Phụ nữ đừng biến đàn ông thành những kẻ lười biếng, vô tâm

Thứ bảy - 02/04/2016 06:06

Phụ nữ đừng biến đàn ông thành những kẻ lười biếng, vô tâm

Thấy tôi đến, chồng và đứa con trai 6 tuổi của bạn tôi ngưng lướt iPad, quay vô nói vợ lên ăn cơm. Khi ấy, Thư – bạn tôi đang đầu tắt mặt tối chưa xong, hình như còn món nướng nữa. Đứa con gái 8 tuổi cũng tất bật phụ mẹ rửa rau, xếp lên đĩa. Bên cạnh đó còn món lẩu vẫn đang sôi dang dở. Tôi phụ một tay mang số thức ăn ấy lên. Lúc đó chồng và con trai Thư mới chịu buông hẳn iPad.

Quan niệm “đàn ông chỉ nên làm việc lớn”

 

Dù đã yên vị trên bàn ăn, nhưng do Thư làm món nướng nên thiếu nhiều thứ, nhất là gia vị nên cứ phải chạy lên chạy xuống đến rã chân, khi thì chai nước tương, tương ớt, cái chén nhỏ, trái ớt… Một mình Thư chạy tất bật theo chỉ đạo của chồng Thư. Còn anh ta chỉ ngồi im một chỗ quan sát xem thiếu thứ gì để ra lệnh cho Thư. Anh chồng lại người gốc Huế, ăn uống đậm gia vị và nhất là phải đúng kiểu chứ không qua loa, đại khái như người miền Tây là Thư. Nhìn bạn mồ hôi nhễ nhại thấy mà thương.

Ăn xong, trong lúc rửa chén, tôi nói với Thư sao không nói ông xã rửa phụ. Thư hồn nhiên cười nắc nẻ, bảo chưa bao giờ ông xã rửa chén. Tôi nói Thư phải biết san sẻ công việc với nhau chứ, Thư đã nấu nướng vất vả còn gì. Thư nói đó là việc của đàn bà, đàn ông họ làm việc lớn.

Quan niệm đó của Thư áp đặt luôn cho đứa con gái lớn. Trong lúc em trai ăn uống xong, ngồi chơi game thì nó phải đi lấy quần áo sẵn để em thay đồ chuẩn bị gia đình đi uống cà phê. Đứa con gái 8 tuổi của Thư đã ra dáng một chị hai, làm mà chẳng phàn nàn, bì tị gì, nhưng tôi nghĩ đến cảnh sau này nó cũng tất bật với chồng con cả đờinhư mẹ nó thì thấy thương.

Cùng lúc đó, Thư cũng tất bật đi ủi bộ đồ cho chồng, mang sẵn vào nhà tắm… Nhìn mà tức… ứa gan. Thì ra Thư đã quen chăm chồng và con trai kiểu đó. Chồng đi làm về là có sẵn cơm canh, trái cây tráng miệng. Chỉ cần ăn uống xong là lên phòng khách ngồi xem ti vi hoặc chơi game. Việc nhà một tay Thư lo. Thư nói giờ mà có hỏi mấy thứ lặt vặt như cái chổi, gạo, nước tương hay thậm chí là máy giặt để ở góc nào thì anh ấy cũng chịu, không thể biết được.

Yêu thương không có nghĩa là chiều chuộng

Tôi chơi với Thư từ thời đại học, khi ấy chỉ thấy nó đảm đang và siêng năng nhất trong nhóm chứ không nghĩ nó lại… dại dột như bây giờ. Tôi chỉ ra cho Thư biết rằng cô ấy đã ôm đồm quá nhiều và vô tình biến những người đàn ông trong gia đình thành kẻ lười biếng, vô tâm. Thư ngang bướng nói rằng mỗi người có mỗi cách sống, với Thư, Thư làm bằng sự yêu thương nên không thấy mệt mỏi và cũng chẳng việc gì phải thay đổi.

Rồi một ngày Thư lăn ra bệnh phải nhập viện. Mọi trật tự trong căn nhà rối tung lên khi không có bàn tay Thư. Đúng như Thư nói, ông xã nhà Thư thậm chí không biết gạo để đâu thì nói gì đến việc nấu cơm cho con ăn.

Giờ Thư bệnh, ông xã Thư vừa phải lo việc ở công ty, về nhà đưa đón con, lại còn phải vào viện chăm sóc vợ. Lúc đó mới thấy sự quan trọng của Thư, nhận ra núi công việc mà Thư làm cho cha con anh mỗi ngày, tưởng là đơn giản chẳng đáng gì nhưng thực tế nó quá nhiều, nhất là với những kẻ chỉ biết đi làm về ngồi vào bàn ăn như anh.

Thư nằm một chỗ mà nào yên thân. Phải chỉ đạo từ xa cho chồng, nhắc nhở con ăn uống, đi học đúng giờ… Thư sốt ruột chỉ mong khỏe sớm để về nhà. Lần này Thư mới nhận ra mình không nên ôm đồm quá nhiều như vậy, phần vì giữ sức khỏe cho mình, phần nữa là để mọi thành viên có thể tự lo cho bản thân một cách tốt nhất khi không có Thư. Những ngày nằm ở bệnh viện, Thư soạn sẵn kế hoạch để về nhà sẽ áp dụng cho chồng và con trai.

 


Tác giả bài viết: Hà Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay7,562
  • Tháng hiện tại71,656
  • Tổng lượt truy cập35,718,001
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây