Thiển đàm về chữ “Thần” trong văn hóa truyền thống phương Đông

Thứ tư - 16/08/2017 10:14

Thiển đàm về chữ “Thần” trong văn hóa truyền thống phương Đông

Người xưa thường nói: “Trên đầu ba thước có thần linh”. Trong rất nhiều tôn giáo cũng hay đề cập đến chữ “Thần” này. Vậy chữ này có nội hàm rộng lớn đến đâu, vì sao rất nhiều nền văn hóa đều kính ngưỡng Thần?
tín ngưỡng, thần linh, thần Phật,

Trên đầu 3 thước có thần linh, hết thảy việc lớn nhỏ trong đời của một người đều là được Thần an bài chi tiết. (Ảnh: Tumblr)

Nhìn lại quá trình phát triển của văn minh nhân loại, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều truyền thuyết về Thần ở phương Đông, như Thần Bàn Cổ khai thiên lập địa, Thần Nữ Oa vê đất nặn ra con người, Thần rồng Lạc Long Quân và tiên nữ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là thủy tổ của người Bách Việt.

Trong tôn giáo cũng có những người giác ngộ đắc Đạo thành Tiên, La Hán tu xuất khỏi Tam giới, Bồ Tát đại từ đại bi, Phật Thích Ca Mâu Ni phổ độ chúng sinh, v.v. Thậm chí là cả những truyền thuyết hay sự tích về Trời Đất Núi Sông như Đẻ đất đẻ nước, Thánh hiền anh linh như Thánh Gióng v.v. Có thể nói, ở phương Đông rộng lớn và huyền bí, vạn vật đều có linh.

Trong cuộc sống, người phương Đông chúng ta thường hay nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người xưa tin rằng: “Sinh, lão, bệnh, tử”, nhân duyên vợ chồng, sinh con trai, đẻ con gái, con đường công danh sự nghiệp, vận mệnh, phúc lộc, may mắn hay bất hạnh, việc thành hay bại, hết thảy việc lớn nhỏ trong đời của một người đều là được Thần an bài chi tiết. Họ mặc định rằng, “Thần” là đấng tối cao có mặt ở khắp mọi nơi!

1. Vậy, chữ “Thần” được hiểu như thế nào?

Trong ấn tượng trực quan của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì “Thần” là đại biểu cho những điều tốt đẹp, là từ bi, che chở và phù hộ cho con người thế gian và có hình tượng của con người. Điều này là có quan hệ trực tiếp với những truyền thuyết về Thần tạo ra con người phỏng theo hình tượng của mình.


tín ngưỡng, thần linh, thần Phật,

Chữ Thần trong tiếng Hán. (Ảnh: Zazzle)

Còn trong văn hóa truyền thống phương Đông, trong nền tảng chữ Hán, thì hàm nghĩa của “Thần” được chất chứa trong kết cấu của chữ “Thần”:

Trong thể chữ Kim Văn, chữ Thần (“神”) được cấu thành bởi chữ Thị (“示”) và chữ Thân (“申”). Chữ Thị (“示”) nằm bên trái của chữ Thân. Ngày nay, nó thường được viết thành “礻”, có nghĩa là bảo cho biết, mách cho biết. Từ ý nghĩa ấy, nó tượng trưng cho sự điểm hóa, gợi ý và khai thị của Trời đất và Thần đối với con người thế gian.

Bên phải của chữ “Thần” là chữ Thân (“申”), nó vốn là chữ gốc của chữ Thần (“神”). Trong một lý giải khác, chữ Thân (“申”) là chỉ các tia chớp của ngày mưa, nó biến hóa không ngừng. Khi chữ Kim Văn kế tục chữ Giáp Cốt thì có loại chữ Kim Văn viết chữ Thân (“申”) dưới hình dạng của đôi bàn tay, dựng thẳng đứng để biểu thị rằng Thần nắm trong tay hết thảy.

tín ngưỡng, thần linh, thần Phật,

Theo thứ tự: Chữ Giáp Cốt; Chữ Kim Văn; Chữ Tiểu Triện; Đồ hình thái cực. (Ảnh: Trithucvn)

Từ tính chất đặc biệt của chữ Hán tượng hình có thể thấy, tính “tương phản tương thành” (cùng đối lập và cùng bổ sung) và “tương sinh tương hóa” (cùng sinh và cùng biến hóa) của chữ Nhân (“人”) là được bắt nguồn từ đặc điểm của chữ Thần mà ra. Ví dụ chữ Nhân (“人”) được viết trong thể chữ Giáp Cốt, Kim Văn và Tiểu Triện được thể hiện trong hình dưới đây:

 
tín ngưỡng, thần linh, thần Phật,

Theo thứ tự: Chữ Giáp Cốt; Chữ Kim Văn; Và hai chữ Tiểu Triện. (Ảnh: Trithucvn)

Hay nói cách khác, hình tượng của con người chính là được tạo ra phỏng theo hình tượng của Thần.

Ngoài ra, giữa chữ Thân trong cách viết ở ba thể chữ Giáp Cốt, Kim Văn và Tiểu Triện và đồ hình Thái Cực về hình tượng mà nói, cũng là có mối liên hệ thần kỳ với nhau. Đây có lẽ là một loại chiết xạ vi diệu giữa Đạo gia và cội nguồn của nền văn minh Trung Hoa.

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, “Đạo” mang ba hàm nghĩa lớn. Thứ nhất là chỉ nhận thức của Đạo gia về căn nguyên vũ trụ và chân lý đại đạo. Bởi vậy mà Lão Tử nói: “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo”. Ông cũng lại nói: “Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.

Hàm nghĩa thứ hai của “Đạo” là chỉ “Thần”, ý tứ rằng “Đạo” cũng là “Thần”. Điều này được thể hiện qua câu: “Âm dương bất trắc chi vị Thần” (Ý nói: Trong âm có dương, trong dương có âm, nó không cố định nên khó mà có thể lường được, như vậy gọi là Thần). Đây đều là đứng từ góc độ của Thần mà miêu tả Đạo. Thứ ba, “Đạo” còn là những phép tắc của Đạo gia mà người tu luyện phải tuân theo.

Tóm lại, trong nhận thức về văn hóa truyền thống phương Đông thì Thiên đạo và Thần sáng tạo ra vạn sự vạn vật, bởi vậy, hình tượng và tín tức của Thần là không chỗ nào không có.

Cho nên, văn hóa truyền thống từ xưa đến nay luôn chú trọng:“Trời thuận theo Đạo, kính Thần lễ Phật”. Cho dù là Nho gia nhấn mạnh vào luân lý làm người, “tam cương ngũ thường” thì yêu cầu trước nhất đối với con người cũng là phải “kính Trời”, “thuận Thiên mệnh”. Đem luân thường đạo lý nơi thế gian con người tôn sùng là “Thiên Luân”, tức là luân thường đạo lý do trời quy định cho con người.

Cho đến ngày nay trong suy nghĩ của người phương Đông nói chung hay người Việt Nam nói riêng vẫn lưu giữ những ký ức về “Thần”, về “Trời”. Vì thế mà cho dù là người cố chấp, ngoài miệng luôn nói không tin Thần Phật nhưng ở vào bước đường cùng thì đều phát ra từ nội tâm của mình một tiếng than: “Trời ơi!”, hay những lời khẩn cầu: “Xin Thần Phật cứu giúp!”.

Cho dù là người kiêu căng ngạo mạn, tự cho rằng bản thân mình “không sợ Trời, không sợ Đất” nhưng ở vào lúc không thể đảo ngược được tình cảnh nữa thì cũng đành phải “chấp nhận số phận”.

tín ngưỡng, thần linh, thần Phật,

Thần Phật không phải tồn tại vị ban ơn cho con người, mà chính là giúp con người hướng thiện. (Ảnh: Wallpapers)

2. Người xưa kính ngưỡng Thần như thế nào?

Người xưa vô cùng kính Thần, và trong những tín ngưỡng của phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam thì đạo Phật là phổ biến nhất. Người Việt thể hiện lòng tôn kính Thần Phật thông qua truyền thống đi lễ chùa. Chùa chiền vốn là chốn vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục. Đây là nơi để những người xuất gia tĩnh tâm tu hành theo lời Phật dạy với mục đích là được giải thoát khỏi bể khổ luân hồi. Chùa chiền cũng là nơi những con người thế tục tới để tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật Pháp.

Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần chút vật chất gì của con người, mà vì sự từ bi, chư Phật muốn dang tay cứu độ con người thoát ra khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. “Sinh, lão, bệnh, tử”, cũng như hết thảy mọi sự việc ở cõi người vốn là chiểu theo luật nhân quả, ai làm điều ác sẽ kết ác duyên, ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên.

Thần Phật chỉ có thể giúp những người kính Phật tu tâm tích đức hành thiện, khuyên con người từ bỏ ham muốn vật chất, từ bỏ “tham, sân, si” để đạt được tâm thanh tịnh, tiến đến cảnh giới giác ngộ, chứ không thể “tùy tiện” ban phát tài lộc, công danh, hay giúp con người tiêu tai giải nạn.

Người xưa đi lễ chùa là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật, tạ ơn Thần Phật đã luôn từ bi che chở. Họ biết rằng điều Thần Phật dạy con người là tu thân tích đức, điều Thần Phật ban cho con người không phải là tiền bạc, của cải hay sức khỏe mà là trí huệ và sự giác ngộ tâm linh. Họ tin tưởng rằng, Thần linh nhìn thấu được tâm tưởng của mình, tâm tính tốt thì tất sẽ được thuận lợi và phúc báo, giống như câu “tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”.

Ngày nay, người ta thường đến chùa để tìm kiếm sự bình an và thanh thản trong lòng. Nhưng cũng có không ít người đến chùa để “trút bỏ” những sự tình không được như ý, cầu sự nghiệp thành đạt, cầu tình duyên tốt đẹp, cầu mọi việc thuận lợi, tiêu tai, giải nạn, v.v. Nhưng kỳ thực, chiêu mời phúc hay họa đều là tự bản thân mình mà ra, không nên cưỡng cầu trước Phật!

 

Tác giả bài viết: Theo Trithucvn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập33
  • Hôm nay6,869
  • Tháng hiện tại315,689
  • Tổng lượt truy cập36,370,244
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây