ĐÁM CƯỚI – ĐÁM MA

Chủ nhật - 01/02/2015 06:36

ĐÁM CƯỚI – ĐÁM MA

 
 Xã / Phiếm luận – Luân Tế
 
 (Lời nói đầu: “Xã” đây có thể là xã hội. Nhưng cũng có thể có nghiã là xã xệ - hàm ý không lấy gì làm tư cách cho lắm, lại còn có vẻ bèo nhèo, lôi thôi lếch thếch. “Phiếm” là  cho vui, thế thôi. “Luận” là bàn luận. Bài này gọi là “xã/phiếm luận” có lẽ là gọi đúng vì nó luận về cái xã hội bèo nhèo, nhốc nhếch, lôi thôi lếch thếch, không lấy gì làm tư cách cho lắm mà trong đó chúng ta đang sống. Và viết cho vui, thế thôi)
 
      Vào tuổi tôi bây giờ, hai cái “Đám” trên tựa đề này coi như ở trong trạng thái quân bình: tháng này có đám cưới con bạn (hay bạn - về Việt Nam đem vợ nhí sang) thì tháng sau thế nào cũng có đám ma bố mẹ bạn (hay bạn – heart attack trên sân tennis). Hiếm khi đi đám ma con bạn hay dự đám cưới mẹ bạn (mẹ ít khi tái giá; còn mấy ông bố thì chỉ chờ mẹ chết để được lấy vợ mới).
 
Không đi đám ma thì bị trách nhẹ, mang tiếng là con người thiếu tình cảm.
Không đi đám cưới thì bị trách nặng, mang tiếng là kẹo.
 
Tôi thường tránh không đi đám ma. Viện cớ này cớ nọ, chẳng hạn như báo gấp quá (có mấy ai biết ngày nào mình chết đâu mà báo trước), không kịp chuẩn bị.
 Nhưng tôi ít dám từ chối khi nhận được thiệp cưới. Khó từ chối một phần là vì thiệp cưới thường thường được gửi hai tháng trước và RSVP – Mỹ có câu “Save The Date For Us, Please”.
 
       Tôi không thích đi đám ma vì hai lý do:
1. Không thích chuyện buồn.
2. Không muốn tang gia phải bận rộn tiếp đón, rồi vái lậy trả lễ khi mình cúi đầu, thắp hương, vái, lậy người chết. Tang gia vừa buồn thúi ruột, vừa đói, vừa lạnh mà cứ phải đóng bộ complet đen hay chiếc áo sô, đứng trực ở cửa nhà quàng đón khách. (Hình thức cũng hao hao giống như cô dâu, chú rể cũng vừa lạnh, vừa đói - cô dâu thì chân đau vì đi giầy cao gót - đứng cửa nhà hàng chào khách; nhưng đó lại là chuyện khác).
Đến đây tôi xin mở một cái ngoặc để đề cập đến chuyện viếng ở nhà quàng. Nói chung, xác chết thường không được đẹp cho lắm, vì thế mà nhà quàng cung cấp một dịch vụ rất “ghê” là hóa trang đánh phấn tô son cho người chết để ra trình diện với thế gian một lần cuối cùng. Tuy tôi chưa chết nhưng tôi có thể cả quyết với các bạn rằng người chết không bao giờ muốn được tô son điểm phấn như diễn viên tuồng hát bội, rồi leo vào trong quan tài mở nắp nằm tênh hênh từ 24 cho đến 48 giờ cho người ta đến ngắm nghía để được khen. Thường thì câu khen nồng nàn nhất chỉ là: Chị (anh, ông, bà, bác...vv...) ấy đẹp y như lúc còn sống. Nhưng khổ một nỗi là lúc hãy còn đẹp, còn sống thì không ai đến thăm; đến lúc chết rồi thì người nào cũng nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, vội vàng vác mặt đến, rồi khen loạn lên là “đẹp như lúc còn sống”.
Các cụ nói - hay Khổng Tử nói thì không biết - là ở đời này có vay, có trả. (Nhắc đến Khổng Tử thì phải nói đến cuốn phim vĩ đại Confucius do nhà nước Trung [cái rốn của vũ trụ] Quốc mấy năm trước đây bỏ cả mấy chục triệu đô ra làm do Châu Nhuận Phát [tài tử Hồng Kông] đóng vai chính, với chủ đích là nhắc nhở dân Tầu nhớ lại những lời Đức Khổng dậy dỗ mà cải tà quy chánh, để xã hội Trung Hoa Cộng Sản bớt nhiễu nhương, cho người dân phục tòng chế độ, và cho quan quyền bớt ăn hối lộ. Nhưng dân Trung Quốc cứng đầu, lờ Đức Khổng đi, cho Ngài là lạc hậu, không thèm xem, khăng khăng cho là cuốn phim Avatar với những hình người mặt xanh, mặt đỏ hay hơn và thông điệp của đạo diễn James Cameron sâu sắc hơn những khuôn vàng thước ngọc của Đức Khổng. Nhà nước cáu quá, dở trò kiểm duyệt và ra lệnh cấm một số rạp không được phép chiếu Avatar để dành chỗ cho Confucius. Nhưng than ôi, Đức Khổng vẫn ế sưng, ế chẩy).
Trở lại chuyện vay trả - trả vay. Vay tiền thì phải trả bằng tiền. Vay tình thì trả bằng tình. Vì thế cái việc đi đám ma hay đám cưới đều ở trong sự đổi chác công bằng (an eye for an eye – tit for tat – even Steven – you scratch my back, I scratch yours) trong xã hội này. Anh đi đưa đám bố tôi, tôi đi đưa đám bố anh. Đám ma tương đối công bằng vì ai cũng có một cha, một mẹ. Còn về đám cưới thì sự công bằng trong cái xã hội “có vay có trả” này hơi khó thực hiện vì có gia đình không có đứa con nào mà vẫn phải có mặt đủ trong các đám cưới các con của bạn bè, kể cả những gia đình có đến cả chục đứa. Còn bạn bè thì lắm đứa cưới đến 3, 4 vợ trong khi mình vẫn chỉ có 1 bà.
 
      Thường thì, theo các cáo phó đăng báo, tang gia thời nay xin miễn phúng điếu (với hàng chữ đậm, gạch đít), một phần là vì sĩ diện, một phần khác có lẽ là vì nhiều cụ trước khi ra đi cũng đã “ăn” SSI được ít năm, lại thường ở chung với con nên để dành được tí tiền bèn tự mình lo cho hậu sự bằng cách đi mua quan tài và đất tại Peek Family hay Rose Hill để khỏi làm phiền con cái. Khách đến đưa đám, nếu sang thì mua hoa, xin lễ cầu hồn ở nhà thờ hay xin cầu siêu ở chùa; ai nghèo thì cũng chẳng thấy mặc cảm khi đến tay không.
Nhưng đi dự đám cưới thì phải “mừng”. Đó là chuyện đương nhiên. Có một câu chuyện rất vô duyên kể lại lời một chàng trai khi nghe tin người yêu cũ sắp lấy chồng: “Em mà lấy chồng thì anh mừng….lắm.”
Nhưng không “Mừng lắm” thì “Mừng gì? Mừng như thế nào?”. Câu hỏi này bây giờ đã trở thành vô nghĩa, không hợp thời.
Đó là vì khoảng một phần tư thế kỷ trở lại đây, hiện kim làm bá chủ (Cash is King) trong cái truyền thống dễ thương này.
Ngày xưa (và cả ngày nay, theo tục lệ Mỹ) những người dự đám cưới thường mua quà tặng là những đồ gia dụng để giúp cho đôi trẻ tạo lập một tổ ấm, một gia cư mới (vì thường thường con trai con gái lúc đi lấy vợ lấy chồng hãy còn ở chung với bố mẹ). Những món quà này còn có giá trị tinh thần là những kỷ niệm của ngày trọng đại nhất một đời người. Chỉ có những người thân trong gia đình giúp đỡ bằng hiện kim hoặc vàng nếu biết hoặc cảm thấy đôi trẻ tuy chưa đủ khả năng tài chánh nhưng vẫn cưới vì yêu nhau quá hay đã lỡ có bầu.
Bây giờ thì phong bì làm chuẩn. Nếu bạn nào đi dự đám cưới có mời cả người Mỹ thì sẽ trông thấy sự khác biệt  giữa hai nền văn minh và văn hóa Việt và Mỹ. Việt ta chễm chệ đến (trễ) tay không. Mỹ thì khệ nệ vác quà cáp.
Một trong những lý do người Mỹ có tục lệ mua quà gia dụng cho đôi tân hôn (phần lớn qua cái gọi là Bridal Registry với các cửa hàng bách hóa. Cô dâu sẽ báo cho cửa hàng là gia cư mới của mình cần những gì rồi khách sẽ đến mua quà mừng theo danh sách đó) là vì tiền phí tổn cho đám cưới do gia đình nhà gái ở Mỹ chịu hoàn toàn. Nhà trai có bổn phận chi tiền nhẫn cưới và buổi ăn tối trước ngày cưới cho phù dâu, phù rể lúc tập dợt cách đi cách đứng.
Vấn đề đặt ra cho người Mỹ là nếu khách “đi” tiền thì số tiền ấy vào tay ai? Nếu bố mẹ vợ lấy để bù lại chi phí thì không chỉnh và có thể còn bị nhà trai bì tị. Còn nếu về tay cô dâu chú rể thì hơi vô lý là vì có rất nhiều trường hợp cô dâu chú rể lương (two incomes) cao hơn lương của khách mời nhiều (một số không nhỏ khách mời thuộc hàng chú bác, sống nhờ vào tiền hưu bổng, an sinh xã hội).
Dân Việt lưu vong (và theo tôi biết, tại cả quê nhà hiện nay) đều đưa phong bì.
Việt Nam ta thì không có tập tục nhà gái chi tiền làm đám cưới nên không sợ bị mang tiếng hay bì tị. Nhà trai thì ai giầu có cho con tiền làm đám cưới là tùy từng hoàn cảnh, từng gia đình, không có lề thói nào quyết định. Phần lớn đám cưới ngày nay là do “đôi trẻ” tự liệu.
 Có một câu chuyện đùa nhưng rất sát với thực tế như sau: “Đêm tân hôn, cô dâu mắc cở nhất định đòi tắt đèn. Chú rể gắt: Tắt đèn thì làm sao đếm tiền được”.
 
      Một ông bạn già của tôi có thằng cháu ngoại làm bác sĩ ở cách xa 3000 dậm. Bất ngờ tôi nhận được thiệp mời đi dự đám cưới tổ chức ở Little Saigon. Đến nơi thì được cho hay là thằng cháu của ông bạn tôi đã làm đám cưới ở Boston rồi nhưng ông ngoại cháu bắt phải làm thêm một tiệc nữa ở Orange County để ông mát mày mát mặt với khoảng 200  bạn bè ông. Và trong bàn tiệc, hầu như tất cả thực khách đều cùng một tư tưởng là ông bạn già của tôi bắt cháu về chỗ ông ở làm đám cưới, ngoài việc được mát mặt, còn là để bù lại những lần ông phải dự đám cưới con cháu của các bạn của ông. Không những ông không làm điều gì sai mà còn làm đúng như Đức Khổng đã dậy: “Có vay, có trả”.
 
Và vấn đề này đưa tới một vấn nạn (hay tệ nạn) trong cộng đồng “tị nạn” người Việt: “Đi” bao nhiêu thì phải?
Thằng cháu ngoại của ông bạn tôi là bác sĩ. Mẹ nó khoe với tôi là cháu nó là bác sĩ gây mê làm cho nhà thương, lương khoảng hai trăm ngàn một năm. Vợ nó là bác sĩ giải phẫu thẫm mỹ có phòng mạch riêng. Hai đứa đã ăn ở với nhau gần 3 năm rồi (tiền dâm hậu thú –have sex first, get hitched later).
Điều hiển nhiên là hai cô cậu bác sĩ này không cần đến sự giúp đỡ tài chính (subsidy) của các bác các ông các bà đang lãnh tiền an sinh xã hội (và vẫn còn cau mày khi nghĩ đến chuyện chúng nó ăn nằm với nhau trước khi làm đám cưới).
Nhưng nếu mua quà đem đến thì bị người chung quanh nhìn với một cặp mắt hơi là lạ, có vẻ khinh khỉnh. Nhiều đám cưới còn không có cả một cái bàn đựng quà (vì chắc chắn là chỉ có phong bì mà thôi).
Vì thế nếu muốn làm cho ông bạn già tôi nở mày nở mặt với bạn bè thì khách mời phải đưa phong bì. Nhưng: “Đi” bao nhiêu thì phải?
 
     Tôi không để ý và cũng không rành chuyện tiền bạc nhưng được vợ cho biết là giá thị trường cho một người đi đám cưới là 100 đô. Một cặp thường là 200 đô. Ít hơn thì,  vợ tôi xì một tiếng, “kỳ”. Tôi có nghe chuyện một thằng em họ chửi sa sả những người đến dự tiệc cưới của nó mà không “đi” đúng giá thị trường.
Khách mời thường miễn cưỡng bỏ ít tiền mặt hay viết một chi phiếu đề tên cô dâu hay chú rể rồi cho vào trong phong bì chờ đến lúc chào bàn thì đưa.
 
Tiệc cưới hay được tổ chức tại nhà hàng bán món ăn Tầu (bây giờ phần nhiều do người Việt làm chủ). Cứ 10 người gộp lại vào một bàn, gọi là một “thồi”. Thường là 7 món, kể cả món ăn chơi và món tráng miệng. Thức ăn dọn ra trên bàn đủ hay dư cho 10 khẩu phần. Trên bàn có một chai Coca và một chai Sprite do nhà hàng cung cấp. Có khi còn có một chai rượu vang đỏ. Đám nào hiếu khách (nhậu) thì để trên bàn một chai Cognac VSOP. Dạo này mấy anh cảnh sát địa phương chắc là có nội tuyến nên hay chờ ở góc đường gần các nhà hàng có tiệc cưới vào đêm thứ Bẩy và Chủ Nhật thế nào cũng tóm được một vài trự DUI. Và vì thế nên phần nhiều chủ đem rượu về, nhiều chai chưa mở, có thể đem trả lấy lại tiền refund.
Tôi dò hỏi thì được cho biết là một “thồi” hạng sang giá khoảng 500 đô kể cả thuế và tiền típ. Rượu vang thì khoảng 10 đô. Remy Martin/Courvoisier/Martell VSOP khoảng 35 đô một chai.
Nếu tính như vậy thì cô dâu chú rể (Việt) tốn mất 55 đô để đãi một người khách đi dự đám cưới của mình. Một cặp vợ chồng già ăn lương hưu hay SSI “đi” 200 đô thì hai cô cậu bác sĩ cháu ngoại của ông bạn già tôi sẽ “lời” 90 đô. Nếu 200 người khách đều “đi” đúng điệu, theo giá thị trường - 100 đô một người - thì hai cô cậu bác sĩ, nhân tiện trong một chuyến Tây du từ Boston về thăm ông ngoại, còn ẵm về ít nhất là 18000 đô để làm down payment cho chiếc BMW 710 i đời 2013. Free Chinese banquet. Quần áo cưới đã có sẵn. Chỉ tốn có hai cái vé máy bay khứ hồi.
Ông ngoại cháu được mời lên sân khấu để cô dâu ỏn ẻn, âu yếm thỏ thẻ: “Sugar GranddaddyYou are so good to us!!!”. 
Mặt ông tươi như hoa!
The Americans chuckle: Clever!!!
Người Việt ta tặc lưỡi một cái rồi nói: Khôn!!!
 
Trở lại chuyện đám maCách đây mấy năm khi mẹ tôi chết, tôi không báo cho ai biết vì tôi cho đó là cái tang riêng của tôi, của các em tôi, của bố tôi. Tôi không báo cho bạn bè vì tôi không muốn làm phiền họ, làm họ bận tâm. Được báo mà không đi thì kỳ, mà đi thì xa xôi diệu vợi, nắng nôi, chẳng có gì vui. Những người còn đi “cầy” thì lại phải nghỉ mấy tiếng ở sở làm, bị trừ lương.
        Khi tôi nghe lời trách, “sao bác mất mà không cho tôi biết”, bề ngoài thì tôi cũng phải giả vờ xin lỗi nhưng bên trong thì tôi không trách mình, cũng chẳng trách người. Theo tôi thì, “xin chia buồn cùng anh”, cũng là đủ rồi.
       Và vì chưa bao giờ tô son điểm phấn để tiếp bạn bè lúc còn sống nên tôi quyết định là sẽ không tô son điểm phấn để tiếp bạn bè lúc chết. Tôi dặn vợ là lúc chuyện xẩy ra, cho gia đình biết tin, rồi đưa thẳng vào lò thiêu.
        Một thời gian ngắn sau đó, bỏ ra độ 100 đô đăng một cáo phó nho nhỏ báo cho mọi người biết sự việc và xin thân bằng quyến thuộc một lời cầu nguyện cho người đã chết.
        Tôi bảo đảm với các bạn là các bạn, những người đang đọc những giòng này và đã biết tôi lúc còn sống, khi thấy tờ cáo phó có tên tôi với hàng chữ đậm sẽ thở một hơi dài nhẹ nhõm - tuy trong lòng cũng có một chút ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm xưa - rồi quay trở lại cuộc sống hàng ngày, không hề mảy may tiếc nuối là không được nhìn thấy tôi đầy phấn son nằm trong quan tài một lần chót.
 I guarantee it!!!

Tác giả bài viết: thotho vu

Nguồn tin: Xã / Phiếm luận – Luân Tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập129
  • Hôm nay18,676
  • Tháng hiện tại240,725
  • Tổng lượt truy cập35,507,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây