Chuyện Khủng Bố.

Thứ bảy - 02/04/2016 09:31

Chuyện Khủng Bố.

...Mỹ dư khả năng giết ISIS từ trứng nước, nhưng TT Obama đã không làm... Cuộc tấn công khủng bố tại Brussels vừa qua đã xác nhận mối đe dọa lớn nhất cho cả thế giới hiện nay là khủng bố của Hồi giáo cuồng tín, chủ trương giết càng nhiều người vô tội càng tốt, trong mục tiêu chẳng ai hiểu rõ là gì, ngoài giấc mộng mù mờ tái lập đế chế Hồi của thời Trung Cổ, muốn mang cả nhân loại lui lại vài thế kỷ. Cái đau đầu lớn nhất của các vị lãnh đạo thế giới là chẳng ai biết mấy tên khủng bố thực sự muốn gì? Mục tiêu tối hậu là gì? Thành ra các chính quyền từ Trung Đông qua đến Âu Mỹ đều rõ ràng là lớ ngớ không biết phải đối phó như thế nào.

29/03/2016

 

 
Kẻ viết này cũng bạo gan lạm bàn vấn đề to lớn này vì đó là vấn đề sinh tử của nhân loại hiện nay. Chui đầu dưới cát để phủ nhận mối nguy cơ này chỉ là cách hữu hiệu để... chết mà không biết mình chết như thế nào và tại sao.
 
Khối Hồi giáo cuồng tín và các nhóm ủng hộ họ đã đưa ra hình ảnh một tôn giáo và một văn hoá bị các đế quốc Thiên Chúa giáo da trắng truy diệt từ cả ngàn năm nay, bắt buộc họ phải tự vệ để sinh tồn, hay chỉ để trả thù.
 
Đại để thì theo lập luận của những chuyên gia thiên về phiá Hồi, thì cuộc chiến hiện nay đã bắt đầu từ thời Thập Tự Chinh khi các đế quốc Âu Châu theo Thiên Chúa giáo nghe lệnh của các Giáo Hoàng La Mã đi chinh phạt và chiếm các đế quốc Hồi thời Trung Cổ, từ năm 1100 tới khoảng 1300. Các đạo quân Thập Tự Chinh theo lập luận này là những đạo quân tàn ác nhất lịch sử nhân loại đã giết dân Hồi bằng những phương thức tàn độc nhất như thiêu sống, chôn sống, hành hình bằng những dụng cụ kinh hồn nhất, v.v…
 
Lập luận này có vẻ một chiều, do những người có cảm tình với khối Hồi giáo phổ biến và một số người không chịu tìm hiểu kỹ, góp nhặt rồi lập lại thôi.
 
Trước hết không thể nói tự nhiên các Giáo Hoàng lại kêu gọi và các vương quốc Âu Châu vác quân qua tuốt bên kia Điạ Trung Hải đánh quân Hồi. Phải nói cho ngay Thập Tự Chinh khai mào như một cuộc chiến tự vệ của các đế quốc Âu Châu theo Thiên Chúa giáo.
 
Trong suốt thời gian hơn 500 năm từ thời Tiên Tri Mohamed, Hồi giáo không ngừng bành trướng, xuất phát từ một tỉnh nhỏ giữa sa mạc Ả Rập Saudi, để trở thành một đại đế quốc trải dài từ biên giới Ấn Độ phiá đông cho tới Maroc trên bờ biển Đại Tây Dương phía Tây. Phía nam, xóa bỏ hẳn văn minh Ai Cập đã có từ mấy ngàn năm trước, và phía bắc, đô hộ luôn cả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha của Âu Châu cả mấy trăm năm.
 
Thập Tự Chinh bắt đầu khi đế quốc Hồi đe dọa chiếm đế quốc Byzantin, tức là đế quốc La Mã phía đông, từ Hy Lạp qua Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, có quan hệ “máu mủ” với đế quốc La Mã phía tây tại Roma. Byzantin cầu cứu La Mã, khoảng năm 1100, đưa đến Thập Tự Chinh. Một lý do nữa là Thiên Chúa giáo cần bảo vệ vùng thánh địa của họ tại vùng của Do Thái ngày nay, nơi mà Hồi giáo đã chiếm trọn vẹn và đang tru diệt dân Do Thái cũng như dân Thiên Chúa giáo. Nói cách khác, Thập Tự Chinh là một cuộc chiến tự vệ hơn là một cuộc chiến xâm lăng như các tài liệu thân Hồi phổ biến.
 
Dù sao thì lập luận cuộc chiến của khủng bố thế kỷ thứ 21 này là hậu quả của Thập Tự Chinh, một cách Hồi giáo trả thù Thiên Chúa giáo nghe quá gượng ép, đi quá xa. Thập Tự Chinh xẩy ra cách đây cả ngàn năm rồi.
 
Nếu nói lý do sâu xa thì phải nói ngay cuộc chiến này nằm trọn vẹn trong chủ trương bành trướng của chính tôn giáo Hồi.
 
Các đế quốc Hồi giáo, từ thời Tiên Tri Mohamed, đến các thời đại kế tiếp Rashidun, Umayyad, rồi sau này Ottoman,… đều bành trướng bằng chiến tranh xâm lăng, tàn sát tất cả những kẻ ngoại đạo, chứ không phải bằng truyền bá bất bạo động trong khuôn khổ tôn giáo thuần túy như Phật giáo chẳng hạn. Hồi giáo không có phân chia đạo và đời, do đó là một tôn giáo nhưng đồng thời cũng là một thế lực đế quốc, một chế độ chính trị, và một lực lượng quân sự đi chinh phạt thế giới.
 
Sự bành trướng qua chiến tranh xâm lăng đó chẳng phải chỉ nhằm lấn qua vùng đất ngoại đạo, mà ngay cả chính trong khối Hồi giáo luôn.
 
Tiên Tri Mohamed qua đời bất đắc kỳ tử, không để lại di chiếu, cũng không ghi gì rõ ràng trong kinh Koran mà chính ông viết ra, do đó, sau cái chết của ông, nổ bùng ra cuộc tranh chấp sinh tử về việc kế nghiệp. Một khuynh hướng chủ trương kế nghiệp theo hình thức tương đối dân chủ là thiết lập chế độ quản trị tập thể, dưới một “hội đồng”, rồi hội đồng đó bầu ra một “giáo chủ”. Đó là phe Sunni, cũng là phe đại đa số, đang có ảnh hưởng lớn tại Ả Rập Saudi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, và phần lớn các nước Hồi giáo. Các tổ chức khủng bố Al Qaeda và IS cũng đều thuộc phe Sunni này. Một khuynh hướng khác thì tôn vinh các con cháu, có quan hệ huyết thống với Tiên Tri Mohamed lên làm lãnh đạo. Đó là phe Shia, hay Shiite, nắm đa số tại Iran, Iraq và Syria (đại đa số dân Syria theo Sunni nhưng gia đình nhà độc tài Assad lại theo Shiite, đó là lý do chính của cuộc nội chiến Syria đã kéo dài cả chục năm nay. Iraq trước đây cũng trong tình trạng ngược ngạo này, đại đa số dân theo Shiite, nhưng Saddam Hussein lại là Sunni).
 
Ngay sau khi Tiên Tri Mohamed qua đời, cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã bắt đầu liền, kéo dài cho đến ngày nay. Cho dù cùng đạo và thờ cùng một Tiên Tri, nhưng hai bên tàn sát nhau thẳng tay, cả triệu người đã bị giết trong các cuộc chiến này. Họ giết lẫn nhau tàn bạo không thua gì quân Thập Tự Chinh giết họ.
 
Thực tế, bất chấp tất cả mọi lập luận “phải đạo chính trị” thời thượng hiện nay, Hồi giáo chưa bao giờ là một tôn giáo tôn vinh “hoà bình” hay “nhân ái” gì hết. Nếu Hồi giáo có kêu gọi hòa bình thì cũng chỉ là hòa bình trong vùng mình kiểm soát thôi, chưa bao giờ kêu gọi hoà bình, sống chung với các đế quốc chính trị hay tôn giáo khác. Không có tôn giáo nào chủ trương giết người ngoại đạo công khai như Hồi giáo.
 
Ở đây, trước khi trách cứ Tiên Tri Mohamed, ta phải coi lại bối cảnh lịch sử. Như đã trình bầy phần trên, Hồi giáo bành trướng và sống còn bằng võ lực, đi chiếm đất và giết dân xứ khác. Tóm lại, nói Hồi giáo là một tôn giáo ôn hòa, “yêu chuộng hoà bình” là không phản ánh sự thật chút nào. Muốn đối phó với khủng bố Hồi giáo, phải hiểu đó là một tôn giáo cực kỳ khắt khe và sẵn sàng dùng bạo lực hơn bất cứ tôn giáo nào khác.
 
Một lý do gần hơn là mối hận của dân Hồi bị dân Thiên Chúa giáo da trắng đô hộ trong những thế kỷ 18-19. Toàn thể thế giới Hồi từ Pakistan qua Maroc bị lọt vào vòng thuộc điạ của các đế quốc Âu Châu thời đó. Không là thuộc địa của Anh thì cũng của Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan,... Các đế quốc thực dân này dĩ nhiên chẳng coi đạo Hồi là gì, tìm đủ cách đàn áp một cách tàn bạo nhất. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả các thuộc địa đều được trao trả độc lập, nhưng nỗi hận không giảm bao nhiêu khi giới lãnh đạo bản xứ bị coi như “đám tay sai” của ngoại bang để lại, không tàn ác thì cũng độc tài, chiếm đoạt tài nguyên –dầu hỏa- của cả nước làm tài sản riêng của hoàng tộc, mặc cho dân chết đói.
 
Từ đó, ta hiểu tại sao các nhóm khủng bố chủ trương đánh luôn cả các chính quyền Hồi giáo bản xứ hiện nay.
 
Lý do gần hơn nữa là việc thành lập quốc gia Do Thái, qua một quyết định của các cường quốc Âu Mỹ, cắt một phần lãnh thổ Palestine khi đó là thuộc địa Anh. Đối với dân Hồi giáo Ả Rập, đây không khác gì chuyện cài cây kim vào giữa mắt họ, nhất là khi vùng đất này cũng là thánh địa của đạo Hồi. Ngay sau đó, đã xẩy ra chiến tranh liên miên giữa Do Thái và khối Ả Rập chung quanh. Nhưng qua bao nhiêu cuộc chiến, khối Ả Rập đều thua liểng xiểng. Đưa đến việc áp dụng chiến thuật khủng bố.
 
Khối Ả Rập áp dụng sách lược khủng bố trong thập niên 60-70, cướp tàu bay, chiếm tàu hàng, giết cả các thể tháo gia Do Thái tại Thế Vận Hội Munich năm 1972,… nhưng rồi cuối cùng cũng thất bại. Thế giới yên tĩnh một thời gian tuy chiến tranh cục bộ vẫn chưa bao giờ ngừng giữa Do Thái và các lực lượng Palestine.
 
Bước qua một cuộc chiến mới: Liên Xô chiếm Afghanistan. Bất ngờ, Mỹ thành đồng minh của khối Hồi giáo khi các TT Carter và Reagan tích cực giúp lực lượng kháng chiến Hồi giáo Mujahedeen chống Hồng Quân Nga.
 
Quan hệ Âu Mỹ với khối Hồi giáo được cải thiện phần nào, nhất là khi TT Carter làm trung gian giúp tạo hòa bình giữa Do Thái và các nước Ả Rập bao quanh. Nhưng cái giá phải trả là TT Anwar Sadat của Ai Cập bị Hồi giáo cực đoan ám sát chết. Có nghĩa là tuy các chính quyền Trung Đông thân thiện hơn với Mỹ đổi lấy cả tỷ viện trợ kinh tế và quân sự, thì vẫn có một khối Ả Rập Hồi giáo cực đoan không chấp nhận sự tồn tại của Do Thái qua cuống nhau với Mỹ.
 
Đi đến cuộc chiến Kuweit. Saddam Hussein lên cơn khùng, mang quân qua thôn tính Kuwait, nhưng bị cả thế giới chống lại. Một liên minh cả trăm nước, dẫn đầu bởi TT Bush cha, mau mắn đánh bật Saddam khỏi Kuwait. Nhưng trong cuộc chiến này, quân Mỹ đã phải mượn lãnh thổ Ả Rập Saudi là thánh địa bất khả xâm phạm của Hồi giáo để đóng quân tạm. Mỹ lập căn cứ quân sự, phi trường, bến tàu,... đóng quân tại đây. Và tiêu biểu cho cách cư xử của một đại cường cao bồi, nếu không muốn nói là đại đế quốc, Mỹ đã vi phạm nhiều luật lệ tối kỵ trên thánh địa Hồi như nhập cảng bia rượu, lính Mỹ uống say bí tỷ ra đường phá làng phá xóm, nữ quân nhân Mỹ lái xe (!) khắp phố, mặc bikini phơi nắng,... Đa số dân Hồi bị sốc nặng.
 
Gây bất mãn cho một ông tỷ phú Ả Rập có tên là Osama Bin Laden!
 
Phần tiếp theo là... lịch sử cận đại chúng ta đã biết hết rồi.
 
Dẫn đến... IS. IS là hậu thân của Al Qaeda, chi nhánh Iraq, do Anwar al Awlaki thành lập với các nhóm cựu quân nhân Baath của Saddam khoảng 2007-08 thời TT Bush. Nhưng nhóm này bị tướng Petraeus đánh tơi tả, và al Awlaki bị đánh bom chết. Lực lượng này tan hàng rã đám, còn lại vài trăm tên. Một giáo sĩ khác tên là Bakr al Baghdadi xuất hiện. Anh này trước đây bị TT Bush bắt giam từ 2004; đến 2006 thì bị giam lỏng tại gia. Năm 2009, TT Obama trả tự do hoàn toàn, anh giáo sĩ này gia nhập ngay tổ chức của al Awlaki. Trong cái nhóm nhỏ xíu này, anh đã leo thang rất nhanh, được bầu làm lãnh tụ năm 2011, kế vị al Awlaki.
 
Anh giáo sĩ này cũng đã mau mắn chứng tỏ khả năng đặc biệt về chính trị, tổ chức và cả quân sự. Đưa đến chiến thắng và sự lớn mạnh mau chóng của IS, chiếm được cả nửa Syria và nửa Iraq trong vòng chưa tới hai năm.
 
Thật ra, Mỹ có dư thừa khả năng giết IS từ trong trứng nước, nhưng TT Obama đã không làm. Ông không muốn làm mạnh chỉ vì bản tính “nhân hậu” đã được giải Nobel Hòa Bình khi vừa nhậm chức, và cũng vì khi đó lo đi vận động bầu cử năm 2012, đã lỡ khoe khủng bố đã bị diệt rồi và IS chỉ là đội bóng rổ trung học, bây giờ há miệng mắc quai, không làm mạnh được. Có người bênh vực TT Obama cho rằng ông “cố tình nuôi cho IS lớn để cầm chân Iran”. Nếu quả thực như vậy thì TT Obama đã làm một sai lầm lịch sử với những hậu quả kinh hoàng như ta đang thấy.
 
Nói về sự lớn mạnh của các nhóm khủng bố nói chung, đã có không biết bao nhiêu là giả thuyết diễn giải, đổ thừa qua lại.
 
Từ những diễn giải về sai lầm chiến lược chính trị và quân sự liên tục, từ khi Clinton từ chối không nhận Bin Laden, khi tên này bị chính quyền Sudan bắt muốn trao cho Mỹ, phản ứng có lệ khi khủng bố Al Qaeda mới ra đời, phá cao ốc World Trade Center, đánh hai toà đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania, rồi đặt bom tàu chiến của Mỹ tại Aden. Qua thời Bush với phản ứng quá cao bồi, khi tung quân đánh cả Afghanistan lẫn Iraq; đến phản ứng ngược cực kỳ yếu đuối của Obama. Cách lý giải này chứng tỏ tất cả sách lược cương hay nhu đều thất bại cả. Thế thì giải pháp ở đâu?
 
Thiên hạ cũng nhìn vào giải thích của Samuel Huntington, về một cuộc chiến mới giữa các nền văn minh khác nhau của nhân loại, sau khi Liên Xô và Đông Âu sập tiệm. Giải thích này cũng chẳng ổn vì không giải thích được sự xung đột tàn khốc và đẫm máu nhất trong chính nội bộ Hồi giáo giữa hai khối Sunni và Shiite. Cũng như giản dị vấn đề quá mức, như gộp văn minh Âu Mỹ làm một, mà không nhìn nhận những hố cách biệt văn hoá vĩ đại, giữa các nước trong khối “phương Tây” từ Mỹ qua đến Pháp, từ Ý qua Thụy Điển,...
 
Đi đến những biện giải của khối cấp tiến tân thời, muốn tìm nguyên nhân của mọi xung đột xã hội qua cuộc chiến giàu nghèo. Giải thích này cũng không chỉnh. Bin Laden là tỷ phú, chẳng nghèo chút nào. Các tay phi công lái máy bay ngày 9/11 đều là trí thức con nhà khá giả.
 
Dân các nước Ả Rập nghèo đói thật, nhưng không phải lỗi của Tây Phương, mà là do các chính quyền bản xứ tạo ra. Các xứ Ả Rập là những nước giàu tài nguyên nhất thế giới, trong khi dân số thì lại thưa thớt nhất. Đáng lý ra dân các xứ này đều phải là triệu phú hết. Nhưng tuyệt đại đa số lại nghèo rớt mùng tơi, trong khi các vua chúa, bà con quý tộc giàu nứt đá đổ vách. Hiện tượng bất công này chẳng dính dáng gì đến các chính sách của các nước Âu Mỹ. Các nhóm khủng bố Hồi giáo nếu bất mãn vì lý do này, thì phải lo nổi dậy lật đổ giai cấp lãnh đạo của họ, chứ không có lý do gì vác súng chạy qua Paris bắn mấy anh dân Tây vô tội.
 
Kẻ viết này chỉ nhìn thấy hình ảnh giản dị của một vài anh khủng bố đầy tham vọng cá nhân, như Osama Bin Laden hay al Baghdadi, muốn làm chúa tể sơn lâm. Họ là những “siêu nhân” có khả năng sách động quần chúng làm những chuyện điên khùng nhất. Không khác gì mấy anh đạo sĩ vớ vẩn đã thuyết phục được cả trăm người chết vì họ, như anh David Koresh tại Waco hay Jim Jones, bắt cả trăm người uống Kool-Aid có thuốc độc cùng chết tại Jonestown năm xưa.
 
Trong cái nhìn giản dị đó, thì giải pháp không thể đến từ phía ngoài khối Hồi giáo. Có một hiện tượng rất rõ ràng ai cũng nhìn thấy: đó là phản ứng rất “yếu” của cả khối hơn một tỷ người Hồi trên thế giới, trước các cuộc tấn công của khủng bố. Lác đác đâu đó cũng có vài tiếng nói lên án, nhưng tuyệt đại đa số im lặng, nếu không muốn nói là ủng hộ hay đồng lõa. Những tên khủng bố bên Âu Châu sống trong các cộng đồng Hồi một cách an toàn, được cả gia đình, bạn bè và hàng xóm bao che đùm bọc. Ngày nào khối một tỷ người Hồi giáo đó còn thụ động, hay bảo vệ các tay khủng bố, thì ngày đó nguy cơ khủng bố Hồi giáo quá khích không thể tận diệt được.
 
Nhìn vào kinh nghiệm gần đây, ta thấy một giải pháp đã chứng tỏ thành công phần nào: đó là sách lược của tướng Petraeus đã áp dụng tại cả Iraq lẫn Afghanistan: vừa đánh về quân sự vừa tấn công về mặt chính trị tâm lý, lấy lòng dân chúng, tìm sự hợp tác cụ thể của họ, một chiến lược có cương lẫn nhu, gọi là rút hết nước cho mấy con cá khủng bố chết cạn.
 
Đáng tiếc là chiến lược đó hiện nay đã bị thay thế bởi một sách lược hoàn toàn khác. Về quân sự thì chỉ lo tháo chạy khỏi vùng Trung Đông cho nhanh, tưởng chừng như rút về nhà đóng cửa là yên thân, mà không nghĩ đến chuyện khủng bố Hồi giáo đuổi theo đến tận nhà. Nhiều người so sánh các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan với cuộc chiến tại VN ngày xưa, nhưng so sánh này hoàn toàn sai. Tại VN, Mỹ tháo chạy, CSVN chiếm được cả miền Nam, chiến tranh chấm dứt, Mỹ thoát nạn. Tại Trung Đông, Mỹ và Tây Âu tháo chạy, IS thắng thế đuổi theo đánh tới Cali và Paris.
 
Về chính trị thì sách lược mới lo vuốt ve, rồi xin lỗi tám phương bốn hướng, đến chui đầu dưới cát, phủ nhận thực thể khủng bố Hồi giáo cuồng tín, cho đến mở cửa đón nhận cả triệu dân Hồi giáo vì nhân đạo, vì đa dạng văn hoá, vì hội nhập hoàn cầu, vì phải đạo chính trị, vì... hy vọng viễn vông.
 
Sách lược đó đã đưa đến những đại họa Paris, San Bernardino, Brussels, và... Donald Trump. Vâng, Trump cũng chính là một hậu quả không ngờ của nạn khủng bố Hồi giáo. Không có khủng bố Hồi giáo, giờ này ông Trump vẫn chỉ đang lo xây sòng bài hay tổ chức thi hoa hậu.
 
Ai biết được sẽ tới đâu nữa? Chỉ biết sách lược hiện hữu đã thất bại hoàn toàn. Lãnh đạo thế giới phải thay đổi cách đối phó thôi. Mở rộng cửa đón nhận dân tỵ nạn Hồi vào là việc làm nhân đạo cần thiết, nhưng khi chưa có biện pháp thanh lọc khủng bố trà trộn vào đám đông, thì chắc chắn đó không phải là giải pháp. (27-03-16)
 
Vũ Linh
 
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Tác giả bài viết: Vũ Linh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Hôm nay16,321
  • Tháng hiện tại237,549
  • Tổng lượt truy cập35,503,830
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây