Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 13/07/2014 23:34
Trong dân gian lâu nay vẫn tồn tại quan niệm "trông mặt mà bắt hình dong". Vậy, giữa tướng mạo và tính cách, số phận có mối liên hệ nào không? Nếu có thì hóa giải "tướng xấu" như thế nào?
"Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người dẫn giải: Không phải ngẫu nhiên mà người ta đúc kết thành những câu nói để chỉ mối quan hệ giữa nhân tướng với tính cách, số phận của con người, kiểu "trông mặt mà bắt hình dong". Ví như "Những người ti hí mắt lươn, Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người", "Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng lại khéo chăm con", "Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà"...
Trong cuốn Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng sử dụng nhiều câu "bắt hình dong", sau này được sử dụng rộng rãi trong đời sống khi được đem ra làm "quẻ bói" (bói Kiều). Chẳng hạn "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" để chỉ người có vẻ đẹp phúc hậu, cuộc đời sẽ được an nhàn, thảnh thơi. Hay "Thoắt trông nhờn nhợt màu da, Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao", mới nghe qua đã thấy người như thế không mấy cảm tình, khó mà sống lương thiện được.
Cũng theo ông Hải, việc vận dụng những câu "bắt hình dong" ấy khá phổ biến trong xã hội, kể cả xã hội hiện đại. Người ta xem mặt con dâu tương lai khi đến ra mắt gia đình chồng, tuyển nhân sự ở các doanh nghiệp, thậm chí là chọn đối tác làm ăn người ta cũng xem xét dưới góc độ nhân tướng.
Điều đáng chú ý là không chỉ trong dân gian mà Phật giáo cũng quan tâm tới vấn đề tướng học.
Hình minh họa Ngũ tinh Lục diệu trong tướng mặt.
"Tướng tại tâm sinh, tướng tùy tâm diệt"
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho hay, Phật giáo cũng quan tâm đến tướng. "Trong kinh điển Phật giáo có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Theo đó, những người ngực nở; vai bằng; tay dài, ngón thon, mềm, ấm; giữa hai hàng lông mày có một nhúm lông; có cục thịt trên đầu... là người có tướng tốt", ông Tĩnh lấy dẫn chứng.
"Tuy nhiên, tướng trong quan niệm nhà Phật có mối liên hệ chặt chẽ với tâm, từ tâm sinh ra tướng, cũng từ tâm mà tướng bị diệt ("tướng tại tâm sinh, tướng tùy tâm diệt"). Bên cạnh đó, tướng không chỉ xét về mặt thẩm mỹ mà còn là khí sắc. Do đó, có thể một người có tướng tốt nhưng tâm không tốt thì cái tướng đó dù đẹp nhưng sẽ không có khí sắc. Người ta có đi thẩm mỹ viện thì cũng không thay đổi được cái tướng ấy, nếu như tâm họ không sáng" ông Tĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo quan điểm nhà Phật, tướng không đơn thuần là hình dáng mà còn xét cả với những thứ xung quanh (hình tướng). Ví dụ, một người yêu thương động vật hoặc quanh nhà trồng nhiều cây xanh cũng thể hiện tướng tốt.
Hoàn toàn có cơ sở!
Trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, giữa tướng mạo với tính cách, tương lai con người có mối liên hệ với nhau. Cesare Lombroso (1835 - 1909) là một nhà xã hội học, tội phạm học, bác sĩ người Ý nổi tiếng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tội phạm học. Ông đã từng đưa ra những luận điểm phân tích, chứng minh giữa hành vi phạm tội với cấu trúc cơ thể. Theo ông, những người có các nét ngoại hình gần giống với tổ tiên loài người hơn sẽ có khả năng trở thành tội phạm cao hơn những người khác, ví như cằm bạnh, răng nanh khoẻ, trán thấp, gò má nhô, tai vểnh, nhiều râu tóc và cánh tay dài bất thường...
Liệu có cơ sở nào giữa nhân tướng với tính cách, số mệnh con người? Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng "điều đó không phải là không có cơ sở".
Ông Hải viện dẫn: "Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các nước phương Tây có khoa học nhân tướng học. Nhân tướng học cũng được sử dụng phổ biến trong khối ngành an ninh".
Lý giải mối quan hệ này, ông Hải nói: "Trông mặt mà bắt hình dong" có cơ sở dựa trên mối quan hệ giữa chức năng với cấu trúc, nội dung với hình thức. Ví như con vịt có cấu trúc như thế thì nó sẽ có những chức năng mà con gà không thể có. Con người ngoài những cấu trúc chung thì còn có những nét đặc trưng, liên quan đến đặc điểm tính cách. Sau khi kiểm chứng những người có một vài điểm ngoại hình giống nhau mà có chung tính cách, số phận thì người ta đúc rút thành kinh nghiệm và lấy đó làm "hệ quy chiếu" để áp dụng cho những người khác có nét ngoại hình tương tự".
ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội tỏ ra thận trọng khi nhìn nhận: Phương Đông thiên về chủ nghĩa kinh nghiệm và nặng về mô tả (trong khi khoa học phương Tây lại chuộng thực chứng và thực nghiệm, xem xét ở cả hai khía cạnh nhân trắc học (đo đạc) và nhân tướng học). Mà đã là kinh nghiệm thì dựa vào vốn sống, vào sự giao thiệp rộng hay hẹp của mỗi người. "Do đó, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về việc một số người có thể đoán được tương lai, vận mệnh của người khác", ông Hoàng khẳng định.
Tuy nhiên, cũng chính vì theo kinh nghiệm nên "có thể đúng, có thể sai; đúng với số đông nhưng sai với số ít còn lại", ông Hoàng nói. "Chẳng riêng gì theo chủ nghĩa kinh nghiệm mà trong khoa học cũng có xác suất hiếm. Người ta có thể dựa trên một số đông mẫu để dự đoán nó. Ví như nếu có khoảng 1.000 người cùng có kiểu đi giống nhau và thành danh ở một lĩnh vực thì người ta sẽ dễ dàng đưa ra dự báo cho người thứ 1.001 trở đi mà có chung dáng đi ấy. Tuy nhiên, rất có thể trong số 1.000 người đó lại có 3 người không thành danh như số đông còn lại. Do vậy, việc dự đoán tương lai cho những người có dáng đi tương tự 1.000 người này sẽ không hoàn toàn chính xác được nữa".
Bên cạnh đó, ThS Thạch Mai Hoàng cũng chỉ ra rằng, việc hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, không đo đạc cũng thật mơ hồ. Chẳng hạn, dân gian có câu "Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà". Nhưng thế nào là miệng rộng? Hay việc nói rằng "to bụng là tướng làm quan" nhưng thực ra hiện nay, nhiều người to bụng vì uống bia nhiều, lười vận động chứ đâu có tài cán gì mà đòi làm tướng làm quan?
Mặc dù vậy, ThS Thạch Mai Hoàng cũng thừa nhận việc "trông mặt mà bắt hình dong" là "hoàn toàn có cơ sở", bởi "dù là kinh nghiệm song nó cũng được kiểm chứng ít nhiều qua thực tiễn rồi".