Nhạc Việt tràn lan, thiếu chuyên nghiệp

Chủ nhật - 01/02/2015 06:38

Nhạc Việt tràn lan, thiếu chuyên nghiệp

Không nhiều album nhạc được phát hành trong năm 2014, chủ yếu nhạc được phát hành qua các trang mạng trực tuyến. Ảnh: Wordpress Qua những phản hồi của bạn đọc phần nào đã nói lên được tình cảnh âm nhạc Việt hiện tại mà cụ thể ở đây là thị trường ca nhạc đang nằm ở những nốt trầm.

 

Những cơ hội đã qua
Những năm 90 của thế kỷ trước, một thế hệ ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương... rồi Phương Thanh... đã làm mưa làm gió thị trường ca nhạc. Đó cũng là thời điểm hàng loạt ca khúc mới ra đời đến độ có thể gọi là nhạc Việt thập niên 90: Vẫn hát lời tình yêu, Một mình, Giọt sương trên mí mắt, Hương ngọc lan, Trống vắng...
Bên cạnh nhạc trong nước, năm 2008-2010 là thời điểm nhiều đại gia trong thị trường âm nhạc thế giới ngắm nghía thị trường nhạc Việt. Như lời kể của nhạc sĩ Đức Trí thì anh từng tiếp xúc các nhà phát hành âm nhạc lớn như Sony, Universal… thậm chí nhỏ hơn như CDbaby với mong muốn vào Việt Nam phát hành sản phẩm âm nhạc của họ và ngược lại. Đó cũng là những năm nhiều nhà sản xuất băng đĩa trong nước hy vọng một thị trường có thể bán được đĩa gốc, trong đó phát pháo đáng chú ý thuộc về Phương Nam phim khi năm 2008 đơn vị này mua 30 chương trình âm nhạc với số lượng hàng chục ngàn đĩa được nhập khẩu chính gốc từ Singapore.
Thế nhưng tất cả những gì kể trên đã là dĩ vãng. Những cơ may đã trượt lỡ.
Sau gần 20 năm kể từ thế hệ ca sĩ trên không còn một thế hệ ca sĩ tương tự như thế được sản sinh dù ngày càng nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc; ngày càng nhiều người viết nhạc nhưng tìm mòn mắt không ra những nhạc sĩ có ca khúc đủ để định danh; chỉ cần một cú click chuột để phát hành một ca khúc nhưng lại thiếu vắng những album nhạc hay.
Hàng chục ngàn đĩa Phương Nam phim mua bản quyền của Singapore giờ luôn nằm trên kệ giảm giá từ 30% trở lên tại các kỳ hội chợ băng đĩa của hãng này. Và cả những đại gia lẫn “tiểu gia” âm nhạc nước ngoài đều rời bỏ Việt Nam. Tại sao nhạc Việt lại dừng lại?
Mất trắng vì vi phạm bản quyền
Nói như nhạc sĩ Đức Trí thì “Điện ảnh và âm nhạc luôn có giai đoạn cái này mạnh hơn cái kia yếu hơn, không thể phủ nhận điện ảnh đang có những năm vào cung tốt phát triển với đóng góp của hệ thống phát hành nước ngoài…”. Còn nhạc Việt, “Năm 2008, đích thân giám đốc Sony đến Việt Nam nhưng có lẽ thị trường mình quá nhỏ để người ta thấy món lợi được đem đến trong việc phát hành các sản phẩm âm nhạc; hoặc cũng có thể thời điểm năm, sáu năm trước là lúc việc thực thi bảo vệ quyền ghi âm, quyền tác giả… trong âm nhạc chưa được bảo vệ. Ở rạp phim, người ta kiểm soát được việc bán vé vào xem, còn bán đĩa không chắc được với băng đĩa lậu, vì thế thị trường nhạc Việt đã lỡ cơ hội với Sony và nhiều hãng lớn khác”.
Thời điểm năm 2008-2010, chính đại gia Sony đã đề nghị Công ty Music Faces của nhạc sĩ Đức Trí là đại diện tại Việt Nam phát hành đĩa của hãng này. “Họ đưa bản gốc (master) về cho tôi làm, như đĩa của Beyoncé. Tôi khẳng định bán đĩa Beyoncé được nhưng thị trường Việt Nam bán không đủ để in số lượng 5.000-10.000 CD. Họ nói không đủ thì đem đĩa Hong Kong về bán. Và tôi tính nếu đem đĩa từ Hong Kong về thêm thuế và các khoản thì cũng không thể lời nổi, chưa kể đến việc chưa chắc bảo vệ được bản quyền sản phẩm” - nhạc sĩ Đức Trí kể.
Cũng vì vấn nạn vi phạm bản quyền mà rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc tử tế trong nước đã phải rời bỏ thị trường, chỉ còn sản xuất cầm chừng theo kiểu ca sĩ tự bỏ tiền đầu tư, còn các nhà sản xuất chỉ đứng tên làm thủ tục giấy phép giúp như Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, Rạng Đông, Kim Lợi Audio (chỉ còn sản xuất đĩa Cẩm Ly)… Khi những nhà sản xuất mạnh như thế bỏ cuộc thì thị trường ca nhạc trở nên manh mún.
Chỉ còn những con sóng nhỏ
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ: “Giờ ngoài một số nghệ sĩ trẻ tự bỏ tiền đầu tư để gầy dựng tên tuổi thì còn những nhạc sĩ khác lâu lâu ra sản phẩm chỉ để giữ tên tuổi của mình thôi, họ ngại ra sản phẩm bởi họ ra sản phẩm hôm nay thì mai các trang mạng cho phép tải, nghe miễn phí?”.
Nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ… nào cũng muốn làm những sản phẩm âm nhạc chất lượng; nhưng để có sản phẩm chất lượng ngoài đầu tư công sức, sáng tạo còn đầu tư cả về tài chính. Thế nhưng khi đổ ra một đống tiền chỉ được khen hoặc chê trên mặt báo mà không quay vòng bằng bán nhạc, bán đĩa thì có ai còn dám đầu tư. “Chỉ một số người làm để khẳng định vị trí của mình khi khẳng định được rồi họ cũng phải giật mình, ủa không thấy lợi đâu hết họ cũng phải tiếp tục bỏ cuộc. Tức chúng ta chỉ có những cơn sóng nhỏ lăn tăn mà không bao giờ có một con sóng lớn. Bởi rõ ràng đầu tư cho âm nhạc thì phải là những đại gia, là những tập đoàn lớn, lúc đó đầu tư lớn cùng chia sẻ một cơ sở vật chất. Ngoài thị trường nhỏ, nếu mình càng vi phạm bản quyền thì sự đầu tư càng manh mún. Ngay cả quỹ đầu tư cho Music Faces cũng vậy, họ rất muốn đầu tư nhưng không nhìn được triển vọng nên chúng tôi cũng cầm chừng để chờ thay đổi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cũng đồng tình rằng khi chưa quản lý được đầu ra tác phẩm thì thị trường ca nhạc Việt vẫn ở lưng chừng của nghiệp dư và chuyên nghiệp mà thôi.
Theo các nhạc sĩ, hiện tại nhạc Việt đang ở giai đoạn “chờ thời”. Bởi như dự đoán của nhạc sĩ Đức Trí thì chưa biết sau này sao nhưng những tín hiệu cho thị trường khởi sắc thời trước có nhưng mình đã vuột mất và đến giờ lại là thời khác. “Một, hai năm tới các nước sẽ không còn bao nhiêu đĩa CD phát hành nữa, có thể quay lại đĩa than, băng hay gì đó theo kiểu thú chơi, còn thị trường âm nhạc giờ sẽ phân phối qua mạng và người ta sẽ mua nguyên gói, đây vẫn là lúc giao thời, mình chưa kịp theo thế giới thì thế giới đã giao thời” - nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ.

Nhạc sĩ Đức Trí: Cần dạy về thẩm mỹ âm nhạc

Thời gian gần đây, tôi rút bớt việc sản xuất để chuyên tâm hơn với việc đi dạy nhạc bởi tôi thấy rằng cái thiếu hụt nhất ở âm nhạc trong nước không phải là dạy âm nhạc không mà dạy cho người ta thẩm mỹ để cảm nhận.

Thời tôi đi học đứa nào cũng được học ký xướng âm mà chẳng biết để làm gì trong khi cảm nhận âm nhạc không được dạy, dòng nhạc gì, nghe nhạc gì… cảm thụ nghệ thuật chung cũng không có. Một lỗ hổng lớn từ gốc như thế thì làm sao cây không úng!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thị trường hỗn độn

Tôi nghĩ khoan hãy nói đến hệ thống phát hành nào hay thị hiếu khán giả ra sao, trước tiên phải xem tác phẩm mình thật sự hay hay chưa. Tác phẩm mình đưa đến khán giả phải chỉn chu, sạch sẽ thì khán giả không quá khó tính để chia sẻ.

Hiện tại, sự phát triển của các trang mạng nghe nhạc trực tuyến giúp tác phẩm đến công chúng nhanh hơn; tiết kiệm chi phí cho ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất… nhưng điều này cũng làm thị trường âm nhạc hỗn độn bởi trong một mớ hỗn độn đó thì khán giả cũng sẽ dễ bị bỏ sót những ca khúc hay. Tuy nhiên, chuyện đó là tất yếu của thị trường, càng cạnh tranh thì nếu nhạc sĩ đó cùng ca sĩ hát biết cách để quảng bá cho tác phẩm của mình đúng hướng thì cũng dễ dàng đến với công chúng.

Năm 2014 tác quyền băng đĩa nhạc giảm 51%

Theo số liệu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khu vực phía Nam thì trong năm 2014, số tiền thu được từ lĩnh vực sản xuất băng đĩa nhạc là gần 340 triệu đồng, giảm 51% so với năm 2013.

Lý do giảm VCPMC đưa ra bởi các ca sĩ khi phối hợp với các hãng băng đĩa để phát hành album ra thị trường thì không tiêu thụ được nên họ đã chuyển sang phát hành trực tuyến. Việc phát hành trực tuyến không đăng ký quyền tác giả.

Trong năm 2014, nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn dẫn đầu danh sách nhạc sĩ nhận tiền tác quyền cao nhất. Tính riêng khu vực phía Nam, tác quyền nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là trên 300 triệu đồng, xếp sau đó là các nhạc sĩ Khánh Đơn, Hoài An, Nguyễn Hồng Thuận và Nguyễn Văn Chung.

Nam Thanh (Theo Pháp luật TPHCM)

Tác giả bài viết: Một Thế Giới -

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập52
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại268,695
  • Tổng lượt truy cập35,915,040
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây