Thánh Giá

Thứ năm - 11/09/2014 10:35

Thánh Giá

Hằng năm vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành long trọng nghi thức Suy Tôn Thánh Giá. Chủ tế nâng cao Thánh Giá và xướng: Đây là cây gỗ giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Cộng Đoàn dân Chúa cùng thưa: Chúng ta hãy đến thờ lạy.

(Ds 21, 4-9; Phil 2, 6-11; Ga 3, 13-17)
 
 Sau đó, mọi người tiến lên hôn kính Thánh Giá. Tùy theo phong tục và truyền thống mỗi địa phương, có nơi tín hữu bái quỳ hôn kính Thánh Giá và có nơi hôn kính tượng Chúa Kitô hay hôn chân Chúa. Xưa vì cây trái cấm, ông bà nguyên tổ đã phạm tội trái lệnh Thiên Chúa, đưa đến sự đau khổ và sự chết, thì nay nhờ cây thập giá, Chúa Kitô đã giao hòa và chuộc lại sự sống cho nhân loại. Cây Thánh giá trở thành giá cứu chuộc và biểu tượng của niềm tin. Nơi đâu có người tín hữu Chúa Kitô, nơi đó có hình bóng Thánh Giá.
 
Xưa kia người Rôma và Do-thái đã áp dụng hình khổ treo thân thập giá những phạm nhân trọng tội. Bị kết án tử hình đóng đinh trên thập giá là một nhục hình. Các tội nhân phải tự mình vác thập giá đến nơi hành hình. Quân sai trói buộc hoặc đóng đinh tay chân của tội nhân vào thập giá rồi dựng lên và để tử tội chết dần chết mòn. Xác chết treo đó cho chim trời súc vật rúc rỉa. Trong Cựu Ước, kể lại câu truyện nhiều người phạm tội kêu trách Chúa và ông Môisen, nên Chúa để rắn bò ra cắn chết nhiều người. Dân chúng kêu van xin Chúa tha phạt: Đức Chúa liền nói với ông Môisen: Người hãy làm một con rắn và treo lên cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống (Ds 21, 8). Thiên Chúa đã hứa với ông Môisen một liều thuốc đức tin thần kỳ. Không phải con rắn làm cho sống, nhưng là nhờ chính lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Những người phạm tội phải ăn năn sám hối và thực hành theo lệnh truyền, sẽ được cứu sống.
 
Con rắn treo trên cột là hình bóng của Đấng Cứu Thế bị treo trên cây thập giá. Nhìn lên rắn đồng bị treo, có thể cứu con người khỏi nọc độc của rắn cắn: Ông Môisen bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 9). Nhiều người đã được cứu sống nhờ nhìn lên con rắn đồng. Chúa Giêsu đã nhắc lại sự kiện con rắn đồng trong sa mạc để nói về Ngài sẽ phải chết cách nào: Như ông Môisen đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy (Ga 3, 14). Giao ước mới, Chính Chúa Giêsu đã tự hiến dâng mình trên thập giá làm lễ đền tội cho muôn dân. Chính Chúa đã vác thập giá lên núi sọ và chịu đóng đinh treo trên thập giá. Chúa Giêsu đã hoàn tất lễ hiến dâng và trút thở trên thập giá. Thánh giá trở nên cây sự sống và là máng chuyển mọi ân sủng. Nếu tin tưởng nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá, chúng ta sẽ nhận lãnh ơn cứu độ và sự sống trường sinh.
Thánh giá gắn liền với đời sống của người Kitô hữu. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu đã được ghi dấu thánh giá trên mình và các nghi thức đều mang hình thánh giá. Làm dấu Thánh giá là tuyên xưng mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh giá là bảo chứng của tình yêu. Thánh giá là nguồn ơn cứu độ. Thánh giá là sự hy sinh, là đau khổ và cũng là sự chiến thắng. Thánh giá là biểu tượng của đức tin. Nhờ cây thánh giá, Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14, 27). Vác thánh giá có nghĩa là vác những khổ đau trong đời đi theo Chúa. Khổ đau chính là sự tử đạo vì tình yêu, yêu Chúa yêu người. Tử đạo vì tình yêu làm cho người ta đau đớn không kém gì chết vì đạo. Tử đạo chính là sự hy sinh bản thân trong đời sống hằng ngày. Hy sinh từ bỏ ý riêng, hy sinh bớt bỏ những ước muốn trần tục, hy sinh nhịn nhục và hy sinh chịu thiệt thòi vì danh Chúa Kitô.
 
Ở đời, khi gặp những sự khốn khó, người ta thường khuyên nhủ nhau: Ông bà, anh chị hãy chấp nhận và vâng theo thánh giá Chúa gởi. Đây là kiểu nói thường tình để an ủi nhau trong cơn sầu khổ. Có thật Chúa gởi thánh giá đến cho ông bà và anh chị em không? Những đau khổ mà con người phải gánh chịu có nhiều nguyên nhân gây ra: Có thể do các biến cố xảy ra trong thiên nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần, sạt lở, bão tố, ngập lụt, lốc xoáy, tai ương… Có thể do nguồn tự nhiên ẩn tàng trong vũ trụ như các loại siêu vi, vi khuẩn, bứu độc, khí độc, ung thư và bệnh tật. Đau khổ cũng có thể do nghiệp chướng, nghiệp báo và nhân quả. Chiến tranh tàn phá, chết chóc, thương tích và hận thù ghen ghét cũng gây khổ đau cho con người. Có nhiều khổ đau xảy đến không do lỗi của chúng ta, mà do sự liên đới xã hội. Cũng có những đau khổ do chính chúng ta gây nên như say sưa, tai nạn, tù tội, cãi vã, đánh đập, hút sách, nghiện ngập và chơi bời gây ra bệnh hoạn tật nguyền… Có rất nhiều nguyên nhân gây tai họa khổ đau cho con người cả nội tâm lẫn ngoại hình và cả chủ quan lẫn khách quan. Chúng ta không đổ lỗi cho riêng ai. Đau khổ là thánh giá trong cuộc đời. Đức Phật Thích Ca nói: Đời là bể khổ. Sinh, lão, bệnh và tử đều nằm trong bể khổ. Đức Phật cố gắng tìm cách diệt khổ.
 
Với thánh giá, Chúa Giêsu có cách để biến đổi những khổ đau đó thành những bậc thang giúp chúng ta nên trọn lành. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy cùng vác những khổ đau thánh giá của chính mình hằng ngày và đi theo Chúa. Sự kết hợp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá là bí quyết. Thánh giá hay khổ đau sẽ không bao giờ trở nên vô ích cho phần rỗi của chúng ta. Thánh giá sẽ trổ sinh hoa trái cho đời sống hôm nay và mai hậu. John Newton chia sẻ: Những đau khổ mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo giây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chất lên vai chúng ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa và hôm sau tiếp tục…Cuối cùng ta cũng vác hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: Chẳng những họ chất lên vai khúc củi của ngày hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của ngày hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi.
 
Tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô: Quả thật, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ (Ga 3, 17). Thiên Chúa đã yêu thương con người qúa bội. Chúa Con đã đến trong thế gian mà còn hiến thân để cứu rỗi nhân loại: Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Phil 2, 8). Chúa Kitô đã hạ mình xuống tận cùng để mở con đường dẫn chúng ta thoát ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi và dẫn vào cõi phúc trường sinh. Không còn có tình yêu nào cao quí hơn nữa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta hết mình và vô điều kiện. Chúa Giêsu vâng lời thánh ý Chúa Cha để hy sinh chịu chết thay cho nhân loại. Sự đau khổ thập giá của Chúa Kitô đã mở đường dẫn đưa nhiều người đi vào con đường trọn lành. Trong Giáo Hội Công Giáo có Dòng Mến Thánh Giá, các tu sĩ yêu mến con đường thánh giá của Chúa. Họ thánh hóa cuộc sống hằng ngày qua sự dâng hiến những hy sinh đau khổ để trở thành ánh sáng và muối ướp mặn đời.
 
Lạy Chúa, Chúa đã chọn cây Thập Giá làm chìa khóa mở cửa Nước Trời. Phải trải qua đau khổ thánh giá mới có thể nhận lãnh triều thiên vinh quang. Xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận những thánh giá trong đời sống hằng ngày, để biến đổi nó thành niềm hy vọng, an vui và ơn cứu độ.   

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập359
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,873
  • Tổng lượt truy cập36,333,428
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây