Nguồn gốc và ý nghĩa khái niệm ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.

Thứ ba - 29/05/2018 09:54

Nguồn gốc và ý nghĩa khái niệm ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.

Trong chuyến thăm gần đây đến châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thế giới biết cái nhìn đầu tiên về chiến lược địa chính trị đang hình thành của mình. Cả ở Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á

 

Posted on 28/05/2018 by The Observer

Nguồn: Gurpreet S. Khurana, “Trump’s new Cold War alliance in Asia is dangerous”, Washington Post, 14/11/2017.

 
 

Trong chuyến thăm gần đây đến châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thế giới biết cái nhìn đầu tiên về chiến lược địa chính trị đang hình thành của mình. Cả ở Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam lẫn cuộc gặp trước đó với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump đã sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “Châu Á – Thái Bình Dương”, thuật ngữ thường xuyên được các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ sử dụng.

Thuật ngữ mới này đã làm thay đổi bản đồ nhận thức vốn đã chiếm ưu thế kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Trung Quốc tiến hành các chính sách “đổi mới và mở cửa” vào những năm 1980. “Châu Á – Thái Bình Dương” gợi ra hình ảnh về một cộng đồng lợi ích, gắn kết Mỹ và Đông Á. Còn thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” mà ông Trump sử dụng lại thể hiện một cấu hình mới trong đó Ấn Độ và Mỹ, cùng với các quốc gia dân chủ chủ yếu khác tại châu Á – đặc biệt là Nhật Bản và Úc – cùng nhau kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, trong hình hài của một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản mới.

Trong một bài phát biểu vào ngày 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố công khai: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm toàn bộ Ấn Độ Dương, phía tây Thái Bình Dương và các quốc gia xung quanh chúng, sẽ là địa bàn quan trọng nhất địa cầu trong thế kỷ 21”. “Mỹ và Ấn Độ đang dần trở thành là những đối tác toàn cầu với mức độ song trùng lợi ích chiến lược ngày càng tăng. Người Ấn Độ và người Mỹ không chỉ có mối quan hệ gần gũi xuất phát từ nền dân chủ của hai nước, mà chúng tôi còn cùng nhau chia sẻ tầm nhìn về tương lai.”

Với tư cách là một đại úy Hải quân Ấn Độ, một chiến lược gia về biển, và là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong một bài luận năm 2007, tôi nhận thấy rằng sự phát triển của khái niệm này đã đi chệch khỏi lớp nghĩa và ý định ban đầu của nó một cách đáng kể. Ý định của tôi là định hình lại khái niệm về cách các quốc gia châu Á gắn kết với nhau trên thực tế, từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, và tôi muốn nhấn mạnh mục tiêu bao trùm của việc bảo đảm ổn định toàn cầu và khu vực thông qua hợp tác thương mại và chiến lược biển. Khái niệm này không mang ý nghĩa ngược lại – một khuôn khổ địa chiến lược phân loại các nước châu Á thành bạn và thù.

“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nghĩa là gì?

Căn nguyên đằng sau thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” xuất phát từ những phát triển về kinh tế và an ninh ở khu vực bao phủ toàn bộ vùng biển phía dưới châu Á, kéo dài từ ven biển Đông Phi cho đến Đông Bắc Á. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” chủ yếu được lấy cảm hứng từ sự trỗi dậy của Ấn Độ vào thời điểm bước sang thế kỷ 21: tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nước này vào những năm 1990, sau đó là chương trình vũ khí hạt nhân và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của nước này tại Ấn Độ Dương. Trong Đối thoại Shangri La năm 2009, Cựu tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc Arun Prakash, đã nhấn mạnh sự mâu thuẫn về mặt khái niệm của thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương”: “Là một người Ấn Độ, mỗi khi nghe thấy thuật ngữ Châu Á – Thái Bình Dương, tôi cảm thấy có sự loại trừ trong đó, bởi dường như thuật ngữ này chỉ bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, và dừng lại ở eo biển Malacca. Tuy nhiên, vẫn còn cả một thế giới nằm ở phía tây của eo biển Malacca.”

Thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) đã giúp khắc phục sự loại trừ về mặt khái niệm đó bằng cách gộp Ấn Độ vào các vấn đề trên biển của châu Á, mặc dù từ “Indo” đại diện cho Ấn Độ Dương, chứ không phải nước Ấn Độ. Điều này tạo ra khác biệt đáng kể vì khu vực Ấn Độ Dương là tuyến đường vận chuyển dầu khí trên biển chủ chốt, giúp đảm bảo thịnh vượng kinh tế cho các quốc gia ven biển Tây Thái Bình Dương. Trong bối cảnh sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, kéo theo đó là sức mạnh quân sự và sự xác quyết ngày càng tăng của nước này, sự kết nối này gây ra một sự dễ bị tổn thương về mặt chiến lược của Bắc Kinh và là một cơ hội để răn đe sự hung hăng của nước này. Xấp xỉ 80% năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc phải di chuyển qua Eo biển Malacca.

Trớ trêu là sự dễ bị tổn thương về mặt chiến lược của Trung Quốc đã được cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thể hiện trong một bài phát biểu vào tháng 11/2003 khi ông nói rằng “một vài cường quốc” muốn kiểm soát eo biển này. Sự ngầm ám chỉ Ấn Độ là rõ ràng. Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự liên kết giữa hai vùng khác biệt Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khá rõ ràng.

Nguồn gốc của ý tưởng “Ấn Độ Dương  Thái Bình Dương”

Vào giữa những năm 2000, các nhà phân tích chiến lược Nhật Bản và Ấn Độ đã tăng cường thảo luận về hợp tác chiến lược và hợp tác biển. Có một điều mà cả hai nước đều cho là hiển nhiên: Sự bất an của Trung Quốc trong khu vực có thể được lợi dụng để kiềm chế sự quyết đoán chống lại các nước láng giềng của nước này. Giống như Trung Quốc, Nhật Bản cũng dễ bị tổn thương do lệ thuộc rất lớn vào các nguồn năng lượng vận chuyển trên biển và các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu được vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Khoảng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Tây Á. Tokyo đang tìm cách tăng cường vai trò an ninh biển trong khu vực thông qua hợp tác với Ấn Độ. Cuối cùng, các nhà phân tích của Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng tình rằng không thể đối xử với khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương một cách tách biệt, cả ở trong lĩnh vực an ninh biển lẫn các khía cạnh địa chính trị.

Nhận thức về khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” bắt đầu có sự tăng tốc. Vài tháng sau khi tôi sử dụng thuật ngữ nói trên lần đầu tiên vào năm 2007, trong nhiệm kỳ thứ nhất làm Thủ tướng Nhật Bản của mình, ông Abe đã phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ rằng “Điểm hợp lưu giữa hai đại dương… một sự gắn kết năng động giữa hai đại dương của tự do và thịnh vượng” trong “một châu Á rộng lớn hơn.” Đến năm 2010, chính phủ Mỹ đã sử dụng thuật ngữ này. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton đã đề nghị “mở rộng hợp tác của chúng ta với Hải quân Ấn Độ ở Thái Bình Dương, bởi vì chúng ta hiểu được tầm quan trọng của lòng chảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với thương mại toàn cầu.” Tới năm 2013, thuật ngữ này đã lan sang Úc: Cuốn sách trắng do Bộ Quốc phòng nước này ban hành năm đó có đoạn nhấn mạnh “sự dịch chuyển chiến lược, quân sự và kinh tế về phía Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang diễn ra” của Canberra.

Phản ứng của Trung Quốc trước định hướng chiến lược mới này đã không gây bất ngờ. Chẳng hạn, vào tháng 11/2014, một nhà phân tích tại các Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đã viết một bài viết cảnh cáo Ấn Độ về khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, lập luận rằng khái niệm này do Mỹ và các nước đồng minh thiết lập nên để “làm cân bằng lại và thậm chí kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.”

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Điều này sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ sẽ góp phần đáng kể vào sự hội nhập kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Đồng thời, sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn trong toàn khu vực nhiều khả năng sẽ làm gia tăng lợi ích trong lĩnh vực biển. Các tranh chấp biển vẫn trong trạng thái chưa kích hoạt từ trước đến nay – chủ yếu là tại khu vực giao nhau giữa Tây Ấn Độ Dương với Vịnh Péc-xích và Eo biển Mozambique – có thể trở nên sôi sục hơn.

Hơn nữa, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng có thể đi cùng với những nỗ lực đang được thúc đẩy trở lại của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lược triển khai sức mạnh hải quân để hiện thực hóa đầy đủ “chiến lược hai đại dương” của mình. Sự hiện diện hải quân ngày càng nhiều của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương sẽ làm gia tăng khả năng thù địch. Điều này cũng có thể khiến cho hải quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động của mình tại những vùng biển của các quốc gia Ấn Độ Dương, và có thể dẫn đến những vụ đụng độ không cố ý với các lực lượng hải quân của các cường quốc khác trong khu vực.

Trong một viễn cảnh như vậy, việc sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” sẽ là cần thiết nhằm quản lý các diễn biến khu vực và đưa Trung Quốc hội nhập vào những chuẩn mực hành vi đã được xây dựng trong một khu vực có sự nổi bật chiến lược ngày càng tăng trong thế kỷ 21. Quả thực, cách tiếp cận toàn diện đối với khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với tư cách là một khu vực kết nối với nhau là một khuôn khổ khái niệm hữu ích nhất để qua đó giải quyết mâu thuẫn giữa các cường quốc. Mục tiêu phải là xây dựng được thịnh vượng chung tại những khu vực được kết nối với nhau này. Nếu không, khu vực này sẽ trở thành địa bàn xảy ra “Bẫy Thucydides”, trong đó các cường quốc đang lên và cường quốc bá chủ tranh đấu với nhau để áp đặt sự thống trị của mình.

Gurpreet S. Khurana, người đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương Thái Bình Dương” cách đây một thập kỷ, là một chiến lược gia về biển và là Giám đốc điều hành của Quỹ Biển Quốc gia tại New Delhi.


Tác giả bài viết: Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập340
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,144
  • Tổng lượt truy cập36,332,699
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây