Người Phi Luật Tân và mười điều họ biết về Đức Phanxicô

Thứ năm - 29/01/2015 20:12

Người Phi Luật Tân và mười điều họ biết về Đức Phanxicô

Xem video cuộc tiếp đón Đức Phanxicô tại căn cứ Villamor, Manila, và đọc tường trình của Vietcatholic, ai cũng phải nhận: Đức Phanxicô dường như đã về nhà mình sau một chuyến thăm người lạ. Phi Luật Tân quả là nhà của ngài, họ biết ngài như biết một người thân.



Thực vậy, trên trang mạng dành cho cuộc viếng thăm Phi Luật Tân của ngài, www.papalvisit.ph, người Phi kể ra mười điều họ biết về ngài:

1. Đức GH Phanxicô là vị Giáo Hoàng của nhiều cái nhất

Ngài là người đầu tiên lấy tên “Phanxicô” theo tên của Thánh Phanxicô thành Assidi, vị tu sĩ luôn hành trang lên đường và là vị thánh vĩ đại của người nghèo và người bị chà đạp. Ngài là vị giáo hoàng thứ nhất xuất thân từ Mỹ Châu, sinh ra và được dưỡng dục ở Á Căn Đình bởi cha mẹ di dân người Ý. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của Dòng Chúa Giêsu, do thánh Inhaxiô thành Loyola thành lập, một Dòng vốn sản xuất cho GH những nhà truyền giảng Tin Mừng và cải cách vĩ đại. Cuối cùng, ngài là vị giáo hoàng thứ nhất được thụ phong linh mục sau Vatican II, tức công đồng đã hiện đại hóa Giáo Hội. Đối với Đức GH Phanxicô, Vatican II là một “công trình tươi đẹp của Chúa Thánh Thần” và là một “phong trào canh tân đơn thuần phát sinh từ cùng một Tin Mừng”.

2. Đức GH Phanxicô tự coi mình là kẻ có tội

Vâng, một kẻ có tội giống bất cứ ai khác, nhưng là một kẻ có tội được Chúa để mắt tới và mời gọi hiến thân phục vụ. Trải nghiệm tôn giáo của ngài có thể tóm tắt bằng chính khẩu hiệu của ngài: Miserando atque Eligendo. Thuật ngữ này, lấy từ một bài giảng của Đấng Đáng Kính Bede, đã được dùng làm khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Jorge Mario Bergoglio, và được ngài tiếp tục dùng làm khẩu hiệu giáo hoàng. Có thể dịch là “Bằng cách có lòng nhân và bằng cách chọn lựa Người”. Thánh Bede lúc ấy đang suy niệm đến việc Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Mátthêu, một người thu thuế đáng ghét. Vì lòng nhân, Chúa bảo Mátthêu: “hãy theo Thầy”. Đức Phanxicô, trước đây vốn là một người bồi bàn tại một câu lạc bộ, cho người tu sĩ cùng Dòng là linh mục Antonio Spadaro hay: “ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Mátthêu đó. Chính là tôi. Tôi cảm thấy mình giống ngài… giống Mátthêu”.

3. Đức GH Phanxicô tin rằng Giáo Hội cần phải giống “một bệnh viện dã chiến” nhiều hơn, trong đó, các giám mục và linh mục phải dành nhiều thì giờ hơn ở các tòa giải tội để an ủi những linh hồn bị thương.

Ngài nói rằng “các thừa tác viên của Giáo Hội phải là các thừa tác viên của xót thương trước nhất”. Các linh mục phải từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp và những rù quyến của việc leo lên bậc thang phẩm trật. Các giám mục phải tránh “các tai tiếng” trở thành “các giám mục phi trường” và phải chăm sóc đoàn chiên trao cho mình chăm sóc. Ngài bảo: “các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những người có khả năng sưởi ấm tâm hồn người ta, có khả năng cùng bước đi với họ qua đêm đen, biết cách đối thoại và bước xuống đêm đen của họ, bước vào bóng đêm, mà không bị lạc”.

4. Đức GH Phanxicô muốn sống đơn giản nhưng “không thể sống thiếu người ta”.

Xe limudin đơn giản không phải là tách trà của vị giáo hoàng thanh đạm này, người, lúc còn là một giám mục tại quê hương Buenos Aires, vốn chỉ đáp xe lửa công cộng. Cho tới nay, Đức Giáo Hoàng vẫn tự xách lấy cạc-táp và ngài vẫn đeo chiếc nhẫn cũ cũng như cây thánh giá ngực bằng bạc mà ngài vốn dùng từ lúc được phong Hồng Y năm 2001. Người ta đã viết nhiều về quyết định của ngài muốn sống tại Nhà Thánh Mácta, nơi cư trú tại Vatican của các giáo sĩ vãng lai, hơn là tại Phủ Giáo Hoàng trong Tông Điện. Đức GH Phanxicô minh xác rằng nơi sinh sống của các vị tiền nhiệm của ngài, dù rộng lớn và trang trí hợp thẩm mỹ, nhưng không phải là xa hoa. Lý do khiến ngài không muốn dọn vào đó đơn giản chỉ là vì ngài muốn gặp gỡ người ta. Ngài cho linh mục Sparado hay: “tôi không thể sống thiếu người ta. Tôi cần sống cuộc sống của tôi với người khác”.

5. Đức GH Phanxicô chỉ có những tâm tình âu yếm nhất đối với Đức GH Hưu Trí Bênêđictô XVI, “người anh” của ngài, nay đang sống tại một đan viện trong Vatican.

Đức Phanxicô nói với một nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Rio de Janeiro rằng “Ngài là người của Thiên Chúa, một người khiêm nhường, một người cầu nguyện”. Việc có “hai giáo hoàng” tại Vatican không làm ngài lo lắng chi cả. “Giống như có người ông trong nhà, một người ông đầy khôn ngoan. Khi các gia đình có người ông ở trong nhà, thì ngài được tôn kính, được yêu mến, được lắng nghe. Đức GH Bênêđíctô là người rất khôn ngoan. Ngài không can thiệp!”. Do đó, Đức GH Phanxicô ủng hộ các cuộc cải cách của vị tiền nhiệm như cho phép sử dụng rộng rãi Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh cổ truyền, một việc được ngài mô tả là “khôn ngoan và được động lực hóa bởi ý muốn giúp những người nhậy cảm về vấn đề này”.

6. Đức GH Phanxicô là một nhà cải cách; ngài không sợ khuấy động sự việc.

Đức Phanxicô cho thi hành các cải cách tại Viện Các Công Trình Tôn Giáo, vốn có biệt danh Ngân Hàng Vatican, một việc từng đã khởi đầu dưới thời vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI. Tháng Hai năm 2014, ngài thiết lập một văn phòng mới gọi là Văn Phòng Kinh Tế, làm cơ quan giám sát tài chánh của Tòa Thánh. Văn Phòng này tường trình cho Hội Đồng Kinh Tế cũng mới được thành lập; Hội Đồng bao gồm 7 vị Hồng Y và giám mục và 7 chuyên viên giáo dân. Trước đó, Đức GH Phanxicô đã thiết lập một cơ chế cố vấn gồm 8 Hồng Y tín cẩn, với nhiệm vụ cố vấn ngài về các cải cách Giáo Triều và việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ.

7. Đức GH Phanxicô phản đối nền kinh tế loại trừ

Đức Phanxicô củng cố Học Thuyết Xã Hội Công Giáo bằng Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng). Ngài nói “không” với nền kinh tế chuyên cổ vũ bất bình đẳng, “văn hóa vứt bỏ” và “ngẫu thần tiền bạc”. Ngài nói: “Làm thế nào có chuyện không phải là tin tức khi một cụ già vô gia cư chết vì cảnh vô gia cư này, nhưng lại là tin tức khi thị trường chứng khoán thụt mất hai điểm?” Giải pháp hệ ở việc phải lập tức giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của cảnh nghèo. An sinh xã hội chỉ là một giải pháp tạm thời. Điều cũng cần là phải bác bỏ việc đầu cơ tài chánh và chính sách độc lập tuyệt đối của thị trường.

8. Đức GH Phanxicô cảnh cáo các Kitô hữu đừng sa vào cạm bẫy của “tính phàm trần thiêng liêng” tức tự lấy mình làm trung tâm và giữ đạo bề ngoài xa lìa Thiên Chúa.

Trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức GH Phanxicô giải thích rằng “tính phàm trần thiêng liêng, vốn núp đàng sau vẻ đạo đức bề ngoài và thậm chí sau lòng yêu mến Giáo Hội, hệ ở việc tìm kiếm không hẳn vinh quang Thiên Chúa mà là vinh quang con người và phúc lợi bản thân”. Một Giáo Hội phàm trần có thể mang hình thức quá quan tâm tới học thuyết và danh tiếng, lợi lộc xã hội hay chính trị, hoặc một sinh hoạt xã hội “đầy những vẻ bề ngoài, họp hành, ăn uống và thù tiếp”. Nó có thể là “đầu óc kinh doanh” trong đó, người ta “bận bịu với quản trị, thống kê, kế hoạch và lượng giá mà người thụ hưởng chính không hẳn là dân Chúa mà là Giáo Hội như một định chế”. Muốn tránh đầu óc này, Giáo Hội phải “không ngừng ra khỏi chính mình, luôn tập chú sứ vụ của mình vào Chúa Giêsu Kitô, và cam kết của mình đối với người nghèo”.

9. Đức GH Phanxicô là người sùng kính Thánh Mẫu Diễm Phúc

Vừa được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã khiến người ta chú ý khi đi viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma hai lần, để đọc kinh mân côi và phó thác triều giáo hoàng của ngài cho Mẹ Thiên Chúa. Châu Mỹ La Tinh, nơi Đức Giáo Hoàng xuất thân, đặc biệt nổi tiếng về sự gần gũi với Thánh Mẫu Diễm Phúc và là nơi có các đền thờ Thánh Mẫu vĩ đại như Guadalupe và Aparecida. Đức GH Phanxicô tin rằng: Đức Mẹ là người không thể thiếu được trong công trình Tân Phúc Âm Hóa. Ngài nói: “Bất cứ khi nào ta nhìn lên Đức Mẹ, ta đều tiến tới chỗ tin chắc một lần nữa vào bản chất cách mạng của tình yêu và lòng âu yếm. Nơi Đức Mẹ, ta thấy đức khiêm nhường và tình âu yếm không phải là các nhân đức của người yếu đuối mà của người mạnh mẽ, tức người không cần xử tệ với người khác để cảm thấy mình quan trọng”.

10. Đức GH Phanxicô là người con của Giáo Hội

Điều gọi là “hiệu quả Phanxicô” đã trở thành câu truyện đầu môi của truyền thông; một số nhà bình luận còn tiến xa hơn nữa bằng cách tiên đoán sẽ có những thay đổi triệt để trong Giáo Hội đã có tới 2,000 năm lịch sử. Nhưng Đức GH Phanxicô từng minh xác rằng: chủ trương của Giáo Hội trong việc đẩy mạnh các vấn đề luân lý cũng là chủ trương của chính ngài. Ngài từng nói lớn: “tôi là một người con của Giáo Hội”. Nhưng theo ngài, hiện nay, đang có quan tâm đối với “các nhu cầu cụ thể” và Tin Mừng cần tạo tác động thực sự trên tín hữu. Các nghiêm ngặt của Giáo Hội cần được áp dụng với một tình yêu chân thực, vì lòng Chúa thương xót không hề có biên giới. Đức GH nói: “Ta phải tìm ra một quân bằng mới; nếu không, ngay chính toà nhà luân lý của Giáo Hội chắc chắn sẽ sụp đổ như căn nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng. Đề xuất của Tin Mừng phải đơn giản, sâu sắc, toả sáng hơn. Chính từ đề xuất này, các hậu quả luân lý sẽ xuôi chẩy”.

Tác giả bài viết: Đức trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập118
  • Hôm nay10,632
  • Tháng hiện tại273,794
  • Tổng lượt truy cập35,920,139
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây