‘Nghiện’ mạng xã hội và tác hại đối với trẻ em

Thứ bảy - 21/04/2018 09:22

‘Nghiện’ mạng xã hội và tác hại đối với trẻ em

Trẻ em lúc nào cũng có điện thoại trên tay để theo dõi mạng xã hội. (Hình: BAY ISMOYO/AFP/Getty Images) WESTMINSTER, California (NV) – Ngày nay, không ai có thể phủ nhận được sự hữu dụng của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc Instagram. Tuy nhiên, các mạng xã hội (social media) này cũng có nhiều tác hại, nhất là đối với trẻ em.

Chỉ cần vào những trang mạng này, người dùng có thể tìm ra những người bạn cũ lâu ngày không gặp, trò chuyện với người thân cách họ rất xa. Người sử dụng cũng có thể dùng những trang web này để theo dõi tin tức và làm nhiều chuyện khác.

 

Các doanh nghiệp cũng dùng mạng xã hội để quảng bá cho thương hiệu, nhất là các nhà hàng vì họ thường dùng những trang web này để trò chuyện với khách hàng, trả lời các thắc mắc. Khách thì dùng “social media” để tìm hiểu những thương hiệu mà họ có ý định ghé qua ủng hộ, từ đánh giá của khách hàng khác đến những mặt hàng của tiệm.

Các giáo viên, giáo sư cũng dùng mạng xã hội để làm cho học sinh dễ tiếp cận các em hơn. Nhiều giáo viên đăng bài tập lên các trang web này để học sinh làm rồi nộp ngay cho họ, rất tiện lợi.

Chụp “selfie” lúc nào cũng một việc cần làm khi có điện thoại và có dùng mạng xã hội. (Hình: JOHN THYS/AFP/Getty Images)

Mạng xã hội thì có biết bao nhiêu tiện lợi, nhưng cái gì cũng có hai mặt tốt xấu và mạng xã hội cũng có nhiều tác hại, nhất là đối với trẻ em.

Chắc hẳn ai ra đường cũng thấy cảnh cha mẹ và con cái đi chung, cha mẹ thì làm chuyện của mình còn các con thì cúi mặt vào điện thoại để lên Facebook hay các trang web khác để nói chuyện với bạn bè. Đây là một chuyện rất thường thấy với giới trẻ hiện giờ vì nhiều phụ huynh cho biết con cái của mình không thể nào bỏ được cái điện thoại ra.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cư dân Westminster, chia sẻ về trường hợp của con trai 12 tuổi của mình: “Con tôi lúc nào cũng nhìn vào cái màn hình điện thoại, không biết để làm gì nữa. Ngày nào cũng thấy nó ‘phây búc phây biếc’ nói chuyện với bạn bè, ngay cả giờ ăn mà còn không bỏ ra được, lúc nào cũng khư khư cái ‘phone’, không biết phải làm sao để trị.”

“Cứ nghĩ mua cho con cái điện thoại để nó dễ liên lạc mình khi có chuyện gì, hay để khỏi ganh tị với bạn bè vì đứa nào cũng có một cái. Nhiều lúc đòi cúp điện thoại của nó, thì nó cứ làm dữ rồi cãi nhau với vợ chồng tôi. Công nghệ tiện thì tiện mà làm cho bọn trẻ bây giờ không để ý chung quanh gì hết, lúc nào cũng cái điện thoại là trên hết,” ông cho biết thêm.

Bà Trân Lê, cư dân Garden Grove, cũng cho biết về con gái mình: “Bọn trẻ bây giờ không biết sao mà lúc nào cũng dính vào cái điện thoại. Lúc nào cũng Facebook hay Twitter rồi Instagram, học hành không lo học mà cứ coi mấy cái trang web này hoài. Cứ lâu lâu là chụp ‘selfie’ rồi đăng lên mạng cho bạn bè coi. Không lẽ phải tịch thu điện thoại của nó sao? Làm vậy thì con mình cần gọi bố mẹ thì cũng kẹt, chán quá đi thôi. Nhiều lúc chở nó đi mua sắm mà nó cũng nhìn điện thoại mãi.”

Cũng như ông Tuấn và bà Trân, nhiều phụ huynh không chỉ ở Orange County mà còn ở khắp nước Mỹ cũng rất lo lắng về vấn đề con cái mình lúc nào cũng nhìn vào màn hình điện thoại. Không chỉ có cha mẹ thôi mà các thầy cô giáo cũng rất lo.

Nhiều giáo viên cho biết các em từ độ tuổi 10 đến 18 rất dễ bị “nghiện” mạng xã hội vì có thể biết bạn bè mình làm gì mỗi ngày, dễ dàng trò chuyện. Ngoài ra, nếu không dùng thì các em cũng có thể bị trêu chọc nên áp lực từ bạn bè cũng là một phần làm cho các thanh thiếu niên lúc nào cũng phải cầm điện thoại.

Các thanh thiếu niên có thể bị bắt nạt qua mạng. (Hình: lfsneb.org)

Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết trẻ em rất dễ bị áp lực từ bạn bè, thấy bạn bè ra sao thì thường hay bắt chước như vậy và điều này dễ xảy ra gấp bội phần vì có mạng xã hội. Các em chỉ cần thấy bạn bè mình làm gì trên các trang mạng rồi bắt chước làm theo ngay. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, có nhiều trò chơi dại dột xảy ra.

Khi lên mạng xã hội, chắc hẳn ai cũng phải nghe qua chữ “viral” tức là được nhiều người lan truyền trên mạng. Các thanh thiếu niên rất thích những hình ảnh và những đoạn phim “viral” này và cũng muốn mình được như vậy nên bày ra nhiều trò thách đố nhau. Các trò thách đố này từ ăn ớt đến ăn một muỗng bột quế rồi đến trò ăn túi xà phòng giặt đồ. Ăn ớt hay ăn bột quế thì cũng nguy hiểm, nhưng chưa đến mức làm hàng chục trẻ em mất mạng như ăn xà phòng giặt đồ vì toàn là hóa chất. Các thanh thiếu niên còn có trò thách đố đổ nước sôi lên người khác, gây ra không biết bao nhiêu thương tích và còn có người thiệt mạng.

Chỉ để được nổi tiếng trên mạng xã hội mà các em sẵn sàng làm biết bao nhiêu chuyện dại dột, đem lại cho cha mẹ biết bao nhiêu phiền muộn.

Không chỉ có những trò chơi đầy nguy hiểm mà các em còn có thể dùng “social media” để bắt nạt bạn bè đồng lứa của mình, việc này được gọi là ức hiếp qua mạng (cyberbully). Đây là một vấn đề mà nhiều trường học, phụ huynh lúc nào cũng muốn tìm cách để ngăn chặn.

Không ai phủ nhận được những tác dụng tốt của mạng xã hội, nhưng bổ ích cách nào thì cũng có mặt xấu. Những mặt xấu này không chỉ là “nghiện” xem thôi, mà còn có những cách bắt nạt người khác và là những trò chơi, những trò thách đố đầy dại dột của tuổi trẻ.


Tác giả bài viết: Thiện Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập97
  • Hôm nay7,490
  • Tháng hiện tại270,189
  • Tổng lượt truy cập35,536,470
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây