Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 08/07/2016 10:36
Nhiều người gọi họ là osin, còn họ nói nghề của mình là quản gia. Họ không “nổ” bởi nghề đó đã cho họ thu nhập trên dưới chục triệu đồng/tháng và làm cho Tây.
Học 'nghề osin' .... lương chục triệu !!!
Nói là không nổ bởi vì tất cả họ đều thực sự sở hữu bằng tốt nghiệp ngành quản gia của trung tâm dạy nghề.
Học 'nghề osin'
Học xong lớp 12, gia đình quá khó khăn, cô gái Trần Thị Ngọc Hân ở Tây Ninh chia tay giấc mơ giảng đường đại học để lăn vào đời kiếm sống. Không bằng cấp, không nghề ngỗng, Hân đi làm công nhân. Cứ phải tăng ca liên tục tới 2, 3 giờ sáng, mức lương 700.000/tháng cứ đứng yên dẫu đã làm tới năm thứ 3, đời côn
Từ mấy năm trước, Hân đã nghe một nữ tu gần nhà nói về việc học nghề quản gia với công việc nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc nhà cửa... "Chung quy lại thì cũng là osin, mà làm osin thì có gì phải học, đi làm ngay còn chưa muốn", Hân nghĩ thế nên nhiều lần lắc đầu. Nhưng sau một hôm có mâu thuẫn cao độ nơi công xưởng về chế độ làm việc, Hân bấm bụng "Thôi thì cứ thử học nghề quản gia" bởi cô biết có thể xin học bổng hoặc mượn lại học phí khi nào đi làm mới cần trả góp, lại được đảm bảo ra trường có việc làm ngay. Vậy là cô gái 20 khăn gói đến Trung tâm dạy nghề Phước Lộc ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để bắt đầu một năm nội trú học nghề quản gia. Lời dè bỉu của bạn bè: "Con Hân đi học nghề osin" vẫn cứ văng vẳng bên tai, cô gái vẫn không thôi lo lắng về sự lựa chọn của mình.
Sao phải học lắm thế?
Rất mau chóng, Hân không còn giờ để lo lắng, bởi cô phải lao vào học bao nhiêu điều lạ lẫm: quản lý chi tiêu, quản lý cảm xúc, giá trị của lòng trung thực, thiết đặt và lên kế hoạch thực hiện ước mơ, lượng giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, văn hóa các nước, rồi thì cắm hoa, sử dụng các máy móc gia dụng hiện đại, cách nấu món ăn 3 miền, nấu món Tây, món Nhật, học tiếng Anh...
Lễ ra trường của các học viên quản gia tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc PXH
Đời sống nội trú khiến cô lúc nào cũng phải "vào khuôn": mọi sinh hoạt đều phải đúng giờ, phải dọn bàn ăn "đúng bài", phải xếp giường đúng kiểu như khách sạn, phải luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn học... Rồi thì các buổi đi thực tập ở nhà gia chủ, ở khách sạn, ở các bếp ăn phục vụ đông người... Mọi thứ khá căng thẳng và quá tải cho một cô gái vùng quê xưa nay chỉ quen làm mọi thứ theo ý thích. Điều cô nghi ngại vào lúc này là tại sao phải học lắm thế?
Tiền công ngoài giờ 1 triệu đồng
Một năm trôi qua trong chớp mắt, lễ tốt nghiệp đã đến. Ngay lập tức, Hân được giới thiệu làm việc cho một gia đình người Anh, sau đó là người Canada và hiện nay là gia đình người Úc ở TP.HCM. Những bài học tưởng chừng xa vời ngày nào ở Phước Lộc nay bỗng được "hiện thực hóa" mỗi ngày: cách cô ghi chi tiêu rõ ràng khiến gia chủ tin tưởng, việc cô hiểu biết về văn hóa phương Tây khiến họ hài lòng, cách nấu các món Âu thành thạo khiến họ vui vẻ tăng lương cho cô... Mức lương của Hân hiện nay là 380 USD/tháng (khoảng 8.500.000 đồng), thêm 1.800.000 đồng trợ cấp. Số tiền nợ học phí ngày xưa được thanh toán hết veo chỉ sau chưa đầy một năm Hân ra trường.
Cách Hân nấu ăn thành thạo các món Âu khiến gia chủ vui vẻ tăng lương cho cô. PXH
Theo hợp đồng lao động mà đơn vị giúp đỡ Hân - phòng xã hội của dòng tu Nữ tử bác ái Vinh Sơn- giúp cô ký kết với các gia chủ, Hân chỉ làm việc trong khoảng thời gian quy định: từ 8 - 10 giờ/ngày, 5 ngày/tuần. Điều này giúp Hân có thời gian học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ và sinh hoạt đều đặn tại Câu lạc bộ quản gia (trực thuộc phòng xã hội) để khi thì học thêm một món ăn nước ngoài mới, khi thì cập nhật những sản phẩm vệ sinh nhà cửa mới... và quan trọng hơn, đó là nơi để cô chia sẻ với các đồng nghiệp các vui buồn trong nghề, cùng hỗ trợ nhau giải quyết các vướng mắc. Đó cũng là nơi giúp các quản gia thương lượng với gia chủ khi có căng thẳng quá mức nảy sinh. "Ngoài giờ làm việc, em có quyền đi ra ngoài hoặc ở trong phòng riêng, gia chủ không bao giờ làm phiền trừ khi có chuyện khẩn cấp", Hân kể. Còn nếu làm thêm giờ, chủ nhà luôn trả tiền ngoài giờ. Những khi gia chủ đi công tác, về nước trúng dịp cuối tuần, Hân được nhờ giữ nhà với tiền công làm thêm rất cao so với các đồng nghiệp: 1 triệu đồng/ngày.
Tâm sự của các "osin 5 sao"
Họ là những học viên, quản gia đang làm việc hoặc quản gia đã chuyển nghề. Hãy nghe họ nói về nghề mà không ít người gọi là "osin": "Học xong lớp 12, không có tiền học đại học, xã hội phức tạp quá, mà em còn non nớt - đó là lý do em chọn học ngành quản gia. Cũng có lúc em mặc cảm khi nghe người khác bảo em đang học "nghề osin" nhưng ở Phước Lộc, em được dạy phẩm giá của con người không được quyết định bởi công việc họ làm. Và em tin vào điều đó" - Học viên Hồ Thị Vân.
Các học viên quản gia trong giờ thực tập nấu ăn PHX
"Nhờ được học và sau đó hành nghề quản gia, em đã có thể vừa gởi tiền phụ giúp gia đình ở quê vừa trang trải chi phí ôn thi đại học. Sự tự tin, chủ động mà em đã học được ở Phước Lộc tiếp tục giúp em kiếm tiền suốt quãng đời sinh viên. Chỉ còn 2 tháng nữa thôi, em sẽ tốt nghiệp Đại học sư phạm và trở thành cô giáo tiểu học. Đây là ước mơ lớn nhất cuộc đời em. Nghề quản gia đã lật đời em sang trang mới" - Trương Thị Hiền "Đây là Huệ, người giúp đỡ của tôi. Tôi rất quý cô ấy" - mỗi lần có khách đến nhà, gia chủ của em đều từng giới thiệu như thế. Em vui quá đỗi vì được giúp đỡ gia đình ông ấy, một nhà ngoại giao ở TP.HCM" - Trần Thị Huệ. "Trước đây em nghĩ không ai cần mình. Từ ngày học về tầm quan trọng của sự giúp đỡ người khác ở Phước Lộc, sau này cùng các sơ đi thăm người nghèo, bệnh nhân ung thư, nhìn thấy họ vui, em hạnh phúc lắm. Em thấy bản thân mình có giá trị" - Trần Thị Ngọc Hân