Tha Thứ

Thứ năm - 11/09/2014 10:41

Tha Thứ

Chúa Giêsu đã dậy các tông đồ và chúng ta một Kinh cầu nguyện rất ngắn, nhưng gói trọn mọi tâm tình. Hằng ngày, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

(Hc 27, 30-28, 9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35)
 
. Trong lời kinh có sự ca ngợi, chúc tụng, cảm tạ, phó thác, xin ơn hồn xác, đền tạ và tuyên hứa. Chúng ta cầu Chúa tha thứ những món nợ tinh thần đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Tha thứ là xóa bỏ. Tha thứ là quên lãng và bỏ qua. Sự tha thứ thuộc lãnh vực tâm linh đi vào căn cốt tận cõi lòng. Tha thứ ngoài môi miệng chỉ là hình thức, bằng mặt chứ không bằng lòng. Phải có đời sống nội tâm mạnh mẽ, chúng ta mới có thể thắng vượt những sự thù ghét oán hận để tha thứ cho nhau. Người đời thường đối xử với nhau một cách gọi là công bằng: Ăn miếng trả miếng hay là mắt đền mắt, răng đền răng. Nếu chúng ta cứ ngồi đó để tính toán hơn thiệt và ác giả ác báo, thì cuộc so tài sẽ không bao giờ chấm dứt.
 
Lời Chúa hôm nay, trích sách Đức Huấn Ca (Sirach). Sách được viết bằng tiếng Hebrew giữa năm 200 và 175 BC. Nguồn gốc sách Sirach, tên tác giả là Jesus, con của Eleazar và con của Sirach. Sách Huấn Ca truyền lại cho chúng ta lẽ sống khôn ngoan và con đường giáo huấn về luân thường đạo lý. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm sống: Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai (Hc 27, 30). Trong cõi lòng của mỗi người đều chất chứa hạt giống tốt và cả hạt giống xấu. Những hạt giống xấu âm ỉ chờ cơ hội là nẩy mầm bộc phát. Những ước muốn tiêu cực phá ngang dễ bị kích động và nổi sóng trong lòng người. Sự giận dữ là một trong những thói xấu cần được kiềm chế. Giận thì dữ, mà dữ như hổ đói mới đáng sợ chứ! Vì khi thinh nộ và giận dữ, chúng ta sẽ mất sự tự chủ. Người ta nói: Giận thì mất khôn. Có khi giận cá chém thớt. Giận người này, lây sang người khác. Nuôi giữ cơn giận trong lòng thì giống như đổ thêm dầu vào lửa. Khi cơn giận được tự do bộc phát, thì việc gì xấu cũng có thể xảy ra.
 
Việc tốt sẽ sinh trái tốt. Tác giả viết: Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha (Hc 28, 2). Cứ tha thứ cho người khác đi, chúng ta sẽ được lợi nhiều phần. Được Thiên Chúa tha thứ và lắng nghe lời cầu. Chúng ta được sự bình an và thảnh thơi trong lòng. Đời sống sẽ tươi vui và đáng mến hơn. Tình người sẽ hài hòa và thông cảm hơn. Tha thứ cho kẻ hại mình sẽ giúp chúng ta trưởng thành và quảng đại hơn. Cuộc sống của chúng ta sẽ an lạc và hạnh phúc hơn. Vì chúng ta đã thắng vượt được chính mình. Người ta nói rằng nhịn thì nhục. Nhịn nhục là chín bỏ làm mười. Không nên chấp lỗi với những kẻ tiểu nhân, tiểu tâm, tà tâm và ác tâm. Để thắng mình, chúng ta cần phải tu luyện nhân đức và có ý chí tự chủ cách kiên quyết. Chúng ta cầu xin ơn sủng của Chúa nâng đỡ khi bị rơi vào cơn cám dỗ trả thù đời. Hãy lấy ân báo oán.
 
Khi xem Phim xã hội, chúng ta sẽ cảm thấy rất hài lòng và thoải mái khi cuốn phim kết có hậu. Người tốt lành sẽ được may mắn thành đạt và kẻ gian ác sẽ chuốc lấy sự thất bại. Trong phim cuộc đời, mọi người phải chờ đến giây phút kết cùng để có câu trả lời cho nguyên lý nhân qủa. Ăn ở hiền lành sẽ có công đức và sống ác sẽ bị ác báo. Trong đoạn phim đời sống, người tốt thường bị hiểu lầm, gian nan khốn khổ và bị vây hãm tư bề. Lý tưởng cuộc sống: Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn (Hc 28, 6). Ở hiền sẽ gặp lành. Hận thù cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Nếu chúng ta luôn mang theo hận và thù, cuộc sống của chúng ta đã bị giới hạn và đóng khung. Chúng ta mất sự tự do để hành xử và bị mây ám phủ che cuộc đời.
 
Chúa Giêsu rất rộng lượng, khi Chúa trả lời cho những thắc mắc về sự tha thứ: Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18, 22). Tha hết, tha bảy mươi lần bảy. Khó thật! Như thế còn có gì để chúng ta bắt bẻ và chỉ trích nhau chứ! Chúa Giêsu giảng và Chúa đã thực hành tất cả. Chúa đã tha thứ trong mọi hoàn cảnh. Chúa tha thứ cho những người báng bổ, tẩy chay, gièm pha, bắt bẻ, xua đuổi, lộng ngôn, gian dối, bắt bớ, đánh đập, phỉ nhổ, khinh mạn và giết Chúa. Trên thập giá, Chúa Giêsu thân thưa với Chúa Cha: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng đã không biết việc chúng làm. Còn gì mà nói nữa! Chúa tha và Chúa xóa sạch nợ nần. Chúa tha thứ trọn vẹn cho những kẻ phản bội Chúa. Đã biết bao lần, Chúa cũng đã tha thứ cho chúng ta qua Bí tích Hòa Giải. Tội của chúng ta chồng chất, chẳng kém gì quân dữ ngày xưa, thế mà Chúa đã tha và xóa tội, lại còn ban dồi dào ân sủng cho chúng ta.
 
Satan phàn nàn với Chúa: Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn đón nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án đời đời. Chúa nói: Đã bao giờ ngươi ăn năn xin tha thứ chưa? Tha thứ để được thứ tha. Chúng ta xin Chúa ban ơn tha thứ không phải một lần mà suốt dọc cuộc đời, có cả ngàn vạn lần. Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Phạm lỗi thì xin lỗi. Để được ơn tha thứ, các hối nhân cũng cần khiêm nhượng nhận biết lỗi lầm của mình. Ở đời, chúng ta xử với nhau: Quá tam ba bận. Ba lần thôi nhá! Nếu cứ lập đi lập lại lỗi lầm, sẽ không có lần tới đâu. Đây là những lời cảnh cáo trong đời sống thường nhật. Có lẽ chúng ta cũng hơi khắt khe với nhau trong việc hành xử ở đời.
 
Câu truyện trong bài phúc âm hôm nay nói về cách hành xử bất công của tên đầy tớ tồi. Hắn đã thẳng tay đòi nợ bạn mình. Trước đó, người đầy tớ này đã được ông chủ tha nợ hoàn toàn, nhưng quay lại đã xử bất công với bạn nợ của mình. Chúa Giêsu đã liệt y vào loại đầy tớ ác độc. Không biết yêu thương và tha thứ cho bạn. Anh ta đối xử với bạn nợ như đối xử với kẻ thù. Cuối cùng, người đầy tớ mất hết cả chì lẫn chài: Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18, 35). Chúa đã tha nợ cho chúng ta cả rồi. Đến lượt chúng ta phải có thái độ nào với tha nhân và anh chị em của chúng ta. Đây không phải là một câu truyện đọc cho vui tai, mà là một thực tế hành đạo. Chúa Giêsu đã mở cánh cửa cứu độ và mời gọi chúng ta bước vào để cùng sống trong tâm tình yêu thương của con cùng một Cha.
 
Sự hòa giải với nhau rất quan trọng trước nhan thánh Chúa. Có lần Chúa Giêsu nhắc nhở: Vậy, nếu khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh chị em đang bất bình với con, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh chị em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5, 23-24). Đi tham dự thánh lễ mà lòng còn cứ hậm hực, thù ghét và oán hờn, của lễ dâng sẽ không đáng được Chúa chấp nhận. Trước thánh lễ trong Kinh Sám Hối, chúng ta cùng xưng thú tội lỗi và xin Chúa thương xót rồi. Chúng ta cũng cần xót thương và tha thứ cho anh chị em chung quanh. Hãy vào nhà Chúa với tâm tình an vui, hoan lạc và thánh thiện. Đừng đến cùng Chúa với khuôn mặt buồn thảm, trái tim khô cằn và thái độ dửng dưng. Chúa cần tấm lòng, chứ không phải hy lễ.
 
Thánh Phaolô kết luận: Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa (Rm 14, 8). Lạy Chúa, chúng con là thụ tạo yếu đuối mỏng dòn. Xin Chúa đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. Xin cho chúng con biết sống cho Chúa và chết cho Chúa qua tư tưởng, lời nói và việc làm ngay trong đời sống hằng ngày.
 

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập274
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm272
  • Hôm nay10,392
  • Tháng hiện tại280,289
  • Tổng lượt truy cập36,334,844
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây