Long bào cổ, đạo ý tưởng Nhật: Đâu là văn hóa Việt qua một sản phẩm văn hóa?

Thứ sáu - 30/01/2015 18:36

Bộ sưu tập "Sắc màu Malacca" được đăng trên tạp chí Heritage

Bộ sưu tập "Sắc màu Malacca" được đăng trên tạp chí Heritage
Dư luận đang có nhiều ý kiến sôi nổi về một mẫu thiết kế của hai nhà thiết kế trẻ Thế Huy và Hải Long. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mẫu thiết kế này không được giới thiệu trên trang bìa của tạp chí có tên gọi là “Heritage Fashion” của Hãng Hàng không quốc gia VN.

Tôi có xem bức họa Tsunami ( Sóng thần) của danh họa Nhật Bản Hokusai (1760-1849) để so sánh với những trang trí trình bày trên chiếc áo dài mà các nhà thiết kế gọi là “long bào” thì khó nhận ra sự giống nhau đến mức như có ai đó cho rằng các nhà thiết kế VN đã ăn cắp ý tưởng cũng như nhiều họa tiết tiêu biểu của Hokusai.

Nhưng vấn đề lại không hề ở chỗ ăn cắp hay không ăn cắp ý tưởng khi mà chưa có các nhà chuyên môn về bản quyền thẩm định chính xác, công tâm. Dư luận có thể có nhiều chiều mà phần đúng sai có khi lại từ ở các góc nhìn về sự sáng tạo, về giá trị nghệ thuật.
Tuy vậy, qua sự kiện này nhiều người quan tâm tới danh dự quốc gia và văn hóa nước nhà cùng các di sản truyền thống của dân tộc tỏ ra lo ngại và đặt vấn đề cho việc quảng bá nhiều khi mang tính độc quyền về hình ảnh dân tộc, đất nước chỉ qua một kênh là tạp chí Heritage trên các chuyến bay quốc tế và quốc nội.
Khách ngoài nước khi đến VN trên các chuyến bay của VN Airline cửa thông tin, hình ảnh mang tính quảng bá du lịch, văn hóa, di sản truyền thống của VN  có thể nói “chạm ngõ” là qua tạp chí này.Vì vậy vai trò của tạp chí với tư cách duy nhất và chính thống là vô cùng quan trọng đưa người nước ngoài có cái nhìn yêu mến, thiện cảm đối với đất nước VN.
Chúng ta không thể phủ nhận trong nhiều năm qua tạp chí Heritage đã làm tốt sứ mệnh được giao phó của mình với không ít bài viết, hình ảnh gây ấn tượng tốt cho khách nước ngoài. Nhưng vì vai trò quan trọng đối với hình ảnh quốc gia, văn hóa dân tộc, một sơ sảy dù nhỏ của tạp chí là không thể cho phép huống hồ là có cả những sơ sảy không nhỏ. 
Dư luận gay gắt phê phán tạp chí khi có không ít sự dễ dãi nào đó, khi có không ít sự thiếu cẩn trọng nào đó để lọt những câu chữ, hình ảnh dễ làm người nước ngoài hiểu sai lệch, có cái nhìn sai lệch về văn hóa, di sản của cha ông ta là chính đáng. Việc dư luận cũng như nhiều cơ quan truyền thông không đồng tình với mẫu thiết kế “áo dài long bào” trên trang bìa của Heritage Fashion là một sự cảnh tỉnh rất cần thiết đối với lãnh đạo Vietnam Airlines về đầu tư nhân lực am hiểu chuyên môn, chuyên nghiệp, có chiều sâu hiểu biết về văn hóa và di sản văn hóa nước nhà cho tạp chí. Sự sai lệch thực ra là gì?
Trước hết nói về cách trình bày của tạp chí với dòng chữ Heritage và Fashion nối tiếp nhau cùng độ lớn như nhau trên đầu trang bìa dễ làm cho bất cứ ai cũng hiểu nhầm tên chính thức của tạp chí là “Heritage Fashion” chứ không phải “Fashion” có thể chỉ  là một phụ trương của Heritage. 
Nếu tạp chí của Vietnam Airlines có tên là “Heritage Fashion” thì người nước ngoài sẽ phải ngạc nhiên về sự chọi nhau của một cái là “di sản” tức các giá trị  truyền thống với cái “thời trang” của thời thượng mang tính phong trào có tính nhất thời chưa thể lắng đọng thành tinh hoa nghệ thuật văn hóa, đang diễn ra trong một bộ phận nào đó của quần chúng. Cụ thể hơn nữa khi đi sâu vào bản thân mẫu thiết kế in chiếm trọn trang bìa của tạp chí thì có thể thấy rằng các nhà biên tập và tác giả của bài viết về mẫu thiết kế này có một số nhận định không thể  không đặt lại vấn đề.

- Thứ nhất họ đã thiếu thận trọng khi chấp nhận cho các nhà thiết kế dẫn dụ cho mẫu thiết kế là chiếc áo dài “lấy cảm hứng từ long bào cổ của VN”  khi chưa có cứ liệu xác định chính xác là long bào cổ này có thực sự là long bào cổ của VN hay không và ở thời vua chúa nào, có thuần Việt hay lai Tàu, hoặc lai long bào của vua chúa nước nào khác? Vấn đề văn hóa lịch sử luôn là vấn đề nhạy cảm mà phải có con mắt thẩm định của nhiều nhà chuyên môn mới có thể có được những căn cứ không sai lệch.

- Thứ hai, những người phụ trách tạp chí Di sản hơn ai hết phải hiểu rằng “áo dài dân tộc”  mang tính di sản trước hết là ở vẻ đẹp tự nhiên, đơn giản thanh thoát và tôn vinh chân thực đường nét cơ thể thon thả, thắt đáy lưng ong gợi cảm của người phụ nữ VN.Thế giới ngưỡng mộ  áo dài vì điều ấy. Chính vì vậy người nước ngoài sẽ khó có cảm nhận về vẻ đẹp VN nếu thấy tạp chí chuyên ngành về di sản văn hóa có những lời đề cao quá mức chiếc áo dài mang tính thời trang diêm dúa này.

-Thứ ba, người nước ngoài có am hiểu văn hóa thế giới cũng khó có thể chấp nhận khi tác giả bài viết cho rằng những công nghệ in ấn hiện đại tinh xảo trên vải mà các nhà thiết kế áp dụng khi trang trí hình ảnh, họa tiết trên “áo dài long bào” là xu hướng của thế giới, bởi vì thực sự xu hướng mà thế giới văn minh đang theo đuổi trong lối sống, ăn mặc là trở về với thiên nhiên, bình dị giản đơn hòa với tự nhiên với các chất liệu tự nhiên nhất. Cách đánh giá của tạp chí sẽ dẫn đến sự hiểu lầm về văn hóa Việt, lối sống Việt có tính di sản truyền thống tốt đẹp là hài hòa với thiên nhiên, tôn vinh thiên nhiên.

Thứ tư, tạp chí đã có lời bình tán dương  bộ sưu tập trong đó có mẫu thiết kế “áo dài long bào” là “Những chi tiết dính kết cầu kỳ là điểm mạnh của bộ sưu tập mang dáng dấp phương Đông” thể hiện sự khập khễnh nhập nhằng trong nhận thức về văn hóa thuần Việt- phương Đông Việt  với nhiều phương Đông khác mà tiêu biểu là Trung Hoa.
Trong kiến trúc, ẩm thực, hội họa, trang phục cung đình vv... của phong kiến Trung Hoa điểm nổi bật chính là sự cầu kỳ, bề thế màu sắc mạnh sặc sỡ. Nhìn qua thiết kế gọi là “áo dài long bào” in trên tạp chí không khó để có nhận định bước đầu rằng nó không mang đậm tinh thần văn hóa Việt.

Có thể công tâm đánh giá rằng bản thân những mẫu thiết kế của Thế Huy và Hải Long thể hiện những cách nhìn khác nhau về thời trang cho áo dài, có thử nghiệm sáng tạo  đa dạng là đáng khuyến khích, là cần thiết, nhưng vấn đề đối với một tạp chí có tính chuyên ngành uyên sâu là di sản văn hóa khi giới thiệu bộ sưu tập này thì phải đặt cho đúng chỗ cùng những lời bình đúng chỗ chứ không thể tùy tiện được.

Tạp chí Heritage trước hết  phải là một sản phẩm văn hóa tôn vinh các giá trị Việt. Và những người đọc xưa nay yêu mến tạp chí này rất mong tạp chí sẽ đi đúng sứ mệnh này!

 

Tác giả bài viết: An Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay9,671
  • Tháng hiện tại330,160
  • Tổng lượt truy cập35,976,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây