bí ẩn đằng sau cái chết

Thứ sáu - 30/01/2015 20:17

bí ẩn đằng sau cái chết

Cái chết là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi con người. Tùy vào tôn giáo và tín ngưỡng mà con người ta có những nhận thức và định nghĩa về cái chết.
 
 
Từ hàng nghìn năm nay, con người vẫn luôn tìm tòi và khám phá để trả lời câu hỏi kinh điển nhất của nhân loại: “Liệu có hay không cuộc sống sau cái chết”. Đây là vấn đề huyền bí nhất vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giớikhoa học. 

Hiện nay, nhiều lý thuyết đưa ra những bằng chứng và căn cứ khoa học về sự tồn tại của cuộc sống con người sau khi chết. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu còn rất hoài nghi về điều này và cho rằng khái niệm “thế giới bên kia” hoặc vô nghĩa hoặc không thể chứng minh được. 

Bài viết dưới đây không nhằm khẳng định về sự tồn tại của cái gọi là “kiếp sau”, mà chỉ nêu lên những quan điểm, câu chuyện do các nhân chứng kể lại hay những nghiên cứu của các nhà khoa học trên khắp thế giới. Qua đó, nó giúp bạn đọc có cái nhìn rộng hơn về bí ẩn sự sống của con người sau cái chết.

Những câu chuyện về kiếp trước

Gamini Jayasuriya sinh ra ở Sri Lanka vào năm 1962. Khi còn là một đứa trẻ, Gamini đã kể rằng cậu vẫn nhớ kiếp trước của mình, về hình ảnh một người mẹ khác to lớn hơn người mẹ hiện giờ, về chú voi đồ chơi cậu hay mang theo khi đi tắm, cả sự kiện cậu bị ngã xuống chiếc giếng gần nhà như thế nào. Cậu thường bị người em tên Nimal cắn và cậu còn đang để chiếc cặp sách trên chiếc ghế trong phòng. 

Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây thì người lớn vẫn nghĩ Gamini là một đứa trẻ hay tưởng tượng lung tung. Cho đến một lần tình cờ đi qua khu vực Nittambuwa (Sri Lanka), Gamini nói rằng mình đã từng sống ở đó. Cha mẹ Gamini quyết tâm đi tìm hiểu về “gia đình kiếp trước” của con trai, và rất kinh ngạc khi phát hiện sự thật. 
Giải mã những bí ẩn đằng sau cái chết
Một vài giả thuyết gây tranh cãi như nói dối, bệnh hoang tưởng hay “trí nhớ gen” được đưa ra nhằm lý giải cho những câu chuyện về kiếp sau 
Theo đó, “gia đình kiếp trước” hoàn toàn trùng khớp với những gì Gamini miêu tả. Gia đình này theo đạo Thiên Chúa, có một cậu con trai tên Palitha nhưng đã qua đời 2 năm trước khi Gamini sinh ra (tức là năm 1960). Palitha có một người em tên là Nimal - người hay cắn cậu. Vài ngày trước khi qua đời, cậu được nghỉ lễ và đã để chiếc cặp lên ghế thay vì cất trong tủ như thường lệ.

Một trường hợp khác vào năm 1997, cậu bé 6 tuổi Kemal Atasoy người Thổ Nhĩ Kỳ đã miêu tả một cách tự tin về cuộc sống “kiếp trước” của mình. Cậu đã từng sống ở Istanbul (cách đó 800km), trong dòng họ Karakas và là một tín đồ Cơ đốc giáo giàu có người Armenia. Cậu có vợ người Hy Lạp và có con, sở hữu một căn nhà cạnh bờ sông và thường có thói quen mang theo túi da lớn bên người khi ra ngoài.

Tiến sĩ Jurgen Keil - nhà tâm lý học người Úc - đã bỏ công sức đi kiểm chứng lời nói của Kemal. Tuy rất vất vả nhưng cuối cùng, tiến sĩ cũng tìm gặp được một cụ già chắc chắn có gia đình người Armenia sống ở ngôi nhà đó nhưng thông tin về mọi người trong gia đình để tại nhà thờ đã bị thiêu trụi trong một vụ hỏa hoạn. 

Tiến sĩ Keil tiếp tục tìm đến một nhà sử học uy tín trong vùng và được nghe kể câu chuyện gần như trùng khớp với những lời Kemal đã nói. Nhà sử học kể rằng, có một gia đình đạo Cơ đốc giàu có sống trong căn nhà bên hồ. Ông ta là người Armenia duy nhất trong vùng mang họ Karakas, chuyên kinh doanh đồ da và chết khoảng năm 1940-1941.


Lời giải thích chưa thỏa đáng

Một vài giả thuyết gây tranh cãi được đưa ra nhằm lý giải cho những câu chuyện kiểu như trên. Đầu tiên, họ cho rằng, người trong cuộc đã nói dối và bị bệnh hoang tưởng. Giả thuyết này không bền vững bởi lẽ, xét về khía cạnh động cơ, những nhân vật này hoàn toàn không có động cơ nào để “sáng tạo” ra những câu chuyện kịch tích như vậy. 

Mặt khác, cũng có thể nhóm nghiên cứu “sáng tác” ra câu chuyện bởi chỉ có họ được tiếp xúc và ghi nhận trực tiếp những thông tin, vì thế họ hoàn toàn có thể nói dối mà không ai kiểm chứng được. 
Giải mã những bí ẩn đằng sau cái chết
Các nhà khoa học cho rằng việc người sắp chết nhìn thấy ánh sáng, đường hầm, hay linh hồn rời khỏi xác là do sự suy yếu của não, chứ không phản ảnh thế giới bên kia 
Số ít cho rằng, những ký ức có thể được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nhờ gen. Theo đó, từ khi con người mới sinh ra, trong bộ não đã tồn tại vùng lưu giữ ký ức của những việc từng xảy ra từ các đời trước. Cái gọi là “trí nhớ gen” được lưu trong những phân tử protein của tế bào não. 

Khi có một năng lực nào đó làm khởi động các phân tử ấy thì ký ức về đời trước sẽ được phục hồi, con người bỗng nhiên nhớ lại những gì từng xảy ra với tổ tiên xa xôi, y như là đã xảy ra với chính mình. Tuy vậy, giả thuyết này vẫn vấp phải nhiều sự phản đối của nhiều nhà nghiên cứu, và chưa hề được kiểm chứng.

Một giả thuyết khác được đề cập đến, đó là nhân chứng vô tình biết được thông tin về người được cho là tiền kiếp của mình. Và vô tình, những thông tin đó ăn sâu vào tiềm thức, biến thành một ký ức giả - thuật ngữ mà các nhà tâm thần thường dùng để chỉ ký ức không phải của bản thân nhưng bệnh nhân lại tưởng tượng đó là của chính mình. 

Tuy nhiên, những người tin vào “kiếp luân hồi” phản biện rằng: giả thuyết không lý giải được việc một đứa trẻ có thể biết được những thông tin cá nhân của một người nào đó ở rất xa và không có một mối liên hệ nào với gia đình đứa bé ấy. Rất có thể, “người tiền kiếp” đã qua đời rất lâu và cũng không hề nổi tiếng để thông tin cá nhân của họ có thể lọt ra ngoài.

Với quan niệm về sự đầu thai, họ cho rằng: một người đã ở sẽ trở lại thế gian này trong một thể xác khác. Điều này gợi đến một sự kết nối giữa những cuộc đời có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng sâu xa trong đó là bằng chứng ẩn giấu về sự nối tiếp giữa cuộc đời. Tuy nhiên, tất cả bằng chứng đưa ra đều chỉ là những câu chuyện, hay lý lẽ “trùng khớp” với niềm tin của chính họ. Trong khi đó, lời giải thực sự về những trường hợp này vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.


Tiếp tục đi tìm sự thật

Cho đến nay, nhiều sự mô tả về cõi âm đã được nhiều người chết đi sống lại tường thuật nhưng ít ai chịu tin, nhất là trong thời đại văn minh này. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là vấn đề này thu hút rất nhiều nhà sinh lý, tâm lý và các nhà khoa học. 

Những người này đang cố gắng gạt bỏ ra mọi ý nghĩ có tính cách mê tín dị đoan khi nghĩ về vấn đề của sự chết để có thể tự nhiên đón nhận và nghiên cứu các trường hợp liên quan tới cõi âm. Qua hàng ngàn hồ sơ, họ đã tìm hiểu, gom góp được một số sự kiện trên đoạn đường mà người chết đã đi qua sau khi trút hơi thở cuối cùng. 

Dĩ nhiên, những người này vì “lý do nào đó” đã hồi sinh, tạo nên cái gọi là “bằng chứng sống”. Theo lời thuật lại, thì cứ 120 nhân chứng có khoảng 23% cho thấy họ rơi vào một khoảng hun hút tối đen rồi thấy ánh sáng chan hòa. 16% thấy thoải mái tâm hồn như đang ở vào cảnh yên bình diệu vợi. Khoảng 40% cảm thấy mình như lìa khỏi xác để lơ lửng nhẹ nhàng vào quãng vô biên. Ngoài ra, theo các tài liệu thu thập có tính chính xác, các nhà nghiên cứu đã phân ra các trường hợp đáng quan tâm hơn, đó là sự miêu tả cảnh trí, người và vật ở bên kia thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu đã thẳng thừng bác bỏ những câu chuyện như vậy. Họ giải thích hiện tượng này là ảo giác, hình thành do các thay đổi trong não đang chết. Một số ý kiến nhận định cái chết bắt đầu với các cấu trúc mới hơn của não và kết thúc với các cấu trúc cũ hơn. Tuy nhiên, sự hồi sinh của não là một tiến trình đảo ngược mà ở đó các phần cũ hơn trong vỏ não sẽ hồi sinh đầu tiên. Chính vì vậy mà các bệnh nhân “thấy” được các đoạn đời trong cuộc sống trước đó của mình. 

Nhờ những tiến bộ của y học hiện đại, các bác sĩ có khả năng hồi sinh những người đang trong giai đoạn đầu của cái chết - hiện tượng được đặt tên là trải nghiệm cận kề cái chết (NDE). Những “hình ảnh” hiện ra trước khi chết thực chất liên quan tới NDE, là do sự suy yếu của não, chứ không phải là bằng chứng về thế giới bên kia. 

Tuy nhiên, cách giải thích này còn có điều chưa thỏa đáng vì những ảo giác như vậy chỉ xảy ra khi não còn có một chức năng nào đó. Trong tình trạng không hoạt động, não giống như một máy tính bị tách rời khỏi các mạch điện, nó không thể gợi ảo giác và không làm được bất cứ điều gì.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ tuyên bố họ đã khám phá nguyên nhân tại sao nhiều người lại rời bỏ thân xác mình trong suốt thời gian chết lâm sàng. Họ nói rằng “cảm giác” ấy xuất phát từ một nếp cuộn trong vùng não bên phải sau khi bộ phận này thu thập thông tin từ các phần khác nhau của não để hình thành một ý tưởng về vị trí của thân xác. 

Một khi các tín hiệu thần kinh đi lệch đường, não sẽ vẽ lên một bức tranh méo mó làm cho bệnh nhân “thấy” chính họ như thể ở bên ngoài thân xác mình. Tuy nhiên, khi lý giải hiện tượng người mù có thể nhìn thấy những gì diễn ra trong phòng mổ vào thời khắc họ “đang chết”, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã… bó tay.

Rõ ràng, chưa có sự chứng minh hay bác bỏ nào một cách nghiêm túc đối với lý thuyết về sự sống hậu con người, bởi một lẽ đơn giản: chưa có ai quay về từ... “lãnh địa người chết” (cái chết lâm sàng không phải là cái chết cuối cùng). Nên nhớ rằng không phải tất cả các bệnh nhân thoát chết đều có thể nhớ lại những gì đã trải qua, khi họ không hề nhìn thấy gì đặc biệt. 

Thế nhưng, sau cái chết lâm sàng, nhiều người tuyên bố có cái nhìn khác về cuộc sống. Mặc dù không còn sợ cái chết nữa, song họ vẫn đánh giá cao cuộc sống và coi đó là món quà quý giá nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mình…
 
Theo Lâm Anh - Diễm Anh (CAND)

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập58
  • Hôm nay13,135
  • Tháng hiện tại321,955
  • Tổng lượt truy cập36,376,510
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây