng không phải thứ thường.
Naomi Osaka về thăm quê Nội ở Haiti. ảnh gia đìnhMẹ của Naomi là mẫu người đàn bà cứng rắn và quyết đoán. Trong nhà, bà luôn dạy con mình phải biết nhớ nguồn. Tuy bị gia đình ruồng bỏ nhưng lúc nào bà cũng tìm cách cho con mình học hỏi về quê Mẹ. Năm Naomi lên 11 tuổi hai vợ chồng dẫn con về thăm ông bà Ngoại lần đầu. Cuộc gặp gỡ không suôn sẻ vui vẻ cho lắm. Khi Bố của Tamaki nghe nói hai đứa cháu ngoại của mình đang được huấn luyện để trở thành dân đánh quần vợt chuyên nghiệp ông ta lại càng không hài lòng. Nhưng sau khi Naomi thắng cây vợt số 1 Samantha Stosur năm 2014 trong một trận banh vòng ngoài của một giải nhỏ, ông ta bắt đầu theo dõi kỹ hơn. Tại giải US Open 2017, Naomi đánh bại đương kim vô địch Angelique Kerber ngay ở vòng đầu. Mùa sau cô thắng giải WTA đầu tiên trong đời tại Indian Wells, và tiếp sau đó hạ gục Serena Williams trong hai set tại giải Miami Open tháng 3/2018. Thế là không những ông Ngoại Naomi phải kinh ngạc, mà cả thế giới đều chăm chú theo dõi. Ngày 12/6/2018, Mẹ của Naomi gởi ra một cái tweet hình gia đình thời hai đứa con còn nhỏ xíu, với lời lẽ như sau:“Từng ô uế thanh danh gia tộc, từng bị đày ra sa mạc & rừng hoang, nhưng ta vẫn còn đứng hiên ngang. #HappyLovingDay”
12/6 — Loving Day, là kỷ niệm ngày Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xử vụ kiện “Loving vs Virginia” năm 1967, xoá bỏ tất cả các đạo luật cấm hôn nhân dị chủng tại 26 tiểu bang trên nước Mỹ, trong đó có Florida. Không biết ở Hokkaido ông Tetsuo Osaka có đọc được thông điệp này không, nhưng chắc chắn có rất nhiều fan của Naomi ở Haiti đã nhìn thấy, và đã mỉm cười.
Người Haiti (và Nhật) đầu tiên đoạt cúp Major tại giải US Open 2018 nguồn: WTA
Tác giả bài viết: Simon Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn