Nhiều bệnh viện tư “chết” lâm sàng.

Thứ bảy - 06/05/2017 10:32

Nhiều bệnh viện tư “chết” lâm sàng.

TP - Sau hơn hai năm hoạt động, ngày 26/4, Bệnh viện quốc tế Ipak ở quận 2 chính thức đóng cửa. Trước đó tại TPHCM, hàng loạt bệnh viện tư khác cũng lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, rao bán hoặc cầm cự sống lay lắt qua ngày...

Nhiều bệnh viện tư “chết” lâm sàng
Được đầu tư gần 2.500 tỷ đồng nhưng sau hơn 2 năm hoạt động, bệnh viện tư nhân Ipak ở quận 2 phải đóng cửa vì... hết tiền. Ảnh: L.N.
 
Sống không bằng chết
Một tuần trước, ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện quốc tế Ipak bất ngờ tuyên bố ngày 28/4 này sẽ đóng cửa bệnh viện đồng thời yêu cầu các khoa phòng nơi đây “ngưng tiếp nhận bệnh nhân”. Là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam được chuyển đổi công năng từ 5 bock chung cư cao cấp sang mô hình bệnh viện với vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, Bệnh viện quốc tế Ipak được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện quận 2, 9, Thủ Đức và đón bệnh nhân từ Đồng Nai sang. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động, nay lãnh đạo nơi đây tuyên bố bệnh viện chính thức “chết lâm sàng”. Hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện tá hỏa vì đến thời điểm này họ vẫn chưa được nhận lương tháng 2-3/2017.
Bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện quốc tế Ipak thừa nhận việc đóng cửa bệnh viện là do không đảm bảo được tiềm lực tài chính. “Có hai tập đoàn được mời vào đầu tư tiếp nhưng mọi chuyện diễn ra không như mong đợi”- ông cho biết và nói thêm: Hiện bệnh viện đang gánh khoản lỗ là hơn 60 tỷ đồng. Ngay khi đóng cửa, nơi đây đã làm việc với bảo hiểm y tế quận 2 để chuyển 4.000 người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nơi đây về cho các bệnh viện khác. Trong khi đó, 50% cán bộ nhân viên vẫn chưa xin được việc làm mới.
Được xây dựng 72 tầng trên tổng diện tích 9.800 m2, sau 6 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện tư nhân Phú Thọ ở đường Độc Lập, quận Tân Phú cũng ngưng hoạt động mấy năm nay. Không có khả năng thanh toán lương thưởng cho nhân viên, số tiền lãi mẹ lãi con huy động từ các cổ đông bên ngoài để xây dựng bệnh viện lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng không được giải quyết khiến “bà chủ” của bệnh viện này... bỏ của chạy lấy người.
Mới đây, bệnh viện này đã được rao bán với giá khởi điểm 390 tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chưa có một doanh nghiệp nào “hỏi thăm”. “Mua để đầu tư bất động sản thì giá quá cao, còn đầu tư bệnh viện thì không thể thu hút bệnh nhân được” - một doanh nghiệp bất động sản nói khi hỏi về ý định mua lại bệnh viện này. Một bác sĩ từng được thuê làm phó giám đốc điều hành bệnh viện này tiết lộ, bệnh viện đầu tư gần cả nghìn tỷ đồng, máy móc thiết bị hiện đại nhưng bệnh nhân đến khám lèo tèo.
Lý giải về nguyên nhân, vị bác sĩ này cho rằng, do mấy năm trước, bệnh viện tư chưa được tham gia vào khám bảo hiểm y tế khiến người bệnh thực hiện các dịch vụ y tế kỹ thuật cao phải chi trả giá cao. “Không được bảo hiểm “chia sẻ” một phần viện phí, người dân dần xa lánh bệnh viện tư”- bác sỹ này bộc bạch.
Không bị đóng cửa nhưng nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh ở quận Gò Vấp cũng hoạt động lay lắt. Lượng bệnh nhân ít ỏi, cộng với đội ngũ bác sĩ giỏi lần lượt ra đi khiến cho nơi đây không còn là một “bệnh viện - khách sạn” 5 sao như nó vốn được gắn mác trước đó. Những năm mới ra đời, với mức lương 50 -100 triệu đồng/tháng, hàng loạt bác sĩ giỏi ở bệnh viện được chiêu mộ về đây. Thế nhưng sau một vài năm hoạt động ban đầu, lần lượt bệnh nhân ra đi vì chi phí điều trị quá cao, trong khi bảo hiểm y tế dù có thanh toán một phần vẫn đắt đỏ hơn các bệnh viện công ở cùng khu vực.
Cùng cảnh ngộ là Bệnh viện quốc tế City ở quận Bình Tân. Đi vào hoạt động đầu năm 2014 với vốn đầu tư 80 triệu USD theo chuẩn Singapore. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm ngoái, bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, sở hữu bệnh viện này thông báo với đoàn làm việc gồm ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TPHCM và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng, mỗi tháng nơi đây phải bù lỗ 1 triệu USD để vận hành bệnh viện.
Bà Lâm nói dù được đầu tư đạt chuẩn 5 sao, đội ngũ bác sĩ giỏi với máy móc hiện đại nhưng khi đi vào hoạt động vẫn thua lỗ. Người đứng đầu tập đoàn Hoa Lâm mong muốn được UBND TPHCM và Bộ Y tế giúp đỡ bệnh viện tiếp cận nguồn vốn để duy trì bệnh viện, đồng thời xin có cơ chế hợp tác với bệnh viện công...
Được đầu tư gần 2.500 tỷ đồng nhưng sau hơn 2 năm hoạt động, Bệnh viện tư nhân Ipak ở quận 2 phải đóng cửa vì... hết tiền. Ảnh: L.N.
 
BV công “xã hội hóa” tràn lan
Trong khi bệnh viện tư ngắc ngoải thì hệ thống bệnh viện công lại “ăn nên làm ra”. “Xã hội hóa” đang diễn ra tràn lan trong bệnh viện công bằng hình thức cho tư nhân, các công ty vào đặt máy móc, thiết bị chụp chiếu... để “ăn - chia” khiến cho nơi đây cũng dần trở thành bệnh viện tư dưới vỏ bọc bệnh viện công. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM từng cảnh báo “đã xuất hiện tình trạng không công bằng giữa công- tư hiện nay”. Lấy dẫn chứng để cho thấy, các bệnh viện công hiện đã cho bác sĩ dùng cơ sở vật chất có sẵn của nhà nước để “khám dịch vụ”, “mổ dịch vụ”, “chụp chiếu, xét nghiệm dịch vụ” hay “phòng dịch vụ”... thu tiền của bệnh nhân mức cao hơn cả ở bệnh viện tư. 
“Việc làm này vô tình phân hoá, tạo bất công trong y tế, trong người bệnh” - PGS Hoài Nam nói. Tuy nhiên, nhiều giải pháp và kiến nghị của ông và cả Hiệp hội bệnh viện tư đến nay vẫn chưa được lắng nghe một cách thấu đáo.
Dù các chuyên gia y tế nhìn nhận công cuộc xã hội hóa này giúp người hưởng lợi đầu tiên là bệnh nhân nhưng thực tế, người bệnh đang trở thành miếng mồi ngon cho hàng loạt kiểu kinh doanh dịch vụ trong bệnh viện công hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tuấn, 61 tuổi, một cán bộ về hưu ở quận 7 nói, ông cảm thấy “tủi thân” khi đi khám bảo hiểm y tế ở bệnh viện công. “Khám bảo hiểm chờ đợi từ sáng đến trưa mới được gọi tên, khám qua loa. Trong khi đó, những người có tiền, đi khám dịch vụ, khám VIP được nhân viên y tế dẫn đi và chăm sóc chu đáo. Các khâu từ khám đến xét nghiệm, chụp chiếu diễn ra rất nhanh khiến mình thấy phân biệt quá” - ông Tuấn nói.
Từng công tác ở bệnh viện công ở quận 5, nhưng mới đây bác sĩ Lê Văn Toàn đã xin nghỉ về mở phòng khám tư nhân. Nói về nở rộ xã hội hoá trong bệnh viện, bác sĩ Toàn thừa nhận mấy năm trở lại đây đang xuất hiện “hai thế giới khác trong bệnh viện công”. Ông dẫn chứng ở khu khám dịch vụ là “một bệnh viện tư” được đầu tư khang trang, bệnh nhân được phục vụ như “thượng đế”. Còn ở khu khám, điều trị thường là tình cảnh quá tải, bệnh nhân nằm ngồi la liệt, ăn ở hành lang hay ngồi ở gốc cây. “Hai thế giới” này chúng tôi ghi nhận xuất hiện ở hầu như các bệnh viện công  tại TPHCM hiện nay.

Tác giả bài viết: Ngọc Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập189
  • Hôm nay9,506
  • Tháng hiện tại272,668
  • Tổng lượt truy cập35,919,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây